1. Bối cảnh thế giới
Từ năm 2015, khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP (sau này là Hiệp định CPTPP) thì đã có dòng dịch chuyển ĐTNN đến Việt Nam để đón những lợi thế từ Hiệp định CPTPP mang lại. Tiếp đó, do ảnh hưởng của xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, cũng như những lo ngại về sự phụ thuộc chuỗi cung ứng vào một đối tác, các doanh nghiệp nước ngoài đã có xu hướng chuyển dịch khỏi Trung Quốc, quay về đầu tư trong nước, chuyển hoặc mở rộng đầu tư sang các quốc gia khác có điều kiện phù hợp hơn. Ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tái cơ cấu một phần đầu tư ra khỏi Trung Quốc để tránh việc áp mức thuế cao khi nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh sự dịch chuyển và tái định vị sản xuất này.
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó các hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cần thiết[1] đã làm cho các hoạt động kinh tế xã hội tại nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến cung, cầu, thị trường tài chính và tâm lý người tiêu dùng. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã phần nào hạ nhiệt sau khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 lại trở nên căng thẳng với sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19. Một số nhân tố như đạo luật an ninh ở Hồng Kông đã đẩy căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng các đồng minh châu Âu lên nấc thang mới.
Trong bối cảnh tổng cầu tiêu dùng, giá dầu và năng lượng giảm mạnh, giá thực phẩm và dịch vụ y tế tăng, dù nhiều nước đã đưa ra các gói kích thích kinh tế, nhưng lạm phát toàn cầu vẫn ở mức khá thấp, khoảng 2,2%[2]. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái, tăng trưởng -3% năm 2020[3] (thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3,3% vào thời điểm tháng 1/2020), mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 90 năm trở lại đây, tương đương với thời kỳ Đại suy thái những năm 30 của thế kỷ trước. Đặc biệt tại những nền kinh tế phát triển, tăng trưởng cũng sẽ giảm mạnh, như Trung Quốc (1,2%), Hoa Kỳ (-5,9%), Nhật Bản (-5,2%), Hàn Quốc (-1,2%), Anh (-6,5%), Canada (-6,2%), khu vực Châu Âu (-7,5%), ASEAN-5[4] (-0,6%). Bên cạnh đó, với sự lao dốc của thị trường chứng khoán, giá trị tài sản của các hộ gia đình giảm mạnh, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới cầu tiêu dùng. Trong khoảng thời gian đầu năm 2020, có những thời điểm các chỉ số chứng khoán của những thị trường trọng yếu như Mỹ, EU, Nhật đã giảm đến 30%.
Báo cáo mới nhất của World Bank[5] còn đưa ra mức dự báo bi quan hơn. Theo đó, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm -5,2%, tăng trưởng của các quốc gia lần lượt là Trung Quốc (1%); Hoa Kỳ (-6,1%); Nhật Bản (-6,1%); Châu Âu (-9,1%)….
Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục thay đổi, phụ thuộc vào 3 yếu tố[6]: (i) khả năng kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia; (ii) hiệu quả của các chính sách/gói hỗ trợ; và (iii) hiệu quả hợp tác quốc tế (trong phòng chống đại dịch).
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Doanh thu của nhiều ngành công nghiệp trên thế giới đều giảm mạnh, cụ thể hàng không (-116%) và khách sạn, nhà hàng và giải trí (-41%), ngành năng lượng (-208%) và tự động hóa (-47%).
Theo đó, những tác động của Covid-19 tới các nền kinh tế, chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất và tới thương mại toàn cầu đã làm giảm nhu cầu đầu tư nói chung và ĐTNN nói riêng.
Vừa qua, Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp quốc (UNCTAD)[7] và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều có chung nhận định đại dịch sẽ làm giảm từ 30-40% FDI toàn cầu trong giai đoạn 2020-2021, mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ. Doanh thu của 5.000 công ty đa quốc gia (MNEs) hàng đầu thế giới đã giảm trung bình 30%, và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục. Tái đầu tư phần thu nhập là một thành phần chính của FDI và 5.000 MNEs hàng đầu chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn FDI toàn cầu.
Các thương vụ M&A trên phạm vi toàn cầu đều có xu hướng giảm. Các giao dịch M&A xuyên biên giới đã giảm từ 874 vụ vào tháng 2 năm 2020 xuống còn 385 vụ trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 20/3/2020. Năm 2019, trung bình hàng tháng có 1.200 vụ M&A. Trong quý I năm 2020, số lượng các vụ M&A trên toàn cầu đã giảm 70%[8].
