BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 26/12/2024
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2020 (phần 1)
Thứ Tư, 20/05/2020 04:46
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2020 (phần 1)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về Tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và 02 tháng năm 2020.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng chịu tác động của thời tiết diễn biến bất thường mưa đá, mưa rào tại các địa phương phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và lấn sâu ở phía Nam. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời nên cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển khá. Sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm có dấu hiệu tăng chậm lại, trong đó nuôi cá tra gặp khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19).

a) Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước gieo cấy được 2.675,5 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 761,6 nghìn ha, bằng 103,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.913,9 nghìn ha, bằng 96,3%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.543,7 nghìn ha, bằng 96,7%.

Tại các tỉnh phía Bắc, nguồn nước tưới tiêu được cung ứng kịp thời, thuận lợi cho việc gieo trồng, các địa phương đã tranh thủ xuống giống sớm vụ đông xuân nên tiến độ gieo cấy nhanh hơn cùng kỳ năm trước, trong đó: Thanh Hóa đạt 110,2 nghìn ha, tăng 12,7 nghìn ha; Hà Nội đạt 40 nghìn ha, tăng 9 nghìn ha; Vĩnh Phúc đạt 28,6 nghìn ha, tăng 4,3 nghìn ha. Hiện nay, lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, một số diện tích gieo trồng sớm đã xuất hiện sâu bệnh gây hại, cần theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh, xử lý kịp thời các ổ bệnh để không ảnh hưởng đến phát triển của cây lúa.

Các địa phương phía Nam đến nay cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân, trong đó diện tích gieo cấy của vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 53,4 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên nhiều địa phương chủ động cắt giảm diện tích xuống giống hoặc chuyển đổi những vùng đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước. Đồng thời, các địa phương đã sớm chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn như chuyển dịch thời vụ gieo trồng sớm hơn 10-20 ngày; tích nước ngọt tại các kênh mương nội đồng, bơm nước tưới cho những vùng bị khô hạn cục bộ; tăng cường áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm. Hiện nay, lúa đang phát triển tốt, những trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh làm đòng, một số đang trong giai đoạn ngậm sữa, chuẩn bị trổ bông, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 369,5 nghìn ha lúa đông xuân cho thu hoạch, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 23,9% diện tích gieo cấy của vùng. Tuy nhiên, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, để hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra, ngành Nông nghiệp các địa phương cần tập trung quản lý việc cung cấp nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa, chủ động tưới tiết kiệm nước, thường xuyên theo dõi, kịp thời ngăn chặn sớm và hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh gây hại đồng ruộng.

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, tính đến giữa tháng Hai, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 195 nghìn ha ngô, bằng 101,6% cùng kỳ năm trước; 39,8 nghìn ha khoai lang, bằng 92,3%; 7,4 nghìn ha đậu tương, bằng 85,1%; 79,6 nghìn ha lạc, bằng 103,8%; 414,4 nghìn ha rau đậu, bằng 101,7%.

Trong tháng, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch; chăn nuôi gia cầm tăng cao nhưng thời tiết đang thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm tồn tại và lây lan, các địa phương và người chăn nuôi cần có biện pháp phòng và xử lý dịch hiệu quả ngay khi mới phát sinh để ngăn chặn bùng phát trên diện rộng. Ước tính tháng Hai, đàn bò cả nước tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm trước; đàn trâu giảm 3,1%; đàn lợn giảm 23%; đàn gia cầm tăng 13,8%. Tính đến ngày 22/2/2020, cả nước có 23 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày (20 ổ dịch do H5N6 và 3 ổ dịch do H5N1) tại 7 địa phương[1] với tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là hơn 80 nghìn con; có 79 ổ dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày tại 7 tỉnh[2] với tổng số gia súc mắc bệnh là 2,8 nghìn con; có 32 địa phương có 100% số xã dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày và 25 địa phương có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; cả nước không còn dịch lợn tai xanh.

