BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 25/12/2024
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2020 (phần 2)
Thứ Tư, 20/05/2020 04:51
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2020 (phần 2)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về Tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và 02 tháng năm 2020.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Hai là tháng sau Tết Nguyên đán và là tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 2 tháng kể từ năm 2014 đến nay[8]

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước tính đạt 414,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 325,2 nghìn tỷ đồng, giảm 6,7% và tăng 8,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,2 nghìn tỷ đồng, giảm 13% và giảm 3,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 21% và giảm 6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,2% và tăng 1,8%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 863,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 674 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng mua sắm. Trong đó, ô tô tăng 11,2%; xăng, dầu tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,5%; may mặc tăng 8,9%; lương thực, thực phẩm tăng 8,6%; phương tiện đi lại tăng 7,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 4,7%. Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá: Quảng Ninh tăng 13,8%; Hải Phòng tăng 13,6%; Thanh Hóa tăng 11,9%; Nghệ An tăng 10,9%; Hà Nội tăng 10,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,6%; Đà Nẵng tăng 8,2%; Khánh Hòa tăng 7,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 95 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân hạn chế đi lại và ăn uống ngoài gia đình, đồng thời việc tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến dịch vụ lưu trú, ăn uống. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 24,2%; Lâm Đồng giảm 10,2%; Hà Nội giảm 8,1%; Cần Thơ giảm 5,6%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 5%; Thanh Hóa giảm 2,9%; Bình Định giảm 1,6%.

Doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm ước tính đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,8%), trong đó doanh thu của Bình Thuận tăng 5,3%; Đà Nẵng tăng 1,5%; Hà Tĩnh tăng 0,8%; Hải Phòng giảm 0,7%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 1,2%; Hà Nội giảm 9,5%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 9,7%; Quảng Nam giảm 12,8%; Thanh Hóa giảm 23,6%.

Doanh thu dịch vụ khác 2 tháng đầu năm ước tính đạt 87,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Quảng Ninh tăng 8,7%; Quảng Ngãi tăng 6,1%; Thừa Thiên – Huế tăng 5,4%; Đà Nẵng tăng 4,7%; Bình Định tăng 4%; Quảng Bình tăng 3,9%; Hải Phòng tăng 1,2%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,3%; Hà Nội giảm 1,2%.

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng trong tháng 2/2020 Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4%[9]. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng ước tính nhập siêu 176 triệu USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 1/2020 đạt 18.323 triệu USD, thấp hơn 677 triệu USD so với số ước tính, trong đó giày dép thấp hơn 199 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ thấp hơn 165 triệu USD; hàng dệt may thấp hơn 130 triệu USD; rau quả và thủy sản cùng thấp hơn 59 triệu USD; cao su thấp hơn 42 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 ước tính đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 19,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,5 tỷ USD, tăng 12,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 tăng 34%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 39,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 32%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,41 tỷ USD, tăng 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,51 tỷ USD (chiếm 69,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 0,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao như: Điện thoại và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 2,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 26,7%; hàng dệt may đạt 4,5 tỷ USD, giảm 1,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỷ USD, tăng 19,6%; giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 912 triệu USD, giảm 17,7%; cà phê đạt 497 triệu USD, giảm 9,8% (lượng giảm 6,6%); rau quả đạt 481 triệu USD, giảm 17,4%; hạt điều đạt 315 triệu USD, giảm 19,3% (lượng giảm 6%); cao su đạt 231 triệu USD, giảm 24,2% (lượng giảm 32,4%); hạt tiêu đạt 81 triệu USD, giảm 18,8% (lượng giảm 2,8%). Riêng gạo đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% (lượng tăng 15%).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,7%; thị trường EU đạt 5 tỷ USD, giảm 7,7%; ASEAN đạt 3,5 tỷ USD, giảm 9,3%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 8,9%; Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 1/2020 đạt 18.600 triệu USD, thấp hơn 500 triệu USD so với số ước tính, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng thấp hơn 377 triệu USD; vải thấp hơn 100 triệu USD; chất dẻo thấp hơn 91 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2020 ước tính đạt 18,50 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,05 tỷ USD, tăng 3,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2020 ước tính tăng 26%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 29,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,7%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 37,10 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,35 tỷ USD, tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,75 tỷ USD, tăng 2,2%. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt giá trị cao trong 2 tháng đầu năm nay: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,3 tỷ USD, giảm 3,7%; điện thoại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,2%; vải đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10,5%; chất dẻo đạt 1,2 tỷ USD, giảm 9,5%; sắt thép đạt 1,1 tỷ USD, giảm 18,5%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 34,6 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 3% và chiếm 6,7%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 2 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 10 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 8 tỷ USD, tăng 9%; ASEAN đạt 4,5 tỷ USD, giảm 9,6%; Nhật Bản đạt 2,8 tỷ USD, tăng 0,2%; EU đạt 2,1 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 2,1 tỷ USD, tăng 13,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2020 nhập siêu 276 triệu USD[10], tháng Hai ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 176 triệu USD[11], trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,94 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,76 tỷ USD.

