BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 (phần 2)
Thứ Bảy, 29/08/2020 09:27
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 (phần 2)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng Bảy tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương khác trên cả nước gây cản trở sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 8/2020. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2020 ước tính đạt 812,2 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 674,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,3%; thu từ dầu thô 24,2 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 112,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54,2%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, bằng 45,3% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 114,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 118,9 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9%; thu thuế thu nhập cá nhân 77,1 nghìn tỷ đồng, bằng 59,9%; thu thuế bảo vệ môi trường 35,1 nghìn tỷ đồng, bằng 52%; thu tiền sử dụng đất 83,3 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2020 ước tính đạt 918,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,6% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 633,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,9%; chi đầu tư phát triển 208,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3%; chi trả nợ lãi 70,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6%.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước tính đạt 422,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 334,3 nghìn tỷ đồng, giảm 0,2% và tăng 6,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% và giảm 15,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 974 tỷ đồng, giảm 61,8% và giảm 74,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,5% và giảm 4,3%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.225,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 2.553,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,4%; may mặc giảm 0,6%; phương tiện đi lại giảm 2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 4,5%. Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 11%; Hà Nội tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 9,4%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,3%; Bình Định tăng 5,9%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 5%; Thanh Hóa tăng 2,3%; Cần Thơ tăng 1,9%; Đà Nẵng giảm 4,9%; Khánh Hòa giảm 6%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước tính đạt 322,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,8%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Khánh Hòa giảm 59,2%; Quảng Nam giảm 53,3%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 42,7%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 41,7%; Đà Nẵng giảm 31,7%; Cần Thơ giảm 26%; Thanh Hóa giảm 20,6%; Hà Nội giảm 17,9%; Quảng Ninh giảm 10,5%; Hải Phòng giảm 10,1%.

Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%) do dịch Covid-19 làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm thăm quan phải đóng cửa trở lại. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 76,6%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 72,1%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 67,2%; Quảng Nam giảm 66,5%; Kiên Giang giảm 64,7%; Đà Nẵng giảm 63,6%; Cần Thơ giảm 55,4%; Quảng Ninh giảm 54,9%; Hà Nội giảm 42,2%; Bình Định giảm 41,9%; Thanh Hóa giảm 40%; Hải Phòng giảm 38%.

Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng ước tính đạt 335,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Khánh Hòa giảm 69,8%; Đà Nẵng giảm 17,5%; Bình Định giảm 12,9%; Thanh Hóa giảm 12,3%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 9,7%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 8,4%; Hà Nội giảm 5,8%; Cần Thơ giảm 5,1%; Hải Phòng giảm 2,7%.

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[7]

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt 336,32 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%[8]. Khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng cao 15,3%; nhập khẩu đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 7/2020 đạt 24.873 triệu USD, cao hơn 1.873 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện cao hơn 585 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 464 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 285 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2020 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, chủ yếu do Công ty Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Note 20, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17 tỷ USD, tăng 8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2020 tăng 2,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%.

Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8%; hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD, giảm 11,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 31,9%; giày dép đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%; thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,5%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 11,3%; hạt điều đạt 2 tỷ USD, giảm 5,4% (lượng tăng 9%); cà phê đạt 2 tỷ USD, giảm 1,3% (lượng giảm 1,3%); cao su đạt 1,2 tỷ USD, giảm 12,7% (lượng giảm 5,9%); hạt tiêu đạt 445 triệu USD, giảm 20% (lượng giảm 7,4%); chè đạt 134 triệu USD, giảm 6,2% (lượng tăng 3,5%). Riêng sản phẩm gạo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% (lượng giảm 1,7%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 92,25 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 63,21 tỷ USD, giảm 1% và chiếm 36,3% (giảm 1 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 13,45 tỷ USD, giảm 2,6% và chiếm 7,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 5,20 tỷ USD, giảm 5,3% và chiếm 3% (giảm 0,2 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng với kim ngạch đạt 46,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 27 tỷ USD, tăng 13%. Thị trường EU đạt 22,9 tỷ USD, giảm 4%. Thị trường ASEAN đạt 15 tỷ USD, giảm 13,6%. Hàn Quốc đạt 12,6 tỷ USD, giảm 1,5%. Nhật Bản đạt 12,5 tỷ USD, giảm 6,1%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 7/2020 đạt 22.097 triệu USD, cao hơn 97 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 201 triệu USD; điện thoại và linh kiện cao hơn 83 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 61 triệu USD, sắt thép thấp hơn 67 triệu USD, dầu thô thấp hơn 187 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 0,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2020 ước tính tăng 2,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,4%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 90,16 tỷ USD, giảm 6,0%.

