I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020[3], quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%. Về sử dụng GDP quý II năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 2,30%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 9,67%.
GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020[4]. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 0,83%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 0,78% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020[5], đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 2,15% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,37%, chỉ cao hơn mức tăng 2,34% của 6 tháng đầu năm 2013 và 1,25% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020[6], đóng góp 0,08 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, riêng ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020[7], đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020[8], đóng góp 1,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 5,4%, làm giảm 0,35 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%. Ngành xây dựng tăng 4,5%, cao hơn mức tăng 0,11% và 2,41% của 6 tháng đầu năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2020[9], đóng góp 0,28 điểm phần trăm.
Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020[10]. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của 6 tháng như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,46 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 3%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,7%, làm giảm 0,95 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,20%; 42,03%; 10,23%).
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,69% so với cùng kỳ năm 2019; tích lũy tài sản tăng 1,93%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 0,31%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi dần được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, năng suất lúa vụ đông xuân 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp bắt đầu hồi phục từ tháng Năm. Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh và giá cá, tôm nguyên liệu giảm.
a) Nông nghiệp
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 3.024,1 nghìn ha, bằng 96,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.097,8 nghìn ha, bằng 98,3%; các địa phương phía Nam đạt 1.926,3 nghìn ha, bằng 96%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước tính đạt 65,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 62,7 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha chủ yếu do ảnh hưởng của giông lốc kèm mưa đá ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, sâu bệnh gây hại ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; các địa phương phía Nam đạt 67,6 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha. Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân tăng so với cùng kỳ năm trước: Vĩnh Long tăng 6,1 tạ/ha; Kiên Giang tăng 4,4 tạ/ha; Cà Mau tăng 3,9 tạ/ha; Hậu Giang tăng 3,2 tạ/ha… Năng suất lúa tăng khẳng định việc cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, giống lúa mới chất lượng cao cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống. Sản lượng lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 19,9 triệu tấn, giảm 568,4 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2019 chủ yếu do giảm diện tích gieo trồng. Trong đó, sản lượng lúa đông xuân ở miền Bắc đạt 6,9 triệu tấn, giảm 142,8 nghìn tấn (riêng vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 3,3 triệu tấn, giảm 91,9 nghìn tấn). Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân giảm so với cùng kỳ năm trước: Thanh Hóa giảm 26,8 nghìn tấn; Hải Phòng giảm 25,1 nghìn tấn; Hưng Yên giảm 15,6 nghìn tấn; Thái Bình giảm 14,9 nghìn tấn. Sản lượng lúa đông xuân ở miền Nam đạt 13 triệu tấn, giảm 425,6 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước (vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,6 triệu tấn, giảm 300,6 nghìn tấn).
Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.707,6 nghìn ha lúa hè thu, bằng 94,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.350,5 nghìn ha, bằng 96,5%. Mặc dù vụ lúa đông xuân thu hoạch sớm, thời gian chuẩn bị đất cho vụ hè thu nhiều nhưng tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Hiện nay, lúa hè thu ở các địa phương phía Bắc đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh; ở các địa phương phía Nam đang vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trỗ chín, cây lúa sinh trưởng và phát triển tương đối tốt. Đến nay đã có 184 nghìn ha lúa hè thu sớm tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, bằng 109,8% cùng kỳ năm 2019.
Đến giữa tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 544 nghìn ha ngô, bằng 95,5% cùng kỳ năm trước; 73,4 nghìn ha khoai lang, bằng 91,9%; 23,6 nghìn ha đậu tương, bằng 89,4%; 132 nghìn ha lạc, bằng 95,7%; 722,8 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,1%.
