BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Vùng, Thông tin
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020 (phần 1)
Thứ Tư, 29/07/2020 09:18
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020 (phần 1)

Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về Tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá. Ngành thủy sản vẫn gặp khó khăn về xuất khẩu, dịch bệnh trên tôm sú đang diễn biến phức tạp.

a) Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.084,7 nghìn ha lúa mùa, bằng 95,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 913,2 nghìn ha, bằng 95,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 171,5 nghìn ha, bằng 97,3%. Tiến độ gieo cấy lúa mùa năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và khô hạn. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác gieo cấy lúa mùa, các trà lúa đã cấy phát triển tương đối tốt, diện tích trà lúa sớm đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh.

Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.932,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 96,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 174 nghìn ha, bằng 99,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.758,7 nghìn ha, bằng 95,9%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.515,2 nghìn ha, bằng 96,6%. Mặc dù vụ lúa đông xuân thu hoạch sớm, thời gian chuẩn bị đất cho vụ hè thu nhiều nhưng tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Đến nay, trà lúa hè thu sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 505,3 nghìn ha, bằng 90,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 496,6 nghìn ha, bằng 90,1%.

Lúa thu đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xuống giống sau khi thu hoạch lúa hè thu để đảm bảo lúa thu đông được thu hoạch trước khi mùa lũ tràn về, đồng thời để tránh dịch bệnh lây lan khi xuống giống vụ đông xuân năm sau. Tính đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 215,6 nghìn ha lúa thu đông, bằng 102,2% cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển khá.

Đến giữa tháng Bảy, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 764,9 nghìn ha ngô, bằng 97,1% cùng kỳ năm trước; 85,9 nghìn ha khoai lang, bằng 93,8%; 144,2 nghìn ha lạc, bằng 97,7%; 28,6 nghìn ha đậu tương, bằng 90,5%; 849 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,9%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá do có thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi lợn đang dần được khôi phục sau dịch tả lợn châu Phi nhưng công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn. Ước tính trong tháng Bảy, tổng số trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; tổng số bò tăng 3%; tổng số lợn giảm 3%; tổng số gia cầm tăng 5,5%.

Tính đến ngày 26/7/2020, cả nước không còn dịch tai xanh. Một số loại dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh: Dịch cúm gia cầm ở Quảng Ngãi, Tiền Giang, Long An; dịch lở mồm long móng ở Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Kon Tum, Phú Yên; dịch tả lợn châu Phi ở 183 xã thuộc 57 huyện của 17 địa phương[1].

b) Lâm nghiệp

Trong tháng Bảy, thời tiết liên tục nắng nóng đã ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp. Các tỉnh phía Bắc và miền Trung tập trung vào hoạt động bảo vệ và phòng chống cháy rừng; các tỉnh phía Nam tiến hành chăm sóc diện tích rừng đã trồng và chuẩn bị cho trồng rừng cuối năm. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 7/2020 ước tính đạt 12,7 nghìn ha, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,7 triệu cây, tăng 4,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.459 nghìn m3, giảm 0,1%; sản lượng củi khai thác đạt 1,6 triệu ste, tăng 3,3%.

Khai thác gỗ của các địa phương diễn ra cầm chừng do nhu cầu thu mua gỗ nguyên liệu của các nhà máy chế biến gỗ giảm. Ngành gỗ và chế biến gỗ của Việt Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm các đơn hàng từ thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty chế biến, xuất khẩu gỗ dán còn bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện chống phá giá từ hai thị trường tiêu thụ lớn là Hàn Quốc và Hoa Kỳ[2].

Tính chung 7 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 119 nghìn ha, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,2 triệu cây, giảm 1,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 8.985 nghìn m3, tăng 1,7%; sản lượng củi khai thác đạt 11,4 triệu ste, giảm 0,3%.

