I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ (tiếp)
5. Hoạt động dịch vụ
a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tác động tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020[17]. Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (4,7%), cầu tiêu dùng trong dân giảm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước tính đạt 390 nghìn tỷ đồng, giảm 4% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 316,1 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5% và tăng 4,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% và giảm 26,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, giảm 44,7% và giảm 62,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% và giảm 6,5%.
Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 985,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 9,3%; xăng, dầu tăng 8,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,7%; may mặc tăng 6,6%; phương tiện đi lại tăng 5,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 2%. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I vẫn tăng do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây, trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 11%; Hà Nội tăng 9,3%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 8,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8%; Cần Thơ tăng 7,3%; Thanh Hóa tăng 6,9%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,3%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động cùng với lượng khách du lịch giảm. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 38,2%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Thanh Hóa giảm 20,4%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%; Quảng Ninh giảm 12,4%; Hải Phòng giảm 8,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%) do nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành quý I giảm so với cùng kỳ năm trước: Thanh Hóa giảm 49,9%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 48,3%; Quảng Ninh giảm 47,1%; Khánh Hòa giảm 43,9%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Bình Định giảm 24,4%; Đà Nẵng giảm 19,5%; Hà Nội giảm 18,7%; Hải Phòng giảm 14,9%.
Doanh thu dịch vụ khác quý I/2020 ước tính đạt 126,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Cần Thơ tăng 2,3%; Thái Nguyên tăng 1,2%; Đà Nẵng giảm 1,4%; Hà Nội giảm 1,7%; Hải Phòng giảm 6,3%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 7,4%.
b) Vận tải và viễn thông
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải quý I/2020, trong đó vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn khi lượng khách vận chuyển tháng Ba giảm 21,4% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 3 tháng giảm 6,1% do tác động của các vận động, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cùng với việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Vận tải hành khách tháng Ba ước tính đạt 334,4 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 8,8% so với tháng trước và luân chuyển 14,8 tỷ lượt khách.km, giảm 15,1%. Tính chung quý I/2020, vận tải hành khách đạt 1.190,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%) và luân chuyển 55,9 tỷ lượt khách.km, giảm 8% (cùng kỳ năm trước tăng 10%), trong đó vận tải trong nước đạt 1.187,7 triệu lượt khách, giảm 6,1% và 46,4 tỷ lượt khách.km, giảm 3,5%; vận tải ngoài nước đạt 3 triệu lượt khách, giảm 30,3% và 9,6 tỷ lượt khách.km, giảm 24,9%. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường đều bị ảnh hưởng do nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, vận tải hành khách đường bộ quý I đạt 1.128,3 triệu lượt khách, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước và 38,5 tỷ lượt khách.km, giảm 7,2%; đường thủy nội địa đạt 47,7 triệu lượt khách, giảm 1,3% và 1,1 tỷ lượt khách.km, giảm 0,4%; đường biển đạt 1,3 triệu lượt khách, giảm 23,2% và 109,4 triệu lượt khách.km, giảm 5,8%; đường sắt đạt 1,5 triệu lượt khách, giảm 27,8% và 0,7 tỷ lượt khách.km, giảm 23,8%; hàng không là ngành chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi dịch Covid-19 khi các hãng tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế, vận tải hàng không quý I năm nay đạt 11,9 triệu lượt khách, giảm 8% và 15,6 tỷ lượt khách.km, giảm 9,5% (riêng tháng Ba vận chuyển giảm 28,8% và luân chuyển giảm 35,9%).
