1. Bối cảnh tình hình
1.1. Bối cảnh quốc tế
Quy mô dòng ĐTNN toàn cầu có xu hướng giảm. Nhìn tổng thể, các nước đang phát triển ở Châu Á vẫn là điểm thu hút ĐTNN lớn nhất và dòng vốn ĐTNN đầu tư vào khu vực này cũng tương đối ổn định. Những nước phát triển thuộc khu vực châu Âu và Bắc Mỹ cũng thu hút được lượng lớn vốn ĐTNN nhưng lại biến động khá lớn, gây ra những biến động dòng ĐTNN toàn cầu. Trong khi đó, các khu vực và nền kinh tế ở Mỹ Latinh, châu Phi và những nước chuyển đổi thu hút được lượng vốn ĐTNN thấp hơn rất nhiều, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn ĐTNN toàn cầu.
Trong khu vực, một số nước đang thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Thái Lan triển khai mô hình phát triển kinh tế Thái Lan 4.0 để thích ứng với CMCN 4.0. Singapore đã xây dựng Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho công nghiệp thông minh để thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực chế tạo. Trung Quốc đang chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhu cầu trong nước. Một số ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ thấp và nhiều lao động sẽ dịch chuyển sang Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar. Đây là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút ĐTNN nhưng cũng đòi hỏi thận trọng lựa chọn dự án có chất lượng, kiên quyết từ chối dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.Xu hướng trên đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong thu hút ĐTNN do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước ta chủ yếu nhằm tìm kiếm thị trường, tận dụng chi phí rẻ, ưu đãi thuế và chính sách bảo hộ sản xuất.
Trong bối cảnh của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Đây chính là những động lực không giới hạn thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, lao động phổ thông - là những yếu tố đầu vào truyền thống có tính hữu hạn. Những quốc gia đang phát triển nếu kịp thời nắm bắt được những xu hướng mới, đầu tư thích đáng và hiệu quả cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ có cơ hội bắt kịp các nước phát triển. Ngược lại, những nền kinh tế mới nổi với lao động tay nghề thấp và khả năng linh hoạt kém sẽ phải hứng chịu tác động tiêu cực từ sự phát triển vũ bão của máy móc, tự động hóa và công nghệ thông minh.
Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng, tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn ĐTNN toàn cầu đến Việt Nam, trong đó có sự dịch chuyển đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực, trong đó Việt Nam là địa bàn được các nhà ĐTNN ưu tiên lựa chọn. Theo kết quả của Khảo sát do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Viện Đầu tư nước ngoài Nhật Bản thực hiện, Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia/khu vực tiềm năng cho đầu tư trung kỳ của các công ty Nhật Bản trong năm 2019, đồng thời được coi là điểm đến mới của các nhà đầu tư Nhật Bản thay thế cho Trung Quốc do tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Cạnh tranh trong thu hút ĐTNN đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi chúng ta phải cải thiện môi trường đầu tư một cách mạnh mẽ hơn để tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam; tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tạo ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.
Riêng trong năm 2020, kinh tế thế giới có một số mặt, lĩnh vực có thể phục hồi nhẹ (thương mại, đầu tư…), song cơ bản vẫn trong chu kỳ tăng trưởng chậm, khó khăn với nhiều rủi ro bất trắc. Diễn biến tình hình thế giới trong đầu năm 2020 cho thấy môi trường chính trị, kinh tế thế giới thời gian tới rất phức tạp, khó lường.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác nói chung cũng đang bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư v.v…Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI cũng bị tác động lớn. Tác động của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam trong năm 2020.
Báo cáo của UNCTAD năm 2020 về tác động của dịch COVID 19 đối với dòng vốn FDI toàn cầu cho thấy 2/3 trong số top 100 công ty lớn nhất toàn bị ảnh hưởng bởi COVID-19; đồng thời dự kiến dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 suy giảm từ 30-40%, hoạt động M&A sẽ giảm 70%.
1.2. Bối cảnh trong nước
Có ba nhóm yếu tố có ảnh hưởng lớn đến yêu cầu thu hút ĐTNN trong giai đoạn tới, bao gồm: mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; tác động các cam kết hội nhập quốc tế tới thu hút ĐTNN; và những vấn đề nội tại của nền kinh tế liên quan đến ĐTNN.
a) Mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thu hút, sử dụng ĐTNN
Bộ chính trị mới ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó có nhiều định hướng, giải pháp lớn để tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả của ĐTNN, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thu hút ĐTNN có chất lượng trong thời gian tới.
