Tại Hội nghị Tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra các nhận định, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, tạo ra thay đổi về kinh tế-xã hội nhưng đồng thời cũng mang lại những bài học kinh nghiệm, cơ hội và tương lai mới cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, giúp chúng ta nhận ra những khiếm khuyết, điểm yếu trong hệ thống, hạn chế của nền kinh tế, đây là cơ hội để chúng ta kịp điều chỉnh cho một tương lai “hậu COVID-19”.
Bộ trưởng cũng cho biết kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp khi bước vào trạng thái bình thường mới. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch trong năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP. Các giải pháp thời gian qua của nước ta chủ yếu giải quyết khó khăn ngắn hạn và các vấn đề về tài chính, vẫn thiếu tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ để phục hồi kinh tế gắn với cải cách, cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ ngành, chuyên gia kinh tế, hiệp hội trong nước và quốc tế đã thảo luận về Chương trình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế trên tinh thần đổi mới, hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp, người dân gắn với năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế, dựa trên các nhóm vấn đề như: Chính sách và kinh nghiệm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam; các yêu cầu đối với Việt Nam để phục hồi, phát triển nền kinh tế và thích nghi với các trật tự, cấu trúc mới của kinh tế thế giới; đánh giá các cơ hội cho Việt Nam để tận dụng quá trình phục hồi, cơ cấu lại nền kinh tế để chuẩn bị cho các diễn biến mới trong tương lai; khuyến nghị về nguyên tắc, yêu cầu, thời gian, phạm vi, quy mô, đối tượng và hình thức của các chính sách hỗ trợ; đánh giá mối quan hệ của Chương trình phục hồi này với các chính sách hỗ trợ đang thực hiện; khuyến nghị về các vấn đề xã hội, trong đó làm rõ những việc Việt Nam phải thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát.