BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Vùng, Thông tin
Doanh nghiệp cần được tiếp cận nhanh nguồn vốn ngân hàng để đón 'sóng FDI'
Thứ Năm, 09/07/2020 01:49
Doanh nghiệp cần được tiếp cận nhanh nguồn vốn ngân hàng để đón 'sóng FDI'

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cần được tiếp cận nhanh nguồn vốn ngân hàng để tận dựng những cơ hội lớn từ làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc và các hiệp định thương mại được ký kết.

Tại hội nghị “Vietinbank SME Stronger - Cùng doanh nghiệp SME vững vàng vượt sóng” diễn ra tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) rất quan tâm vấn đề tận dụng cơ hội như thế nào trong các hiệp định thương mại song phương (FTA) hay dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn. Thứ nhất, làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc là hiện hữu, thương chiến Mỹ - Trung chỉ đẩy nhanh hơn làn sóng này nhưng không nhất thiết phải vào Việt Nam, có thể vào Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… Trong cả tổng thể đó, Việt Nam vẫn có cơ hội khi các doanh nghiệp Mỹ, Châu Âu có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam.

 

Thứ hai, Việt Nam đã ký kết và đang triển khai nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ tạo thị trường mới cho Việt Nam cũng như các SME có thêm cơ hội để phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất, xuất xứ… theo quy định của các quốc gia Châu Âu.

 

Thứ ba, nếu như quan hệ Mỹ - Việt Nam bước thêm bước chiến lược nữa, chẳng hạn Mỹ tham gia vào CPTPP, hoặc Việt Nam có thể đàm phán thêm FTA song phương với Mỹ thì cơ hội khổng lồ cho Việt Nam.

Tuy nhiên, để tận dùng thời cơ, các SME cũng phải được tiếp cận nhanh vốn ngân hàng.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ Vietinbank, để vay vốn nhanh các SME phải minh bạch trong lập báo cáo tài chính. Vietinbank đang có ưu tiên đặc biệt đối với những SME có báo cáo tài chính minh bạch, phát triển tốt… Theo đó, tỷ lệ về tài sản đảm bảo thấp hơn, chính sách lãi suất hợp lý, chuyên biệt so với các khách hàng khác. Vấn đề nữa, đó là cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và ngân hàng để thực hiện hiệu quả hợp đồng tín dụng.

 

Hiện nay, Vietinbank có nhiều chính sách ưu đãi về phí, lãi suất cho tất cả chương trình tín dụng, kể cả các khách hàng đã được cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ưu đãi cho cả dư nợ cũ và dư nợ mới của khách hàng.

 

Từ tháng 3/2020, Vietinbank đã giảm 1,25%-3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn còn 5,8%/năm. Đối với cho vay trung - dài hạn, ngân hàng đã giảm lãi suất 0,5%/năm còn 8,6%/năm.

 

Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số giải ngân mới của Vietinbank gần 180.000 tỷ đồng cho 7.000 khách hàng gặp khó khăn. Dự kiến trong thời gian tới, VietinBank tiếp tục xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 600 KH với tổng dư nợ là 35.000 tỷ đồng.

 

Doanh nghiệp cần được tiếp cận nhanh nguồn vốn ngân hàng để đón 'sóng FDI'

Các diễn giả tại hội nghị “Vietinbank SME Stronger - Cùng doanh nghiệp SME vững vàng vượt sóng” tại TP.HCM - Ảnh: VT.

Một điểm nữa, cần “làm ổ” để đón “đại bàng” bằng cách tạo lập các khu công nghiệp lớn, đáp ứng yêu cầu của những doanh nghiệp lớn, sản xuất theo chuỗi. Do đó, ngân hàng cần tài trợ ưu đãi cho các dự án bất động sản khu công nghiệp để đón “làn sóng FDI” này.

 

Theo ông Nguyễn Đức Thành, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đồng nhất cho vay bất động sản khu công nghiệp với các kênh bất động sản nói chung, nhưng hai loại hình này có mức độ rủi ro khác nhau. Nếu đánh đồng với nhau sẽ làm tăng chi phí vay vốn đầu tư bất động sản khu công nghiệp. Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh giảm tỷ lệ rủi ro cho vay bất động sản loại hình này.

 

Ông Nguyễn Thành Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm khách hàng phía Nam Vietinbank cho biết thêm, dịch Covid-19 làm cho những doanh nghiệp muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc chưa tiến hành được, nhưng các đơn vay liên quan đến nhà kho, nhà xưởng gửi tới Vietinbank rất lớn. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp đón sóng đầu tư.

 

Ngoài ra, quan ngại của SME hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo bền vững là nhiều ngân hàng thiếu chuyên gia trong lĩnh vực này khi thẩm định dự án, khiến cho hai bên không hiểu nhau

 

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch công ty MFC Việt Nam, cho biết nếu cán bộ thẩm định của ngân hàng chỉ chuyên thẩm định dự án thông thường sẽ không bắt kịp nhu cầu khách hàng, sẽ đánh giá sai dự án, kết quả là không được vay vốn. Trong khi trên thế giới, các dự án công nghệ đã đi trước Việt Nam 10 - 20 năm, đã có kinh nghiệm hoạt động nhưng Việt Nam lại chưa nhận thức được. Nên chăng, Vietinbank mời thêm các chuyên gia am hiểu ngành công nghệ cùng đi thẩm định hoặc có trong hội đồng thẩm định của ngân hàng. Vì những dự án này cần đưa sản phẩm ra thị trường rất nhanh, yêu cầu giải ngân rất tốc độ… nếu không sẽ lỡ nhịp cơ hội.

 

“Tôi cho rằng Vietinbank cần để ý đến những SME như chúng tôi, vì những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững sẽ làm thay đổi ngành sản xuất Việt Nam, cũng như toàn cầu. Dịch Covid-19 là cơ hội để chúng ta phát triển những doanh nghiệp toàn cầu”, ông Anh Ngọc nhấn mạnh.

 

Tiếp nhận ý kiến từ phía doanh nghiệp, ông Lê Duy Hải, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Vietinbank, cho rằng thực tế trước đó,Vietinbank chưa có ban thẩm định sâu, nhưng nay ngân hàng đã có những tổ thẩm định chuyên ngành về: năng lượng tái tạo, bất động sản, tiêu dùng, công nghệ fintech… Do đó, SME yên tâm vay vốn dự án mới tại Vietinbank, vì ngân hàng cũng tham khảo các chuyên gia trong từng lĩnh vực.
Theo TheLeader
Số lượt đọc: 946
Thông báo