- Tại châu Âu, dự kiến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giảm mạnh trong Quý 2/2020, dẫn đến một cú sốc hàng hóa trong thời gian tới. Các doanh nghiệp sẽ có xu hướng nghiên cứu các quốc gia ổn định về kinh tế và chính trị để đầu tư kinh doanh. Các doanh nghiệp châu Âu nhận định, sự khó khăn sau đại dịch bắt nguồn từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và việc Trung Quốc là nhà cung cấp gần như độc quyền một số thành phần nhất định, dẫn đến rủi ro cho toàn bộ chuỗi sản xuất.
- Tuy nhiên, bên cạnh việc di dời, các doanh nghiệp châu Âu nhận định sẽ đa dạng hóa nguồn cung của họ, ví dụ, ngành ô tô sẽ mở rộng sang Maroc, nơi mà lĩnh vực này đang hoạt động khá tốt.
- Việt Nam có những lợi thế so với các nước ASEAN khác khi đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,.... Đặc biệt, ngày 08/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA. Điều này sẽ mở ra cơ hội để đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư thương mại với các nước EU, đúng thời điểm đang có sự chuyển dịch, tái định vị sản xuất của các Tập đoàn, trong đó có các nhà đầu tư EU. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng tại Việt Nam để xuất khẩu sang EU, bù đắp vào sự đứt gãy nguồn cung ứng đang thiếu hụt hiện nay.
- Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước EU và Vương quốc Anh đầu tư đạt 592,47 triệu USD, bằng 3,78% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam. Như vậy đầu tư của EU và Anh vào Việt Nam còn thấp, tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm khoang 68% tổng vốn đầu tư) và vào các địa phương như Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh,...