BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 23/01/2025
Tin dự án
Việt Nam đang hấp dẫn các Tập đoàn lớn đầu tư vào
Chủ Nhật, 24/01/2021 08:25

Thông tin về việc Samsung, Google, Apple đầu tư vào Việt Nam cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn, tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Loạt dự án FDI 'khủng' sắp đặt chân vào Việt Nam

Mới đây Tờ Báo Nikkei Asian Review đưa tin, tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Thiên Tân (Trung Quốc) tới Việt Nam, Mexico, Hungary, Ai Cập và một số nơi khác. Đại diện Samsung khẳng định: Samsung đưa một phần nhà máy TV sang Việt Nam sẽ giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng trở nên hiệu quả hơn.

Động thái Samsung đưa một phần nhà máy TV sang Việt Nam là một phần trong xu thế lớn hơn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang trong lộ trình di dời chuỗi cung cấp của họ ra khỏi "công xưởng của thế giới" Trung Quốc.

 

Trước đó, trên nhiều diễn đàn công nghệ lớn đã xuất hiện hình ảnh rò rỉ của một chiếc vỏ hộp điện thoại Google Pixel 4A với hàng chữ "Made in Vietnam". Điều này đã củng cố kỳ vọng về việc Google chính thức sản xuất mẫu điện thoại mới nhất tại Việt Nam.

Hồi đầu năm nay, tờ Nikkei đã tiết lộ Google dự định sẽ để một nhà máy tại Vĩnh Phúc sản xuất điện thoại. Dòng sản phẩm được lắp ráp tại đây sẽ là mẫu điện thoại mới nhất, Google Pixel 4A. Việc lắp ráp sẽ bắt đầu từ sau tháng 4 và có thể mở rộng ra cả dòng Pixel 5 vào tháng 10 tới.

Tương tự, khoảng tháng 8/2020, Giám đốc đối ngoại của Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam, ông Tăng Tuệ Bằng, cho biết thời gian qua, lãnh đạo của tập đoàn Apple đã nhiều lần về nhà xưởng của công ty này tại khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để kiểm tra các điều kiện sản xuất điện thoại iPhone, bao gồm yêu cầu về nhà xưởng, quy mô và vốn đầu tư.

Được biết, Luxshare đứng thứ 20 trong top 100 công ty lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là một trong 3 công ty sản xuất sản phẩm cho tập đoàn Apple, trong đó thương hiệu điện thoại đình đám iPhone.

"Phía Apple liên tục khảo sát điều kiện sản xuất iPhone tại xưởng sản xuất của Luxshare ở Bắc Giang. Tập đoàn Apple rất ấn tượng bởi tốc độ xây dựng cơ sở vật chất của chúng tôi tại đây. Đồng thời, qua nghiên cứu thực tế, Apple đánh giá cao tiềm năng của người lao động tại tỉnh Bắc Giang", ông Bằng chia sẻ.

Thông tin về việc Samsung, Google, Apple đầu tư vào Việt Nam cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn, tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Thu hút FDI cần cơ chế cạnh tranh minh bạch, rõ ràng

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng muốn đón được dòng FDI chất lượng, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu, mong muốn nhận được gì từ FDI, để có những điều chỉnh thích hợp.

Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, muốn làm được điều đó, chính sách Việt Nam nên hướng tới là chúng ta muốn gì? và cần gì ở FDI? để có những điều chỉnh thích hợp.

Song song với đó, những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư như cơ sở vật chất; hạ tầng; giao thông; vận tải; logistics chúng ta phải có đầu tư mang tính cạnh tranh, tăng chất lượng giảm chi phí.

Đồng thời, thể chế cạnh tranh phải minh bạch rõ ràng, không có chuyện tiêu cực, nhất là những dòng vốn tốt như Mỹ, châu Âu. Những dòng đầu tư tốt này không thể sống chung với cách làm tiêu cực và chụp giật được.

"Bắt buộc phải minh bạch, rõ ràng, công khai, chính xác để chắc chắn không tồn tại sự việc cạnh tranh bằng cách tiêu cực, công cụ tiêu cực làm mất niềm tin đối với nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh lành mạnh như thời gian vừa qua", ông Lịch nói.

Cuối cùng, để thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng, Việt Nam phải đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Lao động Việt Nam được đánh giá cao ở tính cần cù, thông minh, nhanh nhạy, siêng năng.

 

Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng Việt Nam cần thay đổi tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư ngoại, không nên thiên về số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng.

Ông Cung cho rằng Việt Nam cần thay đổi để thúc đẩy sự hấp dẫn đối với dòng vốn FDI chất lượng cao này, từ ổn định luật pháp, minh bạch, văn bản chính sách phải cụ thể, rõ ràng và mang tính thực thi cao đến việc loại bỏ "tiền gầm bàn" và các chi phí không chính thức...

"Điều này rất quan trọng đối với nhà đầu tư Mỹ và EU, bởi họ luôn tuân thủ luật pháp, rất lo sợ về rủi ro pháp lý. Khi cảm thấy có thể vấp vào pháp lý, họ sẽ tránh", ông Cung cho hay.

Bên cạnh đó, ông Cung cũng cho rằng Chính phủ cần thiết kế các gói chính sách "may đo" thay vì gói chính sách "may sẵn" như hiện nay, bởi nhu cầu của từng nhà đầu tư ngoại là khác nhau. Khi Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của họ, mặc nhiên sức hấp dẫn của đất nước sẽ gia tăng, từ đó dễ dàng lựa chọn các dự án, các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng cao.

Việt Nam không hề thụ động

Liên quan đến đón làn sóng FDI mới, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, Việt Nam không hề "ngồi yên", thụ động chờ các tập đoàn lớn trên thế giới mà chúng ta đã nghiên cứu chính sách ưu đãi của các nước, từ đó tìm ra những giải pháp cạnh tranh hơn cho mình trong cuộc đua thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển.

Theo đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cho biết vừa qua, Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Chính phủ đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, dự án lớn... có giá trị lớn từ 500 triệu USD đến hàng tỷ USD.

"Đây đều là những dự án mà Việt Nam mong đợi. Tuy vậy, theo yêu cầu từ các tập đoàn, phía Việt Nam phải bảo mật không tin, không được phép công bố ra ngoài", ông Hoàng cho hay.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn vốn FDI như thị trường gần 100 triệu dân, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, chi phí cạnh tranh, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới ngày càng được nâng cao, nằm trung tâm Đông Nam Á...

Tuy vậy, để không bị động trong cuộc cạnh tranh thu hút làn sóng FDI dịch chuyển, Bộ KH&ĐT cho biết đã nghiên cứu chính sách ưu đãi của nhiều nước xem họ đang làm gì. Từ đó, Việt Nam tìm ra giải pháp cạnh tranh hơn.

Số lượt đọc: 2520
Thông báo