BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 25/12/2024
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2020 (phần 1)
Thứ Sáu, 29/05/2020 08:56
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2020 (phần 1)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về Tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2020.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5/2020 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nhưng tốc độ tái đàn chậm; dịch Covid-19 đã được cơ bản khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn với nước ta gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu nông sản. Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản trong tháng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm.

a) Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam.

Vụ lúa đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3.025,5 nghìn ha, bằng 96,8% năm trước (giảm 98,7 nghìn ha), trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.097,5 nghìn ha, bằng 98,2% (giảm 19,6 nghìn ha[1]); các địa phương phía Nam đạt 1.928 nghìn ha, bằng 96,1% (giảm 79,1 nghìn ha[2]). Tại các địa phương phía Bắc, ngay từ đầu vụ thời tiết ấm áp, nguồn nước tưới tiêu được cung ứng hợp lý nhưng do diện tích gieo trồng giảm nên kết quả sản xuất lúa đông xuân năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước. Nếu từ nay đến khi thu hoạch không có mưa bão và sâu bệnh bất thường, năng suất lúa đông xuân của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 62,9 tạ/ha, tương đương vụ đông xuân năm trước; sản lượng đạt 6,9 triệu tấn, giảm 128,5 nghìn tấn. Tại các địa phương phía Nam, đến trung tuần tháng Năm thu hoạch được 1.870 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 97% diện tích xuống giống và bằng 94,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã thu hoạch xong, đạt 1.518,4 nghìn ha, chiếm 98,2% và bằng 94,6%. Mặc dù tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nhưng ngành Nông nghiệp đã có các biện pháp phù hợp như điều chỉnh lịch thời vụ gieo trồng sớm hơn hoặc chủ động chuyển đổi, cắt giảm diện tích đối với vùng có nguy cơ bị tác động của hạn, mặn; vận hành đồng loạt hệ thống thủy nông để ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả; sử dụng các loại giống lúa ít nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao nên năng suất lúa đông xuân năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính năng suất lúa đông xuân của các địa phương phía Nam năm nay đạt 67,3 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; nhưng do diện tích lúa giảm nên sản lượng đạt 13,44 triệu tấn, giảm 464,2 nghìn tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính năng suất đạt 68,1 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng đạt 10,5 triệu tấn, giảm 346,9 nghìn tấn.

Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, đến trung tuần tháng Năm, các địa phương phía Nam gieo sạ được 773,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 95,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 703,1 nghìn ha, bằng 93,8%. Tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Hiện nay, lúa hè thu sinh trưởng và phát triển tốt, đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh, một số diện tích xuống giống sớm đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, dự báo vụ hè thu 2020 còn gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên trong các tháng mùa khô. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần khuyến cáo nông dân gieo trồng các giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất cụ thể tại địa phương, hạn chế gieo trồng ở những vùng thấp trũng, không chủ động nước tưới hoặc thường xuyên bị ngập úng, bảo đảm thu hoạch trà lúa hè thu tránh lũ sớm ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, đồng thời kiểm soát và chủ động ngăn ngừa nguy cơ bùng phát sâu bệnh gây hại trên lúa.

Tính đến giữa tháng Năm, cả nước gieo trồng được 434,9 nghìn ha ngô, bằng 97% cùng kỳ năm trước; 65,4 nghìn ha khoai lang, bằng 93,3%; 131,5 nghìn ha lạc, bằng 102,1%; 23,5 nghìn ha đậu tương, bằng 107,3%; 599 nghìn ha rau đậu, bằng 100,8%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm vì chi phí đầu tư lớn, giá con giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp không thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng do tâm lý lo ngại dịch quay trở lại. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước tính trong tháng Năm đàn trâu của cả nước giảm 2,1% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò tăng 3,7%; đàn lợn giảm 6,2%; đàn gia cầm tăng 11,5%.

Tính đến ngày 20/5/2019, cả nước không còn dịch tai xanh ở lợn; có 5 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày ở Ninh Bình, Hà Nội và Vĩnh Long; dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở Kon Tum và dịch tả lợn châu Phi ở 143 xã thuộc 54 huyện của 19 địa phương chưa qua 30 ngày (trong tháng phát sinh 1 ổ dịch mới tại Tuyên Quang, tái phát tại 70 xã thuộc 15 địa phương[3]).