Trong 8 tháng có 29 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 38,6 tỷ USD (chiếm 23,8% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,9 tỷ USD, giảm 4,3%; điện thoại và linh kiện đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,5%; vải đạt 7,6 tỷ USD, giảm 13%; sắt thép đạt 5,6 tỷ USD, giảm 13,2%; chất dẻo đạt 5,3 tỷ USD, giảm 12,3%; sản phẩm chất dẻo đạt 4,5 tỷ USD, tăng 6,5%; kim loại thường đạt 3,8 tỷ USD, giảm 10,1%; sản phẩm hóa chất đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2,1%; ô tô đạt 3,5 tỷ USD, giảm 28%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 3,4 tỷ USD, giảm 14,1%; hóa chất đạt 3,2 tỷ USD, giảm 8%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 8 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 151,66 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 10,55 tỷ USD, giảm 9,2% và chiếm 6,5%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 8 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 49,3 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 28,7 tỷ USD, giảm 8,3%; ASEAN đạt 19,4 tỷ USD, giảm 9,2%; Nhật Bản đạt 12,8 tỷ USD, tăng 3,2%; Hoa Kỳ đạt 9,4 tỷ USD, giảm 0,1%; EU đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4,7%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 7/2020 xuất siêu 2,8 tỷ USD[9];   7 tháng xuất siêu 8,4 tỷ USD; tháng Tám ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD[10], trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,1 tỷ USD.

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,12% so với tháng 12/2019 – đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[11]. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám tăng so với tháng Bảy chủ yếu do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa trên diện rộng làm giá rau tăng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thuận lợi đạt ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây; giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước[12].

Trong mức tăng 0,07% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2020 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với 0,18% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 và giá các mặt hàng sách vở, đồ dùng học tập tăng do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới[13] (tác động làm CPI chung tăng 0,01%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%, trong đó: lương thực tăng 0,6%[14]; thực phẩm tăng 0,08%[15]. Nhóm giao thông tăng 0,1% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 28/7/2020 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 12/8/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 0,41%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cùng mức tăng 0,1%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 0,39% và 0,48% và do giá dầu hỏa tăng 1,93%, giá gas tăng 0,55%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%[16]; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,2%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2% do nhu cầu du lịch của người dân giảm mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại[17]; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,03%. Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không thay đổi.