Về định hướng phát triển công nghiệp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 23/03/2018 về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 23 đưa ra những mục tiêu tổng quát đầy quyết tâm, bao gồm: (i) Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; và (ii) Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Về định hướng chính sách thu hút ĐTNN trong bối cảnh mới, đặc biệt là trong CMCN 4.0, Nghị quyết số 23 cũng thể hiện quyết tâm điều chỉnh thu hút ĐTNN “chất lượng cao”, chuyển từ số lượng sang chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm, thân thiện với môi trường, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và liên kết với doanh nghiệp nội địa thông qua 03 định hướng ưu tiên: (i) về công nghệ; (ii) về hình thức đầu tư; và (iii) về đối tác.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 10-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết 10) đề ra quan điểm về “Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Hiện Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 - hai mốc rất quan trọng, tròn 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm lập nước (2045). Theo đó, nền kinh tế sẽ tăng trưởng dựa vào năng suất lao động cao, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại, xác định đổi mới sáng tạo là động lực mới và là điểm tựa để đột phá... Điều này cũng là yêu cầu khách quan cần điều chỉnh chính sách về về thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài cho phù hợp giai đoạn phát triển mới của đất nước.
b) Tác động của các FTA thế hệ mới đến thu hút ĐTNN:
Việt Nam đã chủ động tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực, ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương, hợp tác với các đối tác trên thế giới[1]. Thực tế cho thấy các hiệp định thương mại đa phương và song phương đã và đang có những tác động tích cực đến thu hút ĐTNN và hoạt động của khu vực này ở Việt Nam.
Thực hiện các FTA thế hệ mới sẽ đem lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam những lợi ích khả quan. Ngoài những lợi ích trực tiếp từ dòng vốn và xuất khẩu, cơ hội để cải thiện liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ĐTNN có thể gia tăng đáng kể. Đồng thời có thể sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án có chất lượng hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn, không chỉ đơn thuần là các dự án gia công, lắp ráp. Đây sẽ là cơ hội cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.
c) Một số vấn đề nội tại của nền kinh tế:
Thuận lợi:
- Khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, là thành phần kinh tế chiếm tỉ trọng cao nhất trong GDP, tạo ra nhiều việc làm nhất, một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này phát triển nhanh, bền vững về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP. Bắt đầu hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước, là tiền đề để liên doanh, liên kết có hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài.
- Việt Nam luôn được xếp hạng cao về ổn định chính trị, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo tâm lý yên tâm đầu tư cho nhà đầu nước ngoài đang hoạt động và tạo sức hút các nhà đầu tư mới đang tìm địa điểm đầu tư. Đồng thời, Việt Nam nằm trong khu vực tăng trưởng năng động, với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Hơn nữa, Việt Nam cũng nằm trong khu vực có dòng ĐTNN vào và ra gắn với di chuyển chuỗi cung ứng trong nội bộ khu vực ASEAN và Đông Á, đáng chú ý là dòng vốn ĐTNN từ các nước phát triển Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Khó khăn, thách thức:
- Mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào huy động các nguồn lực, nhưng sử dụng chưa hiệu quả, nhiều yếu tố đầu vào bị tận khai. Việc gia tăng quá mức các nhân tố đầu vào để thúc đẩy tăng trưởng sẽ phải đánh đổi bằng các bất ổn kinh tế vĩ mô và sụt giảm chất lượng tăng trưởng. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với mức thu nhập bình quân của thế giới (hơn 10.000 USD/người), trong khi đó Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và dự báo có thể sẽ kết thúc giai đoạn “dân số vàng” vào khoảng năm 2020 - 2025.
- Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện nhưng chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ theo các thông lệ của nền kinh tế thị trường ở các nước có trình độ phát triển cao hơn, gây cản trở cho thực hiện đổi mới và tận dụng cơ hội của hội nhập, trong đó có thu hút và sử dụng ĐTNN. Thị trường các nhân tố đầu vào sản xuất chưa vận hành hiệu quả, nhất là thị trường nguyên liệu và đầu vào trung gian, làm tăng chi phí sản xuất.
- Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh trong thu hút ĐTNN vào Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh CMCN 4.0. Xu hướng các công nghệ sử dụng nhiều vốn và kỹ năng đang phát triển nhanh chóng, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất từ các nước có nhiều lao động phổ thông sang các nước có nhiều trung tâm R&D. Đồng thời, các sản phẩm có kết cấu tinh xảo, phức tạp đang đòi hỏi nơi thiết kế và sản xuất gần nhau.
[1] Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của hơn 70 tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế. Việt Nam đã tham gia một loạt FTA thế hệ mới (tháng 1/2019 tham gia CPTPP và ngày 30/6/2019 đã ký kết hiệp định EVFTA và EVIPA