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp tháng 5/2020 có dấu hiệu phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng còn gặp khó khăn do xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng giảm. Bên cạnh đó, thời tiết ở nhiều tỉnh miền Bắc bắt đầu nắng nóng ảnh hưởng đến hoạt động trồng rừng vụ xuân hè. Trong tháng Năm, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 25 nghìn ha, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 5,5 triệu cây, giảm 15,9%; sản lượng củi khai thác đạt 2 triệu ste, giảm 3,8%. Riêng sản lượng gỗ khai thác trong tháng đạt 1.660 nghìn m3, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước và tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung như: Nghệ An ước tính đạt 145,2 nghìn m3, tăng 16,8%; Bình Định đạt 125,7 nghìn m3, tăng 8,7%; Phú Yên đạt 25,9 nghìn m3, tăng 84,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 84,8 nghìn ha, tương đương với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 34,2 triệu cây, giảm 3,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5.627 nghìn m3, tăng 0,8%; sản lượng củi khai thác đạt 8,2 triệu ste, giảm 1,9%.

Công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng Năm là 131,2 ha, giảm 46,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 63 ha, giảm 66,5%; diện tích rừng bị phá là 68,2 ha, tăng 21,9%. Tính chung 5 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 652,8 ha, tăng 19,7% so với cùng kỳ, trong đó diện tích rừng bị cháy là 374,4 ha, tăng 25%; diện tích rừng bị phá là 278,4 ha, tăng 13,2%.

c) Thủy sản

Sản xuất thủy sản tháng Năm bắt đầu được hồi phục, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm thủy sản chế biến tồn kho nhiều làm giá thu mua nguyên liệu thấp. Sản lượng thủy sản tháng Năm ước tính đạt 797,5 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 581,1 nghìn tấn, tăng 1,5%; tôm đạt 87,9 nghìn tấn, tăng 5,5%; thủy sản khác đạt 128,5 nghìn tấn, tăng 0,3%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Năm ước tính đạt 432,6 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 283,7 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 76,7 nghìn tấn, tăng 6,4%; thủy sản khác đạt 72,2 nghìn tấn, tăng 1%. Nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn do hoạt động thu mua của các doanh nghiệp giảm, giá cá tra nguyên liệu vẫn ở mức thấp, người nuôi bị lỗ từ 3.000-4.000 đồng/kg. Sản lượng cá tra trong tháng ước tính đạt 124 nghìn tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó An Giang đạt 32,3 nghìn tấn, giảm 6,1%; Cần Thơ đạt 16,6 nghìn tấn, giảm 4,9%; Bến Tre đạt 11,8 nghìn tấn, giảm 32,4%. Tình trạng hạn mặn từ đầu năm ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, chi phí phát sinh thêm nhiều làm giảm diện tích nuôi. Tuy nhiên, sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng tăng khá do ảnh hưởng dịch Covid-19 không có người thu mua nên các hộ nuôi cầm chừng, không thu hoạch ngay, tháng Năm mới tiến hành thu hoạch. Sản lượng tôm sú trong tháng Năm ước tính đạt 25,6 nghìn tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 46,6 nghìn tấn, tăng 11%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 5/2020 ước tính đạt 364,9 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 350,5 nghìn tấn, tăng 1,2%. Tháng Năm là thời điểm đang vào vụ cá Nam, giá nhiên liệu giảm sâu là điều kiện tốt cho bà con ngư dân bám biểm nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ sản phẩm có xu hướng giảm, làm giảm doanh thu của ngư dân.

Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.043 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.541,5 nghìn tấn, tăng 6,8%, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.501,5 nghìn tấn, giảm 2,2% (sản lượng khai thác biển đạt 1.437,1 nghìn tấn, giảm 2,1%).

2. Sản xuất công nghiệp

Trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1%, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 ước tính tăng 11,2% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 13%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%), đóng góp 2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 36,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 16,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất trang phục giảm 6,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 3,5%; sản xuất kim loại giảm 2,2%; dệt tăng 0,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,9% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 13,8%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,1%; khai thác quặng kim loại tăng 7,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,6%; khai thác than tăng 5,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,7%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 26,9%; đường kính giảm 25,4%; bia giảm 24,5%; xe máy giảm 15,6%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 11,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 10,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 10,4%; sắt thép thô giảm 9,7%; quần áo mặc thường giảm 8,2%; giày, dép da giảm 6,7%; điện thoại di động giảm 5,4%; thức ăn cho gia súc giảm 5,3%; thép cán giảm 4,7%; tivi các loại giảm 3,1%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại tăng 18,1%; bột ngọt tăng 13,1%; thép thanh, thép góc tăng 12,1%; phân ure tăng 11,3%; xăng dầu các loại tăng 10,7%; thuốc lá điếu tăng 6,6%; than sạch tăng 5,8%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2020 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,2%), trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,3%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,8%; sản xuất và phân phối điện không đổi; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 1,2%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[4]

Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đăng ký doanh nghiệp trong tháng Năm có sự khởi sắc, cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 48,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.

