BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 25/12/2024
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2020 (phần 2)
Thứ Hai, 25/05/2020 05:15
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2020 (phần 2)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2020.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước tính đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 257,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13,4% và giảm 15,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 16,8 nghìn tỷ đồng, giảm 50,4% và giảm 64,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 88 tỷ đồng, giảm 93,2% và giảm 97,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 19,6 nghìn tỷ đồng, giảm 47,2% và giảm 53,3%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.520 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 9,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng ước tính đạt 1.224,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 4,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 1,2%; may mặc giảm 4,4%; phương tiện đi lại giảm 6,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng nhẹ do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây. Tốc độ tăng/giảm doanh thu bán lẻ hàng hóa so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Hà Nội tăng 5,3%; Hải Phòng tăng 3,8%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 3,2%; thành phố
Hồ Chí Minh tăng 2,9%; Đà Nẵng giảm 6,8%; Thanh Hóa giảm 3,7%; Nghệ An giảm 2,9%; Cần Thơ giảm 0,8%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm ước tính đạt 143 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng mức và giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%) do thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình đã tạm ngừng hoạt động để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh ở hầu hết các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 52,1%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 45%; Hà Nội giảm 42,9%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 42,4%; Đà Nẵng giảm 41,4%; Thanh Hóa giảm 39,7%; Quảng Bình giảm 34,9%; Cần Thơ giảm 30,7%;
Hải Phòng giảm 26,5%; Quảng Ninh giảm 25,3%.

Doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm ước tính đạt 7,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng mức và giảm 45,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,6%) do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Thanh Hóa giảm 64%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 62,5%; Khánh Hòa giảm 59,5%; Quảng Ninh giảm 58,5%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 58,3%; Hà Nội giảm 51,2%; Bình Định giảm 45,2%; Đà Nẵng giảm 41,4%; Hải Phòng giảm 38,6%.

Doanh thu dịch vụ khác 4 tháng đầu năm ước tính đạt 144,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng mức và giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Khánh Hòa giảm 60%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 23,8%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 23%; Hải Phòng giảm 18,5%; Hà Nội giảm 16,1%; Thái Nguyên giảm 13,4%; Đà Nẵng giảm 13,3%; Cần Thơ giảm 9,4%; Quảng Ninh giảm 5,7%.

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong 10 ngày cuối tháng Ba, trong đó Công ty Samsung gần như đã hoàn thành xuất khẩu sản phẩm điện thoại phiên bản mới. Sang tháng Tư kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm mạnh 18,4% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 162,83 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%; nhập khẩu đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1%[13]. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 3 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 3/2020 đạt 24.130 triệu USD, cao hơn 4.130 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 888 triệu USD; hàng dệt may cao hơn 539 triệu USD; điện thoại và linh kiện cao hơn 517 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 413 triệu USD; giày dép cao hơn 293 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng cao hơn 170 triệu USD; sắt thép cao hơn 148 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ cao hơn 86 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2020 ước tính đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,35 tỷ USD, giảm 16,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,35 tỷ USD, giảm 19,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2020 giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,5%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,45 tỷ USD, tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 56,49 tỷ USD (chiếm 68,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 1,5%.