CPI tháng 8/2020 giảm 0,12% so với tháng 12/2019 và tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Lạm phát cơ bản tháng 8/2020 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 2,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các nền kinh tế, bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng ngày càng gay gắt giúp vàng trở thành kênh đầu tư an toàn. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/8/2020 tăng 6,14% so với tháng 7/2020. Chỉ số giá vàng tháng 8/2020 tăng 9,86% so với tháng trước; tăng 32,81% so với tháng 12/2019 và tăng 35,02% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế tiếp tục suy yếu trong bối cảnh lạm phát tháng 7/2020 của Mỹ tăng và Quốc hội Mỹ chưa đạt được thỏa thuận liên quan đến gói cứu trợ mới để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và duy trì đà phục hồi kinh tế. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2020 giảm 0,07% so với tháng trước; tăng 0,16% so với tháng 12/2019 và giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải trong tháng Tám chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng Bảy với mức giảm 19,3% lượng hành khách vận chuyển và giảm 3,4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 29,3% và vận chuyển hàng hóa giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách tháng Tám ước tính đạt 238 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 19,3% so với tháng trước và luân chuyển 11,7 tỷ lượt khách.km, giảm 17,7%. Tính chung 8 tháng, vận tải hành khách đạt 2.343,6 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,4%) và luân chuyển 109,5 tỷ lượt khách.km, giảm 33,4% (cùng kỳ năm trước tăng 9,8%), trong đó vận tải trong nước đạt 2.340,8 triệu lượt khách, giảm 29,1% và 99,8 tỷ lượt khách.km, giảm 23,7%; vận tải ngoài nước đạt 2,7 triệu lượt khách, giảm 75,5% và 9,7 tỷ lượt khách.km, giảm 71,2%. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường đều giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó vận tải hành khách đường bộ 8 tháng đạt 2.181,5 triệu lượt khách, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước và 79,5 tỷ lượt khách.km, giảm 25,6%; đường thủy nội địa đạt 130,8 triệu lượt khách, giảm 8,7% và gần 2,7 tỷ lượt khách.km, giảm 9,7%; hàng không đạt 24,2 triệu lượt khách, giảm 35,1% và 25,8 tỷ lượt khách.km, giảm 49,9%; đường biển đạt 4,4 triệu lượt khách, giảm 24,1% và 218,4 triệu lượt khách.km, giảm 23,8%; đường sắt đạt 2,7 triệu lượt khách, giảm 54,8% và 1,2 tỷ lượt khách.km, giảm 52,1%.

Vận tải hàng hóa tháng Tám ước tính đạt 142,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 3,4% so với tháng trước và luân chuyển 26,1 tỷ tấn.km, giảm 5,8%. Tính chung 8 tháng, vận tải hàng hóa đạt 1.100,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%) và luân chuyển 213,7 tỷ tấn.km, giảm 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 7,4%), trong đó vận tải trong nước đạt 1.075,8 triệu tấn, giảm 7,4% và 108,1 tỷ tấn.km, giảm 14,8%; vận tải ngoài nước đạt 24,3 triệu tấn, giảm 4,7% và 105,6 tỷ tấn.km, giảm 0,5%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hóa đường bộ 8 tháng đạt 840,5 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước và 57,6 tỷ tấn.km, giảm 13,7%; đường thủy nội địa đạt 204,7 triệu tấn, giảm 1,5% và 42,3 tỷ tấn.km, giảm 6,1%; đường biển đạt 51,4 triệu tấn, giảm 5,6% và 108,7 tỷ tấn.km, giảm 4,4%; đường sắt đạt 3,3 triệu tấn, giảm 2,1% và 2,4 tỷ tấn.km, giảm 1,1%; đường hàng không đạt 182,5 nghìn tấn, giảm 36,1% và 2,8 tỷ tấn.km, giảm 46,3%.

e) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Tám đạt 16,3 nghìn lượt người[18], tăng 16,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Tám ước tính đạt 16,3 nghìn lượt người, tăng 16,9% so với tháng trước và giảm 98,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.774,7 nghìn lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.049,8 nghìn lượt người, chiếm 80,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 65,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 580,5 nghìn lượt người, chiếm 15,4% và giảm 74,2%; bằng đường biển đạt 144,4 nghìn lượt người, chiếm 3,8% và giảm 15,9%.

Trong 8 tháng năm nay, khách đến từ châu Á đạt 2.757,7 nghìn lượt người, chiếm 73,1% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 68,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 932,7 nghìn lượt người, giảm 72,3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 827,3 nghìn lượt người, giảm 70,5%; Nhật Bản 202,2 nghìn lượt người, giảm 67,4%; Đài Loan 193,4 nghìn lượt người, giảm 67,6%; Thái Lan 126,7 nghìn lượt người, giảm 59,2%; Ma-lai-xi-a 116,7 nghìn lượt người, giảm 69,5%; riêng khách đến từ Cam-pu-chia đạt 121 nghìn lượt người, tăng 70,8%.