Công tác phòng và chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam khiến nhiệt độ ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng cao, dẫn đến cháy rừng ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong tháng (từ 15/6 – 15/7), diện tích rừng bị thiệt hại là 343,2 ha, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 267,5 ha, giảm 66%; diện tích rừng bị chặt phá là 75,7 ha, tăng 49,3%. Một số tỉnh miền Trung có diện tích rừng bị cháy là Khánh Hòa 127,7 ha;  Hà Tĩnh 52,9 ha; Quảng Bình 28,1 ha. Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 1.647,2 ha rừng bị thiệt hại, giảm 5,6% cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 1.243,1 ha, giảm 8,2%; diện tích rừng bị chặt, phá là 404,1 ha, tăng 3,6%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản cả nước tháng 7/2020 ước tính đạt 783,3 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 545,1 nghìn tấn, tăng 0,6%; tôm đạt 122,9 nghìn tấn, tăng 4,7%; thủy sản khác đạt 115,3 nghìn tấn, tăng 1,9%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 438,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 278,2 nghìn tấn, giảm 1,4%; tôm đạt 110,4 nghìn tấn, tăng 4,9%. Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì mức giá thấp hơn giá thành sản xuất[3]. Sản lượng cá tra tháng Bảy ước tính đạt 124 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh trên tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến đang diễn biến phức tạp, chủ yếu do môi trường nuôi dẫn tới bệnh hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân, đốm trắng. Diện tích tôm sú bị thiệt hại trong tháng ở một số tỉnh: Cà Mau thiệt hại 1.368 ha; Trà Vinh 788 ha, Bạc Liêu 435 ha. Trong tháng Bảy, sản lượng tôm sú ước tính đạt 38,4 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 65 nghìn tấn, tăng 8,5% chủ yếu do diện tích thu hoạch tăng 3,8%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7/2020 ước tính đạt 344,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 266,9 nghìn tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 12,5 nghìn tấn, tăng 2,5%. Thời tiết ngư trường tương đối thuận lợi nên ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng Bảy ước tính đạt 328,4 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 255,8 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 11,6 nghìn tấn, tăng 3,6%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.647,3 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.415,5 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.231,8 nghìn tấn, tăng 1,5% (sản lượng khai thác biển đạt 2.136,4 nghìn tấn, tăng 1,7%).

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng đột phá trong thời kỳ Covid-19 như tháng 6/2020[4]. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2020 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 7,9%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,7%), đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,1%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,8%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, bất ổn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 42,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 8,9%; sản xuất đồ uống giảm 6,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 6,1%; sản xuất trang phục giảm 4,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,4%; sản xuất kim loại giảm 2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,7%; dệt tăng 1,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 2,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,1%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 15,9% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,7%); khai thác quặng kim loại tăng 15,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất cùng tăng 7,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Đường kính giảm 23,1%; ô tô giảm 22,3%; bia giảm 14,9%; dầu thô khai thác giảm 14,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 10,3%; sắt thép thô giảm 9,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%; xe máy giảm 7,7%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 6,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 5,4%; thép cán giảm 4,9%; thức ăn cho gia súc giảm 3,9%; alumin tăng 1,2%; điện sản xuất tăng 2%; sơn hóa học tăng 2,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 2,9%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Xăng dầu các loại tăng 18,6%; thép thanh, thép góc tăng 13,8%; ti vi tăng 12,4%; linh kiện điện thoại tăng 11,4%; bột ngọt tăng 10,5%; phân ure tăng 9%; thuốc lá điếu tăng 7,4%; nước máy thương phẩm tăng 5,4%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2020 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,8% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,2%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,4% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 1,1%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[5]

Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Bảy giảm 3,8% so với tháng trước nhưng lượng vốn đăng ký vào thị trường tăng cao 72%. Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 17,6%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 12,2% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 3,5%. Điều đó cho thấy những tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kế hoạch phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch bệnh Covid-19.

Trong tháng 7/2020, cả nước có 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 239,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91,4 nghìn lao động, giảm 3,8% về số doanh nghiệp, tăng 72% về vốn đăng ký và giảm 8,7% về số lao động so với tháng trước[6]. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 18,1 tỷ đồng, tăng 78,8% so với tháng trước và tăng 60,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng, cả nước còn có 4.839 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019; có 3.372 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 4,8% và tăng 34,8%; có 3.068 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,2% và tăng 24,2%; có 1.504 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,9% và tăng 4,9%; có 4.591 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 10,8% và tăng 31,1%.

Tính chung 7 tháng, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 936,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,6 nghìn lao động, giảm 5,1% về số doanh nghiệp, giảm 6,3% về vốn đăng ký và giảm 19,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 12,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.158,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm nay là 2.094,8 nghìn tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 28,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,6% so với 7 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 7 tháng năm nay có 1.372 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; có 22 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 2,1%; có 51,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 8,4%. Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, bên cạnh ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản còn có ngành sản xuất, phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 2.340 doanh nghiệp, tăng 190,7% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 25,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 9.862 doanh nghiệp, giảm 4%; công nghiệp chế biến, chế tạo 9.441 doanh nghiệp, giảm 6,4%; khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 6.580 doanh nghiệp, giảm 0,4%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 3.959 doanh nghiệp, giảm 14,7%; kinh doanh bất động sản 3.618 doanh nghiệp, giảm 23,9%; vận tải, kho bãi 3.144 doanh nghiệp, giảm 6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 2.968 doanh nghiệp, giảm 21%; thông tin truyền thông 2.158 doanh nghiệp, giảm 4,2%; giáo dục và đào tạo 1.985 doanh nghiệp, giảm 15,4%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 747 doanh nghiệp, giảm 8,7%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 491 doanh nghiệp, giảm 40,3%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 487 doanh nghiệp, giảm 6,2%; khai khoáng 372 doanh nghiệp, giảm 5,8%.