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước tính đạt 3.553,3 nghìn ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.184,6 nghìn ha, giảm 0,1%; nhóm cây ăn quả đạt 1.078,4 nghìn ha, tăng 5,1% chủ yếu ở nhóm cây có múi và nhóm cây có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định như xoài, sầu riêng, mít và thanh long; nhóm cây lấy dầu đạt 178,4 nghìn ha, tăng 1,4%; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 50,5 nghìn ha, tăng 2%; nhóm cây lâu năm khác đạt 61,4 nghìn ha, tăng 2,8%. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm 6 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè đạt 475 nghìn tấn, tăng 2,4%; cao su đạt 383 nghìn tấn, tăng 8,8%; điều đạt 317 nghìn tấn, tăng 14,9%; hồ tiêu đạt 266 nghìn tấn, tăng 2,7%. Sản lượng một số cây ăn quả đạt khá: Thanh long đạt 631 nghìn tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 547 nghìn tấn, tăng 4,4%; cam đạt 315 nghìn tấn, tăng 6,8%; bưởi đạt 220 nghìn tấn, tăng 8,4%; vải đạt 144 nghìn tấn, tăng 20%.
Chăn nuôi trâu, bò trong 6 tháng đầu năm 2020 nhìn chung ổn định. Đàn trâu cả nước tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao. Đàn bò phát triển khá do được hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi và có thị trường tiêu thụ tốt, người chăn nuôi có lãi. Ước tính trong tháng Sáu, đàn trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò tăng 3,4%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 49 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019 (quý II đạt 22,3 nghìn tấn, tăng 0,8%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 187,5 nghìn tấn, tăng 4,1% (quý II đạt 86,1 nghìn tấn, tăng 6,2%); sản lượng sữa bò tươi đạt 522,2 nghìn tấn, tăng 8,1% (quý II đạt 262,1 nghìn tấn, tăng 10%).
Dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát, đàn lợn dần được khôi phục nhưng việc tái đàn còn chậm, giá lợn giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng tái đàn do tâm lý lo ngại dịch quay trở lại. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng Sáu năm 2020 giảm 7,5% so với cùng thời điểm năm 2019[11]; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước tính đạt 1.636,9 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 816,2 nghìn tấn, tăng 3,3%).
Tổng đàn và sản lượng gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ mở rộng quy mô chăn nuôi và khu vực doanh nghiệp phát triển tốt. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần theo dõi sát diễn biến thị trường, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 6/2020 tăng 7,4% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 702,1 nghìn tấn, tăng 12,3% (quý II đạt 328,6 nghìn tấn, tăng 9,8%); sản lượng trứng gia cầm đạt 7,2 tỷ quả, tăng 11% (quý II ước đạt 3,3 tỷ quả, tăng 11,3%).
Tính đến ngày 25/6/2020, cả nước không còn dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh; dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở Kon Tum và dịch tả lợn châu Phi còn ở 238 xã thuộc 60 huyện của 19 địa phương chưa qua 30 ngày (trong tháng Sáu tái phát tại 122 xã của 12 địa phương).
b) Lâm nghiệp
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất lâm nghiệp bị chững lại trong tháng Ba, tháng Tư nhưng bắt đầu hồi phục từ tháng Năm. Trong quý II/2020, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt 73,7 nghìn ha, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước do nhiều nhà máy chế biến gỗ bị hủy đơn hàng xuất khẩu nên hạn chế hoặc dừng thu mua gỗ nguyên liệu; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 22,8 triệu cây, giảm 3,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4.665 nghìn m3, tăng 0,7%; sản lượng củi khai thác đạt 5,2 triệu ste, giảm 1,9%. Tính chung 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 106,3 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 44,5 triệu cây, giảm 2,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 7.526 nghìn m3, tăng 2%; sản lượng củi khai thác đạt 9,85 triệu ste, giảm 0,9%.
