BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 30/12/2024
Tin hoạt động
Thứ trưởng Trần Quốc Phương làm việc với Quỹ Tiền tệ quốc tế
Thứ Hai, 15/11/2021 04:30
Thứ trưởng Trần Quốc Phương làm việc với Quỹ Tiền tệ quốc tế

Ngày 12/11, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã làm việc trực tuyến với Trưởng Bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Era Dabla-Norris.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Era Dabla-Norris cho rằng, tác động của dịch COVID-19 lần thứ tư đến nền kinh tế Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng hơn khi ngành đầu tư, tiêu dùng đều bị ảnh hưởng. Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) bị ảnh hưởng nặng nề.

IMF dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 2,0-2,5% trong năm 2021 và 6,6% trong năm 2022. Đây có thể cho là sự trở lại của nền kinh tế bên cạnh các gói kích thích kinh tế đang được Quốc hội Việt Nam đưa vào xem xét.

Tuy nhiên, rủi ro giảm tăng trưởng vẫn có xu hương gia tăng khi diễn biến của dịch COVID-19 còn phức tạp, hoạt động dịch vụ còn yếu có thể sẽ ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và thị thường lao động làm tăng nợ xấu ngân hàng và gây rủi ro cho sự ổn định tài chính.

IMF cũng cho rằng, những chính sách tài khóa được dự kiến trong Chương trình phục hồi kinh tế sẽ hỗ trợ tăng trưởng cao hơn trong năm 2022 và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Những chính sách tiền tệ cần được duy trì với định hướng hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng thời cảnh giác với áp lực lạm phát và bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ tới đây cần có biện pháp đảm bảo cho ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới mục tiêu tổng thể của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Hình ảnh tại buổi làm việc

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, các thông tin IMF rất quan trọng và có ý nghĩa khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đang xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để khôi phục lại các hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Do đó, tình hình kinh tế vĩ mô tháng 10 đã có nhiều dấu hiệu tích cực như hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần phục hồi, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng mạnh, thương mại dịch vụ, du lịch tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trở lại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án định hướng phục hồi nền kinh tế. Các định hướng cơ bản là vừa đảm bảo nguồn lực để phục hồi nền kinh tế, vừa đảm bảo duy trì nền kinh tế vĩ mô, phục hồi sớm để nền kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà tăng trưởng của thế giới.

Ngoài ra, Đề án không chỉ có định hướng đến lĩnh vực công mà còn có tác động đến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ để có đủ nguồn lực vực dậy và phát triển.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ các nhóm giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.

Cụ thể, mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch COVID-19: chi phí tăng cường mua vắc-xin và để các cấp nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội, kết hợp hài hòa giữa các giải pháp về tài khóa và tiền tệ; hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; kích thích đầu tư công, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; kiểm soát rủi ro và bảo đảm ổn định lạm phát. Trong đó chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô./.

Số lượt đọc: 6340
Thông báo