6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng Năm là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng Năm tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% và tăng 1,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 95,8% và giảm 33,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,4 nghìn tỷ đồng, tăng 780,1% và giảm 87,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 40,8 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3% và giảm 9,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 6,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,7%; may mặc giảm 2,7%; phương tiện đi lại giảm 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 8,2%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến. Tốc độ tăng/giảm doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Hải Phòng tăng 8,8%; Hà Nội tăng 6,4%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 6%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 1,1%; Cần Thơ giảm 1,1%; Thanh Hóa giảm 1,8%; Nghệ An giảm 3,6%; Đà Nẵng giảm 4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 175,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng mức và giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%). Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, tâm lý người dân đã bớt lo ngại, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm mạnh do học sinh bắt đầu quay trở lại trường học, nhu cầu du lịch hè của các gia đình vào thời điểm này chưa cao. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh ở hầu hết các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 58,1%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 47,6%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 47,5%; Đà Nẵng giảm 42,1%; Hà Nội giảm 36%; Quảng Ninh giảm 35,4%; Thanh Hóa giảm 32%; Cần Thơ giảm 29,3%; Bình Định giảm 22,2%; Hải Phòng giảm 20,2%.
Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm ước tính đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,7%) do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và du lịch nội địa chưa trở lại mạnh mẽ như cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 72,9%; Khánh Hòa giảm 68,2%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 66,1%; Quảng Ninh giảm 65,4%; Cần Thơ giảm 59%; Hà Nội giảm 54,8%; Thanh Hóa giảm 54,6%; Bình Định giảm 54,2%; Đà Nẵng giảm 53,1%; Hải Phòng giảm 32,5%.
Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng đầu năm ước tính đạt 186,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng mức và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 28,6%; Đà Nẵng giảm 14,9%; Hải Phòng giảm 12,5%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 12,3%; Hà Nội giảm 11,3%; Cần Thơ giảm 10,9%; Quảng Ninh giảm 9,5%.
b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[9]
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% (riêng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 33,3 tỷ USD, tăng 10,4%); nhập khẩu đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8%[10]. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng ước tính tiếp tục có mức xuất siêu 1,9 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2020 đạt 17.583 triệu USD, thấp hơn 2.117 triệu USD so với số ước tính, trong đó giày dép thấp hơn 96 triệu USD; dầu thô thấp hơn 100 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng thấp hơn 151 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ thấp hơn 153 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 264 triệu USD; hàng dệt may thấp hơn 290 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 798 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,9 tỷ USD, tăng 7,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2020 giảm 15,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 0,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 22,3%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,30 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,06 tỷ USD (chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 6,9%.
Trong 5 tháng có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 18 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,3 tỷ USD, tăng 22,1%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, giảm 14,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 8,5 tỷ USD, tăng 25%; giày dép đạt 6,8 tỷ USD, giảm 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,1 tỷ USD, giảm 12,2%; thủy sản đạt 2,8 tỷ USD, giảm 10,3%; sắt thép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,5%; xơ, sợi dệt đạt 1,3 tỷ USD, giảm 21,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,6%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15,5%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,3 tỷ USD, giảm 5%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10,3%; cao su đạt 470 triệu USD, giảm 29,6% (lượng giảm 30,7%); hạt tiêu đạt 309 triệu USD, giảm 17,9% (lượng tăng 0,4%). Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng: Gạo đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,2% (lượng tăng 3,7%); cà phê đạt 1,4 tỷ USD, tăng 2,9% (lượng tăng 4,7%); hạt điều đạt 1,2 tỷ USD, tăng 2,2% (lượng tăng 17,8%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,1%. Thị trường EU đạt 12,9 tỷ USD, giảm 12%. Thị trường ASEAN đạt 9,4 tỷ USD, giảm 13,4%. Nhật Bản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 2,2%. Hàn Quốc đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,5%.
Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2020 đạt 18.523 triệu USD, thấp hơn 1.877 triệu USD so với số ước tính, trong đó sản phẩm hóa chất thấp hơn 108 triệu USD; chất dẻo thấp hơn 120 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 172 triệu USD; sắt thép thấp hơn 207 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 213 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng thấp hơn 323 triệu USD.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước tính đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,6 tỷ USD, tăng 4,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2020 ước tính giảm 15,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 18,5%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,94 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,54 tỷ USD, giảm 4,3%.
Trong 5 tháng có 19 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 78,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,8 tỷ USD (chiếm 22,3% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,4 tỷ USD, giảm 3%; điện thoại và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD, tăng 0,2%; vải đạt 4,7 tỷ USD, giảm 14,5%; sắt thép đạt 3,4 tỷ USD, giảm 15,9%; chất dẻo đạt 3,3 tỷ USD, giảm 10,7%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,8 tỷ USD, tăng 7,6%; kim loại thường đạt 2,4 tỷ USD, giảm 8,8%; sản phẩm hóa chất đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8%; ô tô đạt 2,2 tỷ USD, giảm 29,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,2 tỷ USD, giảm 12,3%; hóa chất đạt 2 tỷ USD, giảm 5,8%; dầu thô đạt 2 tỷ USD, tăng 8,3%; than đá đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14,5%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,6 tỷ USD, tăng 1,7%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12,5%; tân dược đạt 1,3 tỷ USD, tăng 4,2%; xăng dầu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 48,1%; bông đạt 1,1 tỷ USD, giảm 9%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 90,98 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 9,7% và chiếm 6,7%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 5 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 17,3 tỷ USD, giảm 9,5%; ASEAN đạt 11,8 tỷ USD, giảm 14,1%; Nhật Bản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 9,9%; Hoa Kỳ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,4%; EU đạt 5,8 tỷ USD, tăng 5,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 4/2020 nhập siêu 940 triệu USD[11]; 4 tháng xuất siêu 2,8 tỷ USD; tháng Năm ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD[12], trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,5 tỷ USD.
c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương – Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước – mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[13]. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (tăng 4,39%)[14].
Trong mức giảm 0,03% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 so với tháng trước có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,21% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 28/4/2020 và tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 13/5/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 4,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,21%), bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%. Nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đều giảm 0,02%[15]; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,01% chủ yếu do các cửa hàng thời trang đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách hàng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19[16]. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34% (trong đó: lương thực giảm 0,08%[17]; thực phẩm tăng 0,43%[18]; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,35%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,25% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng cao (giá nước khoáng tăng 0,12%, giá nước giải khát có ga tăng 0,05%, giá nước quả ép tăng 0,3%, giá nước uống tăng lực đóng chai tăng 0,35%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%, chủ yếu do giá gas tăng 12,08% (làm CPI chung tăng 0,14%) và giá nước sinh hoạt tăng 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,07%. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.
CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 5/2020 giảm 1,24% so với tháng 12/2019 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với triển vọng suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân và nền kinh tế khiến đồng tiền có nguy cơ bị mất giá khi lượng tiền lớn được đưa ra thị trường và là cơ hội cho giá vàng tăng. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/5/2020 tăng 1,41% so với tháng 4/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2020 tăng 2,41% so với tháng trước; tăng 14,84% so với tháng 12/2019 và tăng 30,52% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm trước hàng loạt thông tin kinh tế quan trọng của nước Mỹ được công bố không mấy khả quan, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất 0%-0,25%. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2020 giảm 0,41% so với tháng trước; tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước.