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào hoạt động “Tết trồng cây” và bắt đầu trồng rừng vụ xuân khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, chăm sóc và bảo vệ rừng ở khu vực phía Nam. Trong tháng Hai, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 9 nghìn ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,4 triệu cây, tăng 3,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 912,7 nghìn m­3, tăng 6,5%; sản lượng củi khai thác đạt 1,24 triệu ste, giảm 0,8%. Sản lượng gỗ khai thác tăng chủ yếu ở các địa phương có diện tích rừng trồng đến chu kỳ khai thác và khai thác gỗ từ thực hiện tỉa thưa rừng trồng như Quảng Trị đạt 95,6 nghìn m3, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước; Quảng Nam đạt 40 nghìn m3, tăng 9,6%; Bình Định đạt 42,5 nghìn m3, tăng 9,3%; Thanh Hóa đạt 58,5 nghìn m3, tăng 7,6%; Quảng Ngãi đạt 72,1 nghìn m3, tăng 7,2%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 15,5 nghìn ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10,4 triệu cây, tăng 2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,8 triệu m3, tăng 3,6%; sản lượng củi khai thác đạt 2,75 triệu ste, giảm 0,7%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng Hai là 33,6 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 0,9 ha; diện tích bị chặt phá là 32,7 ha. Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 63,4 ha rừng bị thiệt hại, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 4,9 ha, tăng 69%; diện tích rừng bị chặt phá là 58,5 ha, tăng 6,2%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Hai ước tính đạt 501,9 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 379 nghìn tấn, tăng 3,8%; tôm đạt 42,1 nghìn tấn, giảm 0,2%; thủy sản khác đạt 80,8 nghìn tấn, tăng 5,8%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 240,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 174,2 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 33,1 nghìn tấn, giảm 1,2%. Nuôi cá tra đang gặp khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi, giá cá tra hiện thấp nhất trong 10 năm qua, người nuôi đang lỗ từ 3.500-5.000 đồng/kg. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới thị trường tiêu thụ cũng tác động đến tâm lý chờ đợi để thả nuôi mới. Sản lượng cá tra trong tháng Hai ước tính đạt 83,1 nghìn tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó An Giang đạt 25,4 nghìn tấn, giảm 4,4%; Bến Tre đạt 12,5 nghìn tấn, giảm 7,2%; Đồng Tháp đạt 35 nghìn tấn, tăng 4%. Tháng Hai là thời điểm người nuôi tôm đang vệ sinh ao để chuẩn bị vụ thả nuôi mới. Sản lượng tôm sú ước tính đạt 13,2 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 18,1 nghìn tấn, giảm 0,5%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng Hai ước tính đạt 261,5 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 204,8 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 9 nghìn tấn, tăng 3,4%, thủy sản khác đạt 47,7 nghìn tấn, tăng 6,5%. Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 247,8 nghìn tấn, tăng 6,5%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.004,2 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,6%), trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 500,3 nghìn tấn, tăng 2,2%; sản lượng khai thác đạt 503,9 nghìn tấn, tăng 3,2% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 477,2 nghìn tấn, tăng 3,6%).

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 2/2020 ước tính tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày sản xuất trong tháng Hai năm nay nhiều hơn[3]. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2020 ước tính tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 9,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 26,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 22,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, IIP ước tính tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4% (cùng kỳ năm trước tăng 11,4%), đóng góp 6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4% (cùng kỳ năm trước tăng 9,3%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9% (cùng kỳ năm trước tăng 6,4%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,7% (cùng kỳ năm trước giảm 3,5%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút so với thời điểm trước khi có dịch. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,8%; sản xuất đồ uống giảm 3,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,9%; sản xuất trang phục tăng 0,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,6%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 4,9%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Khai thác quặng kim loại tăng 25,4%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 19,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,4%; khai thác than cứng và than non tăng 10,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng đầu năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Giày, dép da tăng 2,1%; alumin tăng 1,5%; thép cán tăng 1,2%; phân u rê tăng 0,8%; quần áo mặc thường tăng 0,7%; xe máy giảm 0,5%; thức ăn cho gia súc giảm 0,8%; sắt, thép thô giảm 4,7%; dầu thô khai thác giảm 8,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 9,8%; bia giảm 9,9%; ô tô giảm 11,5%; đường kính giảm 11,8%; tivi giảm 16,1%. Một số sản phẩm tăng cao: Linh kiện điện thoại tăng 28,9%; thép thanh, thép góc tăng 28,8%; điện thoại di động tăng 25,5% (điện thoại thông minh tăng 3,2%); bột ngọt tăng 18,1%; than tăng 10,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 8,9%; điện sản xuất tăng 8,6%; xăng dầu các loại tăng 8,3%; sơn hóa học tăng 7,3%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2/2020 tăng 1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,6%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,6%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2,1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,3%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[4]

