BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Vùng, Thông tin
Muốn thu hút đầu tư từ Mỹ, chúng ta phải hiểu họ
Chủ Nhật, 12/07/2020 10:43

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã có những chia sẻ thẳng thắn với Người đồng hành về câu chuyện đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, sau 25 năm 2 nước bình thường hóa quan hệ.

- Theo ông, đâu là điểm nhấn quan trọng nhất sau 25 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ?

- Nhìn lại 25 năm, người ta thường dùng câu là quan hệ Việt - Mỹ từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, vừa cả song phương, vừa cả trên các vấn đề quốc tế, khu vực. Quan trọng nhất theo tôi là Việt Nam và Mỹ - từ thù địch đã trở thành đối tác của nhau.

Nhìn lại 20 năm chiến tranh, nếu như cuộc chiến đó gây ra đau thương cho cả 2 bên thì quyết định tháng 7/1995 về bình thường hóa quan hệ và lập quan hệ ngoại giao với nhau đã tạo ra một chương mới trong quan hệ 2 nước, chấm dứt giai đoạn thù địch.

Lúc này, quan hệ trong các mặt, các lĩnh vực được nâng lên, đặc biệt là quan hệ kinh tế đã có những phát triển vượt bậc và là điểm tựa cho quan hệ 2 nước. Năm 1994, Mỹ xóa bỏ cấm vận, năm 1995, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao thì thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ mới chỉ đạt nửa tỷ USD. Nhưng đến 25 năm sau, thương mại 2 nước đã đạt 75,7 tỷ USD, tăng 150 lần và tạo cơ hội cho 2 nước có thể hợp tác nhiều hơn nữa.

Điểm thứ 3 là quan hệ 2 nước từ lúc bình thường hóa đến nay đã tạo ra những khung bền vững, lâu dài, dựa trên những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ rất lớn. Sau bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, 2 bên vẫn còn nhiều khác biệt, hợp tác vẫn còn rất ít, nhưng đến 2013 thì có cơ hội hợp tác đối tác toàn diện và hợp tác song phương giữa 2 nước bao quát trên tất cả lĩnh vực, từ chính trị ngoại giao đến kinh tế thương mại đầu tư, khoa học kỹ thuật giáo dục y tế, giao lưu nhân dân… và có cả hợp tác song phương lẫn hợp tác trong các vấn đề quốc tế, khu vực.

 - Cụ thể thì hợp tác song phương và trong các vấn đề quốc tế, khu vực đó như thế nào, thưa ông?

- Đơn cử trong câu chuyện này, 2 nước ở 2 bán cầu sau khi bình thường hóa đã liên tục có chuyến thăm cấp cao để làm sâu sắc hơn mối quan hệ.

Năm 2000 là Tổng thống Mỹ Bill Clinton, sau đó đến Tổng thống Bush vào năm 2006, Tổng thống Obama 2016 rồi đến tổng thống Trump năm 2017, liên tiếp 4 đời Tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam và đều có những kết quả quan trọng.

Về phía Việt Nam, chúng ta có cũng có nhiều chuyến thăm cấp cao sang đó. Đầu tiên là Thủ tướng Phan Văn Khải, sau đó đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, gần đây là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 rồi 2017 là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đại để, như vậy tạo ra khuôn khổ hợp tác ổn định lâu dài, mang tính toàn diện. Một điểm nữa là quan hệ 2 nước không chỉ là quan hệ hợp tác song phương mà càng ngày càng gia tăng trong các hợp tác quốc tế và khu vực. Trong đó có câu chuyện ở Liên hiệp quốc, Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương, hợp tác về hòa bình an ninh, hợp tác về biến đổi khí hậu, hòa bình an ninh hàng hải Biển Đông… Như tháng 2/2019 chẳng hạn, Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều, ông Trump và ông Kim đến đây.

