Mô hình “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí
13 khó khăn, vướng mắc thuộc 7 nhóm vấn đề của các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp đã được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu kinh tế, công nghệ cao và cụm công nghiệp. Hội nghị được tổ chức vào ngày 20/9, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị này.
Một trong số các khó khăn, vướng mắc được nhấn mạnh, chính là việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” trong thời gian qua.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp ở một số địa phương cho biết, cơ sở vật chất của doanh nghiệp không đáp ứng được mô hình “3 tại chỗ”. Có nơi, việc áp dụng mô hình này kéo theo chi phí vận hành quá cao nên doanh nghiệp đang đề xuất được tự chọn mô hình sản xuất phù hợp.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 tại chỗ” là giải pháp đúng đắn trong thời gian qua nhưng về lâu dài gặp nhiều khó khăn, bất cập, tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp không bố trí được khu vực “3 tại chỗ”, không mua được các trang thiết bị cần thiết cho việc tổ chức lưu trú, không đủ không gian trong việc bố trí chỗ ở cho người lao động.
Thậm chí, ở Hà Nội, có doanh nghiệp phải sử dụng diện tích xưởng, kho làm nơi ăn ở cho người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, nên hàng hóa, nguyên liệu xuất nhập khẩu phải lưu tại kho ngoại quan, cảng biển lâu ngày, bị đội chi phí…
Ngoài các khó khăn này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp còn gặp khó khăn về vấn đề thiếu hụt lao động; việc nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài; tiêm phòng vaccine Covid-19; gia tăng chi phí xét nghiệm cho người lao động…
Chưa kể, còn là các khó khăn liên quan đến thiếu vốn kinh doanh, đơn hàng sụt giảm; nguồn nguyên liệu đầu vào, dự trữ hạn hẹp; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn; khó trong cả xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O…
Từ các khó khăn, vướng mắc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19 thống nhất trong cả nước; tiếp tục kéo dài các gói hỗ trợ đã được ban hành cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021; thậm chí bổ sung, điều chỉnh các chính sách mạnh mẽ hơn trong năm 2022, nhất là với hoãn giãn, miễn giảm thuế, khoanh thuế…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất các nhóm chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, như tiếp tục cắt giảm các chi phí đầu vào như điện, nước; giảm các loại phí công đoàn, bảo hiểm; tạo thuận lợi tối đa thủ tục thông quan…
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, 8 tháng đầu năm, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sách khoảng 96.500 tỷ đồng.
Lắng nghe để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Thông tin cho biết, tại cuộc họp hôm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo, phải bàn kỹ cách thức làm sao để “bảo đảm phục hồi sản xuất, điều mà các doanh nghiệp và cả các địa phương đều mong muốn”. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm an toàn cho công nhân, không để hình thành ổ dịch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Nhấn mạnh vai trò của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hàng chục triệu lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách, cho tăng trưởng, cho ổn định xã hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, việc khôi phục kinh tế nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất - kinh doanh là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo khẳng định của Phó Thủ tướng, Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Do đó, điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ thể trong quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng.
Tuy nhiên, trung tâm, đầu mối để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố, chính quyền cơ sở. “Các địa phương cần sớm tổ chức các hội nghị, cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, hướng dẫn doanh nghiệp có phương án tái sản xuất”, Phó Thủ tướng đề nghị.
“Doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, đầu mối giải quyết là các địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ sát cánh cùng các địa phương, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.
Liên quan tới các kiến nghị của doanh nghiệp, ngoài các vấn đề về y tế, Phó thủ tướng chỉ đạo, nguyên tắc là luôn bảo đảm thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch, trong trường hợp phải phong tỏa thì tìm tuyến thay thế để hàng hóa lưu thông.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo, Bộ Giao thông - Vận tải cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc. Ngành giao thông và các địa phương không được ban hành các “giấy phép con” gây cản trở lưu thông.
Bên cạnh đó, liên quan vấn đề nhập cảnh của các chuyên gia, lao động tay nghề cao, Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần tạo điều kiện tối đa, nhưng bảo đảm phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tới khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.