BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tin dự án
Triển vọng đột phá M&A Việt Nam năm 2021
Chủ Nhật, 24/01/2021 09:29

Những thay đổi về chính sách đầu tư, mở rộng hội nhập quốc tế,... thị trường M&A Việt Nam năm 2021 được dự đoán sẽ có bước phát triển đột phá sau khi nền kinh tế đã dần phục hồi.

Những thay đổi về chính sách đầu tư

Trong những năm gần đây, hoạt động M&A đều cho thấy, công thức cơ bản để thúc đẩy thị trường sôi động hơn trên nhiều lĩnh vực không nằm ngoài các tiêu chí về cải thiện mức độ minh bạch của hệ thống pháp luật, tích cực trong cải cách hành chính, đẩy nhanh các quá trình cấp phép trong hoạt động đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư.

Trên cơ sở đó, ngày 17/6/2020, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (Luật Đầu tư 2020). Có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Luật Đầu tư 2020 được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và cũng kéo theo dự đoán, thị trường M&A sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.

Luật Đầu tư 2020 đã giảm số lượng các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành, nghề xuống còn 227 ngành, nghề như được liệt kê tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư cũng được bổ sung, điển hình như các lĩnh vực: giáo dục đại học; sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ; sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế; sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Điều này cho phép các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn, có nhiều lựa chọn hơn khi họ quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Luật Đầu tư 2020 bổ sung quy định về điều kiện “tiếp cận thị trường” đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Chính phủ sẽ công bố “Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường”, để quy định rõ ràng về ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Mục tiêu của việc đưa ra Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường là tạo nên một cơ chế minh bạch và rõ ràng để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham chiếu nhằm biết được mình có thể đầu tư hoặc chưa được đầu tư vào những lĩnh vực cụ thể nào. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng sẽ dễ dàng xác định được các điều kiện, cũng như quy trình, thủ tục cần thiết mà mình phải tuân thủ để hiện thực hóa quyết định đầu tư.

Nếu không thuộc phạm vi các ngành, nghề quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đáp ứng các điều kiện “tiếp cận thị trường” bình đẳng như đối với một nhà đầu tư trong nước. Đây có thể sẽ là một điểm tích cực kích thích thị trường M&A trở nên sôi động hơn.

Cũng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 (Luật Doanh nghiệp 2020).

Đây được xem như là công cụ hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp giúp Việt Nam đáp ứng các chuẩn mực và thông lệ phổ biến trên thế giới. Luật này đã bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết và tăng cường các nội dung nhằm bảo vệ nhà đầu tư nói chung, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí, nhất là trong việc tổ chức lại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành các nghị quyết nhắm vào mục tiêu ổn định kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP). Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đầu tư. Điều này là thông điệp khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam trong việc khuyến khích và bảo vệ hoạt động đầu tư ổn định tại thị trường trong nước.

Theo Báo cáo Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam và Báo cáo Xu hướng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020, những ngành đang nhận được sự quan tâm đầu tư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay là các ngành liên quan đến sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, đồ uống và bán lẻ. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi Chính phủ đã và đang từng bước hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp giảm thiểu các thủ tục hành chính về công bố sản phẩm và kiểm tra hàng hóa nhập khẩu đối với một số mặt hàng cụ thể, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất.

Ngoài ra, trước tình hình Mỹ và các nước châu Âu đều đang có kế hoạch khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nước mình chuyển dần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một trong những quốc gia có cơ hội thu hút các nhà đầu tư trước làn sóng chuyển dịch này.

Xu hướng M&A trong một số lĩnh vực

Trên cơ sở hành lang pháp lý hiện tại, cũng như bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang phải đương đầu với cú sốc Covid-19, có thể nhìn thấy xu hướng M&A trong một số lĩnh vực cụ thể sau đây:

Lĩnh vực phân phối bán lẻ: Ngày 8/6/2020, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Nổi bật là việc Quốc hội đã chính thức phê duyệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA). Đây là cơ sở để củng cố làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Lĩnh vực này dự đoán sẽ dẫn đầu và có sự phát triển mạnh trong năm 2021, khi một số loại thuế quan áp dụng cho hàng hóa từ châu Âu được dỡ bỏ ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng đồng ý bỏ yêu cầu về kiểm tra nhu cầu kinh tế (Economic Needs Test) theo lộ trình cam kết.

Thương mại điện tử: Bối cảnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm, cùng với việc ban hành các quy định về giãn cách xã hội làm thay đổi mạnh mẽ thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Họ nhanh chóng chuyển sang sử dụng các kênh mua sắm trực tuyến, đem lại tiềm năng thu hút hoạt động M&A trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Lĩnh vực y tế: Những năm gần đầy, M&A trong lĩnh vực này cũng khá sôi nổi khi nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của đại bộ phận dân cư ngày càng cao. Không thể phủ nhận, việc phát triển nhanh chóng của các bệnh viện quốc tế hoặc các bệnh viện được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế đã giúp giảm tải cho hệ thống bệnh viện công. Cùng với đó là uy tín đang dâng cao của Việt Nam trong quá trình đưa ra các quyết sách nhằm đối phó với dịch bệnh và phát triển kinh tế nói chung, cũng như nỗ lực được xã hội ghi nhận của ngành y tế nói riêng, có thể tạo nên cảm hứng đối với nhà đầu tư.

Lĩnh vực bất động sản: Kịch bản M&A trong lĩnh vực bất động sản có thể khác biệt đối với các phân khúc khác nhau. Đối với các nhà đầu tư có nguồn vốn vững mạnh, họ có khuynh hướng đầu tư vào các khu vực bất động sản có vị trí đắc địa mà trước đây chưa thể đầu tư vì nhiều lý do.

Theo Báo cáo Toàn cảnh thị trường M&A, các giao dịch trong lĩnh vực bất động sản đang hướng tới mục tiêu là các dự án nghỉ dưỡng hoặc các khách sạn ở vị trí trung tâm và thu hút dân cư. Tuy nhiên, trước tình hình ngành du lịch và khách sạn đang phải gồng gánh hậu quả từ Covid-19, dự đoán "khẩu vị" của nhà đầu tư có thể có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Theo đó, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ chuyển hướng phát triển mạnh trong lĩnh vực văn phòng hoặc những dự án phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, tùy vào loại hình dự án, nhà đầu tư cần phải kiểm tra tính pháp lý liên quan đến mục đích sử dụng đất, hình thức sử dụng đất, các tài liệu liên quan đến quyền sở hữu của dự án mục tiêu để có thể đưa ra một chiến lược đầu tư hiệu quả.

Các ngành dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cũng có thể ghi tên mình trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường M&A, bởi EVFTA là hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao về mở cửa thị trường. Riêng đối với lĩnh vực dịch vụ vận tải, dù đây cũng là một trong những ngành có thể phát triển dựa trên EVFTA, nhưng trong diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp và khả năng tái bùng phát cao, có lẽ dịch vụ vận tải sẽ chịu lép vế trong thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức và cũng tạo không ít cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy tình hình thị trường hiện tại không bùng nổ như những năm trước đây, nhưng với những thay đổi về chính sách đầu tư, tư tưởng mở rộng trong hội nhập quốc tế cùng với uy tín hiện có, dự đoán thị trường M&A Việt Nam trong năm 2021 sẽ có bước phát triển đột phá sau khi nền kinh tế đã dần phục hồi.

Số lượt đọc: 486
Thông báo