BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Tin dự án
Thách thức lớn nhất do tác động của dịch Covid-19 là sự suy giảm nguồn cung vốn đầu tư nước ngoài trong khi nhu cầu gia tăng.
Thứ Hai, 25/01/2021 02:41

Sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 buộc Chính phủ nhiều nước phải thực hiện chính sách đóng cửa biên giới, dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, gián tiếp làm giảm nhu cầu đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói riêng.

Làm trì hoãn quyết định đầu tư mới, tăng vốn hoặc mở rộng đầu tư: 20 đối tác ĐTNN lớn nhất của Việt Nam (chiếm 96% tổng vốn ĐTNN đăng ký) đều nằm trong nhóm các nước chịu nhiều ảnh hưởng nhất của Covid-19. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhà đầu tư, doanh nghiệp có xu thế tái định vị sản xuất và đưa ra các kế hoạch triển khai kinh doanh ứng phó với khủng hoảng hơn là chấp nhận rủi ro đầu tư mới, mở rộng đầu tư. Điều này sẽ trực tiếp tác động làm suy giảm dòng vốn đăng ký vào Việt Nam.

Làm ảnh hưởng đến kế hoạch dịch chuyển của các công ty đa quốc gia: Đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động và kế hoạch dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia.

 Xu hướng đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập, góp vốn mua cổ phần các doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực, chuỗi cung ứng và địa bàn quan trọng. Đại dịch Covid-19 đang trở thành cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính có xu hướng tranh thủ cơ hội cổ phiểu lao dốc, thị trường bất ổn để “thâu tóm” các doanh nghiệp trong nước vốn đang bị tổn thương nặng nề với giá rẻ, thậm chí sẽ có khả năng ảnh hưởng đến an ninh kinh tế quốc gia nếu các doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực trọng yếu bị doanh nghiệp nước ngoài bị mua lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn để kiểm soát điều hành doanh nghiệp.

Nguy cơ gia tăng tình trạng gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, đầu tư núp bóng qua nhiều quốc gia và địa phương.... trong hoạt động ĐTNN

Từ năm 2019, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang, đã có sự dịch chuyển đầu tư nhất định từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam thông qua các hình thức như: (i) tham gia mua vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam để né tránh các thủ tục đầu tư, tham gia điều hành và chuyển hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước; (ii) đặt hang gia công tại Việt Nam (EOM) và (iii) Đi vòng, thành lập ở các nước thứ 3 (British Virgin Island, Cayman Island…) để từ đó đầu tư vào Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, qua công tác quản lý thị trường, xuất xứ hàng hóa, đã phát hiện một số trường hợp hàng hóa Trung Quốc mượn đường, mượn xuất xứ, lẩn tránh thuế dưới vỏ bọc “hoạt động đầu tư nước ngoài”.

Nguy cơ tiếp nhận các dự án công nghệ thấp trong làn sóng chuyển dịch và tái định vị chuỗi cung ứng: Thời gian tới, dự báo nguy cơ các dự án chất lượng thấp sẽ chuyển ra ngoài Trung Quốc sang các nước có tiêu chuẩn thấp hơn.

Cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia thời kỳ Covid-19 sẽ ngày càng gay gắt do nguồn cung FDI giảm trong khi nhu cầu thu hút FDI phục hồi kinh tế gia tăng: Các nước trong khu vực sẽ đều có chính sách thu hút và giữ chân nhà đầu tư hậu Covid-19, do đó đây sẽ là cuộc đua cạnh tranh gay gắt để thu hút FDI. Nhiều nước đã ban hành các Chính sách được thiết kế riêng, với ưu đãi cụ thể để đón đầu làn sóng đầu tư mới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải cạnh tranh với chính các quốc gia phát triển của chủ đầu tư (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…..) khi Chính phủ các nước này khuyến khích các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn rút về đầu tư tại chính quốc.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 513
Thông báo