Thực hiện chiến lược mới bằng các thương vụ M&A
“M&A là công cụ mà Novaland sử dụng tích cực và hiệu quả trong quá trình phát triển”, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp Tài chính, Tập đoàn Novaland, đã bắt đầu câu chuyện của mình như vậy tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020.
Ông kể, khác với các chủ đầu tư khác, Novaland dựa trên cơ sở M&A để tăng trưởng và phát triển, liên tục mua thêm các quỹ đất mới để mở rộng trục phát triển của Tập đoàn.
“Tuần trước, chúng tôi mới chốt một giao dịch dự án quy mô 286 ha ở Đồng Nai, giá trị giao dịch gần 1 tỷ USD. Đồng thời, chúng tôi cũng phát triển hệ sinh thái du lịch đi kèm để tăng giá trị cho khách hàng. Một cái nhà đơn lẻ không thể tạo nên sứ mệnh kiến tạo cộng đồng được”, ông Nguyễn Thái Phiên hồ hởi “khoe”.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thái Phiên, Novaland luôn theo đuổi chiến lược phát triển với 3 giá trị cốt lõi: kiến tạo cộng đồng, xây dựng điểm đến, vui đắp niềm vui. Tất cả các chiến lược M&A đều bám theo 3 giá trị này, từ dự án chung cư ở trung tâm TP.HCM, đến các dự án khu Đông, rồi ra các khu vực các tỉnh Đồng Nai, Phan Thiết (Bình Thuận), Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
“M&A giúp gia tăng hiệu quả tài chính, giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị, hoặc mở rộng thị phần, sản phẩm, gia tăng giá trị cộng đồng. Một trong những sứ mệnh của chúng tôi là kiến tạo cộng đồng, đóng góp cho cộng đồng”, ông Nguyễn Thái Phiên nói.
Quả thực, nhìn lại hành trình phát triển của Novaland, đúng là M&A đã giúp “ông lớn” bất động sản này không ngừng gia tăng quy mô và lợi nhuận kinh doanh.
Báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất của Novaland cho biết, tính đến ngày 30/09/2020, tổng tài sản của Tập đoàn đạt 129.389 tỷ đồng, tăng 44% so với cuối năm 2019. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận 79.380 tỷ đồng, tăng 38,8% so với thời điểm 31/12/2019 và tăng 34,1% so với thời điểm cuối tháng 6/2020.
Kết quả này chủ yếu đến từ hoạt động M&A gia tăng quỹ đất của Tập đoàn và chi phí đầu tư phát triển tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, NovaHills Mũi Né, Grand Manhattan…
Tương tự Novaland, Tập đoàn Masan cũng lấy M&A là công cụ để thực hiện chiến lược phát triển của mình. Một trong những thương vụ đình đám gần đây chính là việc Masan mua lại hệ thống Vinmart của Vingroup - một trong những chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam.
Chính ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, cũng chia sẻ rằng, trong 18 tháng qua, Masan đã phát triển mạnh về thị trường nhờ những thương vụ như vậy. M&A không chỉ giúp Masan mở rộng quy mô, mà còn mở rộng lĩnh vực hoạt động.
“Vừa rồi chúng tôi mua thương hiệu Net. Chúng tôi nhìn vào tín hiệu thị trường để mua những thương hiệu lớn”, ông Danny Le nói và cho biết, về chiều dọc, chiến lược của Masan là phục vụ khách hàng và người tiêu dùng cuối cùng.
“Chúng tôi thực hiện các chiến lược mới bằng các thương vụ M&A. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để thực hiện”, ông Danny nói và cho biết, tham vọng của Masan là muốn đại diện cho Việt Nam trong các lĩnh vực này để phát triển ra thế giới.
Không chỉ đi theo hướng M&A với doanh nghiệp đầu nguồn, mà còn M&A các doanh nghiệp cuối nguồn. Chiến lược này không chỉ thực hiện ở Việt Nam, mà còn ở các thị trường khác như châu Âu.
Bí quyết để có một “deal” thành công
Không quá khó để nhận ra, các “đại gia” Masan, Novaland đều là các “ông trùm” trên thị trường M&A Việt Nam.
Chia sẻ về “bí quyết” của Novaland, ông Nguyễn Thái Phiên cho biết, để thực hiện thành công một thương vụ, thì Novaland cố gắng thực hiện “càng sớm càng tốt”.
Tất nhiên, M&A là câu chuyện không đơn giản, các thách thức luôn hiện hữu. Với Novaland, đó là vướng hệ thống văn bản pháp quy về bất động sản, là quá trình thực hiện các nghĩa vụ pháp lý cho dự án.
Thậm chí, vướng cả về vấn đề tài chính, bởi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ được tài trợ không quá 5% cho các hoạt động mua bán cổ phiếu.
“Mặc dù quy định này là đúng (nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy từ ngân hàng sang công ty chứng khoán, rồi lại thông qua hoạt động margin ra thị trường chứng khoán), nhưng khi áp chung cho toàn bộ doanh nghiệp, lại gây khó khăn trong thực hiện các thương vụ M&A”, ông Nguyễn Thái Phiên nói.
Và để vượt qua, Novaland phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau, phải thỏa thuận, đàm phán với các đối tác nước ngoài để sẵn sàng nguồn lực tài chính cho các “deal” hấp dẫn.
Thậm chí, sau khi thực hiện thành công giao dịch rồi, thì việc công bố thông tin về giao dịch đó, theo ông Nguyễn Thái Phiên, cũng là một thách thức. Bởi rất có thể, sẽ có những phản ứng tiêu cực liên quan thương vụ đó.
Trong khi đó, ông Danny Le cũng chia sẻ về những thách thức mà Masan đã phải trải qua khi thực hiện M&A. Chẳng hạn, cũng đã từng phải đi tranh tụng vì những vấn đề giấy tờ giả mạo.
“Vì vậy, việc đầu tiên là phải cẩn trọng các vấn đề giấy tờ pháp lý. Sau đó là đồng bộ văn hóa ở thực thể khác nhau. Kỳ vọng của bên kia có thể khác chúng tôi… Chúng tôi luôn có một đội nhóm theo dõi hậu M&A để rà soát lại rủi ro”, ông Danny Le nói.
Ở một góc độ khác, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Tập đoàn Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, khi thảo luận về nội dung “Chiến lược tái cấu trúc của các tập đoàn thông qua M&A” tại Diễn đàn M&A đã nói rằng, công nghệ cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện M&A thành công.
Theo ông Denis Brunetti, tất cả các công ty từ du lịch, thực phẩm… đến các công ty công nghệ đều phải cần công nghệ. Công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn.
“Một công ty muốn chuyển đổi tốt bao giờ cũng có cấu phần công nghệ trong đó. Chuyển đổi số là không thể thiếu và sẽ giúp thực hiện M&A tốt hơn. Các doanh nghiệp có công nghệ tốt cũng được định giá cao hơn”, ông Denis Brunetti nói.
Thực ra, bản thân Ericsson cũng thực hiện M&A để phát triển. “Chúng tôi mới mua lại công ty ở Mỹ, chuyên cung cấp giải pháp không dây. Nguyên nhân mua lại vì chúng tôi hiểu sẽ tạo ra năng lực bổ sung, giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn chuỗi cung ứng mà chúng tôi nhìn trong tương lai”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.