Vận tải hàng hóa tháng Ba ước tính đạt 138,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 2,9% so với tháng trước và luân chuyển 26,9 tỷ tấn.km, giảm 3,8%. Tính chung quý I/2020, vận tải hàng hóa đạt 435,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,6%) và luân chuyển 84,4 tỷ tấn.km, tăng 0,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%), trong đó vận tải trong nước đạt 427 triệu tấn, tăng 1,2% và 47,2 tỷ tấn.km, tăng 2,3%; vận tải ngoài nước đạt 8,7 triệu tấn, giảm 4% và 37,2 tỷ tấn.km, giảm 2,6%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hóa đường bộ quý I đạt 340,6 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước và 23,9 tỷ tấn.km, tăng 0,7%; đường thủy nội địa đạt 73,8 triệu tấn, giảm 0,1% và 15,8 tỷ tấn.km, giảm 0,1%; đường biển đạt 19,9 triệu tấn, giảm 0,7% và 42,1 tỷ tấn.km, tăng 0,9%; đường sắt đạt 1,2 triệu tấn, giảm 4,4% và 0,8 tỷ tấn.km, giảm 3,2%; đường hàng không đạt 91,2 nghìn tấn, giảm 2,8% và 1,6 tỷ tấn.km, giảm 21,5%.
Hoạt động viễn thông quý I/2020 nhìn chung ổn định với doanh thu ước tính đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2%). Tổng số thuê bao điện thoại tại thời điểm cuối tháng 3/2020 ước tính đạt 129,2 triệu thuê bao, giảm 6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 125,5 triệu thuê bao, giảm 5,9% chủ yếu do các nhà mạng tiếp tục thực hiện quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xử lý sim rác, quản lý thuê bao điện thoại di động và nhu cầu sử dụng điện thoại cố định ngày càng giảm. Số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định tại thời điểm cuối tháng Ba ước tính đạt 15,2 triệu thuê bao, tăng 13% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó thuê bao truy nhập qua hệ thống cáp quang (FTTH) và qua hệ thống cáp truyền hình (CATV) vẫn tăng nhanh, thuê bao truy nhập qua hình thức xDSL tiếp tục giảm.
c) Khách quốc tế đến Việt Nam
Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng Ba giảm mạnh 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ…
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Ba ước tính đạt 449,9 nghìn lượt người, giảm 63,8% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 62,3%; bằng đường bộ giảm 65,9%; bằng đường biển giảm 83,6%. So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta trong tháng Ba giảm 68,1%, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 65,7%; bằng đường bộ giảm 77,9% và bằng đường biển giảm 55,2%; khách đến từ châu Á giảm 77,2%; từ châu Âu giảm 27,5%; từ châu Úc giảm 49,9%; từ châu Mỹ giảm 67,9%; từ châu Phi giảm 37,8%.
Tính chung quý I/2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.686,8 nghìn lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.991,6 nghìn lượt người, chiếm 81,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 14,9%; bằng đường bộ đạt 551,1 nghìn lượt người, chiếm 15% và giảm 39,4%; bằng đường biển đạt 144,1 nghìn lượt người, chiếm 3,9% và tăng 92,1%.
Trong 3 tháng đầu năm, khách đến từ châu Á đạt 2.674,4 nghìn lượt người, chiếm 72,5% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 871,8 nghìn lượt người, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 819,1 nghìn lượt người, giảm 26,1%; Nhật Bản 200,3 nghìn lượt người, giảm 14,1%; Đài Loan 192,2 nghìn lượt người, giảm 7,2%; Ma-lai-xi-a 116,2 nghìn lượt người, giảm 19,1%. Bên cạnh đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có số khách đến nước ta vẫn tăng trong quý I: Thái Lan 125,7 nghìn lượt người, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; Cam-pu-chia đạt 120,4 nghìn lượt người, tăng 254,3%; Lào đạt 36,8 nghìn lượt người, tăng 38,5%.