Trong tháng 5/2020, cả nước có 10.728 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 112,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91,5 nghìn lao động, tăng 36,1% về số doanh nghiệp, tăng 20,1% về vốn đăng ký và tăng 27% về số lao động so với tháng trước[5]. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,5 tỷ đồng, so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2019 cùng giảm 11,7%. Trong tháng, cả nước còn có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7% so với tháng trước và tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2019; 3.342 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 18,9% và tăng 43,7%; 3.083 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 42,3% và tăng 47,6%; 962 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,8% và giảm 9,8%; 3.473 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 21,3% và tăng 44,5%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 48,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 557,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 407,2 nghìn lao động, giảm 10,5% về số doanh nghiệp, giảm 16,7% về vốn đăng ký và giảm 24,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 817,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 15,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm là 1.375,3 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 21,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,5% so với 5 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng lên 70 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 5 tháng đầu năm có 794 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; có 13,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 6%; có gần 33,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 12,6%. Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, ngoài ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 928 doanh nghiệp, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước, đây là những ngành thiết yếu nên ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 16.335 doanh nghiệp, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 6.440 doanh nghiệp, giảm 9,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo 6.223 doanh nghiệp, giảm 9,1%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 4.403 doanh nghiệp, giảm 1,8%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 2.545 doanh nghiệp, giảm 19,4%; kinh doanh bất động sản 2.231 doanh nghiệp, giảm 29,7%; vận tải, kho bãi 2.095 doanh nghiệp, giảm 8,8%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 1.920 doanh nghiệp, giảm 24,1%; thông tin truyền thông 1.479 doanh nghiệp, giảm 3,8%; giáo dục và đào tạo 1.194 doanh nghiệp, giảm 25,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 476 doanh nghiệp, giảm 17,8%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 328 doanh nghiệp, giảm 38,5%.

Trong 5 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước; 16,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 14,5%; gần 6,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,8%, trong đó có 5,4 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 5,7%; 87 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 6,1%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 2,2 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 722 doanh nghiệp; xây dựng có 500 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 391 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 355 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 350 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 342 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 241 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 239 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 222 doanh nghiệp. Trong 5 tháng, trên cả nước còn có 17,4 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

4. Đầu tư

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020[6]. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2%[7].

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2020 ước tính đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 5,3 nghìn tỷ đồng, tăng 59,4%; vốn địa phương 25,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 116,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch năm và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 26,2% và tăng 4,2%), gồm có:

– Vốn Trung ương quản lý đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% kế hoạch năm và tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 4.284 tỷ đồng, bằng 24,6% và tăng 56,5%; Bộ Y tế 1.341 tỷ đồng, bằng 25,2% và tăng 29,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 948 tỷ đồng, bằng 21,3% và tăng 23,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 582 tỷ đồng, bằng 19,4% và tăng 90,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 210 tỷ đồng, bằng 16,4% và giảm 10,1%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 130 tỷ đồng, bằng 19,8% và giảm 28,8%; Bộ Công Thương 86 tỷ đồng, bằng 22,5% và tăng 49,5%; Bộ Xây dựng 60 tỷ đồng, bằng 17,7% và tăng 10,6%; Bộ Khoa học và Công nghệ 48 tỷ đồng, bằng 18,8% và giảm 42,6%; Bộ Thông tin và Truyền thông 24 tỷ đồng, bằng 19% và giảm 29,1%.

– Vốn địa phương quản lý đạt 98,6 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 65,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24% và tăng 9,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 27,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,4% và tăng 15,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9% và tăng 20,5%. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 13.358 tỷ đồng, bằng 29,4% kế hoạch năm và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 7.283 tỷ đồng, bằng 15,2% và tăng 15,3%; Quảng Ninh 3.801 tỷ đồng, bằng 27,3% và tăng 17%; Thanh Hóa 3.548 tỷ đồng, bằng 34,6% và tăng 22,1%; Bình Dương 3.085 tỷ đồng, bằng 23,2% và tăng 9,9%; Bà Rịa – Vũng Tàu 2.853 tỷ đồng, bằng 29,4% và tăng 11,7%; Nghệ An 2.762 tỷ đồng, bằng 35,6% và tăng 29,8%; Hải Phòng 2.453 tỷ đồng, bằng 30,4% và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước; Quảng Nam 2.314 tỷ đồng, bằng 35,3% và giảm 4,6%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.212 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,4 tỷ USD, giảm 11,1% về số dự án và tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 436 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 31,4%; có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỷ USD, giảm 60,9%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 715 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,2 tỷ USD và 2.813 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,8 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.933,8 triệu USD, chiếm 73,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 721,3 triệu USD, chiếm 10,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 599,9 triệu USD, chiếm 9%.