d) Vận tải hành khách và hàng hóa
Hoạt động vận tải trong nước tháng 5/2020 có dấu hiệu phục hồi sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giảm giãn cách xã hội. Tuy nhiên vận tải ngoài nước của các hãng hàng không tiếp tục gặp khó khăn do diễn biến dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn hết sức phức tạp, khó lường. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng hành khách vận chuyển giảm 27,5% và hàng hóa vận chuyển giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách tháng Năm ước tính đạt 262,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 116,4% so với tháng trước và luân chuyển 11,2 tỷ lượt khách.km, tăng 130,5%. Tính chung 5 tháng, vận tải hành khách đạt 1.515,6 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%) và luân chuyển 69,4 tỷ lượt khách.km, giảm 32,1% (cùng kỳ năm trước tăng 9,3%), trong đó vận tải trong nước đạt 1.512,9 triệu lượt khách, giảm 27,4% và 60 tỷ lượt khách.km, giảm 25,9%; vận tải ngoài nước đạt 2,7 triệu lượt khách, giảm 62,4% và 9,3 tỷ lượt khách.km, giảm 56%. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường đều bị giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ những tháng trước, trong đó vận tải hành khách đường bộ 5 tháng đạt 1.428,4 triệu lượt khách, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước và 51,6 tỷ lượt khách.km, giảm 24,3%; đường thủy nội địa đạt 72,1 triệu lượt khách, giảm 10,4% và 1,6 tỷ lượt khách.km, giảm 14,2%; hàng không đạt 11,3 triệu lượt khách, giảm 48,7% và 15,2 tỷ lượt khách.km, giảm 50,3%; đường sắt đạt 1,8 triệu lượt khách, giảm 47,7% và 828,9 triệu lượt khách.km, giảm 38,2%; đường biển đạt 2 triệu lượt khách, giảm 29,6% và 139,5 triệu lượt khách.km, giảm 26,9%.
Vận tải hàng hóa tháng Năm ước tính đạt 145 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 31,7% so với tháng trước và luân chuyển 28,2 tỷ tấn.km, tăng 29,3%. Tính chung 5 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa đạt 684 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,9%) và luân chuyển 132,5 tỷ tấn.km, giảm 6,7% (cùng kỳ năm trước tăng 6,8%), trong đó vận tải trong nước đạt 669,9 triệu tấn, giảm 5,8% và 71,2 tỷ tấn.km, giảm 7,8%; vận tải ngoài nước đạt 14 triệu tấn, giảm 9,6% và 61,3 tỷ tấn.km, giảm 5,4%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hóa đường bộ 5 tháng đạt 533 triệu tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước và 37,6 tỷ tấn.km, giảm 6,7%; đường thủy nội địa đạt 117,4 triệu tấn, giảm 6,6% và 25,6 tỷ tấn.km, giảm 5,7%; đường biển đạt 31,3 triệu tấn, giảm 6,5% và 66,3 tỷ tấn.km, giảm 5,4%; đường sắt đạt 2 triệu tấn, giảm 5,6% và 1,4 tỷ tấn.km, giảm 4,8%; đường hàng không đạt 118 nghìn tấn, giảm 29,9% và 1,6 tỷ tấn.km, giảm 47,9%.
e) Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Năm chỉ đạt 22,7 nghìn lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 5/2020 ước tính đạt 22,7 nghìn lượt người, giảm 13,6% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 12,2%; bằng đường bộ giảm 38%; bằng đường biển tăng 161%. So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta trong tháng Năm giảm 98,3%, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 97,9%; bằng đường bộ giảm 99,6% và bằng đường biển giảm 99%; khách đến từ châu Á giảm 97,9%; từ châu Âu giảm 99,8%; từ châu Úc giảm 99,9%; từ châu Mỹ giảm 99,8% và từ châu Phi giảm 99,3%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.735,7 nghìn lượt người, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.037,7 nghìn lượt người, chiếm 81,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 46,9%; bằng đường bộ đạt 553,8 nghìn lượt người, chiếm 14,8% và giảm 61,6%; bằng đường biển đạt 144,3 nghìn lượt người, chiếm 3,9% và tăng 11%.
