Ông Tan Soon Kim, Phó giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore (Enterprise Singapore) nhấn mạnh, những nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam đang tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư Singapore.
Từ đầu năm đến nay, bất chấp ảnh hưởng của Covid -19, các nhà đầu tư Singapore vẫn rót lượng vốn lớn để mua cổ phần tại Việt Nam, nhiều hơn so với các nước trong khu vực. Xin ông cho biết, đâu là điểm nổi bật và khác biệt so với những năm trước? Xu hướng thời gian tới như thế nào?
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái do đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm nay, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Trong thập kỷ qua, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore không ngừng tăng trưởng, đạt 22,7 tỷ USD trong năm 2019. Enterprise Singapore dự báo, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Singapore trong thời gian tới.
Hạ tầng và các giải pháp phát triển đô thị tại Việt Nam là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp Singapore. Được thành lập năm 1996, Khu công nghiệp Vietnam - Singapore (VSIP), liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam - Becamex IDC và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Tập đoàn Sembcorp Development dẫn đầu, là dự án khởi đầu của doanh nghiệp Singapore. Đến nay, VSIP đang vận hành và phát triển 7 dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, thu hút hơn 14,5 tỷ USD và tạo khoảng 272.300 việc làm.
Ngoài khu công nghiệp, các doanh nghiệp Singapore như Keppel Land, CapitaLand và Mapletree đã đầu tư phát triển các dự án thương mại, du lịch và khu phức hợp tại những thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM). Hiện tại, họ vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Cùng với bất động sản, các lĩnh vực sản xuất, năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng và công nghệ cũng đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Singapore.
Năm 2019, Teo Garments Pte., Ltd. (công ty sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Singapore, nhà cung cấp đồ sơ sinh, trẻ em, quần áo tiện dụng và chuyên dụng nổi tiếng thế giới) đã thành lập văn phòng đại diện và nhà máy dệt may tại Việt Nam. Tháng 6/2019, một doanh nghiệp Singapore khác là Sunseap Group hoàn thành xây dựng nhà máy điện mặt trời (công suất 168 MWp) và kết nối với lưới điện quốc gia.
Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Cocoba Pte., Ltd. (công ty đứng sau Irvin’s - thương hiệu snack da cá, khoai tây chiên sốt trứng muối nổi tiếng của Singapore) đã hợp tác với Tập đoàn Imex Pan Pacific để đưa sản phẩm đến sân bay Tân Sơn Nhất và gần đây là một cửa hàng tại TP.HCM. Heliconia Capital Management (thuộc Tập đoàn Temasek Holdings) cũng đầu tư vào Bệnh viện Mắt Sài Gòn trong năm 2019.
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư Singapore bị hấp dẫn bởi môi trường đầu tư, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sự phát triển nhanh của công nghệ tại Việt Nam. Năm 2020, năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đứng thứ 42 trong số 131 nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Quỹ đầu tư mạo hiểm Singapore Vertex Holdings gần đây đã đầu tư vào Do Ventures - quỹ mới thành lập, tập trung vào các start-up Việt chuyên cung cấp dịch vụ qua nền tảng B2C, B2B trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại xã hội... Các nhà đầu tư Singapore khác như Insignia Ventures Partners, TRIVE cũng lần lượt đầu tư vào start-up công nghệ tại Việt Nam như Logivan và CoderSchool.
Tháng 7 vừa qua, Vietnam Global Innovation, chương trình đầu tiên của chuỗi chương trình tìm hiểu thị trường do Liên minh Đổi mới sáng tạo toàn cầu tại TP.HCM (hợp tác giữa Quỹ Đầu tư mạo hiểm Singapore Quest Ventures và Saigon Innovation Hub) tổ chức đã thu hút sự tham gia của các start-up Singapore muốn tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến CLOP Technologies Pte., Ltd. - doanh nghiệp đang phát triển các sản phẩm không dây cho hạ tầng thành phố thông minh và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI); EyRIS Pte., Ltd. - chuyên cung cấp dịch vụ nhãn khoa, phát triển công nghệ SELENA+ và hệ thống AI phân tích hình ảnh tự động cho các bệnh về mắt…
Kinh tế Việt Nam vẫn phát triển mạnh dựa trên tầng lớp trung lưu phát triển ngày càng nhành, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp. Với những yếu tố đó, doanh nghiệp Singapore tin tưởng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và phát triển mạnh trong thời gian tới.
Cụ thể, các nhà đầu tư Singapore đánh giá thế nào về triển vọng đầu tư tại Việt Nam?
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế đến tháng 8/2020 đạt 55 tỷ USD. Con số này cho thấy, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Singapore và họ tin tưởng vào sự hồi phục, phát triển của kinh tế Việt Nam, bất chấp đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2020, trong số những đề nghị tham vấn về đầu tư ra nước ngoài mà Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore nhận được, nhiều nhất là kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Singapore đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại ASEAN, trong đó sản xuất vẫn là ngành đứng đầu tại một số nước ASEAN như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Ngành dịch vụ vẫn thu hút đầu tư mạnh từ các doanh nghiệp Singapore. Ví dụ, dịch vụ tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp là những ngành đứng đầu trong đầu tư của Singapore tại Malaysia và Campuchia.
Việc hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư kinh doanh và M&A tại Việt Nam có phải là yếu tố quan trọng nhất tạo nên lực hút với dòng vốn từ Singapore không, thưa ông?
Những điều chỉnh trong khung pháp lý về hoạt động M&A gần đây của Chính phủ Việt Nam được các doanh nghiệp Singapore cũng như các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, vì đã tạo được môi trường pháp lý rõ ràng và linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Luật Cạnh tranh (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) đã xóa bỏ quy định cấm các hoạt động M&A trong các trường hợp thị phần hợp lại của các đơn vị lớn hơn 50%, cùng với nhiều quy định rõ ràng hơn về M&A, được các doanh nghiệp Singapore và cộng đồng nhà đầu tư rất ủng hộ.
Một số luật mới được Quốc hội thông qua sẽ giảm quy trình thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp (năm 2020) đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, có cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Singapore khi họ có ý định hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam với tư cách cổ đông thiểu số. Việc mở rộng định nghĩa về doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư muốn tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.
Ngoài ra, những quy định được sửa đổi trong Luật Đầu tư (năm 2020) tạo cơ chế rõ ràng hơn trong quy trình đầu tư, quy định rõ ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển. Chúng tôi kỳ vọng, điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ Singapore và các start-up đầu tư sang Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang tiếp tục tăng cường hợp tác về đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với cơ chế thuận lợi để thực hiện các dự án trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng lưới điện, nhà máy điện, quản lý nước, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục và y tế theo hình thức PPP cũng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Singapore.
Chúng tôi dự báo, Singapore với thế mạnh về thực hiện dự án PPP sẽ đóng vai trò chiến lược quan trọng trong việc phát triển các dự án theo phương thức này tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Singapore có thể phát huy các quy định trong luật mới về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu tối thiểu của Nhà nước để theo đuổi các dự án hạ tầng dài hạn tại Việt Nam thông qua hình thức PPP.
Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh đã giúp thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn. Trong Báo cáo Doing Business 2020 Report của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam xếp thứ 70 trong số 190 nền kinh tế, nhờ sự cải thiện trong hầu hết lĩnh vực.
Các doanh nghiệp Singapore hoan nghênh những thay đổi này và kỳ vọng về những thay đổi tiếp theo với các quy định và điều kiện kinh doanh ngày càng thân thiện. Văn phòng của Enterprise Singapore tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các đối tác của chúng tôi trong lĩnh vực công và tư nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư song phương trong thời gian tới.