Khách đến từ châu Âu trong quý I ước tính đạt 664,3 nghìn lượt người, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Vương quốc Anh 81,4 nghìn lượt người, giảm 9,4%; Pháp 74,5 nghìn lượt người, giảm 14,7%; Đức 61,5 nghìn lượt người, giảm 14,9%; riêng khách đến từ Liên bang Nga tăng 13,6% với 245 nghìn lượt người. Khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234 nghìn lượt người, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ đạt 172,7 nghìn lượt người, giảm 21,4%. Khách đến từ châu Úc đạt 102,2 nghìn lượt người, giảm 14,4%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 92,2 nghìn lượt người, giảm 15%. Khách đến từ châu Phi đạt 11,9 nghìn lượt người, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán
Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong quý I/2020 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 20/3/2020 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm 2016-2020[18]. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 tăng trưởng khá với nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân trước tình hình dịch bệnh; thị trường chứng khoán giảm mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 16/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Hiện tại, lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,2%-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6%-7,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,0%-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các công ty Bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp nhiều gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, tăng gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp. Trong đó, các gói bảo hiểm như: Corona Care của công ty Bảo hiểm Viễn Đông, Corona ++ dành cho người Việt từ 16-60 tuổi của Bảo hiểm PVI, ENCOVY của Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội là những chương trình bảo hiểm nhằm mục đích cùng với Chính phủ và cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh của các công ty Bảo hiểm.
Thị trường chứng khoán quý I/2020 gặp nhiều bất lợi do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giá dầu thế giới giảm mạnh và Cục dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán trong quý I năm nay chỉ đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 23/3/2020, chỉ số VNIndex đạt 657,43 điểm, giảm 25,5% so với cuối tháng trước và giảm 31,6% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt 3.302 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng Ba đạt 5.608 tỷ đồng/phiên, tăng 24% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 4.676 tỷ đồng/phiên, tăng 0,04% so với bình quân năm 2019. Hiện nay, thị trường cổ phiếu có 756 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 883 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt gần 1.414 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2019.
Trên thị trường trái phiếu, hiện có 483 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.163 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu tháng Ba đạt 13.863 tỷ đồng/phiên, tăng 32,2% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.025 tỷ đồng/phiên, tăng 19,7% so với bình quân năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân trong tháng Ba đạt 168.829 hợp đồng/phiên, tăng 28% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, khối lượng giao dịch bình quân đạt 122.436 hợp đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm trước. Tại thời điểm cuối tháng 2/2020, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 97.427 tài khoản, tăng 7% so với cuối năm 2019.
2. Đầu tư
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[19] do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức khá 13,2% kế hoạch năm[20] mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020[21].
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng vốn và tăng 5,8%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 166,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% và giảm 5,4%.
Tốc độ phát triển và cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện
quý I giai đoạn 2016-2020 (Theo giá hiện hành)
%
|
Tổng số
|
Khu vực
Nhà nước
|
Khu vực
ngoài Nhà nước
|
Khu vực có
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
|
Tốc độ phát triển
|
Năm 2016
|
110,9
|
105,9
|
114,5
|
112,8
|
Năm 2017
|
109,5
|
105,3
|
115,0
|
107,1
|
Năm 2018
|
110,0
|
103,0
|
117,2
|
108,1
|
Năm 2019
|
109,1
|
102,6
|
114,8
|
107,5
|
Năm 2020
|
102,2
|
105,8
|
104,2
|
94,6
|
Cơ cấu
|
Năm 2016
|
100,0
|
34,7
|
37,6
|
27,7
|
Năm 2017
|
100,0
|
33,4
|
39,5
|
27,1
|
Năm 2018
|
100,0
|
31,3
|
42,1
|
26,6
|
Năm 2019
|
100,0
|
29,4
|
44,4
|
26,2
|
Năm 2020
|
100,0
|
30,5
|
45,2
|
24,3
|
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 59,5 nghìn tỷ đồng, bằng 13,2% kế hoạch năm và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 13,3% và tăng 3,7%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, bằng 11,1% kế hoạch năm và tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 50,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,6% kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 33,7 nghìn tỷ đồng, bằng 13% kế hoạch năm và tăng 12,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4% và tăng 17,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, bằng 18% và tăng 18,5%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỷ USD, giảm 18%; có 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỷ USD, giảm 65,6%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 0,71 tỷ USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 405,4 triệu USD, chiếm 10,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 337,7 triệu USD, chiếm 8,8%.