Trong 5 tháng, khách đến từ châu Á đạt 2.721,4 nghìn lượt người, chiếm 72,9% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 913,9 nghìn lượt người, giảm 57,2% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 821,6 nghìn lượt người, giảm 53,4%; Nhật Bản 201,3 nghìn lượt người, giảm 48,2%; Đài Loan 192,5 nghìn lượt người, giảm 46,1%; Thái Lan 126,2 nghìn lượt người, giảm 41,5%; Ma-lai-xi-a 116,3 nghìn lượt người, giảm 53,9%; riêng khách đến từ Cam-pu-chia đạt 120,5 nghìn lượt người, tăng 118,3%.
Khách đến từ châu Âu trong 5 tháng đầu năm ước tính đạt 665,6 nghìn lượt người, giảm 35,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Nga 245,6 nghìn lượt người, giảm 23,2%; Vương quốc Anh 81,5 nghìn lượt người, giảm 44,3%; Pháp 74,6 nghìn lượt người, giảm 47,5%; Đức 61,5 nghìn lượt người, giảm 43,3%. Khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234,3 nghìn lượt người, giảm 46,9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ đạt 172,8 nghìn lượt người, giảm 47,5%. Khách đến từ châu Úc đạt 102,3 nghìn lượt người, giảm 47,9%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 92,3 nghìn lượt người, giảm 47,4%. Khách đến từ châu Phi đạt 12 nghìn lượt người, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2019.
7. Một số tình hình xã hội
a) Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Tình hình đời sống nông dân tháng Năm được cải thiện so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, thiếu đói phát sinh tại Bắc Kạn và Lạng Sơn với hơn 1,2 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 3,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 73,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 73,9%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo.
b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong tháng (19/4-18/5/2020), cả nước có 3.311 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 342 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 41 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (1 trường hợp tử vong); 2 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 102 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 18 trường hợp dương tính. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 26,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong); 4.921 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 186 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (1 trường hợp tử vong); 6 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 2.312 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 195 trường hợp dương tính.
Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp[19]. Tại Việt Nam, tình hình dịch đang được kiểm soát tốt, hơn một tháng qua không phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tính đến 6h00 ngày 27/5/2020, Việt Nam có 327 trường hợp mắc (278 trường hợp đã được chữa khỏi).
Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/5/2020 là 210,5 nghìn người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.154 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98.705 người.
Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Năm xảy ra 8 vụ với 275 người bị ngộ độc (3 người tử vong). Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 31 vụ với 694 người bị ngộ độc (15 người tử vong).
c) Tai nạn giao thông
Trong tháng (từ 15/4 đến 14/5), trên địa bàn cả nước xảy ra 998 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 621 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 377 vụ va chạm giao thông, làm 529 người chết, 283 người bị thương và 377 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Năm giảm 24,7% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 12,9% và số vụ va chạm giao thông giảm 38,5%); số người chết giảm 5,2%; số người bị thương giảm 30,8% và số người bị thương nhẹ giảm 43,4%. Đáng lưu ý là trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng: Vụ tai nạn xảy ra ngày 26/4 tại Vĩnh Phúc giữa ô tô và xe máy làm 4 người chết, 1 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 28/4 giữa 2 xe máy tại thành phố Hồ Chí Minh làm 1 người chết và 4 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 9/5 tại Sơn La giữa 2 xe máy làm 2 người chết và 1 người bị thương; vụ tai nạn ô tô xảy ra ngày 10/5 tại Nam Định làm 2 người chết và 1 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 16/5 tại Lạng Sơn giữa xe container, 2 ô tô và 3 xe máy làm 1 người chết và 4 người bị thương.
