BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Tin dự án
Tình hình ĐTNN giai đoạn 2016 – 2020
Thứ Hai, 25/01/2021 03:28

Theo một số Hiệp hội doanh nghiệp và giới nghiên cứu nhận định: "Cho dù các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng suy giảm và rủi ro từ Covid-19 sẵn sàng bùng phát bất kỳ lúc nào, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định nhất trong châu Á năm 2020". Việc số lượng lớn các Hiệp định thương mại song phương/đa phương mà Việt Nam đã tham gia hứa hẹn khả năng tiếp cận thị trường, giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

1. Tình hình thực hiện đầu tư

Giai đoạn này vốn đầu tư thực hiện tăng khá nhanh và đạt mức cao, bình quân 18,2 tỷ USD/năm giai đoạn 2016-2019, tổng vốn thực hiện đạt 72,9 tỷ USD, chiếm 52,2% tổng vốn đăng ký. Tỷ trọng vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vì vậy cũng tăng lên, đạt bình quân khoảng 23,6%/năm trong giai đoạn này. Khu vực ĐTNN ngày càng trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng. Tỷ trọng khu vực ĐTNN trong GDP tăng từ 18,59% trong năm 2016 và đạt mức cao nhất 20,3% trong năm 2018.

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng, khu vực ĐTNN cũng có tác động khác như gia tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, hiệu ứng lan tỏa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hình thành tài sản cố định... và những nhân tố này cũng gián tiếp đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế[1].

2. Tình hình đăng ký đầu tư

Với xu hướng tăng cả về vốn đầu tư thực hiện và vốn đăng ký trong giai đoạn 2016 - 2019 cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp trong thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ĐTNN, dự kiến các chỉ tiêu kế hoạch ĐTNN giai đoạn 5 năm 2016-2020 sẽ đạt mức vượt kế hoạch đề ra.

Với dự kiến vốn đầu tư đăng ký năm 2020 đạt khoảng 35-40 tỷ USD thì giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt 174-179 tỷ USD, tăng 53%-58% so với kế hoạch và tăng 74%-79% so với giai đoạn 2011-2015. Trong giai đoạn này, vốn đầu tư đăng ký tăng mạnh vào năm 2017 (tăng 38% so với năm 2016). Năm 2018 vốn đăng ký có giảm nhẹ (2%) so với năm 2017, đạt mức 36,37 tỷ USD. Nhưng đã tăng trở lại vào năm 2019 (đạt gần 39 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2018 và 5% so với năm 2017).

Bảng 1: ĐTNN giai đoạn 2016-2020

 

 

 

 


Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019, cả nước đã có 12.529 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 139,3 tỷ USD. Như vậy mới chỉ 4 năm, song giai đoạn này đã vượt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020 hơn 25 tỷ USD (tăng 22,2% so với kế hoạch) và tăng 38,8% so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó:

a) Theo lĩnh vực đầu tư: Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn dẫn đầu với 4.481 dự án và 77,9 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 56% tổng vốn đầu tư giai đoạn này và tăng 28,3% so với giai đoạn 2011-2015); tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 17,6 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư và tăng gấp 2,2 lần vốn đầu tư giai đoạn 5 năm trước đó); lĩnh vực dịch sản xuất phân phối điện đứng thứ ba với 11,5 tỷ USD (chiếm 8,3% vốn đầu tư và cũng tăng hơn 2,2 lần so với giai đoạn trước). Còn lại là các lĩnh vực khác (Chi tiết trong Phụ lục II kèm theo).