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhiều mặt hàng dần trở về mặt bằng giá trước Tết; dịch Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây[12].

Trong mức giảm 0,17% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2020 so với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,5% do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 14/2/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 5,2% (tác động làm CPI chung giảm 0,22%), đồng thời giá vé một số phương tiện giao thông điều chỉnh giảm sau Tết Nguyên đán (giá vé ô tô khách giảm 0,21%; giá vé tàu hỏa giảm 8,93%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ chùa đầu xuân giảm mạnh[13]; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%[14]; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,13%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03% (giá gas giảm 4,27% do giá gas trong nước điều chỉnh giảm làm CPI chung giảm 0,05% và giá dầu hỏa giảm 6,83%); bưu chính viễn thông giảm 0,05%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26% (trong đó: lương thực tăng 0,32% do giá gạo xuất khẩu tăng làm giá gạo trong nước tăng 0,34%; thực phẩm giảm 0,07%[15]); nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13% do nhu cầu về một số mặt hàng thuốc y tế tăng cao khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 1/2020 làm nhóm thuốc các loại tăng 0,18%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08% do giá các loại xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,11% và giá dịch vụ giúp việc gia đình tăng 0,16%; nhóm giáo dục tăng 0,04% và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,17%.

CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 2/2020 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 2/2020 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 3,1% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với một triển vọng kinh tế tiêu cực dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/2/2020 tăng 2,15% so với tháng 1/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 2/2020 tăng 2,74% so với tháng trước; tăng 7,23% so với tháng 12/2019 và tăng 20,06% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2/2020 tăng 0,32% so với tháng trước; tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 0,06% so với cùng kỳ năm trước.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải tháng Hai giảm sâu so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 đã hạn chế vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân.

Vận tải hành khách tháng Hai ước tính đạt 400,1 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 15,8% so với tháng trước và luân chuyển 19,8 tỷ lượt hành khách.km, giảm 14,4%. Tính chung 2 tháng năm 2020, vận tải hành khách đạt 875,3 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,2%) và luân chuyển 43 tỷ lượt hành khách.km, tăng 4,9% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,5%), trong đó vận tải trong nước đạt 872,3 triệu lượt khách, tăng 3,8% và 34,2 tỷ lượt khách.km, tăng 5,6%; vận tải ngoài nước đạt 3 triệu lượt khách, tăng 4,9% và 8,8 tỷ lượt khách.km, tăng 2,4%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hành khách đường bộ 2 tháng đạt 830,1 triệu lượt khách, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước và 28,5 tỷ lượt khách.km, tăng 3,7%; đường thủy nội địa đạt 33,6 triệu lượt khách, tăng 2,8% và 700,1 triệu lượt khách.km, tăng 4,6%; đường biển đạt 1,2 triệu lượt khách, giảm 0,7% và 78,9 triệu lượt khách.km, giảm 1,8%; đường hàng không đạt 9,2 triệu lượt khách, tăng 9,7% và 13 tỷ lượt khách.km, tăng 8,7%; đường sắt đạt 1,2 triệu lượt khách, giảm 14,9% và 586,6 triệu lượt khách.km, giảm 10,8%.

Vận tải hàng hóa tháng Hai ước tính đạt 143,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 6,9% so với tháng trước và luân chuyển 27,3 tỷ tấn.km, giảm 6,8%. Tính chung 2 tháng, vận tải hàng hóa đạt 297,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,7%) và luân chuyển 56,6 tỷ tấn.km, tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 6,4%), trong đó vận tải trong nước đạt 291,3 triệu tấn, tăng 6,1% và 30,6 tỷ tấn.km, tăng 4,9%; vận tải ngoài nước đạt 6 triệu tấn, tăng 3,5% và 26 tỷ tấn.km, tăng 3,7%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hóa đường bộ 2 tháng đạt 232,1 triệu tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước và 15,6 tỷ tấn.km, tăng 7%; đường thủy nội địa đạt 50,8 triệu tấn, tăng 2,9% và 10,9 tỷ tấn.km, tăng 3,3%; đường biển đạt 13,7 triệu tấn, tăng 2,1% và 28,3 tỷ tấn.km, tăng 3,1%; đường hàng không đạt 58,1 nghìn tấn, tăng 5,1% và 1,3 tỷ tấn.km, tăng 14%; đường sắt đạt 662,5 nghìn tấn, giảm 6,8% và 446,8 triệu tấn.km, giảm 10%.

