BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý II và 6 tháng năm 2020 (phần 3)
Thứ Hai, 29/06/2020 09:15
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý II và 6 tháng năm 2020 (phần 3)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý II và 6 tháng năm 2020

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Lao động, việc làm quý II/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây[34], tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II giảm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2020 ước tính là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là năm có mức giảm kỷ lục do trong quý II dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng với việc áp dụng giãn cách xã hội trong tháng 4/2020 nên thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở các ngành, nghề lao động. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II/2020 ước tính là 46,8 triệu người, giảm 2,1 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động nam 25,9 triệu người, chiếm 55,3% tổng số và lao động nữ 20,9 triệu người, chiếm 44,7%; lao động khu vực thành thị là 16,4 triệu người, chiếm 35% và khu vực nông thôn là 30,4 triệu người, chiếm 65%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 47,9 triệu người, giảm 1,1 triệu người người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc quý II/2020 ước tính 51,8 triệu người, bao gồm 17 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 32,9% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16 triệu người, chiếm 30,9%; khu vực dịch vụ 18,8 triệu người, chiếm 36,2%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53 triệu người, bao gồm 17,6 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33,2% tổng số (giảm 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,3 triệu người, chiếm 30,7% (tăng 1,1 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,1 triệu người, chiếm 36,1% (tăng 0,5 điểm phần trăm).

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,26% (quý I là 2,02%; quý II là 2,51%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,62%; khu vực nông thôn là 1,59%[35]. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng ước tính là 2,47% (quý I là 2,22%; quý II là 2,73%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,82%; khu vực nông thôn là 1,77%[36]. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng ước tính là 7%, trong đó khu vực thành thị là 10,45%; khu vực nông thôn là 5,5%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,21%; quý II là 2,97%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,67%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,05% (tỷ lệ thiếu việc làm 6 tháng đầu năm 2019 tương ứng là 1,52%; 0,86%; 1,85%).

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản[37] quý I/2020 là 55,3%; quý II ước tính là 55,9%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 55,6%. Tỷ lệ này tính riêng trong khu vực thành thị 6 tháng đầu năm 2020 là 47,4% và trong khu vực nông thôn là 62,1% (6 tháng đầu năm 2019 tương ứng là 55,9%; 48,0%; 62,1%).

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý II/2020 là 6,3 triệu đồng/tháng, giảm 732 nghìn đồng so với quý trước và giảm 180 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 6,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng/tháng. Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 6,7 triệu đồng/tháng, giảm 11 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Theo Kết quả điều tra Mức sống dân cư năm 2019, tỷ lệ nghèo đa chiều có xu hướng giảm dần: giảm từ 7,9% trong năm 2017 xuống 6,8% năm 2018 và đến năm 2019 xuống còn 5,7%, đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược giảm nghèo quốc gia. Xu hướng giảm này ở cả thành thị, nông thôn và các vùng kinh tế, đây cũng là kết quả tích cực của công tác xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.

Đời sống dân cư đang dần được cải thiện, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung của cả nước theo giá hiện hành năm 2019 đạt gần 4,3 triệu đồng, tăng 10,9% so với năm 2018 (tăng 421 nghìn đồng), trong đó khu vực thành thị đạt hơn 6 triệu đồng, tăng 7,1% (tăng 398 nghìn đồng); khu vực nông thôn đạt 3,4 triệu đồng, tăng 13,8% (tăng 413 nghìn đồng). Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất đạt 10,1 triệu đồng, gấp 10,2 lần nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất đạt 988 nghìn đồng. Chênh lệch thu nhập và phân hoá giàu nghèo trong dân cư còn được thể hiện qua Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (GINI[38]). Hệ số GINI cả nước năm 2019 là 0,423, trong đó khu vực nông thôn là 0,415 có sự chênh lệch nhiều hơn so với 0,373 của khu vực thành thị.

Đời sống dân cư trong 6 tháng đầu năm tuy chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 2 đến hết tháng 4/2020 nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân nên nhìn chung đời sống dân cư cả nước vẫn giữ được ổn định và đang dần được cải thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học được đầu tư xây dựng mới, cải tạo đạt chuẩn, các chương trình hỗ trợ giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo… đã góp phần giúp người nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tính đến 31/5/2020, cả nước có 5.177 xã (chiếm 58,2% tổng số xã của cả nước) và 126 huyện (chiếm gần 19% tổng số huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong tháng Sáu, không có địa phương nào phát sinh thiếu đói. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, cùng giảm mạnh 74,6% so với cùng kỳ năm trước cả về số lượt hộ và số lượt nhân khẩu thiếu đói. Thiếu đói trong 6 tháng đầu năm nay xảy ra chủ yếu ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc như: Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cao. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 6 tháng đầu năm là hơn 8,1 nghìn tỷ đồng, bao gồm 2,9 nghìn tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 2,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 2,6 nghìn tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, có hơn 18,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Tính đến ngày 10/6/2020, cả nước giải ngân được 10,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo hơn 10,4 nghìn tỷ đồng; người lao động 50,5 tỷ đồng; hộ kinh doanh 2,6 tỷ đồng.