Trong quý I/2020, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 21,4%; các ngành còn lại đạt 346,7 triệu USD, chiếm 6,3%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 2 tỷ USD, chiếm 30,7% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không có vốn đăng ký bổ sung giữ mức 4 tỷ USD, chiếm 60,7%; các ngành còn lại đạt 570,2 triệu USD, chiếm 8,6%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 699 triệu USD, chiếm 35,7% giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 441,4 triệu USD, chiếm 22,6%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 176 triệu USD, chiếm 9%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 174,1 triệu USD, chiếm 8,9%; các ngành còn lại 465,4 triệu USD, chiếm 23,8%.
Trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong quý I năm nay, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4.204,7 triệu USD, chiếm 76% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 455,9 triệu USD, chiếm 8,2%; Hàn Quốc 284,4 triệu USD, chiếm 5,1%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 245,9 triệu USD, chiếm 4,4%; Nhật Bản 120,3 triệu USD, chiếm 2,2%; Đài Loan 64,5 triệu USD, chiếm 1,2%; Hà Lan 37,8 triệu USD, chiếm 0,7%; Ma-lai-xi-a 34,4 triệu USD, chiếm 0,6%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2020 có 27 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 22,9 triệu USD; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 26,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 49,3 triệu USD, trong đó lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 14,7 triệu USD, chiếm 29,9% tổng vốn đầu tư; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 12 triệu USD, chiếm 24,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9 triệu USD, chiếm 18,3%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 5,2 triệu USD, chiếm 10,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5 triệu USD, chiếm 10,2%. Trong quý I/2020 có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa kỳ là nước dẫn đầu với 20,1 triệu USD, chiếm 40,8%; Xin-ga-po 12,8 triệu USD, chiếm 26%; Cam-pu-chia 9,5 triệu USD, chiếm 19,3%; Cuba 5 triệu USD, chiếm 10,1%.
3. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 256,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3%; thu từ dầu thô 12,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 48,9 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 54,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20%; thu thuế thu nhập cá nhân 28,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21,9%; thu thuế bảo vệ môi trường 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4%; thu tiền sử dụng đất 29,7 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 278,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 201,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 47,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1%; chi trả nợ lãi 28,6 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2%.
4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
Dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 39 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%, trong đó xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Xuất siêu quý I năm nay đạt 2,8 tỷ USD.
a) Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 2/2020 đạt 20.854 triệu USD, cao hơn 2.254 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện cao hơn 670 triệu USD; hàng dệt may cao hơn 184 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 151 triệu USD; sắt thép cao hơn 146 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ cao hơn 97 triệu USD; thủy sản cao hơn 81 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2020 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,16 tỷ USD, giảm 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,84 tỷ USD, giảm 5,4%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng Ba có kim ngạch giảm so với tháng trước: Dầu thô giảm 20,8%; sắt thép giảm 20,3%; hàng dệt may giảm 19,4%; giày dép giảm 19,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Ba giảm 12,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 15,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh: Hàng dệt may giảm 29%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 26,1%; sắt thép giảm 16,4%; giày dép giảm 15,9%; thủy sản giảm 11,9%; điện thoại và linh kiện giảm 10,8%.
Tính chung quý I/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, chiếm 31,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 40,43 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 68,4%.
Trong quý I có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,4 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, tăng 16,2%; hàng dệt may đạt 6,5 tỷ USD, giảm 8,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,7 tỷ USD, tăng 17,7%; giày dép đạt 3,9 tỷ USD, giảm 1,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,5 tỷ USD, tăng 9,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2 tỷ USD, giảm 5,5%; thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 11,2%. Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 92,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 77,2%; giày dép chiếm 75,5%; hàng dệt may 57,1%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản quý I năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 831 triệu USD, giảm 11,5%; cà phê đạt 794 triệu USD, giảm 6,4% (lượng giảm 3,9%); cao su đạt 331 triệu USD, giảm 26,1% (lượng giảm 33%); hạt tiêu đạt 156 triệu USD, giảm 17,6% (lượng giảm 0,9%). Riêng gạo và hạt điều tăng cả lượng và giá trị, gạo đạt 653 triệu USD, tăng 7,9% (lượng tăng 1,1%); hạt điều đạt 644 triệu USD, tăng 0,8% (lượng tăng 14,3%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 32 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 54,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 20,8 tỷ USD, giảm 0,2% và chiếm 35,3% (giảm 0,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 4,6 tỷ USD, giảm 4,5% và chiếm 7,8% (giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 11,2% và chiếm 2,7% (giảm 0,4 điểm phần trăm).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu quý I/2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 11,5% (do mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 187,5%). Thị trường EU đạt 7,5 tỷ USD, giảm 14,9%. Thị trường ASEAN đạt 6 tỷ USD, giảm 5,2%. Nhật Bản đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,5%. Hàn Quốc đạt 4,5 tỷ USD, giảm 2,7%.
b) Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 2/2020 đạt 18.579 triệu USD, cao hơn 79 triệu USD so với số ước tính, trong đó ô tô cao hơn 116 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 56 triệu USD; vải thấp hơn 41 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 60 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,3 tỷ USD, tăng 1%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Điện thoại và linh kiện tăng 17%; vải tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba giảm 10,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 14%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,2%. Một số mặt hàng có kim ngạch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Xăng dầu giảm 58,8%; vải giảm 25,9%; sắt thép giảm 20,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 14,2%.
Tính chung quý I/2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,08 tỷ USD, giảm 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,18 tỷ USD, giảm 0,8%.
Trong quý I có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,9% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,2 tỷ USD (chiếm 23,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,8 tỷ USD, giảm 8,6%; điện thoại và linh kiện đạt 3,2 tỷ USD, tăng 14,1%; vải đạt 2,4 tỷ USD, giảm 17,7%; chất dẻo đạt 2 tỷ USD, giảm 6,1%; sắt thép đạt 1,9 tỷ USD, giảm 16%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 8,1%; dầu thô đạt 1,5 tỷ USD; tăng 67,9%; ô tô đạt 1,4 tỷ USD, giảm 24,4%; kim loại thường đạt 1,4 tỷ USD; giảm 7,9%; sản phẩm hóa chất đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,7%; hóa chất đạt 1,2 tỷ USD, giảm 0,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,1 tỷ USD, giảm 14,5%; xăng dầu đạt 1,02 tỷ USD, giảm 17,6%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu quý I, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 52,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 26,4 tỷ USD, tăng 3,9% và chiếm 46,9% (tăng 2,6 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 26,2 tỷ USD, giảm 5,9% và chiếm 46,6% (giảm 2 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 3,66 tỷ USD, giảm 10,6% và chiếm 6,5% (giảm 0,6 điểm phần trăm).
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu quý I, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13,3 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 7,2 tỷ USD, giảm 8,3%. Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD, tăng 15,8%. Thị trường EU đạt 3,4 tỷ USD, tăng 5,2%. Hoa Kỳ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 13%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Hai xuất siêu 2,3 tỷ USD[22]; 2 tháng xuất siêu 1,8 tỷ USD; tháng Ba ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung quý I/2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 2,8 tỷ USD[23] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỷ USD.
c) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 3,34 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 71,9% tổng kim ngạch), giảm 18,6%; dịch vụ vận tải đạt 510 triệu USD (chiếm 15,3%), giảm 31,9%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I ước tính đạt 4,27 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 2 tỷ USD (chiếm 46,8% tổng kim ngạch), giảm 7%; dịch vụ du lịch đạt 1,4 tỷ USD (chiếm 31,6%), giảm 2,9%. Nhập siêu dịch vụ trong quý I/2020 là 930 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 335 triệu USD), bằng 27,8% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
5. Chỉ số giá
Ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[24]. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020[25], tăng lần lượt 4,87% và 5,56%. Tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Trong mức giảm 0,72% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,87%, chủ yếu do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 29/2/2020 và 15/3/2020 làm giá xăng, dầu giảm 9,83% (tác động làm CPI chung giảm 0,43%) và giá dịch vụ giao thông công cộng giảm[26]. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,4% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội của người dân giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19[27]. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%, trong đó: lương thực tăng 1,09%[28]; thực phẩm giảm 0,89%[29]; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,01%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,25% (giá gas giảm 5,91% do giá gas trong nước điều chỉnh giảm làm CPI chung giảm 0,07% và giá dầu hỏa giảm 12,08%); may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,15%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do giá dịch vụ giúp việc gia đình tăng 0,64% và nhu cầu sử dụng các loại vật phẩm tiêu dùng gia đình[30] trong mùa dịch Covid-19 tăng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm giáo dục tăng 0,04%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%.
CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. CPI quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu: (i) Nhu cầu về nhiều loại mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: lương thực tăng 1,51% (tác động làm CPI chung tăng 0,07%), thực phẩm tăng 13,21% (tác động làm CPI chung tăng 2,99%), trong đó: giá thịt lợn tăng 58,81% (đóng góp 2,47% vào mức tăng CPI chung); giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng 1,8%; giá các loại quần áo may sẵn tăng 1,19%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,52% (tác động làm CPI chung tăng 0,04%); (ii) Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giá rau trong quý I/2020 tăng 4,14% do rau, quả Trung Quốc không xuất được sang Việt Nam; đồng thời làm giá các mặt hàng thuốc y tế, điện sinh hoạt và nước sinh hoạt tăng cao, lần lượt là 1,43%; 9,89% và 4,75%.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI quý I/2020, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI: (i) Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 5 đợt kể từ đầu năm với giá xăng A95 giảm 4.180 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 3.830 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 3.560 đồng/lít; (ii) Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu đi lại, du lịch của người dân sau Tết giảm làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm[31]; (iii) Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ổn định thị trường.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2020 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới do các nhà đầu tư trong nước có xu hướng nắm giữ vàng trong thời điểm chứng khoán, bất động sản không ổn định. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/3/2020 giảm 1,13% so với tháng 2/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng 3,87% so với tháng trước; tăng 11,37% so với tháng 12/2019 và tăng 25,31% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có dấu hiệu suy giảm, các nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ tiền mặt nên đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng; Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã điều chỉnh lãi suất xuống biên độ 0% – 0,25% và tuyên bố sẽ mua không giới hạn lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ thị trường tài chính và đối phó với những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra cho nền kinh tế Mỹ. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2020 tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 0,51% so với tháng 12/2019 và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.
c) Chỉ số giá sản xuất
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 tăng 4,45% so với quý IV/2019 và tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 5,17% và tăng 7,83%; lâm nghiệp tăng 0,06% và giảm 0,1%; thủy sản tăng 2,75% và tăng 1,1%.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý I/2020 giảm 0,03% so với quý IV/2019 và tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 1,36% và tăng 6,35%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,15% và tăng 0,57%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 2,49% và tăng 3,94%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8% và tăng 2,34%.
Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý I/2020 giảm 0,25% so với quý IV/2019 và tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi giảm 2,01% và giảm 1,91%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,6% và tăng 2,37%; thông tin và truyền thông giảm 0,03% và tăng 0,49%; giáo dục và đào tạo tăng 0,12% và tăng 4,15%; y tế và trợ giúp xã hội tăng 0,06% và tăng 3,58%.
d) Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý I/2020 giảm 0,28% so với quý IV/2019 và giảm 0,53% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nhóm nông sản, thực phẩm tăng 0,27% và giảm 1,4%; nhóm nhiên liệu giảm 5,51% và giảm 9,25%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,14% và giảm 0,05%. Chỉ số giá xuất khẩu quý I/2020 so với quý IV/2019 và so với cùng kỳ năm trước của một số mặt hàng như sau: Dầu thô giảm 6,59% và giảm 12,49%; xăng dầu giảm 4,12% và giảm 2,22%; cà phê giảm 2,55% và giảm 6,11%; sản phẩm từ cao su tăng 3,88% và tăng 2,27%; chè tăng 2,47% và tăng 6,41%; cao su tăng 2,16% và tăng 5,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 0,49% và tăng 2,4%.
