BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Tin dự án
Các FTA thế hệ mới và tác động đến thu hút FDI vào Việt Nam.
Thứ Hai, 25/01/2021 03:31

Thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã từng bước mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cưc và có trách nhiệm vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Đặc biệt, những năm gần đây Việt Nam đã đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với rất nhiều các đối tác quan trọng và tiềm năng.

Tính đến nay Việt Nam đã tham gia 16 FTA, gồm 7 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN (CEPT/AFTA và FTA với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, và Hồng Kong); 4 FTA ký kết với tư cách là 1 bên độc lập với các đối tác: Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu, mới đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA với Liên minh Châu Âu (EVFTA), 4 FTA đang trong quá trình đàm phán (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP, FTA với khối thương mại tự do Châu Âu – EFTA và FTA Việt Nam – Isarel).

 

Việc tham gia các FTA đã và đang đem lại cho Việt Nam những cơ hội và thách thức đan xen. Cùng với lộ trình thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, có thể thấy tất cả các lĩnh vực, hoạt động của nền kinh tế đang chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ các FTA. Trong đó việc thu hút FDI vào Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. Điều này thể hiện ở những khía cạnh sau đây:

 

Cơ hội và thuận lợi:

 

Thứ nhất, các FTA góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác, dỡ bỏ các rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam thu hút FDI từ các đối tác. Với các FTA đã ký kết và đang trong quá trình đàm phán, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có tới 15 đối tác là thành viên của G20. Việc tích cực đàm phàn ký kết FTA trong thời gian qua đã giúp Việt Nam nâng tầm quan hệ kinh tế, thương mại với các nước, qua đó các nhà ĐTNN bắt đầu quan tâm, chú ý nhiền hơn đến thị trường Việt Nam, qua đó mở ra triển vọng hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Đến tháng 11 năm 2018 đã có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 337,8 tỷ USD. Trong đó những đối tác đầu tư hàng đầu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… cũng chính là những đối tác thương mại chủ chốt trong các FTA đã có hiệu lực.

 

Thứ hai, mặc dù nội dung cam kết trong các FTA chủ yếu liên quan đến vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa, cắt giảm thuế quan, song vẫn có những điều khoản liên quan trực tiếp đến mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này càng được thể hiện rõ trong những FTA được đàm phán, ký kết từ năm 2012 trở lại đây nhất là các FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam – EU và CPTPP. Trong các lĩnh vực đầu tư có cam kết, Việt Nam và các đối tác FTA đều khẳng định áp dụng những nguyên tắc quan trọng như không phân biệt đối xử giứa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, không áp dụng một số biện pháp ảnh hưởng đến các nhà đầu tư,... Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng mở rộng thêm các lĩnh vực cho phép nhà đầu tư của các đối tác FTA được đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Những cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư rộng hơn dành cho các đối tác, cùng với các cam kết bảo hộ đầu tư, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư đang và sẽ tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư từ các nước đối tác FTA vào Việt Nam trong thời gian tới.

 

Thứ ba, các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa thông qua việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan và dành cho nhau những ưu đãi về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phàn không chỉ mở ra những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà cho cả các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với những cam kết đó, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa có xuất xử Việt Nam ngày càng tăng lên, do vậy, các nhà ĐTNN đang và sẽ đổ dồn về Việt Nam để tận dụng cơ hội này. Chúng ta cũng có thể thấy rõ là trong những năm qua khối doanh nghiệp FDI đã có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc thực thi các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đó cũng là một trong những lý do khiến hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đến từ khối doanh nghiệp FDI.

 

Thứ tư, điều quan trọng nhất khiến các FTA giúp Việt Nam có thêm cơ hội thu hút ĐTNN đó là tác động của các FTA đối với thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Chính việc thực thi các cam kết FTA đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải tăng cường hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các chính sách cơ chế mới để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiêp trong và ngoài nước, qua đó tăng cường và đẩy mạnh việc thu hút FDI vào Việt Nam.