Công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm nhưng do nắng nóng kéo dài nên tình trạng cháy rừng vẫn diễn ra ở một số địa phương. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 1.304 ha rừng bị thiệt hại, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 975,6 ha, tăng 71,9%; diện tích rừng bị chặt, phá là 328,4 ha, giảm 3,2%.
c) Thủy sản
Sản lượng thủy sản quý II/2020 ước tính đạt 2.360,9 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 1.768,2 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm đạt 280 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 312,7 nghìn tấn, tăng 2,2%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý II ước tính đạt 1.315 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 942,3 nghìn tấn, giảm 0,1%; tôm đạt 238,4 nghìn tấn, tăng 5%. Sản lượng thủy sản khai thác quý II đạt 1.045,9 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 825,9 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 41,6 nghìn tấn, giảm 2,8%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.864 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 2.890,5 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 422,8 nghìn tấn, tăng 4%; thủy sản khác đạt 550,7 nghìn tấn, tăng 2,5%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đạt 1.977,1 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 1.415,8 nghìn tấn, tăng 0,2%; tôm đạt 347,3 nghìn tấn, tăng 5,5%; thủy sản khác đạt 214 nghìn tấn, tăng 7,4%. Sản xuất cá tra 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Giá cá tra nguyên liệu từ đầu năm đến trung tuần tháng Sáu dao động ở mức 17.500-18.000 đồng/kg, người nuôi đang lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm nay giảm tới 24,5% so với cùng kỳ năm trước do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU. Sản lượng cá tra 6 tháng ước tính đạt 644,7 nghìn tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, nhiệt độ biến động làm giảm sức đề kháng của tôm. Trong 5 tháng đầu năm nay có 29,8 nghìn ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm sú ước tính đạt 118,7 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 200,5 nghìn tấn, tăng 6,6%.
Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.886,9 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 1.474,7 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 75,5 nghìn tấn, giảm 2,3%; thủy sản khác đạt 336,7 nghìn tấn, giảm 0,4%. Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển. Khai thác thủy sản biển đang giảm dần khai thác ven bờ, ngư dân tiếp tục lắp đặt thiết bị giám sát hành trình các tàu cá, hướng tới khai thác bền vững và góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ hải sản nội địa giảm và hoạt động xuất khẩu cũng khó khăn hơn. Sản lượng thủy sản khai thác biển 6 tháng đạt 1.808 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.421,6 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 70,5 nghìn tấn, giảm 0,8%.
- Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% và là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm 2011-2020[12]. Tuy nhiên do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020[13].
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,1%; quý II tăng 0,74%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,20%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,76%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,4% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%) làm giảm 0,35 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) 6 tháng đầu năm tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng giảm 0,71% (sản phẩm là tư liệu sản xuất giảm 0,79% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 3,27%).
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ giảm 16,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,5%; sản xuất đồ uống giảm 8,8%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 8,4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 5,3%; sản xuất trang phục giảm 4,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 2,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,3%; sản xuất kim loại giảm 1,4%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 0,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 2,1%; dệt tăng 2,8%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,9%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 15%; khai thác quặng kim loại tăng 13,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 7,2%; khai thác than cứng và than non tăng 4,9%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 26,6%; đường kính giảm 23,7%; bia giảm 17,4%; dầu thô khai thác giảm 13,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 13%; sắt, thép thô giảm 10,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,1%; điện thoại di động giảm 8,5%; khí hóa lỏng LPG giảm 8,1%; quần áo mặc thường giảm 6,9%; xe máy giảm 6,4%; giày, dép da giảm 4,6%; thức ăn cho gia súc giảm 4%; thép cán giảm 3,9%; sơn hóa học tăng 1,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 2,2%; xi măng tăng 4%, than tăng 4,9%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng cao: Linh kiện điện thoại tăng 27,5%; xăng, dầu các loại tăng 20,9%; thép thanh, thép góc tăng 12,8%; bột ngọt tăng 12,3%; phân u rê tăng 10%; thuốc lá điếu tăng 7,2%; sữa bột tăng 5,9%; ti vi tăng 5,7%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2020 tăng 8,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 42,1%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,1%; dệt tăng 7,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: In, sao chép bản ghi các loại tăng 2,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 0,8%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 0,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,6%; sản xuất kim loại giảm 1,4%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 2,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và platic giảm 2,5%; sản xuất trang phục giảm 7,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,4%; sản xuất đồ uống giảm 10,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 7%; sản xuất xe có động cơ giảm 24,4%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2020 tăng 26,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 16,1%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất thiết bị điện tăng 5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 3,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 10,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 13,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 77%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 156,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 129,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 61,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 39,5%; sản xuất trang phục tăng 39,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 38,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 38,4%; sản xuất kim loại tăng 35,7%; sản xuất thuốc lá tăng 33,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 29,4%; dệt tăng 28,1%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2020 khá cao với 78,9% (cùng kỳ năm trước là 74,9%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất xe có động cơ 97,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 96,5%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2020 tăng 1,1% so cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 2,3%), trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,2%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,1%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,2%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,9%.