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý I năm nay giảm 0,16% so với quý IV/2019 và tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nhập khẩu nhóm nông sản, thực phẩm tăng 0,52% và tăng 1%; nhóm nhiên liệu tăng 0,56% và tăng 4,75%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,23% và giảm 0,19%. Chỉ số giá nhập khẩu quý I/2020 của một số mặt hàng: Hóa chất giảm 2,32% so với quý IV/2019 và giảm 5,91% so với cùng kỳ năm trước; kim loại thường khác giảm 1,55% và giảm 0,71%; nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 1,36% và giảm 4,07%; ô tô nguyên chiếc các loại giảm 1,05% và giảm 1,05%; khí đốt hóa lỏng tăng 13,2% và tăng 6,31%; sản phẩm từ giấy tăng 8,87% và tăng 11,22%; hàng rau quả tăng 1,59% và tăng 8,15%; than đá tăng 0,65% và tăng 1,95%.
Tỷ giá thương mại hàng hóa[32] quý I/2020 giảm 0,12% so với quý IV/2019 và giảm 0,61% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên tỷ giá thương mại hàng hóa giảm trong 3 năm gần đây[33], trong đó tỷ giá thương mại của rau quả giảm 4,69% và giảm 4,5%; xăng dầu giảm 3,49% và giảm 7,05%; hóa chất tăng 2,37% và tăng 6,28%; cao su tăng 2,11% và tăng 8,85%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 0,82% và tăng 2,61%.
[17] Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 10,4%; 12,2%; 11,4%; 12,3%; – 0,8%.
[18] Tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 20/3 các năm 2016-2020 lần lượt là: Năm 2016 tăng 1,54%; năm 2017 tăng 2,81%; năm 2018 tăng 2,23%; năm 2019 tăng 1,9%; năm 2020 tăng 0,68%.
[19] Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I so với cùng kỳ năm trước các năm giai đoạn 2016-2020: Năm 2016 tăng 10,9%; năm 2017 tăng 9,5%; năm 2018 tăng 10%; năm 2019 tăng 9,1%; năm 2020 tăng 2,2%.
[20] Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2019 bằng 13,3% kế hoạch năm.
[21] Vốn đầu tư thực hiện quý I các năm 2016-2020 lần lượt là: 3,5 tỷ USD; 3,6 tỷ USD; 3,9 tỷ USD; 4,1 tỷ USD; 3,9 tỷ USD.
[22] Ước tính tháng Hai xuất siêu 100 triệu USD.
[23] Trong đó, quý I/2020 xuất siêu sang EU đạt 4,1 tỷ USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 4,9 tỷ USD, giảm 43,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 7,2 tỷ USD, tăng 6%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, giảm 20,4%.
[24] Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Ba so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,57%; tăng 0,21%; giảm 0,27%; giảm 0,21%; giảm 0,72%.
[25] Tốc độ tăng CPI tháng Ba so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,69%; 4,65%; 2,66%; 2,7%; 4,87%. Tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,25%; 4,96%; 2,82%; 2,63%; 5,56%.
[26] Giá vé máy bay giảm 41,14%; giá vé tàu hỏa giảm 11,71%; giá vé tắc xi giảm 0,07%.
[27] Giá các tua du lịch trong nước giảm 4,96%, du lịch ngoài nước giảm 4,47%; giá khách sạn, nhà nghỉ giảm 1,58%.
[28] Chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng, dự trữ gạo của người dân và giá gạo xuất khẩu tăng, giá gạo tháng 3/2020 tăng 1,39% so với tháng trước.
[29] Trong đó, giá thịt lợn trong tháng giảm 0,02%; giá các loại thịt gia cầm tươi sống giảm 4,59%, giá trứng gia cầm giảm 1,97%; giá thủy sản tươi sống giảm 1,2%; giá rau tươi giảm 0,79%. Bên cạnh đó, giá các loại quả tươi giảm 1,91% do hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế.
[30] Giá xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,09%, giấy vệ sinh tăng 0,23%, đồ điện tăng 0,08%.
[31] Giá vé máy bay quý I/2020 giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
[32] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.
[33] Tỷ giá thương mại quý I so với cùng kỳ của các năm 2018-2020 lần luợt là: tăng 0,07%; tăng 2,27%; giảm 0,61%.