b) Theo đối tác đầu tư: Các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong giai đoạn này là các đối tác châu Á, chiếm 82,7% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là châu Mỹ 7,8%, châu Âu 5,6% (trong đó 90% là từ các nước thành viên Liên minh Châu Âu-EU), châu Đại dương 3% và châu Phi 0,9% tổng vốn đăng ký. Trong đó Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký với gần 4.000 dự án, tổng vốn đăng ký 32,4 tỷ USD (chiếm 23,2% tổng vốn đầu tư, tăng 58% so với giai đoạn 5 năm trước đó). Nhật Bản đứng thứ hai với 25,3 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Singapore và Hồng Kông, Trung Quốc với vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 18 tỷ USD; 14,7 tỷ USD; 10,9 tỷ USD…. (Chi tiết trong Phụ lục II kèm theo)



[1] Nhiều nghiên cứu đã khẳng định vốn ĐTNN có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó bổ sung nguồn vốn, hình thành tài sản cố định có thể là yếu tố quan trọng nhất.

 

Biểu 5: Cơ cấu ĐTNN theo đối tác giai đoạn 2011-2019

 

c) Theo địa phương: Dẫn đầu là TP Hồ Chí Minh với 4.241 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 25,2 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư, tăng gần 2,4 lần so với giai đoạn 2011-2015); tiếp theo là Hà Nội với 22,7 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư và tăng 4,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó, đồng thời chiếm tới 82% tổng vốn đăng ký của Hà Nội trong giai đoạn 2011-2019); Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai…(Chi tiết trong Phụ lục II kèm theo)

Biểu 6: Những địa phương dẫn đầu về thu hút ĐTNN giai đoạn 2011-2015 và 2016-2019 (triệu USD)

3. Nhận xét, đánh giá

3.1. Mặt được

- Cả vốn đăng ký và vốn thực hiện trong giai đoạn 2011-2020 đều tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Việc giải ngân các dự án ĐTNN đạt kết quả ấn tượng. Mặc dù bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các nhà đầu tư vẫn triển khai giải ngân vốn và tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu tích cực và chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa vốn giải ngân trong thời gian tới.

- Với việc tỷ trọng các dự án ĐTNN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ngày càng tăng, đặc biệt một số dự án lớn để sản xuất hàng xuất khẩu đang tích cực giải ngân, mở rộng sản xuất (SamSung, Nokia, LG,….), dự kiến khu vực doanh nghiệp ĐTNN vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu trong các năm tới.

- ĐTNN góp phần tạo việc làm (hiện nay khu vực ĐTNN tạo việc làm cho khoảng trên 4,6 triệu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành.

- ĐTNN cũng góp phần trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước; đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về ĐTNN.

3.2. Tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng ĐTNN trong giai đoạn 2011-2019 cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Cụ thể là:

Chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN còn hạn chế:

- Chất lượng vốn ĐTNN thấp, các dự án đầu tư chỉ nằm ở khâu hạ nguồn của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công, công nghiệp nhẹ, quy mô dự án nhỏ. Gần 62,5% số dự án có quy mô vốn dưới 1 triệu USD (chỉ chiếm 2,1% vốn đăng ký); 50,8% số dự án dưới 500 nghìn USD (chiếm 1,1% số vốn,) chỉ có 20 dự án có quy mô vốn từ 1 tỷ USD trở lên (chiếm 27,7% tổng vốn ĐTNN). Các ngành có quy mô dự án đăng ký mới nhỏ là các ngành dịch vụ như thông tin truyền thông, giáo dục và đào tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hành chính và dịch vụ hỗ trợ, bán buôn bán lẻ,…

- Mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút ĐTNN chưa đạt được như kỳ vọng. Tỷ lệ các dự án FDI công nghệ cao thấp và việc thực hiện chuyển giao công nghệ cũng chưa đạt kết quả mong muốn. ĐTNN chủ yếu tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động thấp và hưởng ưu đãi như gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe gắn máy...) và một số ngành chế biến thực phẩm. Những doanh nghiệp này thường sử dụng nhiều lao động, chủ yếu là lao động giản đơn, năng suất lao động thấp, hầu như không qua đào tạo. 

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ĐTNN chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và những ưu đãi. Tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư đăng ký chưa cao (khoảng 55,4%).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 11815
Thông báo