Như vậy, để thấy là nhìn lại 25 năm qua, câu chuyện giữa 2 nước là không chỉ vượt qua nỗi đau chiến tranh, hướng tới tương lai mà quan hệ 2 nước vốn là kẻ thù trở thành đối tác toàn diện. Từ đối tác toàn diện lại còn có khuôn khổ hợp tác ổn định lâu dài trên các mặt và trong này người ta hay nói đến câu chuyện hiểu biết tăng cường lòng tin, những điểm tựa về hiểu biết và tăng cường lòng tin đó đã vượt qua được các khác biệt, cả về hậu quả chiến tranh trước đây và những khác biệt trong phát triển hiện nay. Hai bên xác lập được những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ là tôn trọng độc lập chủ bình đẳng cùng có lợi.

Đan xen lợi ích trong hợp tác này thì Việt Nam cũng cần Mỹ với tư cách là một cường quốc hàng đầu trên thế giới và là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ cũng ngày càng thấy rằng có lợi ích trong hợp tác với Việt Nam, cần có môi trường đổi mới ổn định, độc lập…

- Ông có nhắc đến quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ. Vậy theo ông, sau hơn 2 thập kỷ, đặc biệt sau Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), thương mại 2 nước có những dấu ấn nào?

- Đầu tiên là quan hệ kinh tế thương mại đầu tư ngày càng được mở rộng.

Như con số tôi vừa dẫn chứng là kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng 150 lần trong 25 năm. Trong những năm gần đây, thương mại 2 nước liên tục phát triển với tốc độ rất cao đến 17-19%. Một điều nữa là trong quá trình 20 năm qua cũng gắn với quá trình đổi mới và hội nhập. Đổi mới của Việt Nam là mở rộng các cải cách kinh tế, các khuôn khổ pháp lý để tạo cho sự năng động phát triển kinh tế theo định hướng thị trường thì chính những điều đó làm cho môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và hợp tác của Việt Nam hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Mỹ.

Điểm thứ hai là năng lực kinh tế và hàng hóa của Việt Nam bây giờ có khả năng cạnh tranh về chất lượng để có thể đi được vào các thị trường quốc tế, trong đó có Mỹ.

Và thứ ba là hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới không chỉ theo chiều rộng mà còn cả chiều sâu nữa. Tức là chúng ta không chỉ tham gia các FTA đơn thuần theo chiều rộng mà còn các FTA tiêu chuẩn cao và chất lượng cao như là EVFTA, CPTPP. Chính điều đó làm cho quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Mỹ có không gian để phát triển hơn.

Một điểm nữa tôi cũng muốn nói là Việt Nam và Mỹ có nhiều lợi ích tương đồng trong phát triển kinh tế thương mại. Mỹ có thể có lợi trong làm ăn với Việt Nam khi hàng hóa dịch vụ của Việt Nam vừa có chất lượng vừa có tính cạnh tranh cao. Việt Nam cũng có chủ trương chống gian lận thương mại, chống kịch liệt gian lận thương mại. Trong khi đó, chúng ta cũng có thể có lợi trong mối quan hệ hợp tác với Mỹ khi chất lượng hàng hóa, dịch vụ cao.

Nhìn lại 20 năm, lúc đó quan hệ kinh tế thương mại 2 nước cũng còn rất ít, cải cách hội nhập của Việt Nam, đổi mới kinh tế của Việt Nam cũng còn rất ít, hội nhập của Việt Nam với thế giới còn phụ thuộc nhiều về mặt kinh tế thương mại. Có lẽ 20 năm sau cũng là lúc mình phải cập nhật và nâng cấp BTA lên, để tạo ra sự hợp tác mới phù hợp hơn.

- Quan hệ thương mại giữa 2 nước được cải thiện nhưng nếu nhìn vào con số thì thấy là top 5 đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không có tên của Mỹ. Góc nhìn của ông?

- Chúng ta cần phải rất hiểu đặc điểm của nước Mỹ. Mỹ muốn đầu tư sang nước khác thì Chính phủ chỉ ghi là tạo dựng khuôn khổ pháp lý, môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường mới. Mỹ cũng không có chính sách ODA như các nước. Thứ hai là đầu tư của Mỹ vào Việt Nam cần phải được tính cả đầu tư bằng tiền cũng như những thứ họ hợp tác kinh doanh ngay tại đây. Rất nhiều công ty Mỹ đang làm ăn tại đây mà nhiều khi ta không thống kê hết được.