Trong 4 tháng có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao như: Điện thoại và linh kiện đạt 16,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,4 tỷ USD, tăng 28,6%; hàng dệt may đạt 8,9 tỷ USD, giảm 5,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 6,9 tỷ USD, tăng 29,6%; giày dép đạt 5,5 tỷ USD, tăng 1,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 10,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,7 tỷ USD, giảm 3,9%; thủy sản đạt 2,2 tỷ USD, giảm 8,5%; sắt thép đạt 1,4 tỷ USD, giảm 4,7%; xơ, sợi dệt đạt 1,2 tỷ USD, giảm 11,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,1 tỷ USD, tăng 1,3%; túi xách, ví, ba lô, ô dù đạt 1,1 tỷ USD, giảm 5,7%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,03 tỷ USD; tăng 1,5%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 1,3 tỷ USD, giảm 8,7%; cao su đạt 403 triệu USD, giảm 27,5% (lượng giảm 31,7%); hạt tiêu đạt 257 triệu USD, giảm 9,2% (lượng tăng 11,9%). Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng: Cà phê đạt 1,1 tỷ USD, tăng 2,2% (lượng tăng 4,5%); hạt điều đạt 963 triệu USD, tăng 5,9% (lượng tăng 21,5%); gạo đạt 892 triệu USD, tăng 0,2% (lượng giảm 7,9%).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, tăng 26,7%. Thị trường EU đạt 10,7 tỷ USD, giảm 8,1%. Thị trường ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, giảm 3,4%. Nhật Bản đạt 6,7 tỷ USD, tăng 10,1%. Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, giảm 0,2%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 3/2020 đạt 22.149 triệu USD, cao hơn 3.149 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 562 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 434 triệu USD; vải cao hơn 268 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép cao hơn 140 triệu USD; ô tô cao hơn 121 triệu USD; kim loại thường cao hơn 116 triệu USD; sắt thép cao hơn 107 triệu USD; than đá cao hơn 97 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2020 ước tính đạt 20,4 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,9 tỷ USD, giảm 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,5 tỷ USD, giảm 11,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2020 ước tính giảm 2,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,7%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,58 tỷ USD, tăng 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 46,31 tỷ USD, tăng 2,9%.

Trong 4 tháng có 17 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 17,8 tỷ USD (chiếm 22,2% tổng giá trị nhập khẩu), tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,5 tỷ USD, giảm 0,1%; điện thoại và linh kiện đạt 4,3 tỷ USD, tăng 12%; vải đạt 3,6 tỷ USD, giảm 10,9%; sắt thép đạt 2,9 tỷ USD, giảm 6,4%; chất dẻo đạt 2,8 tỷ USD, giảm 1,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 14,6%; kim loại thường đạt 2 tỷ USD, giảm 2,1%; sản phẩm hóa chất đạt 1,9 tỷ USD, tăng 20,5%; ô tô đạt 1,9 tỷ USD, giảm 22,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,8 tỷ USD, giảm 3,2%; dầu thô đạt 1,8 tỷ USD, tăng 34,5%; hóa chất đạt 1,8 tỷ USD, tăng 5,4%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 6,8%; than đá đạt 1,2 tỷ USD, giảm 0,9%; xăng dầu đạt 1,1 tỷ USD, giảm 40,5%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1,1 tỷ USD, giảm 16,1%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 75,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 94% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 4,8 tỷ USD, giảm 9,9% và chiếm 6%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 4 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 22,7 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 2,5%; ASEAN đạt 9,9 tỷ USD, giảm 7,8%; Nhật Bản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,9%; Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,6%; EU đạt 4,5 tỷ USD, tăng 8%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 3/2020 xuất siêu 2 tỷ USD[14]; quý I xuất siêu 3,7 tỷ USD; tháng Tư ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3 tỷ USD[15], trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,1 tỷ USD.

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[16], chủ yếu do nhiều nước trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 làm giá xăng dầu giảm mạnh, đồng thời giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm khi người dân thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,9% – mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020[17].

