BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tin dự án
Sự chuyển dịch dòng vốn ĐTNN của Hoa Kỳ
Thứ Hai, 25/01/2021 02:36

Các Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Google, Microsoft, Apple đang lên kế hoạch chuyển dịch sản xuất một số sản phẩm như smartphone, laptop, máy tính bảng, máy tính và tai nghe không dây AirPods sang Việt Nam hoặc Thái Lan.

- Chính phủ Hoa Kỳ có kế hoạch thúc đẩy các nước đang phát triển và các doanh nghiệp mua thiết bị viễn thông từ các hãng công nghệ khác, chủ yếu là Hoa Kỳ, thay cho thiết bị của các hãng công nghệ Trung Quốc.

- Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi “chủ nghĩa yêu nước” để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc; tránh hiện trạng nguồn cung bị đứt gãy; đưa các doanh nghiệp thiết yếu, quan trọng đối với Hoa Kỳ quay trở lại. Thực hiện chủ trương giữ được độc lập, không phụ thuộc trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng đứng đầu danh sách là chuỗi cung ứng y tế và hàng hóa liên quan đến quốc phòng. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang lập các dự luật để giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tích cực làm việc với các cơ quan khác và chính phủ nước ngoài để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc. Điều này bao gồm việc quay trở lại sản xuất tại Hoa Kỳ và mở rộng các cơ sở sang các quốc gia đối tác của Hoa Kỳ.

- Ngày 14/5/2020, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp trao cho Cơ quan Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) quyền hạn mới để giúp các nhà sản xuất nội địa tại Hoa Kỳ với mục tiêu sản xuất tất cả mọi thứ quan trọng đối với Mỹ và sau đó xuất khẩu ra thế giới[1].

- Ngày 15/5/2020 cố vấn kinh tế cao cấp của Tổng thống Trump – Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow đưa ra ý tưởng áp dụng ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ có trụ sở tại Trung quốc hoặc các nước khác nhằm thúc đẩy các công ty này chuyển dịch về lại Hoa Kỳ. Cụ thể, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 50% đối với các doanh nghiệp này từ 21% xuống còn 10.5%[2].

- Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng khoản ngân sách 60 tỷ USD của DFC, thông qua Việt Nam, để đầu tư vào hạ tầng kết nối 5 nước khu vực sông Mekong[3].  Dự kiến năm 2020 sẽ tập trung vào lĩnh vực hạ tầng năng lượng tại Việt Nam[4].

- Các công ty Hoa Kỳ đã và đang chuyển một số sản phẩm của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam như: nhà máy sản xuất đồ nội thất Lovesac và Wanek, một số sản phẩm máy bơm lớn của Tập đoàn Omnidex, sản xuất máy hút bụi cho công ty Hoover, nhà sản xuất giày Brooks Sports, quần áo Gap[5]Một số Tập đoàn lớn dự kiến tăng vốn đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam (Tập đoàn Apple, Tập đoàn Intel…). Nhiều công ty từ các lĩnh vực như phần cứng, công nghệ, nông nghiệp và các sản phẩm liên quan khác đang tìm cách đa dạng hóa và đang xem xét mở rộng đầu, nâng công suất tại các dự án ở Việt Nam.

- Trong 6 tháng đầu năm 2020, vốn ĐTNN Hoa Kỳ vào Việt Nam là 140,15 triệu USD, bằng 76% so với cùng kỳ 2019 (183 triệu USD). Xét về quy mô vốn đầu tư, các lĩnh vực bất động sản và dịch vụ đang thu hút vốn đầu tư của Hoa Kỳ nhiều nhất và đây là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch.



[1] Theo The White House (14/5/2020)

[2] Theo The Wall Street Journal (19/5/2020)

[3] Bộ KHĐT đã thành lập nhóm công tác liên ngành  Tập đoàn tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) và các Bộ ngành liên quan thành lập nhóm công tác nhằm thúc đẩy các dự án hợp tác.

[4] Ngày 30/9/2019, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao đổi Biên bản ghi nhớ Hợp tác (MOU) đối tác hợp tác năng lượng toàn diện.

[5] Theo Asia Bower Group (tháng 6/2020)

Số lượt đọc: 392
Thông báo