1. Tình hình đầu tư ra nước ngoài
- Tính đến nay, có 1.226 dự án đầu tư ra nước ngoài (còn hiệu lực), tổng vốn đăng ký ĐTRNN là 20,4 tỷ USD, đầu tư sang 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở Lào, Campuchia, Nga, Myanmar…và đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, chủ yếu vào các ngành: thăm dò, khai khoáng sản, dầu khí (39,4%); nông lâm ngư nghiệp (15,5%); viễn thông và công nghệ thông tin (12,9%), thủy điện (7,3%), chế biến chế tạo (5,3%)…
- Tổng vốn đã chuyển ra nước ngoài lũy kế đạt 8,67 tỷ USD; lợi nhuận và vốn chuyển về nước lũy kế đạt khoảng 2,5 tỷ USD, lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư khoảng 364,3 triệu USD. Số lao động đưa ra làm việc tại nước ngoài khoảng trên 1 vạn người.
- Các doanh nghiệp Việt Nam đã hình thành một khối lượng tài sản đáng kể gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất ở nước ngoài, ước tính hàng chục tỷ USD. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng.
- Có tới trên 95% số lượng các dự án đầu tư ra nước ngoài do các doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân thực hiện đầu tư, phù hợp với xu hướng mở rộng đầu tư nhằm khai thác các thuận lợi và cơ hội từ hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
2. Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài
- Đến nay, có 114 dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, với tổng vốn đăng ký khoảng 13,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng trên 6 tỷ USD, lợi nhuận và tiền chuyển về nước lũy kế đến nay gần 2 tỷ USD, bằng 33,3% tống vốn thực hiện. Trong đó, nhiều dự án đến nay đã đi vào hoạt động , đem lại hiệu quả như: các dự án của viễn thông, ngân hàng, trồng cao su, một số dự án thủy điện…
- Trong thời gian qua, số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, nhất là các dự án quy mô lớn giảm mạnh, (năm 2018, số dự án đăng ký mới của doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm gần 2% tổng số dự án đầu tư ra nước ngoài)
3. Tồn tại, hạn chế:
- Nhiều dự án trong giai đoạn thực hiện hoặc mới đi vào hoạt động, nên số lợi nhuận và vốn chuyển về nước còn thấp. Một số dự án đầu tư sau khi kết thúc giai đoạn tìm kiếm, thăm dò, nghiên cứu thị trường không khả thi, không thuận lợi, phải dừng hoạt động. Đầu tư của một số Tập đoàn/TCT gặp khó khăn.
- Một số thị trường có sự cạnh tranh quyết liệt khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Năng lực tài chính, công nghệ, quản trị của doanh nghiệp ĐTRNN còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu nên năng lực năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam yếu.
- Khó khăn và rủi ro về chính trị, luật pháp, chính sách, văn hóa, phong tục, tập quán, bất đồng ngôn ngữ của nước sở tại cũng là trở lại cho hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.
4. Giải pháp:
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về ĐTRNN, sắp tới sẽ sửa Luật Đầu tư 2014, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, nhưng phải bảo đảm mục tiêu, định hướng hiệu quả, phù hợp với điều kiện và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Hạn chế hoạt động ĐTRNN sử dụng vốn nhà nước
- Tạo lập khuôn khổ pháp lý hợp tác đầu tư thông qua việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết và thực hiện các thỏa thuận, hiệp định song phương với các đối tác có tiềm năng, bảo đảm các hoạt động hợp tác đầu tư hiệu quả, an toàn.
- Đối với các doanh nghiệp nhà nước cần tăng cường vai trò của cơ quan đại diện chủ sở vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) trong việc đề xuất/phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án ĐTRNN có sử dụng vốn nhà nước; giám sát chặt chẽ, bảo đảm các dự án thực hiện đúng mục tiêu, hiệu quả.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về ngoại hối, thực hiện nghĩa vụ tài chính và việc chuyển tiền của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu tăng cường kiểm tra, giám sát tại các Tập đoàn, Tổng công ty, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư ra nước ngoài, báo cáo TTCP vấn đề vượt thẩm quyền; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các Tập đoàn, Tổng công ty.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Tập đoàn/TCT: (1) Rà soát lại từng dự án đầu tư. Các dự án không hiệu quả cần đánh giá sự cần thiết đầu tư, khả năng tài chính để đầu tư hay chấm dứt, chuyển nhượng dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; (2) Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, kịp thời đôn đốc thu hồi các khoản đầu tư; (3) Cử cán bộ có trình độ, kinh nghiệm quản lý, giám sát dự án; (4) Thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp./.