e) Khách quốc tế đến Việt Nam

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Xin-ga-po, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020[16].

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Hai (21/1-20/2) ước tính đạt 1.242,7 nghìn lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ châu Á giảm 27,2%; từ châu Mỹ giảm 21,1%; từ châu Úc giảm 18,4%; từ châu Âu tăng 6,1%; từ châu Phi tăng 11,6%. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.236,9 nghìn lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.616,5 nghìn lượt người, tăng 8%; bằng đường bộ đạt 485,3 nghìn lượt người, giảm 20,7%; bằng đường biển đạt 135,1 nghìn lượt người, tăng 146,1%.

Trong 2 tháng, khách đến từ châu Á đạt 2.431,4 nghìn lượt người, chiếm 75,1% tổng số khách du lịch đến nước ta, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ Trung Quốc đạt 838,6 nghìn lượt người, giảm 5,8%; Hàn Quốc 790,4 nghìn lượt người, tăng 2,4%; Nhật Bản 163 nghìn lượt người, tăng 8%; Đài Loan 169,9 nghìn lượt người, tăng 19,9%; Ma-lai-xi-a 93 nghìn lượt người, tăng 1,6%; Thái Lan 107,6 nghìn lượt người, tăng 34,5%; Xin-ga-po 41,8 nghìn lượt người, giảm 4%.

Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 502,1 nghìn lượt người, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Liên bang Nga 172,7 nghìn lượt người, tăng 17,7%; Vương quốc Anh 63,6 nghìn lượt người, tăng 5%; Pháp 57,4 nghìn lượt người, tăng 4%; Đức 46,1 nghìn lượt người, tăng 0,6%. Khách đến từ châu Mỹ đạt 206,8 nghìn lượt người, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 155,1 nghìn lượt người, giảm 1,9%. Khách đến từ châu Úc đạt 86,7 nghìn lượt người, giảm 2%, trong đó khách đến từ
Ôx-trây-li-a đạt 78,4 nghìn lượt người, giảm 2,7%. Khách đến từ châu Phi đạt 9,9 nghìn lượt người, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2019.

7. Một số tình hình xã hội

a) Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Đời sống dân cư trong tháng 2/2020 tiếp tục được cải thiện. Tình hình thiếu đói trong nông dân đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, thiếu đói chỉ phát sinh tại Yên Bái với 873 hộ thiếu đói, tương ứng với 3,2 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 3,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 85,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 13,3 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 86,4%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 205,3 tấn gạo.

Công tác an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, kinh phí hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết là 6,5 nghìn tấn gạo.

b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng (19/1-18/2/2020) cả nước có 8.763 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (1 trường hợp tử vong); 1.866 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 28 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 888 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 43 trường hợp dương tính. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, cả nước có 14,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (1 trường hợp tử vong); 3.140 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 51 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 1.330 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 59 trường hợp dương tính.

Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp[17]. Tại Việt Nam, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương nên dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, tính đến 7h00 ngày 27/2/2020 có 16 trường hợp mắc và tất cả đã được chữa khỏi.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/2/2020 là 210,2 nghìn người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97,1 nghìn người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98,6 nghìn người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Hai xảy ra 4 vụ với 61 người bị ngộ độc (1 người tử vong). Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 11 vụ với 222 người bị ngộ độc (2 người tử vong).

c) Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 15/1 đến 14/2), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.068 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 619 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 449 vụ va chạm giao thông, làm 534 người chết, 330 người bị thương và 483 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Hai giảm 17,5% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 11,9% và số vụ va chạm giao thông giảm 24,2%); số người chết giảm 14,8%; số người bị thương giảm 15,8% và số người bị thương nhẹ giảm 24,5%. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành nhằm thực hiện tốt Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tai nạn giao thông xảy ra trong tháng và dịp Tết Nguyên đán năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 7 ngày nghỉ Tết xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm 133 người chết và 174 người bị thương; bình quân 1 ngày trong dịp Tết xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết và 25 người bị thương[18]. Đáng lưu ý là trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng: Vụ tai nạn xảy ra ngày 23/1 tại Đắk Lắk giữa xe khách và xe máy đã làm 3 người chết; vụ tai nạn xảy ra ngày 25/1 tại Phú Yên làm 26 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 6/2 tại Bình Dương giữa xe khách và xe tải làm 3 người chết; vụ tai nạn xảy ra ngày 8/2 tại thành phố
Hồ Chí Minh giữa xe ô tô 4 chỗ và xe bán tải làm 5 người bị thương.

