a) Chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề:
- Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục; gắn đào tạo với thực tập, thực hành nghề tại các doanh nghiệp. Rà soát, kiện toàn chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp ĐTNN trong dòng dịch chuyển và tái định vị sản xuất.
- Tập trung đào tạo lao động trong các ngành nghề chất lượng cao như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo... Cập nhật những kiến thức, tiêu chuẩn và kỹ năng nghề nghiệp mới, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển của thế giới.
- Rà soát, tổng hợp danh sách các lao động kỹ thuật Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp; tiếp tục mở rộng mạng lưới liên kết và nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhân tài người Việt Nam tại nước ngoài.
b) Chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng sản xuất:
- Các địa phương rà soát dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả,... để thu hồi, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới trong dòng dịch chuyển, tái định vị sản xuất.
- Rà soát, xây dựng danh sách các địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế đã chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, năng lượng,... mà có thể sẵn sàng tiếp nhận ngay các dự án trong dòng chuyển dịch, tái định vị sản xuất. Các thông tin trên được công bố công khai bằng nhiều ngôn ngữ (Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…) cho các nhà đầu tư tiếp cận.
- Các địa phương mà nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu đầu tư lớn, nhưng diện tích đất khu công nghiệp còn quá ít, không đủ để đáp ứng, sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét việc mở thêm các khu công nghiệp mới.
- Các địa phương gặp khó khăn về hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quỹ đất,… cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hoặc Tổ công tác thúc đẩy hợp tác ĐTNN do Thủ tướng Chính phủ thành lập để có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.