Đây là chỉ là một trong những doanh nghiệp nước ngoài mở rộng sản xuất tại Việt Nam, góp phần vào bức tranh chung về nguồn FDI vào Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, có 2.100 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 32,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về vốn điều chỉnh, có 907 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,71 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Dù FDI không đạt 100% như năm 2019 nhưng vẫn là kết quả khá tích cực trong bối cảnh Covid-19.
Đóng góp lớn trong bức tranh chung của FDI là sự đầu tư của các công ty "siêu to khổng lồ" vào nhiều lĩnh vực.
Theo Nikkei Asia, Foxconn, hay còn gọi là Hon Hai Precision Industry, đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam với khoản đầu tư khoảng 270 triệu USD.
Công ty trụ sở tại Đài Loan này vừa bắt đầu sản xuất màn hình tinh thể lỏng ở Việt Nam vào tuần trước, nhằm tận dụng lợi thế của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hy vọng tăng cường năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Foxconn sẽ sớm thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Nikkei cho biết, chi tiết cụ thể hiện chưa được công bố, tuy nhiên Foxconn khả năng cao sản xuất các bộ phận liên quan máy tính cá nhân như màn hình. Đặc biệt, các yếu tố như là thành viên của RCEP, có vị trí gần Trung Quốc đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện với chi phí lao động rẻ.
Chủ tịch Foxconn, ông Young Liu từng khẳng định: "Cơn sốt đầu tư vào Việt Nam từ các doanh nghiệp lớn rất đáng quan tâm". Thứ 4 vừa qua, ông Young Liu cho biết Foxconn sẽ sản xuất hàng loạt sản phẩm tại Việt Nam gồm TV, thiết bị viễn thông và linh kiện máy tính.
Bên cạnh đó, Dự án Tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD. Dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Hồi giữa tháng 9, dự án Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu (Dự án điện khí Bạc Liêu) cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Dự án có tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD), với tổng công suất 3.200 MW, là dự án đầu tư FDI được đánh giá lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) từ trước tới nay.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hoà cho biết lãnh đạo tỉnh đã gặp ông Sam Chan, Chủ tịch Công ty Millennium Việt Nam (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium), doanh nghiệp muốn đầu tư nhà máy điện và trung tâm LNG.
Trung tâm LNG, theo giới thiệu, có sức chứa trên 10 triệu m3 và nhà máy điện có công suất 4.800 MW. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 8 tỷ USD. Trong tương lai, Millennium sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600 MW và kho chứa lên 15 triệu m3. Tổng vốn đầu tư vào khoảng 15 tỷ USD.
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trong một tọa đàm hồi tháng 6/2020 rằng, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần giữ được 3 mục tiêu nhất quán và lâu dài. Thứ nhất là việc phát triển kinh tế xã hội đất nước hùng mạnh. Thứ hai là xây dựng nền kinh tế tự cường. Thứ ba là đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hóa dân tộc.
Cũng theo TS. Phan Hữu Thắng, với tình hình đại dịch COVID-19 như vậy thì tình hình thị trường mỗi nước đều thay đổi. Nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc sẽ tự lựa chọn, sẽ giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc và chuyển dần sang các hướng khác, trong đó có Việt Nam.
Cùng bàn về vấn đề này ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. Và cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được.
Nói về các giải pháp tổng thể, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút FDI hiệu quả hơn, tất cả đều phải cùng chuyển động.
Ông nói, cả bộ máy phải chuyển động, cả bộ phận công chức phải chuyển động, cả đội ngũ doanh nghiệp phải chuyển động thế nào để cho những người lao động phải tham gia một cách tích cực vào cuộc cải cách này thì chúng ta mới có thể thành công.