Tính chung 2 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 2.368 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 1.321 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 1.047 vụ va chạm giao thông, làm 1.125 người chết, 689 người bị thương và 1.092 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm 16,1% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 13,6%; số vụ va chạm giao thông giảm 19%); số người chết giảm 17%; số người bị thương giảm 15% và số người bị thương nhẹ giảm 19,4%. Bình quân 1 ngày trong 2 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 21 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 17 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 11 người bị thương và 18 người bị thương nhẹ.

d) Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Thiên tai xảy ra trong tháng Hai chủ yếu là mưa đá, mưa lớn, sạt lở và xâm nhập mặn tại một số địa phương làm gần 15,8 nghìn ngôi nhà bị sập và hư hại; 15 nghìn ha lúa và 878 ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 155 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, thiên tai làm 15,9 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 6 ngôi nhà bị sập đổ; 15,8 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính là 175,6 tỷ đồng.

Trong tháng 2/2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 646 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 588 vụ với tổng số tiền phạt là 8,9 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm nay đã phát hiện 1.366 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 1.144 vụ với tổng số tiền phạt là 17,2 tỷ đồng.

Trong tháng, cả nước xảy ra 288 vụ cháy, nổ, làm 8 người chết và 23 người bị thương, thiệt hại ước tính 30,5 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 512 vụ cháy, nổ, làm 15 người chết và 45 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 101 tỷ đồng./.

[8] Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2014-2020 lần lượt là: 13,7%; 11,3%; 9,9%; 9,6%; 10,4%; 12,2%; 8,3%.

[9] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2019 đạt 72,3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36,1 tỷ USD, tăng 4,1%; nhập khẩu đạt 36,2 tỷ USD, tăng 5,9%.

[10] Ước tính nhập siêu 100 triệu USD.

[11] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 2,9 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 5,2 tỷ USD, giảm 3,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 5,3 tỷ USD, tăng 19,2%; nhập siêu từ ASEAN 1 tỷ USD, giảm 11%.

[12] Tốc độ tăng CPI tháng Hai so với cùng kỳ năm trước các năm 2014-2020 lần lượt là: 4,65%; 0,34%; 1,27%; 5,02%; 3,15%; 2,64%; 5,4%. Tốc độ tăng CPI bình quân 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2014-2020 lần lượt là: 5,05%; 0,64%; 1,03%; 5,12%; 2,9%; 2,6%; 5,91%.

[13] Giá các tour du lịch trong nước giảm 2,72%, du lịch ngoài nước giảm 2,03%; giá khách sạn, nhà nghỉ giảm 0,24%.

[14] Chủ yếu do tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt làm cho giá rượu, bia các loại giảm 0,65%.

[15] Nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết giảm, đồng thời ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch cúm gia cầm nên giá thịt lợn giảm 1,42%; giá thịt bò giảm 0,17%; giá thịt gia cầm tươi sống giảm 3,2%; giá trứng gia cầm các loại giảm 2,82%. Bên cạnh đó giá một số loại trái cây giảm 2,27% do hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế trong thời gian có dịch Covid-19.

[16] Tốc độ tăng khách quốc tế đến nước ta trong 2 tháng các năm 2016-2020 lần lượt là: 17,5%; 33%; 29,7%; 8% và 4,8%.

[17] Tính đến 7h00 ngày 27/2/2020 trên thế giới có 81.380 trường hợp mắc Covid-19 (2.771 trường hợp tử vong), trong đó Trung Quốc có 78.066 trường hợp mắc (2.715 trường hợp tử vong); Nhật Bản có 877 trường hợp mắc (7 trường hợp tử vong); Hàn Quốc 1.261 trường hợp mắc (12 trường hợp tử vong).

[18] Bình quân 1 ngày trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, làm 20 người chết và 27 người bị thương

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 340
Thông báo