Khách đến từ châu Âu trong 8 tháng ước tính đạt 667,6 nghìn lượt người, giảm 54,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Liên bang Nga 245,9 nghìn lượt người, giảm 43,7%; Vương quốc Anh 81,9 nghìn lượt người, giảm 62,2%; Pháp 74,7 nghìn lượt người, giảm 62,8%; Đức 61,6 nghìn lượt người, giảm 58,8%. Khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234,8 nghìn lượt người, giảm 65,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ đạt 173 nghìn lượt người, giảm 66,8%. Khách đến từ châu Úc đạt 102,4 nghìn lượt người, giảm 65,4%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 92,4 nghìn lượt người, giảm 64,8%. Khách đến từ châu Phi đạt 12,2 nghìn lượt người, giảm 59,8% so với cùng kỳ năm 2019.

7. Một số tình hình xã hội

a) Thiếu đói trong nông dân

Trong tháng Tám, đời sống nông dân nhìn chung ổn định, thiếu đói không phát sinh trên phạm vi cả nước. Tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,3% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 75,4% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo.

b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng (19/7-18/8/2020), cả nước có 10.670 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 12.619 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 80 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (2 trường hợp tử vong); 2 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 211 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 18 trường hợp dương tính; 99 trường hợp dương tính với bạch hầu (1 trường hợp tử vong). Tính chung 8 tháng năm 2020, cả nước có 48,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong); 21.862 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 375 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (9 trường hợp tử vong); 9 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 2.798 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 241 trường hợp dương tính; 199 trường hợp dương tính với bạch hầu (4 trường hợp tử vong)[19].

Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp[20]. Tại Việt Nam, dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, tính đến 6h00 ngày 27/8/2020 có 1.034 trường hợp mắc, 632 trường hợp đã được chữa khỏi (29 trường hợp tử vong).

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/8/2020 là 210.659 người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.049 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98.977 người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Tám xảy ra 7 vụ với 365 người bị ngộ độc. Tính chung 8 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 57 vụ với 1.574 người bị ngộ độc (19 người tử vong).

c) Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 15/7 đến 14/8), trên địa bàn cả nước xảy ra 1.174 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 693 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 481 vụ va chạm giao thông, làm 551 người chết, 384 người bị thương và 493 người bị thương nhẹ. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 2,7%; số người chết tăng 0,4% và số người bị thương giảm 11,7%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Tám giảm 22,3% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 14,4% và số vụ va chạm giao thông giảm 31,4%); số người chết giảm 12,4%; số người bị thương giảm 16% và số người bị thương nhẹ giảm 26,3%. Đáng lưu ý, trong tháng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng: Vụ tai nạn xảy ra ngày 4/8 tại Hà Nội giữa xe rơ moóc và xe ô tô làm 3 người chết, 1 người bị thương; vụ tai nạn xe máy xảy ra ngày 5/8 tại thành phố Hồ Chí Minh làm 1 người chết và 3 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 6/8 tại Lâm Đồng giữa 2 xe tải làm 1 người chết và 2 người bị thương; vụ tai nạn xe bồn xảy ra ngày 13/8 tại Kiên Giang làm 5 người bị thương.

