BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Tin dự án
Cán cân thương mại trong 6 tháng đầu năm 2020
Chủ Nhật, 24/01/2021 09:27

Tháng 6, Việt Nam ước tính xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 6 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 4,03 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,72 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,2 tỷ USD.

Tháng 6, Việt Nam ước tính xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 6 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 4,03 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,72 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,2 tỷ USD.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.

- Một số điểm tích cực hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam:

+ Hoạt động xuất khẩu trong tháng 6/2020 sang các thị trường đã có diễn biến tích cực hơn so với tháng 5 khi dịch bệnh Covid-19 đang từng bước được khống chế ở nhiều nước trên thế giới.

Việc Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh và các nước châu Âu, Mỹ dần mở cửa trở lại từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020 khiến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phục hồi khá nhanh trở lại. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau khi giảm mạnh xuống còn 17,58 tỷ USD trong tháng 4/2020 đã tăng lần lượt là 9,1% và 9,5% trong tháng 5 và tháng 6/2020. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cũng dần thu hẹp khoảng cách so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, tháng 5/2020 kim ngạch xuất khẩu giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng sang đến tháng 6/2020 mức giảm chỉ là 2%. 

Trong 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi.   

+ Kết quả xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước, thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn dưới tác động của dịch bệnh. Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019, đặt trong tương quan kim ngạch xuất khẩu của cả nước và kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có tăng trưởng âm, lần lượt là 1,1% và 6,7%, kết quả này đã cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không còn chỉ phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Xu hướng này đã bắt đầu từ 1-2 năm gần đây, đặc biệt là 2019 khi mà xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn, xuất khẩu của khu vực trong nước vẫn tăng trưởng cao và cao hơn tăng trưởng chung của cả nước.

+ Ngày 8 tháng 6 năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...

Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore có Hiệp định thương mại tự do với EU. Việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác như Trung Quốc và các nước khác trong khối ASEAN. Như vậy, giai đoạn hậu dịch Covid-19 tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

+ Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh trong thời gian qua và đem lại kết quả hết sức tích cực. Để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã kết hợp với các địa phương của Trung Quốc tổ chức 3 hội nghị giao thương trực tuyến nhằm giúp nông sản, thực phẩm Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với Ấn Độ và tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nhật Bản 2020 vào cuối tháng 6/2020. Cơ hội tăng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP cũng đang rất lớn khi mới đây, hơn 2 tấn vải thiều Việt Nam đã được tiêu thụ hết chỉ sau vài giờ tại các hệ thống siêu thị ở thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka, Nhật bản, ngay trong ngày mở bán đầu tiên, ngày 21/6. Giá bán vải tại thị trường Nhật Bản là từ 180- 270.000 đồng/kg. Việc Nhật Bản vẫn mở cửa nhâp khẩu vải thiều trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp là tin vui cho loại quả này nói riêng và xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản trong năm nay nói chung. Ước tính, trong năm nay, sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều tươi sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không và đường biển.

Bên cạnh đó, ngày 22-6, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên trong năm sang thị trường Mỹ, Canada và Australia theo đường chính ngạch. Nếu như người tiêu dùng Australia đã quen với trái xoài Việt Nam từ vài năm gần đây thì đây là năm đầu tiên trái xoài được cấp phép sang Canada. Đây cũng được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam trong khối CPTPP.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tiềm năng xuất khẩu và tiềm năng thị trường, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối, Bộ Công Thương đang tăng cường triển khai các hoạt động phổ biến thông tin về hiệp định, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường.

Theo đó, trong 2 ngày 18-19/6, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình tập huấn cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Bộ Công Thương. Đối tượng được tập huấn là các cán bộ của các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Tiếp đó, ngày 30 tháng 6 năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA.

+ Năm 2019, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, các công ty đa quốc gia đã rục rịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung nguyên liệu. Sang đến năm 2020, dịch Covid-19 được xem như một cú hích cho làn sóng này diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, việc kiềm soát tốt dịch Covid-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này.

- Những yếu tố khó khăn, cản trở đà tăng trưởng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2020

+ Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm 2020, giảm 1,9 điểm phần trăm so với dự báo của tháng 4/2020, do dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng hơn dự đoán.

+ Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Những lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai như: Trung Quốc, Hàn Quốc, trong khi số lượng bệnh nhân tăng mạnh tại Ấn Độ...

Trước tình hình làn song thứ 2 của dịch Covid-19 có thể quay trở lại, phía Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phải hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay nội địa, hạn chế đi lại, cấm người dân đi du lịch để ngăn chặn dịch bệnh. Đây được coi là những biện pháp cứng rắn, mang tính “cơ chế thời chiến” để đối phó một cách chủ động và có hiệu quả với làn sóng lây nhiễm mới. Chính quyền Bắc Kinh và một số địa phương đã tiến hành rà soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn. Chính quyền Quảng Tây đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa tại các chợ, siêu thị. Trong đó, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm. Đồng thời, Quảng Tây sẽ chú trọng giám sát quản lý và loại trừ rủi ro dịch bệnh đối với các mặt hàng trọng điểm (tươi sống và động lạnh) như hàng thủy sản, các loại thịt gia súc gia cầm như thịt lợn, thịt bò, thịt cừu… Cơ quan chức năng tăng cường tổ chức lấy mẫu kiểm tra đối với các loại thực phẩm trọng điểm.

Bên cạnh đó, Quảng Tây sẽ nghiêm cấm giao dịch, mua bán các loại động vật hoang dã và mua bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan.

Ngoài ra, chính quyền thành phố Đông Hưng, nơi có chung đường biên giới với Móng Cái (Quảng Ninh) gần đây cũng tăng cường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm đối với thủy sản và các loại thịt tại chợ, siêu thị và khách sạn trên địa bàn.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp và hộ sản xuất nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để chủ động trong việc đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

+ Hiệp định EVFTA cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nội địa Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản bởi khi EVFTA có hiệu lực, lộ trình giảm thuế được triển khai, nhiều sản phẩm với tiêu chuẩn EU sẽ có cơ hội vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn so với hiện nay.

Số lượt đọc: 675
Thông báo