BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Tin dự án
Biện pháp ứng phó của các quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19
Chủ Nhật, 24/01/2021 09:22

Chính sách đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những tác động tới kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19. Nhiều nước trên thế giới đã có những biện pháp hỗ trợ đầu tư và bảo vệ những ngành trọng yếu trong nước trước khủng hoảng

. Nhóm giải pháp chung

Chính sách đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những tác động tới kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19. Nhiều nước trên thế giới đã có những biện pháp hỗ trợ đầu tư và bảo vệ những ngành trọng yếu trong nước trước khủng hoảng. Các biện pháp hỗ trợ cụ thể bao gồm:

(i) Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư: các gói cứu trợ kinh tế; các gói hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc; các biện pháp hỗ trợ dưới hình thức giãn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, các khoản vay và bảo lãnh Chính phủ, hoặc trợ cấp tiền lương cho người lao động và tiền thuê mặt bằng của doanh nghiệp; các biện pháp kích thích nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế; Chính phủ mua lại cổ phần các doanh nghiệp then chốt của nền kinh tế đang gặp khó khăn cũng như cung cấp các gói vay và bảo lãnh cho các nhà cung ứng trong nước nằm trong chuỗi cung ứng.

(ii) Các biện pháp sàng lọc ĐTNN: Một số quốc gia sớm thoát ra khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh có xu hướng gia tăng đầu tư và M&A tại nước khác, để tận dụng cơ hội thâu tóm giá rẻ trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm rất mạnh, thị trường chứng khoán toàn cầu biến động liên tục; các doanh nghiệp không niêm yết cũng rất khó khăn. Để bảo vệ các lĩnh vực được xem là quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, một số nước đã thắt chặt cơ chế sàng lọc ĐTNN, chuẩn bị hoặc đã ban hành những chính sách mới về đầu tư nước ngoài.

(iii) Các biện pháp ứng phó thiếu hụt lao động: Hạn chế về dịch chuyển lao động tự do giữa các nước đã dẫn tới thiếu hụt nguồn lao động, điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp tại các nước phát triển, và công nghiệp tại các nước đang phát triển. Nhiều sáng kiến đã được triển khai như kết nối người sử dụng lao động với các lao động thời vụ tiềm năng; tuyển dụng nhân lực từ các ngành, nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sang làm các lĩnh vực đang có nhu cầu về lao động; cho phép nhập cảnh đối với các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, hay cấp, gia hạn thị thực, giấy phép lao động cho lao động nước ngoài đã hết thời hạn lưu trú.

(iv) Các biện pháp ngăn chặn sự đứt gãy của chuỗi cung ứng: Để tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa và duy trì sự kết nối trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nước đã phối hợp, tăng cường chia sẻ thông tin về các lệnh cấm, hạn chế biên giới nhằm đảm bảo việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm và thiết bị y tế cho tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu. Đồng thời, kết nối các nhà sản xuất và nhà cung cấp trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm để đảm bảo nguồn cung, duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất.

(iv) Các biện pháp về XTĐT: đẩy nhanh thủ tục cấp phép đầu tư, tăng cường sử dụng các công cụ và nền tảng trực tuyến, các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến dịch bệnh COVID-19 của các cơ quan xúc tiến đầu tư.

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư

- Châu Âu đạt được thỏa thuận về Kế hoạch phục hồi 750 tỷ Euro (2% GDP toàn EU) được phân bổ cho 3 mục tiêu: (i) tài trợ các nước thành viên tái đầu tư và cải cách chính sách, phát triển theo hướng “kinh tế số” và “kinh tế xanh”; (ii) ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong khu vực tư nhân; (iii) nghiên cứu, phát triển hệ thống y tế. Trong đó 630 tỷ Euro được phân bổ vào mục tiêu thứ nhất.[1]

- Hoa Kỳ  tung ra gói cứu trợ 2.200 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong nước và đang nghiên cứu triển khai gói kích thích kinh tế dự kiến khoảng 1-3 nghìn tỷ USD cho các nước khác tham gia chuỗi cung ứng.

- Hàn Quốc công bố gói cứu trợ bổ sung trị giá 33 tỷ USD  (tương đương 40 nghìn tỷ Won) cứu trợ các Công ty, Tập đoàn lớn trong 07 ngành trọng điểm: hàng không, vận tải, ô tô, đóng tày, cơ khí, năng lượng và viễn thông[2].

- Nhật Bản: Chi ngân sách 2,2 tỷ USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp quay trở lại Nhật Bản (90% ngân sách đối với lĩnh vực công nghệ và sản phẩm thiết yếu) và tìm kiếm địa điểm sản xuất mới tại các nước Nam Á (10% ngân sách áp dụng cho các dự án có giá trị công nghệ thấp). Ngày 27/5/2020, Chính phủ Nhật Bản ban hành gói cứu trợ bổ sung 117 nghìn tỷ Yen (1,1 nghìn tỷ USD). Theo đó, tổng giá trị 2 gói cứu trợ đến nay khoảng 2.340 tỷ Yen (2,2 nghìn tỷ USD), tương đương 40% GDP[3].

