BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Tin dự án
Các biện pháp sàng lọc đầu tư trong bối cảnh COVID 19 của một số quốc gia.
Thứ Hai, 25/01/2021 02:43

Ủy Ban Kinh tế Liên Hợp quốc Châu Âu (UNECE) đã khởi động “Đài quan sát tình trạng biên giới” – một website cập nhật tất cả thông tin về các lệnh hạn chế trên toàn cầu, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải và duy trì sự kết nối chuỗi cung ứng.

- EU là khu vực đầu tiên áp dụng các biện pháp khẩn cấp liên quan tới ĐTNN nhằm bảo hộ các doanh nghiệp và những tài sản chiến lược của nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, áp dụng cơ chế sàng lọc ĐTNN  đối với các trường hợp mua cổ phần từ 5% trở lên của tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Đức yêu cầu mọi giao dịch ĐTNN từ 10% cổ phần trở lên đều phải được phê duyệt bởi Bộ Kinh tế và Năng lượng. Đức cũng thực hiện quốc hữu hóa các công ty chiến lược nhằm bảo đảm mục tiêu lợi ích công.

Tây Ban Nha dự kiến đánh giá lại các dự án ĐTNN đã được phê duyệt trước đây thuộc các trường hợp: (i) Nắm giữ từ 10% cổ phần trở lên của một công ty TBN; (ii) nắm được quyền quản trị công ty; (iii) nắm được quyền kiểm soát công ty.  

Ý xem xét xếp hạng các công ty niêm yết để áp dụng quy định “quyền hạn đặc biệt” - cho phép Thủ tướng phủ quyết hoặc áp đặt các điều kiện với giao dịch ĐTNN trên Sàn chứng khoán.

Pháp hỗ trợ các công ty nội địa bằng cách tái cấp vốn, mua cổ phiếu hoặc quốc hữu hóa trong trường hợp cần thiết. “Cổ phiếu vàng” cũng được áp dụng như chốt chặn cuối cùng tại các nước thành viên, để ngăn chặn các giao dịch ĐTNN không phù hợp.

Vương quốc Anh yêu cầu bắt buộc phải cung cấp thông tin đối với bất cứ ai tham gia hoặc có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng thực phẩm trên toàn quốc nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, một số sáng kiến như chiến dịch online “Hành động để cứu bánh mì” tại Pháp, chiến dịch “Hỗ trợ quốc gia” của Đức giúp tận dụng các lao động bản địa, kết nối nông dân và các lao động tiềm năng. Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha… cũng gia hạn visa cho các lao động nước ngoài đã hết hạn thị thực để ở lại làm việc do thiếu lao động trong mùa thu hoạch.

- Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đã mở rộng phạm vi kiểm duyệt đầu tư đối với những dự án liên quan đến an ninh quốc gia. Uỷ ban đầu tư nước ngoài (CFIUS) có thẩm quyền sàng lọc dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ và cơ sở hạ tầng trọng yếu, kinh doanh dữ liệu cá nhân nhạy cảm của công dân Hoa Kỳ.

- Úc

Giao dịch ĐTNN từ 15% cổ phần phải có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Ngân khố Úc. Úc cũng ưu tiên các hồ sơ đăng ký khẩn cấp cho các khoản đầu tư nhằm bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp và việc làm của những người dân Úc.

- Nhật Bản

 Nhật Bản yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên (trong các công ty quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia) phải được sự chấp thuận của Chính phủ[1]. Ngoài ra, Chính phủ cũng hợp tác với Hiệp hội sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) để theo dõi sự chia sẻ thông tin giữa các nhà sản xuất và nhà cung ứng, đảm bảo sự thông suốt trong chuỗi cung ứng.

- Ấn Độ

Ấn Độ vừa qua cũng ban hành cơ chế yêu cầu sự phê duyệt của Chính phủ đối với tất cả các khoản ĐTNN từ những nước có biên giới liền kề Ấn Độ. Đồng thời, sự chuyển đổi quyền sở hữu của vốn ĐTNN trong các công ty Ấn Độ, dù là trực tiếp hay gián tiếp, hiện tại hay trong tương lai, cũng đều phải được Chính phủ phê duyệt.

Uỷ ban giao dịch và chứng khoán Ấn Độ tuyên bố sẽ theo dõi và giám sát chặt chẽ các hoạt động đầu tư gián tiếp của các Công ty và ngân hàng của Trung Quốc, Hồng Kông và 11 quốc gia Châu Á khác tại thị trường chứng khoán và thị trường vốn Ấn Độ.



[1] Theo Nikkei Asian Review ngày 21/4/2020

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 603
Thông báo