3. Giáo dục, đào tạo

Năm học 2019-2020, cả nước có 812 nghìn giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy, tăng 0,8% so với năm học trước, bao gồm: 381,6 nghìn giáo viên tiểu học, giảm 1,1%; 286,9 nghìn giáo viên trung học cơ sở, tăng 0,3% và 143,5 nghìn giáo viên trung học phổ thông, tăng 7,1%. Cũng trong năm học này, cả nước có 17 triệu học sinh phổ thông, tăng 2,9% so với năm học trước, bao gồm: 8,7 triệu học sinh tiểu học, tăng 2,3%; 5,6 triệu học sinh trung học cơ sở, tăng 3,5% và 2,7 triệu học sinh trung học phổ thông, tăng 3,7%.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lịch học kỳ II năm học 2019-2020 có sự điều chỉnh về thời gian kết thúc nên lịch thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Công tác tổ chức kỳ thi đang được chuẩn bị, đảm bảo trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém, đặc biệt phát hiện xử lý gian lận thi cử và tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho học sinh tham dự kỳ thi.

  1. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng (19/5-18/6/2020), cả nước có 5.109 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 772 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 54 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (6 trường hợp tử vong); 106 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 13 trường hợp dương tính. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có gần 32 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong); 5.693 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 240 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (7 trường hợp tử vong); 6 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 2.418 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 208 trường hợp dương tính.

Bệnh bạch hầu thời gian gần đây đang có dấu hiệu quay trở lại, dễ lây lan thành dịch và nguy cơ tử vong cao. Tính đến ngày 24/6/2020, tại hai huyện Đắk G’long và Krông Nô của tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 12 trường hợp dương tính với bạch hầu (1 trường hợp tử vong).

Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp[39]. Tại Việt Nam, tình hình dịch đang được kiểm soát tốt và chuyển sang trạng thái bình thường mới, tiếp tục chuỗi ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Tính đến 12h00 ngày 26/6/2020, Việt Nam có 352 trường hợp mắc (329 trường hợp đã được chữa khỏi).

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/6/2020 là 210,6 nghìn người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.175 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98.739 người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Sáu xảy ra 9 vụ với 393 người bị ngộ độc. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 40 vụ với 1.087 người bị ngộ độc (15 người tử vong).

4. Hoạt động văn hóa, thể thao

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao trong nước. Thực hiện chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương nghiêm túc thực hiện việc dừng các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, các chương trình vui chơi, giải trí tập trung đông người.

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều di tích văn hóa lịch sử được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai rộng khắp trên cả nước đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Hoạt động thư viện có nhiều đổi mới, tích cực, chủ động, sáng tạo, triển khai các dịch vụ mới, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ từ xa, dịch vụ trực tuyến nhằm đảm bảo duy trì việc cung cấp thông tin cho người dân.

Phong trào thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; triển khai chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2020; triển khai các giải, hội thi thể thao trong tình hình mới đảm bảo các biện pháp an toàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Về thể thao thành tích cao: Tổ chức tập huấn 1.357 lượt vận động viên, 282 huấn luyện viên để chuẩn bị lực lượng tham dự Sea Games 31 và Para Games 11, vòng loại Olympic và Paralympic Tokyo và các giải thể thao quốc tế khác năm 2020 (trong đó đội tuyển quốc gia gồm 538 vận động viên, 114 huấn luyện viên; đội tuyển trẻ quốc gia gồm 819 vận động viên, 168 huấn luyện viên). Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, đoàn thể thao Việt Nam tham dự 14 giải thể thao quốc tế, giành 26 huy chương vàng, 11 huy chương bạc và 8 huy chương đồng trên các đấu trường quốc tế và đoàn thể thao Việt Nam đã có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020 gồm các môn: Bắn cung, boxing, thể dục dụng cụ và bơi.

5. Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 15/5 đến 14/6), trên địa bàn cả nước xảy ra 1.135 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 632 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 503 vụ va chạm giao thông, làm 489 người chết, 344 người bị thương và 527 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Sáu giảm 18,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 19,6% và số vụ va chạm giao thông giảm 17,9%); số người chết giảm 22,5%; số người bị thương giảm 21,6% và số người bị thương nhẹ giảm 20,9%. Đáng lưu ý là trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng: Vụ tai nạn xảy ra ngày 4/6 tại Thanh Hóa giữa xe ô tô 4 chỗ và xe tải làm 3 người chết và 1 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 8/6 tại thành phố Hồ Chí Minh giữa 7 xe ô tô và xe máy làm 5 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 13/6 tại Đắk Nông giữa xe tải và 2 xe ô tô làm 3 người chết và 7 người bị thương ; vụ tai nạn xảy ra ngày 18/6 tại Quảng Ninh giữa xe đầu kéo và xe khách làm 3 người chết.

