Tính đến tháng 11/2020 người Việt Nam ở nước ngoài đã có 362 dự án đầu tư theo hình thức ĐTNN tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó dẫn đầu về số dự án là từ kiều bào Hoa Kỳ, tiếp theo là Pháp, Australia, Trung Quốc và CHLB Đức. Phần lớn các dự án đầu tư của kiều bào tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 143 dự án, vốn đăng ký 725,14 triệu USD, chiếm 39,5% số dự án và 45,2% vốn đăng ký. Các nhà đầu tư Việt Kiều đã đầu tư vào 42/63 địa phương trong cả nước, trong đó dẫn đầu là Hà Nội với 79 dự án, vốn đăng ký 476,8 triệu USD (chiếm 21,8% số dự án và 29,7% vốn đăng ký), tiếp theo là các địa phương Long An, Bình Thuận, Hải Phòng, Đồng Nai và các địa phương khác. Các dự án ĐTNN của kiều bào hoạt động khá hiệu quả, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên thì kiều bào ta ở nước ngoài còn có nhiều đóng góp trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam, kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước. Đồng thời góp phần quảng bá, xúc tiến, làm tăng uy tín, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Thưa quý vị,
Công tác vận động kiều bào đầu tư về nước trong thời gian qua có nhiều yếu tố thuận lợi. Thứ nhất, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày càng phát triển lớn mạnh với khoảng 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có tiềm lực về kinh tế, công nghệ, năng lực quản lý nên có rất nhiều tiềm năng để đầu tư về nước. Thứ hai, các kiều bào luôn hướng về tổ quốc, có mong muốn góp sức để xây dựng quê hương, đất nước. Thứ ba, việc đi lại của kiều bào về nước hiện nay rất thuận lợi do chính sách miễn visa cho kiều bào về nước. Thứ tư, thành công trong việc kiểm soát dịch COVID 19 của Việt Nam thời gian qua cũng góp phần làm gia tăng uy tín, sự an toàn của Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích Việt Kiều về nước sinh sống và đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi nêu trên thì công tác vận động kiều bào đầu tư về nước cũng còn một số khó khăn hạn chế. Thứ nhất, công tác tuyên truyền, vận động và kết nối người Việt Nam ở nước ngoài chưa được như kỳ vọng do thiếu nguồn lực. Nhiều kiều bào còn chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của nhà nước. Thứ hai, theo quy định hiện hành, không còn các chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng riêng cho kiều bào, do vi phạm các cam kết quốc tế về phân biệt đối xử mà Việt Nam là thành viên.
Tuy không có chính sách ưu đãi đầu tư riêng cho nhà đầu tư là người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng theo quy định hiện hành thì nhà đầu tư Việt kiều vẫn có lợi thế hơn so với nhà đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư Việt kiều có quyền được lựa chọn áp dụng điều kiện, thủ tục đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, khi lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước thì nhà đầu tư Việt kiều không phải đáp ứng các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, như điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, điều kiện về đối tác Việt Nam tham gia hoạt động đầu tư và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Các thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước cũng đơn giản, thuận lợi hơn so với nhà ĐTNN, do nhà đầu tư trong nước không bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kiều bào còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác như miễn visa, được phép mua nhà theo quy định của Luật nhà ở.
Do đó số liệu về đầu tư theo hình thức ĐTNN của Việt kiều về nước chỉ phản ảnh được một phần đầu tư của Việt Kiều về nước vì có rất nhiều dự án kiều bào đầu tư về nước theo hình thức đầu tư trong nước.
Thưa Quý vị,
Bên cạnh công tác vận động kiều bào đầu tư về nước thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan đầu mối để xây dựng và triển khai mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu nhằm thu hút các nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài về tham gia đóng góp xây dựng đất nước.
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã chính thức ra mắt vào tháng 8/2018 tại Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức. Mạng lưới đã tập hợp được hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài và các nhà khoa học trong nước. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành, phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, bao gồm các trí thức, nhà khoa học trẻ của Việt Nam hiện đang làm việc, nghiên cứu cho các cơ quan, tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước.
Tính đến nay, Mạng lưới đã kết nối được hơn 300 thành viên ở 14 quốc gia, vùng lãnh thổ để triển khai xây dựng các mạng lưới thành phần. Cộng đồng trí thức người Việt Nam tại các nước về cơ bản rất quan tâm và mong muốn đóng góp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, có nhu cầu kết nối và có khả năng thúc đẩy hợp tác hai chiều giữa Việt Nam và nước sở tại. Mạng lưới đã thành lập được 5 văn phòng tại 5 quốc gia Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhìn chung các hoạt động của Mạng lưới được triển khai hướng đến các mục tiêu: (i) quy tụ, tập hợp trí thức người Việt, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ (đào tạo, chia sẻ tri thức, chuyển giao công nghệ, R&D) nhằm tạo ra những giá trị cụ thể, đóng góp trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; (ii) thực hiện hỗ trợ, kết nối giữa tập đoàn, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước có nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh tại các nước và tại Việt Nam; (iii) thực hiện kết nối với các trường Đại học, viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các chuyên gia các nước sở tại nơi có đại diện của Mạng lưới nhằm hợp tác đào tạo, cung cấp học bổng để hỗ trợ học sinh, sinh viên xuất sắc của Việt Nam sang học tập và nghiên cứu tại quốc gia đó, hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo của đất nước.
Thưa quý vị,
Việc thu hút nguồn lực của kiều bào để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, thu hút đầu tư và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia nói riêng là công tác hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để làm tốt công tác này, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các nhà đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài kết nối với các kiều bào nhằm chung tay xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh ở nước sở tại.
Thứ hai, khuyến khích việc hình thành các hiệp hội chuyên ngành, mở rộng hợp tác trong cộng đồng với trong nước theo tinh thần “ích nước lợi nhà”. Đa dạng hóa các hoạt động thiết thực thu hút đóng góp của các cộng đồng vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, như thành lập các câu lạc bộ trí thức kiều bào, các Hiệp hội doanh nhân kiều bào; xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi và thu hút những chuyên gia, trí thức Việt kiều có tŕnh độ chuyên môn cao, xây dựng những đầu mối về xuất nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, nhất là khâu thực thi ở các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước.
Thứ tư, có chính sách thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu (bao gồm các chương trình kết nối trực tiếp và nền tảng kết nối online) nhằm quy tụ, tập hợp trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ (đào tạo, chia sẻ tri thức, chuyển giao công nghệ, R&D), các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại … để tạo ra những giá trị cụ thể, đóng góp trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam;
Thứ năm, xây dựng danh mục các công việc người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp cho đất nước và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, để kiều bào biết và đóng góp.
Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng số kết nối những người Việt Nam ưu tú ở nước ngoài trên cơ sở Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia triển khai. Và việc phối kết hợp giữa Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành liên quan để triển khai các việc này là hết sức cần thiết.