 

Thời gian qua, chúng ta đã sửa đổi, bổ sung, ban hành thêm nhiều bộ luật như Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật Đấu thầu,…. theo hướng minh bạch, cởi mở hơn. Bên cạnh đó Chính phủ Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, mà điển hình là thực hiện chuỗi Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này đã thể hiện tinh thần tự cải cách, gắn với tiêu chí đánh giá phổ biến được quốc tế công nhận, để chủ động tháo gỡ những rào cản bất hợp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ các cải cách của Chính phủ mà môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày một cạnh tranh hơn và được quốc tế công nhận: Việt Nam tăng 9 bậc trong năm 2016 và tăng 14 bậc trong năm 2017 (lên thứ 68/190) theo xếp hạng môi trường kinh doanh doanh của Ngân hàng Thế giới. Những kết quả này đã làm cho Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

 

 

* Khó khăn và thách thức:

 

Bên cạnh các cơ hội rõ dệt mở ra khi Việt Nam tham gia hàng loạt FTA thì cũng có không ít khó khăn, thách thức, thể hiện ở một số điểm sau đây: 

 

Không kể một số đối tác trong ASEAN, hầu hết các đối tác FTA của Việt Nam đều có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam. Điều này có nghĩa là khi tham gia FTA tức là chúng ta đã chấp nhận bước vào một sân chơi sòng phẳng và đầy tính cạnh tranh. Trước sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hóa thì chỉ có các doanh nghiệp mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mới có thể trụ được. Đây chính là thời điểm thanh lọc các doanh nghiệp yếu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, hiệp định mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp trong nước không nâng cao chất lượng sản xuất thì sẽ không xâm nhập được vào thị trường các nước. Các nước phát triển đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, nếu không “chuẩn hóa” thì sản phẩm của chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, dù hiệp định có mở ra cơ hội, chúng ta cũng không nắm bắt được.

 

Ngoài ra còn có khó khăn về nguồn nhân lực và thách thức  về thực thi cũng rất lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức lực lượng con người để thực thi tốt các cam kết và chủ động phòng tránh các tranh chấp và sẵn sang tham gia tranh tụng trong các vụ khiếu kiện, tránh bị trừng phạt thương mại và bảo vệ được nền sản xuất trong nước.

 

Hành động kịp thời

 

Có thể khẳng định, việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA đã và sẽ tạo điều kiện cũng như mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút FDI không chỉ từ các nước đối tác FTA mà còn từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội cũng sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

 

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, đòi hỏi các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải nắm vững những cam kết của Việt Nam và đối tác để thực thi cho đúng, đồng thời phải có các hành động kịp thời nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình và cho cả nền kinh tế.  

 

Đối với các cơ quan Chính phủ cần triển khai tốt việc cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô. Đây là vấn đề rất quan trọng và có tính quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững. Thể chế tốt bảo đảm tính công khai minh bạch và môi trường chính sách ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là phát triển xuất khẩu. Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp nhận những lợi ích rõ ràng từ việc thu hút FDI, như thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tạo thêm việc làm và nâng cao trình độ cho người lao động, giúp các ngành và lĩnh vực tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cũng cần xem xét để từng bước khắc phục sự chênh lệch giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội trong việc tận dụng các FTA, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu.

 

Đối với các doanh nghiệp- là chủ thể tạo nên sức mạnh trên thị trường, cần tăng cường liên kết với các bên liên quan và quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, mô hình quản trị và chiến lược kinh doanh để hạ giá thành sản xuất, nâng cao được chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm chắc FTA về những nội dung liên đến lĩnh vực hoạt động của mình, các lộ trình giảm thuế và các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của đối tác để được hưởng ưu đãi.

 

Có như vậy thì hai quá trình: tham gia các FTA và thu hút FDI mới bổ trợ tốt cho nhau và cùng đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 4533
Thông báo