Tính chung 5 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 5.508 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 3.142 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.366 vụ va chạm giao thông, làm 2.667 người chết, 1.547 người bị thương và 2.418 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 5 tháng đầu năm giảm 18,7% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 13,5%; số vụ va chạm giao thông giảm 24,8%); số người chết giảm 14,7%; số người bị thương giảm 23,6% và số người bị thương nhẹ giảm 25,1%. Bình quân 1 ngày trong 5 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, gồm 21 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 15 vụ va chạm giao thông, làm 17 người chết, 10 người bị thương và 16 người bị thương nhẹ.
d) Thiệt hại do thiên tai
Thiên tai xảy ra trong tháng Năm chủ yếu là mưa đá, mưa lớn, sạt lở và xâm nhập mặn tại một số địa phương làm 12 người chết và 75 người bị thương; 567 ngôi nhà bị sập và hơn 31,6 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 32,2 nghìn ha lúa và 10,3 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là hơn 1.452,3 tỷ đồng. Riêng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại 6 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng làm thiệt hại hơn 8,7 nghìn ha lúa và 917 ha hoa màu, tổng giá trị thiệt hại lên tới 791,1 tỷ đồng (chiếm 54,4% tổng thiệt hại trong tháng 5). Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, thiên tai làm 24 người chết, 96 người bị thương; 101 nghìn ha lúa và gần 26,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 606 ngôi nhà bị sập đổ; hơn 59,9 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính gần 4 nghìn tỷ đồng.
e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Trong tháng 5/2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 717 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 641 vụ với tổng số tiền phạt là 7,4 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm nay đã phát hiện 4.151 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 3.661 vụ với tổng số tiền phạt là gần 78 tỷ đồng.
Trong tháng, cả nước xảy ra 215 vụ cháy, nổ, làm 6 người chết và 15 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 68 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.259 vụ cháy, nổ, làm 41 người chết và 93 người bị thương, thiệt hại ước tính 297,8 tỷ đồng./.
[8] Ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí có 3 dự án điều chỉnh vốn làm giảm 152,8 triệu USD.
[9] Số liệu tháng 5/2020 do Tổ liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải Quan – Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê ước tính căn cứ trên số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu kỳ I trong tháng (từ ngày 01 đến ngày 15) của Tổng cục Hải quan kết hợp với thông tin thị trường, tỷ trọng và xu hướng xuất, nhập khẩu các mặt hàng.
[10] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2019 đạt 202,5 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 101,1 tỷ USD, tăng 7,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 101,4 tỷ USD, tăng 10,5%.
[11] Ước tính nhập siêu 700 triệu USD.
[12] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 7,1 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 12,6 tỷ USD, giảm 22,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 9,6 tỷ USD, giảm 15,6%; nhập siêu từ ASEAN 2,4 tỷ USD, giảm 16,9%.
[13] Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Năm so với tháng 12 năm trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 1,88%; tăng 0,37%; tăng 1,61%; tăng 1,5%; giảm 1,24%.
[14] Tốc độ tăng CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2018-2020 lần lượt là: 3,01%; 2,74%; 4,39%.
[15] Trong đó, để kích cầu du lịch trong nước, giá các tua du lịch trong nước giảm 0,08%; giá khách sạn giảm 0,88% so với tháng trước.
[16] Giá vải các loại giảm 0,05%, quần áo may sẵn giảm 0,03%; áo len, sợi, đan, móc giảm 0,41%; giầy dép nam giảm 0,03%; dịch vụ giặt là quần áo giảm 0,03%.
[17] Do sản lượng lúa dồi dào và nhu cầu tiêu dùng, dự trữ gạo của người dân giảm khi việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19 được nới lỏng, giá gạo tháng 5/2020 giảm 0,09% so với tháng trước.
[18] Trong đó: giá thịt lợn tăng 4,13%; giá thịt chế biến tăng 1,53%; giá các loại sữa, bơ, phô mai tăng 0,28%; giá các loại thịt gia cầm tươi sống tăng 0,92%.
[19] Tính đến 6h00 ngày 27/5/2020 trên thế giới có 5.603,7 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (348,2 nghìn trường hợp
tử vong).