Tiếp tục mở rộng đầu tư
GoerTek Electronics của Trung Quốc là tập đoàn tiến hành triển khai chiến lược toàn cầu khá sớm. Thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 2013 với việc đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao tại Quế Võ (Bắc Ninh).
Ông Túc Thủ Vinh, Tổng giám đốc Công ty GoerTek Electronics Việt Nam cho biết: “Qua nhiều năm phát triển, quy mô nhân sự tại GoerTek Electronics Việt Nam đã tăng lên vài chục vạn lao động. GoerTek Electronics không ngừng mở rộng đầu tư, trong vòng 2-3 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam”.
Cũng theo ông Túc Thủ Vinh, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, nhất là từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tiến hành xây dựng và thực thi các quy định liên quan đến pháp luật đầu tư và kinh doanh cho phù hợp với hội nhập, đã giúp các doanh nghiệp FDI, trong đó có GoerTek Electronics đạt được nhiều thành tựu. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cho thấy mức độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn.
“Cạnh tranh Trung - Mỹ gia tăng đã tạo ra những thách thức đối với doanh nghiệp Trung Quốc, bởi vậy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách đầu tư, phải ra nước ngoài để xây dựng nhà xưởng. Trong đó, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn vào thời điểm này”, đại diện GoerTek Electronics nhấn mạnh tại Tọa đàm hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới, tổ chức giữa tuần này tại Hà Nội.
Theo đánh giá của ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chất lượng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc trong giai đoạn năm 2006 - 2007 chưa cao, có nhiều dự án đầu tư quy mô nhỏ và dây chuyền công nghệ lạc hậu, dẫn tới năng suất thấp. Song, giai đoạn hiện nay, dòng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam để tận dụng chi phí thấp và độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam nhằm đưa hàng hóa thâm nhập các thị trường mà Việt Nam có ký kết hợp tác, thì xu hướng đầu tư hàm lượng công nghệ thấp của Trung Quốc giảm rất nhanh vì không thể đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đi các thị trường yêu cầu cao mà Việt Nam ký hiệp định thương mại, cũng như chất lượng hàng hóa cung ứng trong chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Covid-19 là xung lực đẩy nhanh xu hướng mở rộng bên ngoài Trung Quốc. Nhưng chuyên gia này lưu ý rằng, việc dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước lân cận là không hề dễ dàng, bởi những rào cản về hạ tầng, mức độ sẵn sàng tiếp nhận của người lao động đối với công nghệ, chưa kể tổng chi phí lao động của các nước đó không thấp hẳn so với Trung Quốc.
Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, hợp tác đầu tư song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng trọng “vòng tuần hoàn bên ngoài” của kinh tế Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chỉ một phần là muốn tận dụng lao động giá rẻ, còn chủ yếu bởi Việt Nam có độ mở kinh tế rất cao. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc tương đương khoảng 40% GDP, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam là 200% GDP. Với độ mở cao và đặc biệt là các FTA ký kết vừa qua, Việt Nam có lợi thế lớn trong việc xuất khẩu hàng hóa đi các nước đối tác.
Đánh giá FDI Trung Quốc vào Việt Nam, ông Thắng cho rằng, kể từ năm 2014 trở lại đây, dòng FDI từ Trung Quốc không chỉ thay đổi về tổng giá trị, mà còn về cấu trúc. Trước đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, bất động sản, nhưng sau đó chuyển sang lĩnh vực sản xuất chế tạo nhiều hơn và sản xuất hàng hóa đầu vào cho doanh nghiệp FDI khác, đơn cử lĩnh vực dệt, nhuộm…
Nếu nhìn dòng vốn FDI vào Việt Nam thì Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ là con số, mà còn ở tỷ trọng nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI với hàng hóa từ Trung Quốc rất lớn.
Dư địa dành cho các địa phương khác
TS. Nguyễn Quốc Trường, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam có ưu thế lớn trong hợp tác đầu tư với Trung Quốc so với các quốc gia khác, khi có chung đường biên giới với Trung Quốc nên dễ dàng kết nối với các trung tâm sản xuất công nghiệp của quốc gia 1,4 tỷ dân này.
Một số địa phương ở Việt Nam tuy không phải “ngôi sao” về thu hút đầu tư từ Trung Quốc, nhưng ông Trường tin rằng, trong thời gian tới, những địa phương đó có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Đơn cử, tại khu vực trung du miền núi phía Bắc, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh đã ghi điểm tốt về thu hút đầu tư từ Trung Quốc, nhưng đến nay dư địa thu hút đầu tư của các địa phương này đã cạn, kể cả về nguồn lao động và đất đai. Cho nên, những tỉnh, thành phố có thể trở thành những điểm nóng về thu hút đầu tư từ Trung Quốc có thể mở rộng sang Hưng Yên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lào Cai…
Theo đánh giá của Viện Chiến lược phát triển, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, hợp tác đầu tư song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 10/2020, Trung Quốc đã có 2,17 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam, đứng thứ 3 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, triển khai chiến lược “kinh tế tuần hoàn kép”. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng trọng “vòng tuần hoàn bên ngoài” của kinh tế Trung Quốc.