Trong 2 tháng đầu năm 2020 có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019 và 11,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,1%. Đáng chú ý là trong 2 tháng có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 2/2020, cả nước có 9.163 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 96,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 73,1 nghìn lao động, tăng 10,7% về số doanh nghiệp, giảm 21,4% về vốn đăng ký và giảm 13,5% về số lao động so với tháng 1/2020[5]. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,6 tỷ đồng, giảm 29% so với tháng trước và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước còn có 3.630 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 57,1% so với tháng trước và tăng 107,8% so với cùng kỳ năm trước; 4.567 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 61% và tăng 61,8%; 3.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 30,9% và tăng 120,7%; 1.186 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 26,8% và giảm 12,4%; 2.215 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 36,6% và tăng 67,7%.

 Tính chung 2 tháng đầu năm 2020[6], cả nước có 17,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 220 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 157,5 nghìn lao động, tăng 9,1% về số doanh nghiệp, giảm 11,1% về vốn đăng ký và giảm 3,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đạt 12,6 tỷ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 421 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2020 là 641 nghìn tỷ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 11,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng lên 29,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, trong 2 tháng đầu năm có 265 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2019; 4,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 8,4%; 12,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 9,2%. Một số lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 5.738 doanh nghiệp, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 2.227 doanh nghiệp, tăng 11,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo 2.179 doanh nghiệp, tăng 5%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 1.609 doanh nghiệp, tăng 26,3%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 1.007 doanh nghiệp, tăng 2,7%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 822 doanh nghiệp, tăng 5,4%; vận tải, kho bãi 807 doanh nghiệp, tăng 11,2%; thông tin và truyền thông 578 doanh nghiệp, tăng 19,9%; giáo dục và đào tạo 545 doanh nghiệp, tăng 13,8%. Có 4 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 100 doanh nghiệp, giảm 10,7%; kinh doanh bất động sản 790 doanh nghiệp, giảm 6%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 146 doanh nghiệp, giảm 5,8%; hoạt động dịch vụ khác 165 doanh nghiệp, giảm 6,3%.

Trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 31,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,1%, trong đó có 2,5 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 13,4%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 1.011 doanh nghiệp, giảm 20,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo 344 doanh nghiệp, giảm 0,3%; xây dựng 245 doanh nghiệp, giảm 23,9%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 173 doanh nghiệp, giảm 5,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 157 doanh nghiệp, giảm 12,3%; vận tải, kho bãi 109 doanh nghiệp, giảm 23,2%. Trong 2 tháng, trên cả nước còn có gần 5,7 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

4. Đầu tư

Tháng Hai là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công, đồng thời trong các tháng đầu năm hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước nên nhìn chung tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020 (8,3%). Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020[7].

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2/2020 ước tính đạt 18,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,8%; vốn địa phương 15,6 nghìn tỷ đồng, tăng 27,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 36,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 8,2% và tăng 3,8%), gồm có:

– Vốn Trung ương quản lý đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch năm và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 944 tỷ đồng, bằng 9% và tăng 8,3%; Bộ Y tế 378 tỷ đồng, bằng 7,1% và giảm 2,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 281 tỷ đồng, bằng 6,8% và tăng 27,3%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 191 tỷ đồng, bằng 6,4% và tăng 83,1%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 80 tỷ đồng, bằng 6,3% và giảm 7,7%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 48 tỷ đồng, bằng 7,4% và giảm 22,8%; Bộ Công Thương 29 tỷ đồng, bằng 7,5% và tăng 47,9%; Bộ Xây dựng 26 tỷ đồng, bằng 8% và tăng 21,4%; Bộ Khoa học và Công nghệ 19 tỷ đồng, bằng 7,6% và giảm 22,4%; Bộ Thông tin và Truyền thông 11 tỷ đồng, bằng 9,1% và tăng 10,2%.