Tính chung 8 tháng năm 2020, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 9.170 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5.272 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 3.898 vụ va chạm giao thông, làm 4.342 người chết, 2.750 người bị thương và 3.977 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 8 tháng giảm 19,1% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 12,4%; số vụ va chạm giao thông giảm 26,6%); số người chết giảm 14,8%; số người bị thương giảm 15,2% và số người bị thương nhẹ giảm 25,6%. Bình quân 1 ngày trong 8 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 16 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 11 người bị thương và 16 người bị thương nhẹ.

d) Thiệt hại do thiên tai

Thiên tai xảy ra trong tháng Tám chủ yếu là bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy và động đất tại một số địa phương làm 23 người chết và 20 người bị thương; 473 ngôi nhà bị sập và 5.934 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 7 nghìn ha lúa và 2,9 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 301,5 tỷ đồng. Riêng mưa lũ làm 18 người chết, 11 người bị thương; 285 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; 3.868 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng; ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản là gần 156 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng giá trị thiêt hại do thiên tai gây ra, trong đó tỉnh Hà Giang chịu thiệt hại nặng nề nhất với 7 người chết, 2 người bị thương, 2.950 ngôi nhà bị sập đổ, ngập và hư hỏng, thiệt hại ước tính 85,5 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm 2020, thiên tai làm 68 người chết và mất tích, 164 người bị thương; hơn 137 nghìn ha lúa và 63,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 1.693 ngôi nhà bị sập đổ; gần 72,2 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,7 nghìn tỷ đồng.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Trong tháng 8/2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 921 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 786 vụ với tổng số tiền phạt là 12,4 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm nay đã phát hiện 7.650 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 6.943 vụ với tổng số tiền phạt là hơn 115,3 tỷ đồng.

Trong tháng, cả nước xảy ra 285 vụ cháy, nổ, làm 2 người chết và 10 người bị thương, thiệt hại ước tính 22,8 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.064 vụ cháy, nổ, làm 61 người chết và 129 người bị thương, thiệt hại ước tính 392,3 tỷ đồng./.

 

[7] Số liệu tháng 8/2020 do Tổ liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê họp ước tính căn cứ trên số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến ngày 27/8/2020 của Tổng cục Hải quan kết hợp với thông tin thị trường, tỷ trọng và xu hướng xuất, nhập khẩu các mặt hàng.

[8] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2019 đạt 337,22 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 171,35 tỷ USD, tăng 8,1%; nhập khẩu đạt 165,87 tỷ USD, tăng 8%.

[9] Ước tính xuất siêu 1 tỷ USD.

[10] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 13,4 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 22,3 tỷ USD, giảm 11,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 16,1 tỷ USD, giảm 13,0%; nhập siêu từ ASEAN 4,4 tỷ USD, tăng 9,8%.

[11] Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Tám so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,1%; tăng 0,92%; tăng 0,45%; tăng 0,28%; tăng 0,07%.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Tám so với tháng 12 năm trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 2,58%; tăng 1,23%; tăng 2,59%; tăng 1,87%; giảm 0,12%.

[12] Tốc độ tăng CPI bình quân 8 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,91%; 3,84%; 3,52%; 2,57%; 3,96%.

[13] Giá sách giáo khoa tăng 0,22%, giá bút viết tăng 0,11%, giá vở, giấy viết tăng 0,17%.

[14] Do giá gạo tăng 0,79% nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu (tác động làm CPI chung tăng 0,02%).

[15] Chủ yếu do giá các loại rau tươi tăng 1,96% (tác động làm CPI chung tăng 0,05%) và giá trứng gia cầm các loại tăng 0,84%.

[16] Trong đó: thuốc lá tăng 0,21%, nước quả ép tăng 0,17%; nước uống tăng lực, đóng chai, lon, hộp tăng 0,06%.

[17] Giá các tua du lịch trong nước giảm 0,54%, du lịch ngoài nước giảm 0,35%; giá khách sạn, nhà nghỉ giảm 0,06%.

[18] Chủ yếu là các chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc làm việc tại các dự án; lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ; lưu học sinh Lào, Cam-pu-chia quay trở lại Việt Nam học tập.

[19] Bệnh bạch hầu xuất hiện ở các tỉnh: Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Bình Phước.

[20] Tính đến 6h00 ngày 27/8/2020, trên thế giới có 24.295,7 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (828,2 nghìn trường hợp tử vong).

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 914
Thông báo