Trong mức giảm 1,54% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 so với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 13,86% do ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 29/3/2020 và thời điểm 13/4/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 28,48% (tác động làm CPI chung giảm 1,18%), bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá nhiều mặt hàng giao thông giảm[18], đồng thời giá vé một số phương tiện giao thông cũng giảm do nhu cầu đi lại bị hạn chế (giá vé ô tô khách giảm 0,2%; giá vé taxi giảm 0,74%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,33%, chủ yếu do nhiều hộ gia đình giảm giá thuê nhà ở để hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh nên giá thuê nhà ở giảm 0,97%; giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,27%; giá gas giảm 19,74% (làm CPI chung giảm 0,24%) và giá dầu hỏa giảm 29,97%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,4% do nhu cầu đi du lịch giảm mạnh[19]; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,17%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác giảm 0,13%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66% (trong đó: lương thực tăng 2,09%[20]; thực phẩm tăng 0,62%[21]; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,05%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03% do nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh tăng. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 4,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 4/2020 giảm 1,21% so với tháng 12/2019 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2020 giảm 0,15% so với tháng trước và tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với triển vọng suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Bình quân giá vàng thế giới tháng Tư (tính đến ngày 24/4/2020) tăng 6,74% so với tháng 3/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2020 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 12,14% so với tháng 12/2019 và tăng 26,81% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có dấu hiệu suy giảm, các nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ tiền mặt, đồng thời các dự báo tiêu cực về hệ thống ngân hàng của một số quốc gia có thể phải tái cơ cấu vốn hoặc tái cấu trúc do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 kéo dài nên đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2020 tăng 0,95% so với tháng trước; tăng 1,47% so với tháng 12/2019 và tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải tháng 4/2020 tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, lượng hành khách vận chuyển giảm 76,8% và hàng hóa vận chuyển giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách tháng Tư ước tính đạt 99,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 63,7% so với tháng trước và luân chuyển 4,2 tỷ lượt khách.km, giảm 65,8%. Tính chung 4 tháng đầu năm, vận tải hành khách đạt 1.231,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%) và luân chuyển 57,4 tỷ lượt khách.km, giảm 30,6% (cùng kỳ năm trước tăng 9,6%), trong đó vận tải trong nước đạt 1.228,5 triệu lượt khách, giảm 27,4% và 47,7 tỷ lượt khách.km, giảm 27,5%; vận tải ngoài nước đạt 2,8 triệu lượt khách, giảm 52,4% và 9,7 tỷ lượt khách.km, giảm 42,8%. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường đều bị giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vận tải hành khách đường bộ 4 tháng đạt 1.165,5 triệu lượt khách, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm trước và 40,3 tỷ lượt khách.km, giảm 27,6%; đường thủy nội địa đạt 51,9 triệu lượt khách, giảm 19,1% và 1,2 tỷ lượt khách.km, giảm 21,6%; hàng không đạt 11,1 triệu lượt khách, giảm 36% và 15,2 tỷ lượt khách.km, giảm 37,8%; đường sắt đạt 1,4 triệu lượt khách, giảm 49,2% và 685,3 triệu lượt khách.km, giảm 38,2%; đường biển đạt gần 1,4 triệu lượt khách, giảm 40,2% và 110,1 triệu lượt khách.km, giảm 27,8%.

Vận tải hàng hóa tháng Tư ước tính đạt 105,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 19,6% so với tháng trước và luân chuyển 21,3 tỷ tấn.km, giảm 14,9%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, vận tải hàng hóa đạt 534,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,7%) và luân chuyển 103,8 tỷ tấn.km, giảm 7,8% (cùng kỳ năm trước tăng 6,6%), trong đó vận tải trong nước đạt 523,5 triệu tấn, giảm 7,2% và 54,1 tỷ tấn.km, giảm 11,4%; vận tải ngoài nước đạt 11 triệu tấn, giảm 10,1% và 49,6 tỷ tấn.km, giảm 3,4%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hóa đường bộ 4 tháng đạt 416,7 triệu tấn, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước và 29,2 tỷ tấn.km, giảm 8,1%; đường thủy nội địa đạt 91,6 triệu tấn, giảm 7,1% và 19,8 tỷ tấn.km, giảm 6,6%; đường biển đạt 24,5 triệu tấn, giảm 8,5% và 51,9 tỷ tấn.km, giảm 7,1%; đường sắt đạt 1,6 triệu tấn, giảm 4,7% và 1,1 tỷ tấn.km, giảm 0,9%; đường hàng không đạt 108,5 nghìn tấn, giảm 15,5% và 1,7 tỷ tấn.km, giảm 31,1%.

e) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Tư chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người, giảm 94,2% so với tháng trước và giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước do thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3/2020. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4/2020 ước tính đạt 26,2 nghìn lượt người, giảm 94,2% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 98,3%; bằng đường bộ giảm 70,1%; bằng đường biển giảm 99,5%. So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta trong tháng Tư giảm 98,2%, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 99,4%; bằng đường bộ giảm 92,6% và bằng đường biển giảm 99,9%; khách đến từ châu Á giảm 97,8%; từ châu Âu giảm 99,5%; từ châu Úc và châu Mỹ cùng giảm 99,8%; từ châu Phi giảm 97,9%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.713 nghìn lượt người, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.998,1 nghìn lượt người, chiếm 80,7% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 35,9%; bằng đường bộ đạt 570,7 nghìn lượt người, chiếm 15,4% và giảm 51,4%; bằng đường biển đạt 144,2 nghìn lượt người, chiếm 3,9% và tăng 20,7%.

Trong 4 tháng, khách đến từ châu Á đạt 2.699,2 nghìn lượt người, chiếm 72,7% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 40,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 893,8 nghìn lượt người, giảm 47,7% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 820,2 nghìn lượt người, giảm 43,3%; Nhật Bản 201,1 nghìn lượt người, giảm 33,6%; Đài Loan 192,3 nghìn lượt người, giảm 32,4%; Thái Lan 126,1 nghìn lượt người, giảm 27,9%; Ma-lai-xi-a 116,3 nghìn lượt người, giảm 43,4%. Bên cạnh đó, một số quốc gia có lượng khách đến nước ta trong 4 tháng đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước: Khách đến từ Cam-pu-chia đạt 120,5 nghìn lượt người, tăng 157,2%; Lào 37 nghìn lượt người, tăng 7,9%.

Khách đến từ châu Âu trong 4 tháng đầu năm ước tính đạt 665,3 nghìn lượt người, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Nga 245,6 nghìn lượt người, giảm 10,3%; Vương quốc Anh 81,5 nghìn lượt người, giảm 34,3%; Pháp 74,6 nghìn lượt người, giảm 37,6%; Đức 61,5 nghìn lượt người, giảm 35,8%. Khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234,2 nghìn lượt người, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ đạt 172,7 nghìn lượt người, giảm 38,5%. Khách đến từ châu Úc đạt 102,3 nghìn lượt người, giảm 37,5%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 92,3 nghìn lượt người, giảm 37,3%. Khách đến từ châu Phi đạt 12 nghìn lượt người, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019.

7. Một số tình hình xã hội

a) Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Tình hình đời sống trong nông dân đã cải thiện so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 4/2020, thiếu đói phát sinh tại 4 tỉnh gồm: Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Lạng Sơn với hơn 2,9 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 13 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 15,3 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 62,6 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 63,6%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 487,9 tấn gạo.

b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng (19/3-18/4/2020), cả nước có 3.833 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 560 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 51 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút; 225 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 101 trường hợp dương tính. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 23,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (4 trường hợp tử vong); 4.579 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 118 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 2.210 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 177 trường hợp dương tính.

Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp[22]. Tại Việt Nam, tình hình dịch đang được kiểm soát tốt, cho thấy hiệu quả của việc thực hiện giãn cách xã hội trong những tuần vừa qua. Tính đến 6h00 ngày 27/4/2020, Việt Nam có 270 trường hợp mắc (225 trường hợp đã được chữa khỏi).

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/4/2020 là 210,4 nghìn người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.137 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98.655 người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Tư xảy ra 8 vụ với 177 người bị ngộ độc (7 người tử vong). Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 23 vụ với 419 người bị ngộ độc (12 người tử vong).

c) Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 15/3 đến 14/4), trên địa bàn cả nước xảy ra 1.040 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 578 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 462 vụ va chạm giao thông, làm 499 người chết, 260 người bị thương và 476 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Tư giảm 26,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 25% và số vụ va chạm giao thông giảm 29,1%); số người chết giảm 25%; số người bị thương giảm 36% và số người bị thương nhẹ giảm 24,7%. Đáng lưu ý là trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng: Vụ tai nạn xảy ra ngày 10/4 tại Hòa Bình giữa 2 xe máy làm 3 người chết; vụ tai nạn xảy ra ngày 13/4 giữa xe tải và xe máy tại Long An làm 2 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 17/4 tại Hải Dương giữa xe ô tô tải và xe máy làm 2 người chết và 2 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 18/4 tại Gia Lai giữa 2 xe máy làm 2 người chết và 1 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 18/4 tại Hà Nam giữa xe ô tô tải và xe máy làm 3 người chết.