Có thể nói đại dịch covid-19 đã tác động trên toàn cầu, chưa biết lúc nào dừng. Chỉ khi nào có vacxin thì mới có thể yên tâm kiểm soát được tình hình. Theo đó, dòng vốn ĐTNN đang được tái định vị để giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính an toàn và hiệu quả dự kiến sẽ làm gia tăng ĐTNN tại một số quốc gia như Ấn Độ, Indonessia, Malaysia,... trong đó có Việt Nam.
2. Bối cảnh trong nước
Dù đã có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả và được quốc tế đánh giá cao, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề do nền kinh tế đã có sự hội nhập sâu, liên thông toàn diện với thị trường thế giới. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong Quý I chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay, nhưng là mức tăng trưởng cao so với các nước trên thế giới. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội 2 kịch bản tăng trưởng là 4,5 - 5,2% (kịch bản thuận lợi) và 3,6 - 4,4% (kịch bản thấp), cả 2 kịch bản đều có biên độ giao động lớn thể hiện tính khó dự đoán.
Ngân hàng Thế giới vẫn đánh giá khá tốt triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 do kiểm soát rất nhanh dịch bệnh. Các tác động tiêu cực nhất đến kinh tế Việt Nam là sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường xuất khẩu và thị trường du lịch. Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 4,9% theo kịch bản cơ sở và 1,5% theo kịch bản bi quan. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn rất thuận lợi do nhu cầu trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức cao. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấp hơn dự báo của Ngân hàng thế giới do nền kinh tế chịu tác động cả phía cung và phía cầu nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước đạt được mức tăng trưởng dương.
Do tác động của Covid - 19, hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng đang bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư,... Tổng vốn đầu tư (bao gồm vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) của nhà ĐTNN trong 6 tháng đạt 15,67 tỷ USD, (bằng 95,1 % so với cùng kỳ năm 2019, 77,1% so với cùng kỳ 2018 và 81,5% so với cùng kỳ 2017)
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ĐTNN cũng bị tác động do đứt gãy chuỗi cung cầu. Vốn thực hiện ước đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ dưới tác động của Covid-19. So với thế giới, mức giảm này không phải là nhiều. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký mới đạt 8,43 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2019) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,72 tỷ USD (tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2019), cho thấy có những tín hiệu tích cực của xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư và sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đà suy giảm vốn đăng ký đã chậm lại và khả năng sẽ gia tăng trở lại vào cuối năm, tạo đà cho năm 2021.
Về lĩnh vực đầu tư, lũy kế đến 20/6/2020, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư đăng ký), kinh doanh bất động sản (chiếm 15,4%); năng lượng (chiếm 7,2%). Riêng trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 51% tổng vốn đầu tư đăng ký), tiếp đến là lĩnh vực năng lượng (chiếm 25,2%), lĩnh vực bán buôn bán lẻ...
Trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 8 tỷ USD, chiếm 51,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 3,95 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ; hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 1,08 tỷ USD và gần 850 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Đầu tư của các đối tác lớn trong 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ 2019, riêng Singapore đạt 5,4 tỷ USD (tăng 2,47 lần so với cùng kỳ). Hàn Quốc đạt 1,4 tỷ USD (giảm 25%), Nhật Bản đạt 1,46 tỷ USD (giảm 48%), Trung Quốc đạt 1,57 tỷ USD (giảm 31%), Hồng Kông đạt 966 triệu USD (giảm 81,8%), Hoa Kỳ đạt 140,15 triệu USD (giảm 40%).
Với việc khống chế thành công dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và ngoài chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao, có nhiều nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng mong muốn được nhập cảnh để triển khai các dự án đầu tư. Các địa phương cũng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cũng như quảng bá, xúc tiến bằng nhiều hình thức khác để đón dòng vốn ĐTNN mới.
[1] Các biện pháp phong tỏa, cách ly toàn xã hội và đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh
[2] Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF 2020
[3] Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), tháng 4/2020
[4] Bao gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines
[5] Global Economic Prospects, tháng 6/2020
[6] Theo Kịch bản cơ sở, Citi Research, ngày 7/4/2020
[7] Báo cáo “Tác động của Dịch Covid-19 đến FDI và các Chuỗi giá trị toàn cầu” của UNCTAD ngày 26/3/2020