Rõ ràng giai đoạn tới đây, các Hiệp định tự do thế hệ mới sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Việt Nam đang triển khai các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như FTA với Liên minh châu Âu EU và FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu gồm Nga và các nước Belorus, Cazacstan, Armenia, TPP với các nước châu Á - TBD,. Việt Nam cũng đang chủ động tích cực trong việc hội nhập với Cộng đồng kinh tế ASEAN AEC và Khu vực thương mại tự do RCEP với Trung Quốc. Bối cảnh phát triển mới cũng đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho quá trình hội nhập, trong đó việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đang được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu, một nội dung quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội 12, hướng tới một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, tạo dựng một khung khổ thẻ chế cho nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập hiệu quả với khu vực và thế giới. Cần khẳng định thêm đây cũng là những nhiệm vụ mà chúng ta phải nỗ lực thực hiện theo cam kết với WTO cũng như để triển khai FTA với EU vào năm 2018.
Trên cơ sở các nghiên cứu về Liên minh châu Âu liên quan tới đề tài cấp nhà nước "Cục diện kinh tế thế giới hiện nay và tác động đến Việt Nam" mã số ĐTĐL-XH.17/15, bài báo này trình bày một số điều chỉnh chính sách FTA của EU, đánh giá, dự báo những tác động có thể từ Hiệp định tự do hóa thương mại Việt Nam EU từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với nhà nước nhằm kiến tạo các điều kiện, thực thi cam kết để hội nhập hiệu quả với EU và các nước thành viên.
1. Điều chỉnh chính sách FTA của Liên minh châu Âu
Với Việt Nam Liên minh châu Âu cũng là đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, phù hợp với các động lực của EU và là một trong những lựa chọn hàng đầu của EU trong điều chỉnh chiến lược, triển khai các FTA song phương thế hệ mới[2]. Đó là quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU liên tục phát triển tốt đẹp trong hơn 25 năm qua. Hai bên đã kí kết Hiệp định khung Hợp tác đối tác PCA, và một loạt các cường quốc chủ chốt trong khu vực đều là đối tác chiến lược của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng, thương mại hàng hóa tăng hơn 4 lần, thương mại dịch vụ tăng hơn 2 lần. EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là nhà viện trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư hàng đầu, có mặt trong mọi lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam[3].
Liên minh châu Âu chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với các hậu quả tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách và nợ công cao. Trong bối cảnh như vậy, EU thực hiện những điều chỉnh mạnh mẽ trong chiến lược phát triển, trong đó có chinh sách kinh tế đối ngoại cũng như các hiệp định thương mại tự do FTA với các đối tác. Những nội dung chính trong Chiến lược phát triển tới 2020 được EU không chỉ tập trung vào việc vượt qua khủng hoảng, hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, mà còn nhằm khắc phục những chỗ yếu kém trong mô hình phát triển hiện tại, đồng thời kiến tạo một điều kiện phát triển thông minh, bền vững và bao trùm. Ba ưu tiên chiến lược trọng điểm phát triển là:
- Phát triển thông minh: phát triển nền kinh tế dựa trên kiến thức và sáng tạo:
- Phát triển bền vững: nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, hướng tới một nền kinh tế xanh và có tính cạnh tranh đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường:
- Phát triển bao trùm: thiết lập một nền kinh tế với tỉ lệ lao động cao, thu nhập tốt, tạo ra sự gắn kết về kinh tế, xã hội và lãnh thổ[4]..
Chiến lược kinh tế đối ngoại, một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển cũng được Ủy ban Châu Âu phác thảo tới năm 2020 trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục kí kết những đàm phán thương mại song phương và đa phương, đặc biệt với các nền kinh tế tiềm năng nhất, cũng như sự thúc đẩy các thỏa thuận kinh tế hiện tại, tập trung vào rào cản phi thuế quan với thương mại; Chú trọng thúc đẩy thương mại cho các lĩnh vực tiềm năng của EU như sản phẩm và công nghệ xanh, sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, hướng tới phát triển bền vững.
EU coi chính sách kinh tế đối ngoại và các hiệp định thương mại tự do đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh mô hình phát triển. EU có nhiều điều chỉnh từ mức độ ưu tiên theo khu vực địa lý dịch chuyển dần từ châu Phi sang châu Á, tới cách thức đàm phán, và triển khai kí kết chú trọng tới song phương, và đặc biệt là các nội dung của FTA nhằm tạo điều kiện để EU tận dụng khả năng cạnh tranh, bám sát vào các mục tiêu phát triển, hướng tới đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư liên quan tới dịch vụ, một lĩnh vực mà EU có nhiều ưu thế.
Sau giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 trở lại đây, cùng với việc điều chỉnh chiến lược tăng trưởng, có thể thấy sự điều chỉnh chính sách FTA của EU khá rõ nét.
Thứ nhất, về mục tiêu, EU tập trung chủ yếu cho lợi ích kinh tế trong các FTA, bám sát các nội dung của chiến lược tăng trưởng thông minh, tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng bền vững của mình.
Thứ hai, một điểm nhấn quan trọng trong điều chỉnh FTA của EU là thay đổi cơ cấu thương mại đầu tư chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như phù hợp với bối cảnh mới và chiến lược tăng trưởng thông minh và bao trùm của EU. EU chủ trương hướng tới thúc đẩy hơn nữa thương mại dịch vụ với bên ngoài và tự do hóa thương mại dịch vụ sẽ là trọng tâm trong các FTA thế hệ mới của EU.
Thứ ba, EU có những thay đổi về cơ cấu địa lý trong chính sách FTA, chuyển hướng mạnh sang châu Á. Châu Á đang nổi lên như một động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu và cũng chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược FTA của EU hiện nay. Trong đó, việc mở rộng quan hệ đầu tư và thương mại giữa EU với châu Á được coi là một ưu tiên quan trọng của EU. Các tiêu chí cụ thể được EU tập trung trên cả hai góc độ là mức độ tăng trưởng của thị trường và quy mô của thị trường đối tác. Ngoài ra, các tiêu chí về mức độ bảo hộ thị trường, rào cản thuế quan, phi thuế quan, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ… ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các nhà xuất khẩu của EU cũng được xem xét khi triển khai các FTA.
Thứ tư, EU chuyển từ các FTA đa phương sang FTA song phương. Quá trình đàm phán và triển khai FTA của EU với các nước ASEAN thể hiện rất rõ điều chỉnh linh hoạt này của EU. Những nỗ lực đàm phán để hướng tới FTA EU - ASEAN những năm đầu thế kỉ 21 đều không tiến triển, buộc EU phải điều chỉnh hướng sang các FTA song phương với các nước thành viên ASEAN. Tháng 3/2010 EU đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Tự do hóa thương mại FTA với Singapore, tháng 9/2010, EU cũng đã chính thức khởi động đàm phán với Malaysia, tiếp đó EU cũng triển khai đàm phán FTA với Việt Nam và Thái Lan từ năm 2012.