BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Tin dự án
Sự chuyển dịch của các chuỗi sản xuất do tác động của Covid 19
Thứ Hai, 25/01/2021 02:54

Do tác động của Covid -19, dòng vốn ĐTNN trên thế giới đang và sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Do tác động của Covid -19, dòng vốn ĐTNN trên thế giới đang và sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới, bao gồm[1]: (i) Hoạt động M&A bị chững lại[2]; (ii) Chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn; (iii) Gia tăng việc tái cơ cấu đầu tư theo xu hướng “Trung Quốc +1”; (iv) Xu hướng dịch chuyển đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ thông minh[3]; (v) Các quốc gia đang phát triển sẽ là địa điểm thu hút dòng vốn ĐTNN dịch chuyển và phải cạnh tranh với chính các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…) khi Chính phủ các nước khuyến khích các Tập đoàn đa quốc gia quay về đầu tư.

Trước thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc luôn được đánh giá là một trong các quốc gia hấp dẫn nhất về thu hút vốn ĐTNN  với lợi thế là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu (chiếm đến 20% đầu ra sản phẩm toàn cầu[4], tăng gấp đôi so với năm 2003). Đối mặt với căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ, nhưng dòng vốn ĐTNN  vào Trung Quốc năm 2019 vẫn tăng 5,8%, đạt khoảng 140 tỷ USD và đưa Trung Quốc là quốc gia thu hút vốn ĐTNN lớn thứ hai thế giới[5], chỉ sau Hoa Kỳ (khoảng 251 tỷ USD).

Kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng sản xuất, đã bị ảnh hưởng nặng nề, qua đó đã gián tiếp làm suy giảm dòng vốn ĐTNN  tái đầu tư.

Các hoạt động đầu tư, sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng do: (i) cách ly xã hội và hạn chế đi lại khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể tiếp tục nghiên cứu, triển khai dự án; (ii) doanh nghiệp có xu thế tái định vị sản xuất, phòng thủ (tập trung tích lũy tiền mặt), đưa ra các kịch bản, kế hoạch triển khai kinh doanh ứng phó với khủng hoảng hơn là chấp nhận rủi ro đầu tư mới, mở rộng đầu tư; (iii) biến động tỷ giá, các đồng tiền quốc tế mất giá so với USD, khiến các hoạt động đầu tư, giao dịch quốc tế thận trọng hơn; (iv) bản thân doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, có nguy cơ phá sản, phải xin trợ cấp, bảo lãnh Chính phủ, ít có khả năng mở rộng đầu tư;(v) chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn do nhiều doanh nghiệp bị đánh tụt hạng tín nhiệm.

Việc tái định vị và đa dạng hóa địa điểm đầu tư thực tế đã được các công ty đa quốc gia trên thế giới nghiên cứu và thực hiện trong thời gian qua do một số nguyên nhân sau: (i) thay đổi trong chiến lược thu hút vốn ĐTNN của Chính phủ Trung Quốc[6]; (ii)  muốn phân tán rủi ro và giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia hay một đối tác; (iii) xung đột giữa các nền kinh tế lớn vẫn căng thẳng, kéo dài, khó lường; (iv) gián đoạn cung-cầu do dịch Covid-19 thúc đẩy sự dịch chuyển diễn ra nhanh hơn; (v) các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ[7], Nhật Bản, Hàn Quốc,... nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Trung Quốc đã ban hành chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ cho các công ty dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Theo một số khảo sát doanh nghiệp, 67% công ty sản xuất có trụ sở tại EU đã tìm kiếm những nguồn cung ứng khác rẻ hơn bên ngoài Trung Quốc[8]; 37% trong tổng số 2.600 công ty Nhật có ý định đa dạng hóa sản xuất ở các quốc gia khác[9]; 50% trong tổng số 160 nhà sản xuất tại Mỹ đã chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc tới Mexico, số còn lại đang lên kế hoạch để chuyển đổi sản xuất trong vòng 1-3 năm.



[1] Theo báo cáo “Tác động của Covid-19 đến FDI và chuỗi giá trị toàn cầu”, UNCTAD 26/3/2020.

[2]  Số thương vụ M&A năm 2019 là 1200 vụ/tháng. Tuy nhiên, dự báo mức này sẽ giảm 50% vào 3/2020 và giảm tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái (UNCTAD 2020)

[3] Để giảm thiểu rủi ro, tránh những hệ quả tương tự do dịch bệnh, nhu cầu với các dự  án có hàm lượng công nghệ cao, dây chuyền sản xuất tự động, quản lý và vận hành bởi robot sẽ tăng trong thời gian tới (UNCTAD 2020)

[4] Theo World Economy Outlook, Quỹ Tài chính tiện thế giới IMF 2019

[5] Theo Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) 2019

[6] Không ưu tiên thu hút các dự án thâm dụng lao động, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên và công nghệ trung bình; chiến lược ưu tiên các doanh nghiệp nội địa tại thị trường trong nước

[7] Theo “Trump administration pushing to rip global supply chains from China: officials” Reuters ngày 4/5/2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy các kế hoạch thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

[8] Theo Khảo sát doanh nghiệp và nguồn cung ứng toàn cầu QIMA 2020

[9] Theo Khảo sát của Tokyo Shoko Research Ltd 2020

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 2276
Thông báo