- Trung Quốc: cung cấp 4,2 nghìn tỷ RMB (527 billion USD) hỗ trợ ngành ngân hàng để nâng cao thanh khoản; 1,8 nghìn tỷ RMB để cho vay, tái cấp vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ sản xuất và nguồn cung y tế...[4]

- Đài Loan: Chính quyền Đài Loan đã đưa 6 gói hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 300 triệu USD bao gồm: hỗ trợ vốn, nâng cấp dây truyền sản xuất, R&D, đào tạo nhân lực, đa dạng hình thức kinh doanh, tăng sức mua...

- Malaysia: Ngân sách hỗ trợ giãn thuế doanh nghiệp lên tới 240 triệu USD. Ngoài ra, ban hành gói kích thích kinh tế 4,8 tỷ USD nhằm thực hiện các chiến lược bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tự động hóa và số hóa trong các quy trình quản trị và sản xuất của doanh nghiệp trong nước[5].

. Các biện pháp ưu đãi, khuyến khích đầu tư

- Ấn Độ: (i) Đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 4 năm cho các khoản ĐTNN từ 100 triệu USD trong các ngành như dệt may, chế biến thực phẩm, da và giày dép cũng được xem xét. (ii) Đề xuất miễn thuế TNDN trong 10 năm cho các khoản ĐTNN từ 500 triệu USD lĩnh vực thiết bị y tế, điện tử, thiết bị viễn thông…; (iii) Đề xuất cấp GCNĐKĐT trong vòng 1 tuần với điều kiện NĐT đồng ý hoàn thiện hồ sơ trong vòng 1 năm; (iv) Miễn 100% thuế trong 3 năm áp dụng với các doanh nghiệp khởi nghiệp trước 1/4/2020 với doanh thu ít hơn 250 triệu rupi (gần 3,48 triệu đô la Mỹ) khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới, phát triển, triển khai hoặc thương mại hóa công nghệ mới hoặc một sản phẩm sở hữu trí tuệ.

- Indonesia: Miễn thuế từ 05–10 năm đối với các ngành: luyện kim, lọc dầu, hóa chất cơ bản, máy công nghiệp, tài nguyên tái tạo, thiết bị viễn thông

- Thái Lan: (i) Ngoài giãn thuế từ 3-8 năm để đẩy nhanh đầu tư trong lĩnh vực sản xuất y tế; giảm 50% thuế TNDN trong 3 năm cho các doanh nghiệp có đóng góp ít nhất 50% giá trị gia tăng nội địa trong giai đoạn 2020-2021; (ii) Miễn thuế nhập khẩu máy móc và thuế TNDN 3 năm với mức miễn không vượt quá 50% vốn đầu tư (không bao gồm chi phí đất và vốn lưu động) đối với các dự án R&D, sử dụng năng lượng thay thế, nâng cấp công nghệ; (iii) Khấu trừ 150-200% chi phí đào tạo lao động vào thuế TNDN.

- Singapore: (i) Hoãn việc thanh toán nộp thuế TNDN 03 tháng (hết tháng 6/2020); (ii) giảm thuế tài sản 10-30%, một số tài sản bất động sản thương mại dịch vụ (khách sạn, căn hộ dịch vụ,…) có thể giảm đến từ 30-100%; (iii) hỗ trợ khoản vay lưu động trước khi giao hàng cho các doanh nghiệp sản xuất từ 5 – 10 triệu đô la Singapore; (iv) giảm giá và phí hạ cánh và đỗ xe tại sân bay (thông qua gói hỗ trợ hàng không 350 triệu đô la Singapore)[6].

- Malaysia: (i) Giảm trừ tới 60% thuế trong 10 năm cho các doanh nghiệp  có vốn đầu tư lớn, dự án khó thu hồi vốn; (ii) Miễn thuế 5 năm cho ngành thực phẩm; 10 năm với ngành thực phẩm mới; 10–15 năm ngành công nghiệp vũ trụ, công nghệ sinh học,...; (iii) Hỗ trợ dòng tiền: trả góp thuế từ 3-9 tháng; hoãn thuế 6 tháng cho doanh nghiệp  đào tạo nguồn nhân lực; Liên kết các khoản quyên góp xã hội cho các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng.

- Myanmar: Cấp cho nhà đầu tư quyền khấu hao tài sản của mình với tỷ lệ bằng 1,5 lần tỷ lệ khấu hao được phép thông thường.

- Lào: (i) miễn thuế thu nhập doanh nghiệp  trong 3 tháng; miễn thuế nhập khẩu hàng hóa phục vụ ngăn chặn, phòng chống Covid-19; (ii) giãn thuế với doanh nghiệp  trong lĩnh vực du lịch; gia hạn thời gian báo cáo tài chính và dừng các hoạt động thường niên đối với doanh nghiệp .



[1] Theo Ủy Ban Châu Âu ngày 27/5/2020

[3] Theo Reuters ngày 27/5/2020

[4] Theo số liệu từ IMF cập nhật đến 4/6/2020 https://www.imf.org/en/Topics/imf-and-covid19/Policy-Responses-to-COVID-19#C

[6] Theo Asean Briefing ngày 01/4/2020: https://www.aseanbriefing.com/news/singapore-announces-second-covid-19-stimulus-package-salient-features/

Số lượt đọc: 455
Thông báo