– Vốn địa phương quản lý đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 21 nghìn tỷ đồng, bằng 8,1% và tăng 16,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, bằng 9,1% và tăng 20,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, bằng 11,2% và tăng 15,9%. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 4.266 tỷ đồng, bằng 9,4% kế hoạch năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; Thanh Hóa 1.149 tỷ đồng, bằng 11,2% và tăng 7%; Bà Rịa – Vũng Tàu 1.134 tỷ đồng, bằng 11,7% và tăng 15,1%; thành phố Hồ Chí Minh 997 tỷ đồng, bằng 2,1% và giảm 0,1%; Nghệ An 979 tỷ đồng, bằng 14% và tăng 10,5%; Quảng Ninh 902 tỷ đồng, bằng 7% và tăng 21%; Quảng Nam 889 tỷ đồng, bằng 13,6% và tăng 5,1%; An Giang 835 tỷ đồng, bằng 16,5% và tăng 68,3%; Bắc Ninh 828 tỷ đồng, bằng 14,1% và tăng 38,5%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 500 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5 tỷ USD, giảm 2,7% về số dự án và tăng 104,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 151 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 638,1 triệu USD, giảm 25,4%; 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 827,3 triệu USD, giảm 84%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 265 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 283,3 triệu USD và 1.318 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 544 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 79,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 797,8 triệu USD, chiếm 16%; các ngành còn lại đạt 205,9 triệu USD, chiếm 4,1%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đạt 3.841,5 triệu USD, chiếm 68,1% tổng vốn đăng ký; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.428,5 triệu USD, chiếm 25,3%; các ngành còn lại đạt 371,8 triệu USD, chiếm 6,6%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 335,6 triệu USD, chiếm 40,5% tổng giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 142,9 triệu USD, chiếm 17,3%; các ngành còn lại đạt 348,9 triệu USD, chiếm 42,2%.

Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4.111,6 triệu USD, chiếm 82,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 418,5 triệu USD, chiếm 8,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 167,1 triệu USD, chiếm 3,3%; Hàn Quốc 98,1 triệu USD, chiếm 2%; Nhật Bản 65,5 triệu USD, chiếm 1,3%; Đài Loan 45 triệu USD, chiếm 0,9%; Hà Lan 37,4 triệu USD, chiếm 0,7%; Xây-sen 18 triệu USD, chiếm 0,4%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng có 20 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 21,4 triệu USD; có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 8,9 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 30,3 triệu USD, trong đó lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 14,6 triệu USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,9 triệu USD, chiếm 29,4%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 4,2 triệu USD, chiếm 13,8%. Trong 2 tháng đầu năm có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 19,8 triệu USD, chiếm 65,2%; Cam-pu-chia 8,9 triệu USD, chiếm 29,4%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 450 nghìn USD, chiếm 1,5%.

5. Thu, chi ngân sách nhà nước

Do ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, kết hợp với tác động của dịch Covid-19, nhiều hoạt động của nền kinh tế bị giảm sút, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trong 2 tháng đầu năm nay.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/2/2020 ước tính đạt 214,2 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 179,8 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2%; thu từ dầu thô 8,6 nghìn tỷ đồng, bằng 24,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 25,9 nghìn tỷ đồng, bằng 12,4%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 36,5 nghìn tỷ đồng, bằng 16%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 42 nghìn tỷ đồng, bằng 15,5%; thu thuế thu nhập cá nhân 15,3 nghìn tỷ đồng, bằng 11,9%; thu thuế bảo vệ môi trường 4,6 nghìn tỷ đồng, bằng 6,7%; thu tiền sử dụng đất 17,3 nghìn tỷ đồng, bằng 18%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/2/2020 ước tính đạt 145 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 116,1 nghìn tỷ đồng, bằng 11%; chi đầu tư phát triển 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 1,6%; chi trả nợ lãi 21,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,1%.

[1] Dịch cúm gia cầm còn ở các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Trà Vinh và Bình Dương.

[2] Dịch lở mồm long móng còn ở các địa phương: Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Quảng Nam.

[3] Tết Nguyên đán năm nay tập trung trong tháng Một, trong khi Tết Nguyên đán năm trước diễn ra vào cuối tháng Một và đầu tháng Hai.

[4] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[5] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 55,3%; số vốn đăng ký tăng 0,6%; số lao động đăng ký tăng 30,4%.

[6] Không tính 1 doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký thành lập mới thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong tháng 1/2020 có vốn đăng ký 144 nghìn tỷ đồng.

[7] Vốn đầu tư thực hiện 2 tháng các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,5 tỷ USD; 1,6 tỷ USD; 2,4 tỷ USD; 2,6 tỷ USD; 2,5 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 314
Thông báo