BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 25/12/2024
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý I năm 2020 (phần 3)
Thứ Sáu, 22/05/2020 05:09
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý I năm 2020 (phần 3)

Tổng cục Thống kê đã có Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2020

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Tình hình lao động, việc làm quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây[34] do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2020 ước tính là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý trước và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 do trong quý thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và ở các ngành, nghề lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2019 ước tính đạt 75,4%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thấp nhất 10 năm qua. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý I/2020 ước tính là 48,9 triệu người, giảm 351,2 nghìn người so với quý trước và tăng 4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động nam 26,9 triệu người, chiếm 55% tổng số và lao động nữ 22 triệu người, chiếm 45%; khu vực thành thị 16,5 triệu người, chiếm 33,7% và khu vực nông thôn là 32,4 triệu người, chiếm 66,3%.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý I/2020 ước tính là 54,2 triệu người, bao gồm 18,2 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33,5% tổng số (giảm 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,5 triệu người, chiếm 30,5% (tăng 1,3 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,5 triệu người, chiếm 36% (tăng 0,4 điểm phần trăm).

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2020 ước tính là 2,02%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,57%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,73%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2020 ước tính là 7,01%, trong đó khu vực thành thị là 9,91%; khu vực nông thôn là 5,77%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2020 ước tính là 2%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,97%; khu vực nông thôn là 2,52% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2019 tương ứng là 1,17%; 0,6%; 1,45%).

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản[35] quý I/2020 ước tính là 55,3%, trong đó khu vực thành thị là 47,3%; khu vực nông thôn là 61,7%. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2019 tương ứng là 55,9%; 47,9%; 62,2%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý I/2020 ước tính là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng hơn 616 nghìn đồng so với quý trước và tăng 476,5 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 7,8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,8 triệu đồng/tháng, lao động thành thị là 8,7 triệu đồng/tháng, lao động nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Đời sống dân cư tháng Ba gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và do tác động của đầu kỳ giáp hạt. Trong tháng, cả nước có 5 tỉnh phát sinh thiếu đói là Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Lạng Sơn với hơn 8,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 36,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, gấp 9 lần số hộ thiếu đói, gấp 11 lần số nhân khẩu thiếu đói so với tháng trước và cùng gấp 5 lần số hộ và số nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, cả nước có 12,4 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 56,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 49,7 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 52,8%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 243,3 tấn gạo.

Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm là hơn 4,8 nghìn tỷ đồng (trong đó quà cho đối tượng chính sách, người có công là 2,9 nghìn tỷ đồng; người nghèo là 1,3 nghìn tỷ đồng; cứu đói, cứu trợ khác là 0,6 nghìn tỷ đồng), hơn 17,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

3. Giáo dục, đào tạo

Công tác giáo dục, đào tạo đang gặp khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm. Để phòng chống dịch lây lan, đảm bảo sức khỏe cho người dân, hầu hết các địa phương trên cả nước cho học sinh và sinh viên nghỉ học (Bao gồm 5 triệu trẻ em bậc mầm non; 17 triệu học sinh phổ thông và trên 1,5 triệu học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp[36]). Quyết định cho học sinh và sinh viên nghỉ học không những ảnh hưởng đến kế hoạch, nền nếp dạy và học của nhà trường và học sinh, sinh viên mà còn ảnh hưởng đến các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh học sinh ở cấp mầm non và tiểu học.

Trước tình hình trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh; rà soát, tinh giản nội dung dạy học, triển khai các hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình đảm bảo nội dung chương trình và kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, tính đặc thù là học lý thuyết tại trường kết hợp với thực hành tại xưởng, nhà máy, xí nghiệp nhưng do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 cần tránh tập trung đông người nên việc tổ chức đào tạo nghề cũng như công tác tuyển sinh thời điểm này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo trong năm học. Ngoài ra, dịch bùng phát còn ảnh hưởng đến đời sống của nhiều giáo viên; mất cân đối thu chi ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nhiều hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cũng như các hoạt động phong trào hỗ trợ học sinh, sinh viên bị gián đoạn, chậm tiến độ.

4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng (19/2-18/3/2020), cả nước có 4.986 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 879 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 16 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút và 1.097 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 17 trường hợp dương tính. Tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước có 19,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (1 trường hợp tử vong); 4.019 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 67 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 2.427 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 76 trường hợp dương tính.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp[37]. Trước tình hình đó, Việt Nam huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, “tăng cường tốc độ ứng phó” tình hình dịch bệnh. Tính đến 7h30 ngày 27/3/2020 có 153 trường hợp mắc (17 trường hợp đã được chữa khỏi).

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/3/2020 là 210,3 nghìn người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.106 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98.622 người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Ba xảy ra 4 vụ với 20 người bị ngộ độc (3 người tử vong). Tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 15 vụ với 242 người bị ngộ độc (5 người tử vong).

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhiều địa phương thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong việc dừng các lễ hội lớn cũng như các hoạt động tụ tập đông người. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai rộng khắp trên cả nước đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Một số hoạt động thể thao được lùi thời gian tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có hoạt động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2020. Về thể thao thành tích cao của Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm giành được nhiều kết quả nổi bật: Đội tuyển Cử tạ Việt Nam giành 13 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại giải Vô địch cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á 2020; giành 10 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại giải Vô địch cử tạ Cúp thế giới; giành được 1 huy chương đồng tại giải Cúp Thể dục dụng cụ thế giới; giành được 1 huy chương đồng tại giải Boxing vòng loại Olympic khu vực châu Á; giành 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại giải Cúp bắn cung châu Á. Tính chung quý I/2020, đoàn thể thao Việt Nam đã có 5 suất chính tham dự Olympic Tokyo 2020 gồm các môn: Bắn cung, boxing, thể dục dụng cụ và bơi.

6. Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 15/2 đến 14/3), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.101 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 621 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 480 vụ va chạm giao thông, làm 514 người chết, 315 người bị thương và 473 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Ba giảm 8,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 0,3% và số vụ va chạm giao thông giảm 18,5%); số người chết giảm 6,4%; số người bị thương giảm 20,3% và số người bị thương nhẹ giảm 18%. Đáng lưu ý là trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng: Vụ tai nạn xảy ra ngày 23/2 tại Bình Dương giữa 2 xe máy đã làm 1 người chết và 2 người bị thương; vụ tai nạn ô tô xảy ra ngày 27/2 tại Bà Rịa – Vũng Tàu làm 1 người chết và 6 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 3/3 tại thành phố Hồ Chí Minh giữa xe tải và xe container làm 3 người chết; vụ tai nạn xảy ra ngày 4/3 tại Bạc Liêu giữa xe buýt và xe đạp làm 3 người chết ; vụ tai nạn xảy ra ngày 8/3 tại Hải Phòng giữa xe đầu kéo và xe máy làm 2 người chết; vụ tai nạn xảy ra ngày 8/3 tại Nghệ An giữa xe tải và xe máy làm 2 người chết.

Tình hình tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm có nhiều cải thiện do hiệu quả của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong quý I/2020, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.469 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 1.942 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 1.527 vụ va chạm giao thông, làm 1.639 người chết, 1.004 người bị thương và 1.565 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm 13,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 9,6%; số vụ va chạm giao thông giảm 18,9%); số người chết giảm 14%; số người bị thương giảm 17% và số người bị thương nhẹ giảm 19%. Bình quân 1 ngày trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 21 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 17 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 11 người bị thương và 17 người bị thương nhẹ.

7. Thiệt hại do thiên tai 

Thiệt hại do thiên tai trong tháng Ba chủ yếu do ảnh hưởng của gió mạnh trên biển, mưa đá, mưa lớn, giông lốc, xâm nhập mặn và sạt lở sụt lún đất làm 9 người chết và 17 người bị thương, gần 24,3 nghìn ha lúa và hơn 6 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 18 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 7,3 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở và tốc mái. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 758,8 tỷ đồng. Một số địa phương chịu thiệt hại nhiều do thiên tai như: Cà Mau 5 người chết, 1.245 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, 11 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng, thiệt hại về tài sản ước tính 533 triệu đồng; Hà Giang 2 người chết và 10 người bị thương; Tiền Giang 4,2 nghìn ha lúa và 5,6 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại về tài sản ước tính 245,5 tỷ đồng; Bến Tre hơn 4,6 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại về tài sản ước tính 113,4 tỷ đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm, thiên tai làm 9 người chết; 18 người bị thương; 39,3 nghìn ha lúa và gần 7 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 24 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 23 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong quý I ước tính gần 934,4 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2019.

8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong tháng Ba, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.179 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 1.102 vụ với tổng số tiền phạt là 41,3 tỷ đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm đã phát hiện 2.545 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 2.246 vụ với tổng số tiền phạt 58,5 tỷ đồng.

Trong tháng (từ ngày 16/2 đến ngày 15/3), trên địa bàn cả nước xảy ra 279 vụ cháy, nổ, làm 10 người chết và 16 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính gần 97 tỷ đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm (từ ngày 16/12/2019 đến ngày 15/3/2020), cả nước xảy ra 791 vụ cháy, nổ, làm 25 người chết và 61 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính là 197,4 tỷ đồng.

Khái quát lại, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý I/2020 duy trì được ổn định là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kinh tế quý I năm nay tuy chỉ đạt mức tăng trưởng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng duy trì được mức tăng trưởng dương. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, tiêu dùng và xuất khẩu tăng nhẹ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bước sang quý II, kinh tế – xã hội Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 đang diễn biến rất nhanh, khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc, có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Đồng thời, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 để tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh,; có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho các ngành nông nghiệp, giao thông, du lịch; thực hiện chính sách thuế như miễn, dãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu; trợ cấp việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Hai là, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Bắc – Nam…

Ba là, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đầu tư tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát. Tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Khuyến khích đầu tư các vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo truy xuất nguồn gốc phục vụ nguồn cung nông sản xuất khẩu vào thị trường các nước châu Âu.

Bốn là, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước. Quan tâm khai thác, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, đáp ứng nội nhu của nền kinh tế; có chính sách đưa hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Nâng cao tính phù hợp và tiện ích của hệ thống bán lẻ, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Thực hiện hiệu quả chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

Năm là, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng để có các biện pháp điều hành hợp lý nhằm bình ổn thị trường.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ./.

[34] Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi quý I các năm 2016-2020 lần lượt là: Năm 2016 là 1,76%; năm 2017 là 1,82%; năm 2018 là 1,52%; năm 2019 là 1,17%; năm 2020 là 2%.

[35] Lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp bao gồm những người không làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và thuộc một trong ba nhóm sau: (i) người làm công ăn lương thuộc khu vực chính thức không được ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực chính thức và thành viên hợp tác xã không có bảo hiểm xã hội bắt buộc; (ii) chủ cơ sở, lao động tự làm, lao động làm công ăn lương và lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực phi chính thức; (iii) lao động tự làm phục vụ nhu cầu tự tiêu dùng của hộ gia đình và lao động làm thuê trong các hộ gia đình.

[36] Chỉ tính sinh viên cao đẳng và trung cấp sư phạm.

[37] Tính đến 7h30 ngày 27/3/2020 trên thế giới có 529,5 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (23.968 trường hợp tử vong).

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 309
Thông báo