Trong 5 tháng đầu năm, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 37%, các ngành còn lại đạt 685,3 triệu USD, chiếm 9,2%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 3,8 tỷ USD[8], chiếm 35,3%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 11,4%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 35,6% tổng vốn; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 624,5 triệu USD, chiếm 20,9%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 324,9 triệu USD, chiếm 10,8%; các ngành còn lại đạt 977,1 triệu USD, chiếm 32,7%.

Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4.318,5 triệu USD, chiếm 58% tổng vốn đăng ký cấp mới; Đài Loan 743,2 triệu USD, chiếm 10%; Trung Quốc 694,9 triệu USD, chiếm 9,3%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 500,3 triệu USD, chiếm 6,7%; Hàn Quốc 441,7 triệu USD, chiếm 5,9%; Nhật Bản 221,1 triệu USD, chiếm 3%; Quần đảo Cay-man 100 triệu USD, chiếm 1,3%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm có 60 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 161,9 triệu USD; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 18,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng đạt 180,7 triệu USD, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 100,5 triệu USD, chiếm 55,6% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 31,4 triệu USD, chiếm 17,4%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 15,9 triệu USD, chiếm 8,8%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 12 triệu USD, chiếm 6,6%. Trong 5 tháng đầu năm có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 51,3%; Hoa Kỳ 21,7 triệu USD, chiếm 12%; Mi-an-ma 21,2 triệu USD, chiếm 11,7%; Xin-ga-po 18,9 triệu USD, chiếm 10,5%.

5. Thu, chi ngân sách nhà nước

Thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 5/2020 chỉ đạt mức xấp xỉ 15 ngày đầu tháng trước. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, phòng chống dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2020 ước tính đạt 529,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 439,9 nghìn tỷ đồng, bằng 34,8%; thu từ dầu thô 18,9 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 70,5 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 52,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 79,5 nghìn tỷ đồng, bằng 34,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 82,9 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6%; thu thuế thu nhập cá nhân 52,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,7%; thu thuế bảo vệ môi trường 19,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28,9%; thu tiền sử dụng đất 48,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2020 ước tính đạt 537,4 nghìn tỷ đồng, bằng 30,8% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 385 nghìn tỷ đồng, bằng 36,4%; chi đầu tư phát triển 103,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1%; chi trả nợ lãi 45,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6%.

[1] Do các địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất, trong đó chuyển 3,6 nghìn ha sang xây dựng cơ sở hạ tầng; 1,9 nghìn ha sang trồng cây hằng năm khác; 2,5 nghìn ha sang trồng cây lâu năm; 1 nghìn ha sang nuôi trồng thủy sản; phần còn lại không gieo trồng do thiếu lao động hoặc nguồn nước bị ô nhiễm.

[2] Trong đó, chuyển 1 nghìn ha sang sang xây dựng cơ sở hạ tầng; 7,7 nghìn ha sang trồng cây hằng năm khác; 15 nghìn ha sang trồng cây lâu năm; 0,8 nghìn ha sang nuôi trồng thủy sản; 51,9 nghìn ha bỏ không gieo trồng do hạn hán và nhiễm mặn.

[3] Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đắk Lắk và Đắk Nông.

[4] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[5] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 0,3%; số vốn đăng ký giảm 11,4%; lao động tăng 3,8%.

[6] Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN tháng 5 so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020: năm 2016 tăng 13,1%; năm 2017 tăng 8,8%; năm 2018 tăng 8%; năm 2019 tăng 4,7%; năm 2020 tăng 17,5%.

Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN 5 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020: năm 2016 tăng 12,1%; năm 2017 tăng 5,5%; năm 2018 tăng 9,3%; năm 2019 tăng 4,2%; năm 2020 tăng 15,6%.

[7] Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: 5,8 tỷ USD; 6,2 tỷ USD; 6,8 tỷ USD; 7,3 tỷ USD; 6,7 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 313
Thông báo