Trong 7 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước; 21,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 12,2%; 8,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,5%, trong đó có 7,9 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 5,1%; 138 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 4,5%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 3,3 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.012 doanh nghiệp; xây dựng có 779 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 570 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 538 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 513 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 497 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 367 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 338 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 318 doanh nghiệp. Trong 7 tháng, trên cả nước còn có 26,7 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.

4. Đầu tư

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Bảy và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020[7].

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2020 ước tính đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 101,8%; vốn địa phương quản lý 37,4 nghìn tỷ đồng, tăng 43,9%. Tính chung 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 41,6% và tăng 4,7%), cụ thể:

– Vốn Trung ương quản lý đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch năm và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 8.340 tỷ đồng, bằng 41,6% và tăng 91,7%; Bộ Y tế 2.313 tỷ đồng, bằng 34,7% và tăng 36,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.761 tỷ đồng, bằng 39,6% và tăng 34,1%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 959 tỷ đồng, bằng 31,3% và tăng 84,4%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 432 tỷ đồng, bằng 27,3% và tăng 4,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 229 tỷ đồng, bằng 31,7% và giảm 21,1%; Bộ Công Thương 163 tỷ đồng, bằng 37,7% và tăng 58,9%; Bộ Xây dựng 112 tỷ đồng, bằng 31,5% và tăng 25,2%; Bộ Khoa học và Công nghệ 91 tỷ đồng, bằng 32% và giảm 31,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 43 tỷ đồng, bằng 30,8% và giảm 24,5%.

– Vốn địa phương quản lý đạt 170,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 113,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% và tăng 21,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% và tăng 24,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% và tăng 24,4%. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 22.063 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 17.128 tỷ đồng, bằng 35,8% và tăng 73,2%; Quảng Ninh 8.465 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%; Bình Dương 5.468 tỷ đồng, bằng 41% và tăng 9,8%; Thanh Hóa 5.467 tỷ đồng, bằng 53,3% và tăng 29,2%; Hải Phòng 4.279 tỷ đồng, bằng 53% và tăng 3,7%; Nghệ An 4.215 tỷ đồng, bằng 54,3% và tăng 39,7%; Bà Rịa – Vũng Tàu 4.115 tỷ đồng, bằng 42,4% và tăng 11,7%; Bắc Ninh 3.571 tỷ đồng, bằng 60,6% và tăng 35%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.620 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9,5 tỷ USD, giảm 21,5% về số dự án và tăng 14,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 619 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,7 tỷ USD, tăng 37,7%; có 4.459 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 4,6 tỷ USD, giảm 45,6%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 970 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,6 tỷ USD và 3.489 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,1 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,2 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 15%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 0,7 tỷ USD, chiếm 7,1%.

Trong 7 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4 tỷ USD, chiếm 42,3%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 12%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,7 tỷ USD, chiếm 54,4% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 3,9 tỷ USD[8], chiếm 27,2%; các ngành còn lại đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 18,4%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,2 tỷ USD, chiếm 25,8%; các ngành còn lại đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 47,3%.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 990,4 triệu USD, chiếm 10,5%; Hàn Quốc 983,9 triệu USD, chiếm 10,4%; Đài Loan 809,2 triệu USD, chiếm 8,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 783,6 triệu USD, chiếm 8,3%; Nhật Bản 423,4 triệu USD, chiếm 4,5%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 221 triệu USD, chiếm 2,3%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 206,3 triệu USD; có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 46,6 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng đạt 252,9 triệu USD, bằng 91,2% cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 178,7 triệu USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 15,9 triệu USD, chiếm 6,3%; thông tin và truyền thông đạt 15,4 triệu USD, chiếm 6,1%[9]. Trong 7 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 36,6%; Mi-an-ma 38,3 triệu USD, chiếm 15,1%; Hoa Kỳ 32,1 triệu USD, chiếm 12,7%; Xin-ga-po 28,3 triệu USD, chiếm 11,2%.

[1] Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Trị, Bạc Liêu, Đồng Tháp và Vĩnh Long.

[2] Thị trường Hàn Quốc chiếm 40% tổng sản lượng gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam; thị trường Mỹ chiếm 9%.

[3] Giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 17.800-18.000 đồng/kg, người nuôi đang lỗ khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.

[4] Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

[5] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[6] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 6,9%; số vốn đăng ký tăng 71,9%; lao động giảm 3,7%.

[7] Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN tháng Bảy so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020: năm 2016 tăng 13,5%; năm 2017 tăng 7,8%; năm 2018 tăng 10,3%; năm 2019 tăng 6,8%; năm 2020 tăng 51,8%.

Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN 7 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020: năm 2016 tăng 12%; năm 2017 tăng 6,4%; năm 2018 tăng 9,7%; năm 2019 tăng 4,7%; năm 2020 tăng 27,2%.

Theo Tổng cục Thống kê
Số lượt đọc: 877
Thông báo