Mặt khác, chúng ta cũng phải nhìn lại chính sách đầu tư của mình với từng đối tác. Nếu định tranh thủ Mỹ, thì qua rất nhiều trao đổi giữa Việt Nam và Mỹ, kể cả những hội nghị về xúc tiến đầu tư và thương mại, phải thấy rất rõ rằng Việt Nam trong mối quan hệ buôn bán thương mại với Mỹ cũng có những quan ngại. Phía Mỹ cũng có những ưu tiên và quan ngại ở trong môi trường của Việt Nam. Thế thì 2 bên nên đẩy mạnh hơn nữa việc tham vấn và làm sao tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ phù hợp với chính sách Việt Nam, có những cái phải có quyết sách chính trị, và có nhiều cái nhà đầu tư Mỹ cho rằng mình chưa thuận lợi hẳn đâu, có thể mở được hơn. Nhưng mà mình cũng tin rằng khi triển khai những hiệp định thương mại chất lượng cao như với EU hay CPTPP, nếu thực hiện mạnh cải cách thì chắc chắn là sẽ tốt hơn.

Một điểm nữa cũng phải thấy là các nhà đầu tư Mỹ bây giờ sẽ ít đầu tư và cơ sở hạ tầng mà sẽ chọn những lĩnh vực họ có thế mạnh, nhất là về công nghệ. Do đó, chúng ta phải tính đến những tranh thủ này. Tranh thủ được thì chúng ta mới tận dụng được những luồng đầu tư lớn hơn. Ví dụ như Nhật Bản có ODA. Trung Quốc đổ tiền vào hạ tầng nhiều. Còn Mỹ thì khuyến khích tư nhân và nếu hấp dẫn được các nhà đầu tư tư nhân của Mỹ thì họ sẵn sàng đầu tư thôi.

- Từng tiếp xúc nhiều doanh nghiệp Mỹ, ông thấy trăn trở và nguyện vọng của họ khi muốn đầu tư vào Việt Nam thay đổi như thế nào sau 20 năm?

- Nói đúng ra thì là hơn 20 năm đó. Vì từ năm 1994, khi Mỹ bỏ cấm vận thì các doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu vào thị trường Việt Nam rồi. Họ vào để tìm hiểu môi trường đầu tư, chủ yếu với tư cách thăm dò nhiều hơn.

Còn đến hôm nay, khi nền kinh tế trở nên năng động hơn, các đổi mới mạnh mẽ hơn, từ chỗ kinh tế của chúng ta là kinh tế kế hoạch tập trung đến nay đã hội nhập chất lượng cao với khu vực và thế giới thì họ muốn đầu tư dài hơi hơn. Và rõ ràng là từ Việt Nam, các tập đoàn Mỹ đã tạo ra chuỗi cung ứng mới. Cho nên Việt Nam là điểm đến không chỉ là một nơi tập trung mà còn tạo ra một chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn của Mỹ.

- Những vấn đề mà doanh nghiệp Mỹ quan tâm, ngoài các vấn đề về thể chế, môi trường đầu tư thì còn là gì?

- Cái mà các doanh nghiệp Mỹ quan tâm là lợi nhuận trước mắt có thể ít nhưng về lâu dài, họ thích và cần sự ổn định, ổn định về khung chính sách, pháp lý để họ đầu tư dài hơi có lãi.  Thứ hai là ổn định chính trị để họ có thể làm ăn. Ví dụ chính sách thuế chẳng hạn. Nếu họ đầu tư mấy chục tỷ, mấy trăm tỷ vào đây thì họ phải hình dung được 5-10 năm tới thuế sẽ như thế nào. Còn nếu khung chính sách khiến thuế 5-10 năm thay đổi thì đảo lộn hết tính toán đầu tư của người ta. Nếu mình tạo ra được sự ổn định thì có thể tạo ra những lợi ích trước mắt và lâu dài.