- Hoạt động của doanh nghiệp
Sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế – xã hội đang dần được khôi phục. Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước đưa sản xuất kinh doanh vào hoạt động trở lại. Doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Sáu tiếp tục có sự khởi sắc với 13,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,9% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 16,4%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 10,2% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 5%. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cũng cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh của quý III khả quan hơn quý II.
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[14]
Trong tháng 6/2020, cả nước có 13.725 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 100 nghìn lao động, tăng 27,9% về số doanh nghiệp, tăng 23,4% về vốn đăng ký và tăng 9,4% về số lao động so với tháng trước[15]. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,1 tỷ đồng, giảm 3,5% so với tháng trước và giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng, cả nước còn có 4.998 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 133,9% so với cùng kỳ năm 2019; có 3.217 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 3,7% và tăng 36,8%; có 3.843 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,7% và tăng 31,1%; có 1.368 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 42,2% và giảm 6%; có 5.146 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 48,2% và tăng 96%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 984,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 18 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 1.681,5 nghìn tỷ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 25,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với 6 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 87,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có 14,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 6 tháng đầu năm có 1.095 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; có 17,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 1,8%; có 43,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 9,9%. Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, bên cạnh ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản còn có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 1.500 doanh nghiệp, tăng 134,7% so với cùng kỳ năm trước và ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 5.555 doanh nghiệp, tương đương cùng kỳ năm 2019. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 20,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 8.164 doanh nghiệp, giảm 6,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo 7.908 doanh nghiệp, giảm 7,4%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 3.241 doanh nghiệp, giảm 17,3%; kinh doanh bất động sản 2.929 doanh nghiệp, giảm 27%; vận tải, kho bãi 2.641 doanh nghiệp, giảm 6,1%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 2.469 doanh nghiệp, giảm 21,2%; thông tin truyền thông 1.813 doanh nghiệp, giảm 4,4%; giáo dục và đào tạo 1.556 doanh nghiệp, giảm 20,9%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 611 doanh nghiệp, giảm 14,9%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 421 doanh nghiệp, giảm 37,3%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 403 doanh nghiệp, giảm 10,2%; khai khoáng 311 doanh nghiệp, giảm 4,9%.
