BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Tin dự án
Thách thức đối với khả năng tiếp nhận dòng dịch chuyển ĐTNN.
Thứ Hai, 25/01/2021 02:41

Năng lực của các DN trong nước còn rất hạn chế, khó có khả năng hấp thụ được hiệu quả nguồn vốn đầu tư dịch chuyển tới, chưa đáp ứng được các yêu cầu của đối tác, làm hạn chế khả năng kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của đối tác nước ngoài.

Đại dịch Covid-19 đã  thúc đẩy quá trình chuyển dịch và tái cơ cấu chuỗi cung ứng nhanh hơn. Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á được ưu tiên lựa chọn tại khu vực Châu Á. Mexico có lợi thế tại khu vực Châu Mỹ và các nước Đông Âu có lợi thế tại khu vực EU. Nhưng FDI không phải “đương nhiên” vào Việt Nam, mà để tận dụng được cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư một cách mạnh mẽ hơn nữa và giải quyết các "điểm nghẽn" trong hợp tác đầu tư, gồm:

(1) Các yếu tố đầu vào cho sản xuất thiếu đa dạng và chưa ổn định (công nghiệp hỗ trợ, nguyên vật liệu, điện,...); chi phí đầu tư trong nước liên tục tăng cao (giá thuê đất, giá nhân công, giá điện, nước...).

(2) Các chiến lược phát triển kinh tế ngành còn thiếu hiệu quả như khuôn mẫu, công nghiệp bán dẫn.., chưa tự hình thành được các chuỗi cung ứng độc lập trong nước.

(3) Năng lực của các DN trong nước còn rất hạn chế, khó có khả năng hấp thụ được hiệu quả nguồn vốn đầu tư dịch chuyển tới, chưa đáp ứng được các yêu cầu của đối tác, làm hạn chế khả năng kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của đối tác nước ngoài.

(4) Diện tích đất cho sản xuất công nghiệp có sẵn hạ tầng theo nhu cầu của nhà đầu tư còn chưa đáp ứng kịp thời

Một số địa phương mà nhà ĐTNN có nhu cầu đầu tư lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam thì diện tích đất có sẵn hạ tầng trong các KCN không còn nhiều (theo số liệu tổng hợp từ các địa phương thì diện tích đất KCN đã có hạ tầng còn trống của các địa phương nêu trên chỉ còn 36,4% trên tổng diện tích đất KCN).

Hiện nay, trên phạm vi cả nước có 93 KCN đang xây dựng cơ bản (37,27 ngàn ha), 260 KCN (86,66 ngàn ha) có trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, 17 KKT đã được thành lập (65 ngàn ha đất quy hoạch phát triển các khu chức năng) và 02 KKT có trong quy hoạch phát triển các KKT ở Việt Nam (27,3 ngàn ha) nếu được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ tạo nguồn quỹ đất công nghiệp để đón dòng chuyển dịch và tái định vị toàn cầu.

(5) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ; năng lực dịch vụ hậu cần, logistics chưa cao.

(6) Thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ cao, những lĩnh vực công nghiệp mới.

Tỷ trọng lực lượng lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên của Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm từ 20 - 22,8% trong giai đoạn từ 2016-2019. Việt Nam hiện vẫn chưa tận dụng được nguồn lao đông có tay nghề cao ở nước ngoài trở về nước. Nguyên nhân chính là do chưa có sự kết nối giữa doanh nghiệp, các trường dạy nghề và người lao động.

(7) Chưa có các quy định cụ thể về gói ưu đãi “vượt trội” để kịp thời đón các dự án đầu tư có chất lượng trong dòng dịch chuyển và tái cơ cấu đầu tư.

(8) Việc triển khai các thủ tục đầu tư kinh doanh còn chậm, tỷ lệ áp dụng các thủ tục trực tuyến chưa cao.

(9) Khả năng hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp FDI còn chưa đạt kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

(10) Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng được khả năng tự cung ứng trong chuỗi sản xuất

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhiều hạn chế, khả năng tự chủ chưa cao, còn nhiều dư địa thu hút ĐTNN. Việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn, khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể như ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40-45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7-10%; điện tử viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 490
Thông báo