- Vừa rồi thì người ta nói nhiều đến việc Mỹ và các nước đang dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và cho rằng Việt Nam cần tận dụng các lợi thế. Vậy theo ông, chúng ta có những lợi thế gì và để trở thành một điểm đến lưu ý trong chuỗi cung ứng đó thì chúng ta cần làm gì?

- Nhìn từ góc độ địa chính trị và địa kinh tế thì chuyển dịch hiện tại có mấy loại, mấy chiều: Một là toàn cầu hóa hình thành các chuyển dịch kinh tế. Quan trọng nhất là ở đâu thuận lợi và sinh ra lợi nhuận nhiều. Vì vậy, các công ty ở Mỹ và châu Âu, phương Tây đến Trung Quốc nhiều vì ở đó sinh ra nhiều lợi nhuận. Quá trình đi tìm nơi thuận lợi và có lợi ích kinh tế dịch chuyển thường xuyên, không nhất thiết phải có đại dịch và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cho nên 40 năm qua, Trung Quốc đã cải cách, phát triển lên, có lĩnh vực do sức lao động và có lĩnh vực do khoa học công nghệ thì họ lại dịch chuyển sang nước khác.

Dịch chuyển thứ hai là cạnh tranh Mỹ - Trung tạo ra cung ứng nằm trong lòng Trung Quốc hoặc một nơi nào đó đánh thuế đắt đỏ lên và cạnh tranh Mỹ - Trung cũng khiến cho rủi ro tăng lên cho những người làm ở Trung Quốc. Cho nên sẽ có chuyện dịch chuyển một phần ra bên ngoài. Chúng ta cũng phải thấy rằng dịch chuyển một phần ra bên ngoài để tránh thuế thì giá thành sẽ cao lên, phân tán rủi ro nhưng người ta không thể ra khỏi hoàn toàn Trung Quốc - một thị trường 1,4 tỷ dân, một thị trường chiếm 20% thương mại thế giới - được.

Còn một chuỗi cung ứng nữa thường xuyên dịch chuyển đó là một chuỗi cung ứng mới, hình thành bởi các sáng kiến về kinh tế thương mại của các trung tâm kinh tế lớn, dạng EU có FTA với Việt Nam và các nước khác hay Mỹ với Nhật, Mỹ với châu Âu… Chính những thứ này hình thành chuỗi cung ứng mới.

Vì thế mà nếu nói Việt Nam có lợi thế gì thì chính cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc và đại dịch Covid-19 vừa rồi đã tạo ra sức ép để người ta chuyển dịch nhanh hơn. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lại nằm liền kề Trung Quốc về mặt địa lý thì chắc chắn việc dịch chuyển sẽ đỡ tốn kém hơn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất đang ở Trung Quốc.

Tiếp theo, Việt Nam và các nước Đông Nam Á cũng có quan hệ thương mại với cả Trung Quốc và Mỹ nên phần nào đó đã nằm trong chuỗi cung ứng này và nếu họ có dịch chuyển sang thì cũng dễ tiếp cận hơn rất nhiều. Chưa kể, Việt Nam cũng đang dần đổi mới và có thuận lợi về các chính sách vĩ mô.

Còn nói về thách thức, tôi thấy chúng ta có thể thuận lợi đấy nhưng lại chưa “chào hàng” một cách cụ thể về chính sách thuế, lợi nhuận, cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động…

Thách thức thứ hai là việc không phải mỗi mình mình đón luồng chuyển dịch mà các nước khác như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… cũng đón. Vì thế sự cạnh tranh là rất lớn.

Thứ ba, trong chuyển dịch nhiều chiều nhiều hướng của chuỗi cung ứng này, có cả cái chất lượng cao và cái chất lượng thấp thì lúc này phải có quyết sách lựa chọn phù hợp với sự phát triển bền vững của mình.

- Xin cảm ơn ông.
Số lượt đọc: 797
Thông báo