Trong 6 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; 19,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,2%; 7,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 5%, trong đó có 6,6 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 6,4%; 108 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 0,9%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 2,7 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 877 doanh nghiệp; xây dựng có 616 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 480 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 444 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 432 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 422 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 313 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 277 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 269 doanh nghiệp. Trong 6 tháng, trên cả nước còn có 22,4 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2020 cho thấy: Có 27,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2020 tốt hơn quý I/2020; 40,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 31,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định[16]. Dự kiến quý III/2020 so với quý II/2020, có 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 82,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2020; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 79,7% và 75,9%.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II/2020, có 53,6% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 50,4% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,5% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 28,2% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 27,4% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 23,7% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 19,8% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu; chỉ có 6,5% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay; 2,1% doanh nghiệp cho rằng thiếu năng lượng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về khối lượng sản xuất, có 29,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2020 tăng so với quý I/2020; 39,6% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 30,7% số doanh nghiệp cho rằng ổn định[17]. Xu hướng quý III/2020 so với quý II/2020, có 48,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 18,1% số doanh nghiệp dự báo giảm và 33,1% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, có 24,7% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II/2020 cao hơn quý I/2020; 39% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 36,3% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định[18]. Xu hướng quý III/2020 so với quý II/2020, có 45,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 18,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 36,6% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý II/2020 so với quý I/2020, có 18,6% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 41,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm và 40,1% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định. Xu hướng quý III/2020 so với quý II/2020, có 34,2% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 21,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 43,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
[1] Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chỉ số thương mại chỉ đạt 87,6, thấp hơn nhiều so với giá trị cơ bản là 100, cho thấy thương mại thế giới suy giảm mạnh trong quý II. Đây là giá trị thấp nhất kể từ khi tổ chức này công bố chỉ số thương mại vào tháng 7/2016.
[2] Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4/2020, xuống còn âm 4,9%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra hai kịch bản: (1) Nếu dịch Covid-19 bùng phát lần 2, tăng trưởng toàn cầu âm 7,6%; (2) Nếu có thể tránh được dịch Covid-19 bùng phát lần 2, tăng trưởng toàn cầu âm 6%. Liên hợp quốc (UN) dự báo tăng trưởng toàn cầu âm 4,9% trong năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu âm 5,2%, là mức suy giảm lớn nhất từ cuộc đại suy thoái những năm 1930.
[3] Tốc độ tăng GDP quý II các năm 2011-2020 lần lượt là: 5,93%; 5,08%; 5,0%; 5,34%; 6,47%; 5,78%; 6,36%; 6,73%; 6,73%; 0,36%.
[4] Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 5,92%; 4,93%; 4,90%; 5,22%; 6,32%; 5,65%; 5,83%; 7,05%; 6,77%; 1,81%.
[5] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 4,24%; 2,69%; 1,87%; 2,15%; 1,72%; -0,78%; 2,13%; 3,07%; 1,15%; 0,83%.
[6] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành thủy sản 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 3,40%; 4,85%; 2,34%; 5,89%; 3,30%; 1,25%; 5,08%; 6,29%; 6,55%; 2,37%.
[7] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 9,24%; 8,24%; 4,95%; 4,95%; 9,66%; 7,01%; 5,42%; 9,28%; 9,13%; 2,71%.
[8] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 13,37%; 8,96%; 5,61%; 6,61%; 10,0%; 10,5%; 10,52%; 12,87%; 11,18%; 4,96%.
[9] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành xây dựng 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 0,11%; 2,41%; 5,06%; 6,11%; 7,66%; 9,30%; 8,50%; 7,93%; 7,85%; 4,50%.
[10] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 6,91%; 6,11%; 6,13%; 5,82%; 5,86%; 6,47%; 6,89%; 6,89%; 6,69%; 0,57%.
[11] Tổng số lợn của cả nước tháng 6/2020 đạt 23,05 triệu con, trong khi tháng 6/2019 đạt 24,92 triệu con.
[12] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2011-2020 lần lượt là: 13,37%; 8,96%; 5,61%; 6,61%; 10,0%; 10,50%; 10,52%; 12,87%; 11,18%; 4,96%.
[13] Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 tăng 11,9% so với tháng trước; IIP tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước.
[14] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[15] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 5,9%; số vốn đăng ký giảm 26,9%; lao động giảm 10,5%.
[16] Chỉ số tương ứng của quý I/2020: Có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
[17] Chỉ số tương ứng của quý I/2020: Có 22,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp tăng so với quý trước; 39,5% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.
[18] Chỉ số tương ứng của quý I/2020: Có 19,8% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng tăng so với quý trước; 38,6% số doanh nghiệp có đơn đăt hàng giảm và 41,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng ổn định.