Tình hình tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm giảm trên cả 3 tiêu chí do hiệu quả của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và ảnh hưởng của giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 3.864 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.926 vụ va chạm giao thông, làm 3.242 người chết, 1.931 người bị thương và 3.008 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 6 tháng giảm 19% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 12,3%; số vụ va chạm giao thông giảm 26,5%); số người chết giảm 14,9%; số người bị thương giảm 16,8% và số người bị thương nhẹ giảm 25,5%. Bình quân 1 ngày trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, gồm 21 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 16 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 11 người bị thương và 16 người bị thương nhẹ.

6. Thiệt hại do thiên tai 

Thiệt hại do thiên tai trong tháng Sáu chủ yếu do ảnh hưởng của gió mạnh trên biển, mưa đá, mưa lớn, giông lốc, xâm nhập mặn và sạt lở sụt lún đất làm 16 người chết và 37 người bị thương; 17,1 nghìn ha lúa và 9,3 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 561 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hơn 4 nghìn ngôi nhà bị hư hại. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng gần 666,7 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, thiên tai làm 40 người chết và 133 người bị thương; hơn 118 nghìn ha lúa và gần 35,8 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 1.167 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; gần 64 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Riêng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long làm thiệt hại gần 90 nghìn ha lúa và 22,5 nghìn ha hoa màu, tổng giá trị thiệt hại lên tới 3,6 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong 6 tháng ước tính hơn 4,8 nghìn tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2019.

7. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong tháng Sáu, cơ quan chức năng đã phát hiện 877 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 797 vụ với tổng số tiền phạt là 11,8 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm đã phát hiện 5.028 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 4.458 vụ với tổng số tiền phạt 89,8 tỷ đồng.

Trong tháng (từ ngày 16/5 đến ngày 15/6), trên địa bàn cả nước xảy ra 238 vụ cháy, nổ, làm 5 người chết và 17 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính gần 34,3 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm (từ ngày 16/12/2019 đến ngày 15/6/2020), cả nước xảy ra 1.509 vụ cháy, nổ, làm 48 người chết và 111 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính là 336,6 tỷ đồng.

Khái quát lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm nhanh, ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục duy trì được ổn định là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, các lĩnh vực kinh tế – xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng từ tháng 5/2020. Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới[40]. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng duy trì được mức tăng trưởng dương. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì mức xuất siêu cao. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, kinh tế – xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng Covid-19 đợt 2 có khả năng diễn ra trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Bắc – Nam…

Ba là, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Bốn là, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020. Cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất. Chính phủ và doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA).

Năm là, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ và gặp khó khăn trong tiêu thụ. Theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng để có các biện pháp điều hành hợp lý nhằm bình ổn thị trường.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ./.

[34] Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý II các năm 2011-2020 lần lượt là: 3,59%; 3,12%; 3,66%; 3,26%; 3,53%; 3,11%; 3,19%; 3,09%; 3,10%; 4,46%.

[35] Tỷ lệ thất nghiệp chung 6 tháng đầu năm 2019 là 1,99%, trong đó khu vực thành thị là 2,94%; nông thôn 1,53%.

[36] Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2019 là 2,16%, trong đó khu vực thành thị là 3,10%; nông thôn 1,69%.

[37] Lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp bao gồm những người không làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và thuộc một trong ba nhóm sau: (i) người làm công ăn lương thuộc khu vực chính thức không được ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực chính thức và thành viên hợp tác xã không có bảo hiểm xã hội bắt buộc; (ii) chủ cơ sở, lao động tự làm, lao động làm công ăn lương và lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực phi chính thức; (iii) lao động tự làm phục vụ nhu cầu tự tiêu dùng của hộ gia đình và lao động làm thuê trong các hộ gia đình.

[38] Hệ số GINI có giá trị từ 0 đến 1. Giá trị của hệ số GINI bằng 0 thể hiện sự bình đẳng tuyệt đối và ngược lại nếu hệ số GINI bằng 1 thể hiện sự bất bình đẳng tuyệt đối. Theo đó thì giá trị của hệ số GINI càng lớn thì sự bất bình đẳng càng cao.

[39] Tính đến 12h00 ngày 26/6/2020, trên thế giới có 9.714,8 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (491,9 nghìn trường hợp tử vong).

[40] Theo dự báo của WB, tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2020 sẽ âm 6,1%; khu vực đồng Euro âm 9,1%; Nhật Bản âm 6,1%; Ma-lai-xi-a âm 3,1%; Thái Lan âm 5%; Phi-li-pin âm 1,9%; Trung Quốc gần rơi vào tình trạng suy thoái với tăng trưởng chỉ đạt 1%, mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 839
Thông báo