Tính chung 4 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4.509 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 2.520 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 1.989 vụ va chạm giao thông, làm 2.138 người chết, 1.264 người bị thương và 2.041 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 4 tháng đầu năm giảm 17,3% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 13,7%; số vụ va chạm giao thông giảm 21,5%); số người chết giảm 16,8%; số người bị thương giảm 21,7% và số người bị thương nhẹ giảm 20,4%. Bình quân 1 ngày trong 4 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, gồm 21 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 16 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 10 người bị thương và 17 người bị thương nhẹ.

d) Thiệt hại do thiên tai

Thiên tai xảy ra trong tháng Tư chủ yếu là mưa đá, mưa lớn, sạt lở và xâm nhập mặn tại một số địa phương làm 3 người chết và 3 người bị thương; hơn 5,2 nghìn ngôi nhà bị sập và hư hại; 29,4 nghìn ha lúa và 9,2 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 1.577,4 tỷ đồng. Riêng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại 8 tỉnh: Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau làm thiệt hại hơn 26,9 nghìn ha lúa và hơn 7,4 nghìn ha hoa màu, tổng giá trị thiệt hại là 1.494,2 tỷ đồng (chiếm tới 94,7% tổng thiệt hại trong tháng 4). Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, thiên tai làm 12 người chết, 21 người bị thương; 68,8 nghìn ha lúa và hơn 16,2 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 39 ngôi nhà bị sập đổ; hơn 28,3 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 2,5 nghìn tỷ đồng.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Trong tháng 4/2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 889 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 774 vụ với tổng số tiền phạt là 12,1 tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm nay đã phát hiện 3.434 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 3.020 vụ với tổng số tiền phạt là 70,6 tỷ đồng.

Trong tháng, cả nước xảy ra 253 vụ cháy, nổ, làm 10 người chết và 17 người bị thương, thiệt hại ước tính 32,4 tỷ đồng. Tính chung 4 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.044 vụ cháy, nổ, làm 35 người chết và 78 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 229,8 tỷ đồng./.

[13] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2019 đạt 157,4 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 79,2 tỷ USD, tăng 6,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 78,2 tỷ USD, tăng 10,6%.

[14] Ước tính xuất siêu 1 tỷ USD.

[15] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 6,2 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 9,6 tỷ USD, giảm 22,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 9,3 tỷ USD, tăng 4,4%; nhập siêu từ ASEAN 1,7 tỷ USD, giảm 24,6%.

[16] Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Tư so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,33%; không thay đổi; tăng 0,08%; tăng 0,31%; giảm 1,54%.

[17] Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,41%; 4,8%; 2,8%; 2,71%; 4,9%.

[18] Trong đó: giá ô tô giảm 0,46%; giá xe máy giảm 0,14%; giá phụ tùng ô tô giảm 0,12%; bảo dưỡng phương tiện đi lại giảm 0,05%.

[19] Giá các tua du lịch trong nước giảm 0,9%; du lịch ngoài nước giảm 1,02%; giá khách sạn, nhà nghỉ giảm 0,18%.

[20] Chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng, dự trữ gạo của người dân và giá gạo xuất khẩu tăng, giá gạo tháng 4/2020 tăng 2,51% so với tháng trước.

[21] Trong đó: giá thịt lợn tăng 1,62%; giá thịt bò tăng 0,55%; giá thịt chế biến tăng 1,04%, giá trứng tăng 1,48%, giá các loại đậu và hạt tăng 1,1%, giá các loại rau tươi tăng 3,54%; giá thủy sản chế biến tăng 1,4%.

[22] Tính đến 6h00 ngày 27/4/2020 trên thế giới có 2.934,6 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (203,7 nghìn trường hợp
tử vong).

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 325
Thông báo