BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Tin dự án
Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam - Hệ lụy và giải pháp.
Thứ Hai, 25/01/2021 03:30

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bước đầu đã có tác động rõ rệt đến sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư Trung Quốc. Sau một thời gian dài chỉ đứng thứ ba hoặc thứ tư tại Việt Nam, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt qua các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, trong tổng số 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD (trong đó có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai (2,62 tỷ USD); Singapore đứng thứ 3 (2,09 tỷ USD). Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục đầu tư 2,02 tỷ USD vào Việt Nam, còn các nhà đầu tư Đài Loan (thuộc Trung Quốc) cũng rót gần 575 triệu USD. Tính chung lại, lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kong và Đài Loan) trong 5 tháng năm 2019 đạt hơn 7,6 tỷ USD.

* Đầu tư của Hồng Kong:

- Vốn đầu tư của Hông Kong tăng mạnh trong 5 tháng là do có dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD. Nếu không tính dự án này thì tổng đầu tư của Hồng Kông là 1,23 tỷ USD, đứng thứ 5 về đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng.

- Phân theo ngành, phần lớn các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 70 dự án, vốn đầu tư 4,9 tỷ USD (chiếm 61,9% số dự án, 97,9% tổng vốn đầu tư). Nếu không tính dự án góp vốn, mua cổ phần 3,85 tỷ USD thì đầu tư của Hông Kong còn 1,23 tỷ USD, trong 1,23 tỷ USD thì lĩnh vực CN chế biến, chế tạo chiếm 91,4%.

- Phân theo địa phương, đầu tư của Hồng Kong tập trung nhiều nhất vào Hà Nội, với vốn đầu tư 4,09 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là Bắc Ninh (279 triệu USD), Bình Dương (271,5 triệu USD), Hải Dương (110,2 triệu USD).

* Đầu tư của Trung Quốc:

- Đầu tư của Trung Quốc trong 5 tháng 2019 có xu hướng tăng so với cùng kỳ các năm trước, tăng gấp gần 3 lần so với 5 tháng năm 2018 (679,6 triệu USD), tăng gấp hơn 2 lần so với 5 tháng năm 2017 (1 tỷ USD).

- Theo phương thức đầu tư, thì đầu tư theo hình thức  góp vốn, mua cổ phần của Trung Quốc có xu hướng tăng trong những năm gần đây và trong 5 tháng đầu năm 2019. Trong 5 tháng 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần của Trung Quốc là 152,3 triệu USD, 5 tháng 2018 là 225,7 triệu USD (tăng 48,2% so với 2017), 5 tháng 2019 là 334,18 triệu USD (tăng 48% so với 2018).

- Theo địa phương, trong 5 tháng 2019 đầu tư của Trung Quốc tập trung nhiều nhất vào Tây Ninh với 13 dự án, vốn đăng ký 514,4 triệu USD (chiếm 25,4%). Tiếp theo là Tiền Giang (358,4 triệu USD), Bắc Giang (167,4 triệu USD), TP HCM (135 triệu USD) và Hà Nội (128,7 triệu USD).

- Tính theo ngành, thì trong 5 tháng 2019 Trung Quốc đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 138 dự án, vốn đăng ký 1,7 tỷ USD, chiếm 84,2% tổng vốn đăng ký.

* Tính chung đầu tư Trung Quốc và Hồng Kong

- Tổng vốn đầu tư Trung Quốc và Hong Kong trong 5 tháng đầu năm 2019 là 7,1 tỷ USD, dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong đó tập trung hầu hết vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo với 6,67 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm tới 94% tổng vốn đầu tư đăng ký.

- Nếu không tính dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage (giá trị 3,85 tỷ USD) thì vốn đầu tư của Hồng Kong và Trung Quốc là 2,82 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là 86,9%.

* Một số dự án lớn của Trung Quốc, Hông Kong trong 5 tháng

Trong 7 dự án lớn của 5 tháng đầu năm 2019 có tới 5 dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

(i) Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.

(ii) Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.

(iii) Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.

(iv) Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.

(v) Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD.

 

Thực tế cho thấy từ cuối năm 2017 đến hết tháng 5 năm 2019, số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và EU sang Việt Nam khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng lên so với các năm trước. Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham Trung Quốc) và AmCham Thượng Hải vào tháng 5/2019 cho thấy 75% doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc chịu tác động tiêu cực của thuế quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, 40% doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát có kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Khu vực ASEAN trong đó Thái Lan, Indonesia và Việt Nam nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp khi xem xét kế hoạch dịch chuyển. 

 

*Một số hệ lụy từ sự gia tăng đáng kể đầu tư FDI của Trung Quốc:

(i) Do thực hiện chính sách “Made in China 2025”,  cùng tác động của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung dẫn đến áp lực thay đổi, nâng cấp công nghệ của Trung Quốc ngày càng lớn, có thể dẫn tới sự chuyển dịch của dòng vốn FDI chất lượng thấp (công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai) vào Việt Nam;

 (ii) Các nhà đầu tư từ TQ sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập DN (M&A), dẫn tới nguy cơ nhiều DN Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần;

(iii) Nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, dẫn tới rủi ro bị cuốn vào tranh chấp thương mại với Mỹ và một số đối tác, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của DN Việt, nhất là hàng XK sang các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc.

(iv) Kịch bản tranh chấp thương mại tiếp tục leo thang và dòng ngoại tệ vào Việt Nam có khả năng tăng cao có thể gây áp lực đến lạm phát.

(v) Do có sự chuyển dịch của FDI từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam, tạo nên áp lực về hạ tầng, xã hội ở một số địa phương, đồng thời công tác kiểm soát hoạt động đầu tư (Trung Quốc) khó khăn hơn.

 

        * Giải pháp:

        Trước mắt, để có thể xử lý hiệu quả yêu cầu hạn chế, ngăn chặn dòng vốn FDI chất lượng thấp từ TQ, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ với các địa phương:

(i)  Các Bộ ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật cần thiết (thông qua công tác quy hoạch, nâng cao tiêu chuẩn môi trường, tài nguyên, nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, quy chuẩn, quy cách sản phẩm...  phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới) để ngăn chặn, hạn chế các dự án kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; tiêu hao nhiều năng lượng; sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai.

(ii) Kiểm soát vấn đề đầu tư núp bóng của tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua việc nghiên cứu ban hành ngay các quy định cấm  các tổ chức, cá nhân Việt Nam đứng tên hộ trong các giao dịch về đất đai, bất động sản; kiểm soát tốt hơn các hoạt động tín dụng, cho vay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản; tăng cường công tác tuyên truyền đi kèm với kiểm tra, giám sát của các địa phương đối với các hoạt động đầu tư nghi ngờ “núp bóng”;

(iii) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép; đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết về yêu cầu, tiến độ triển khai đã được quy định trong GCNĐT;

(iv)  Định hướng bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan theo hướng quy định thêm các điều kiện chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần; bổ sung thêm các quy định về “ điều kiện an ninh, quốc phòng” đối với một số địa bàn, lĩnh vực đầu tư FDI có điều kiện.

(v) Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết đã và sắp ký kết, như Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP để đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường nhất định như Trung Quốc và Mỹ.

(vi) Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi linh hoạt đối với các dự án lớn, quan trọng  có tính lan tỏa cao để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược..

(vii) Chủ động chọn lọc, đưa ra tiêu chí mời gọi đầu tưu, thu hút các dự án quy mô lớn, lan tỏa cao, giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của nước ta. 

(viii) Tăng cường hỗ trợ và giải quyết các vướng mắc của các nhà đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 3636
Thông báo