BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Chính sách đầu tư vào
Năm bài học đối với đầu tư nước ngoài ở Việt Nam
Thứ Ba, 25/03/2014 04:57
Năm bài học đối với đầu tư nước ngoài ở Việt Nam

Giáo sư TSKH Nguyễn Mại đã đưa ra 5 bài học đối với đầu tư nước ngoài ở Việt Nam: Bài học thời cơ; bài học vềlợi ích; Bài học về lợi thế so sánh; Bài học về chính sách FDI; Bài học về quản lý nhà nước

NĂM BÀI HỌC ĐỐI VỚI ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM

                          Giáo sư TSKH Nguyễn Mại,Nguyên Phó Chủ nhiệm

Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư

 

Năm 2007, năm thứ 20 kể từ khi Quốc hội nước ta thông qua Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, năm đầu tiên nước ta là thành viên WTO, hoạt động FDI đã chuyển động mạnh mẽ, vốn đăng ký 20,3 tỷ USD, tăng 69,3% so với năm 2006; vốn thực hiện 4,6 tỷ USD, tăng 12,2%; doanh thu của các doanh nghiệp FDI 39,6 tỷ USD, tăng 34,8% và kim ngạch xuất khẩu ( trừ dầu thô) 19,78 tỷ USD, tăng 31,5%; góp phần quan trọng vào gia tăng tốc độ phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Hai mươi năm là thời gian đủ dài để rút ra những bài học kinh nghiệm cho hoạt động FDI trong thời kỳ mới.

 

1.      Bài học về thời cơ

Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tạo ra thời cơ thuận lợi cho mỗi quốc gia. Thời cơ và thách thức tồn tại đồng thời, khi xuất hiện thời cơ mới thì đồng thời phải đối phó với thách thức mới. Vấn đề đặt ra cho các Chính phủ là phải biết tranh thủ thời cơ bằng đổi mới chính sách và luật pháp, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn, biến thời cơ thành thế và lực mới, để vượt qua thách thức đưa đất nước tiến lên. Thời cơ sẽ qua đi nếu không biết tận dụng chúng; thách thức sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có giải pháp đúng để vượt qua.

Từ 1991 đến 1997, FDI vào nước ta đã gia tăng mạnh mẽ, năm 1991 vốn thực hiện là 328,8 triệu USD thì năm 1997 là 3 115 triệu USD, bằng 9,5 lần. Nhưng sau đó, từ 1998 đến 2004, FDI giảm sút nghiêm trọng, vốn thực hiện giao động từ 2,2 đến 2,5 tỷ USD. Trước thực trạng đáng buồn đó, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực bắt đầu giữa năm 1997 đến tình hình kinh tế- xã hội nước ta. Cách lý giải đó tỏ ra không thuyết phục, vì chỉ tìm mối liên hệ “nhân-quả” theo logich hình thức, không giúp gì cho các nhà hoạch định chính sách của đất nước.

Cần lưu ý rằng, tháng 7 năm 1995 là tháng đầy ắp sự kiện đối ngoại: Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ký Hiệp định khung về hợp tác với EU. Ba sự kiện lớn đó tạo ra thời cơ mới cho đất nước. Tuy vậy, một số hoạt động đã diễn ra trái chiều; điển hình là việc sửa đổi lần thứ ba Luật đầu tư nước ngoài năm 1996, trong đó có một số nội dung đã gây phản ứng tiêu cực của các nhà đầu tư quốc tế; đồng thời nhiều Bộ ban hành các thông tư về xây dựng, nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, môi trường, phòng chống cháy, nổ đẻ thêm nhiều giấy phép con, thủ tục hành chính phiền hà làm cho môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn hơn trước.

Ngày 2 tháng 7 năm 2007, cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực bắt đầu từ Thái Lan, khi nước này thả nổi tỷ giá đồng Bath, tiếp đó lan sang Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và một số nước khác ở Châu Á. Việt Nam nằm ngoài vòng xoáy của cuộc khủng hoảng có thể được hưởng lợi do các nước láng giềng gặp khó khăn, nếu chủ động đề ra giải pháp đối phó, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, tranh thủ lôi kéo các nhà đầu tư muốn di dời nhà máy tại các nước đang khủng hoảng kinh tế sang nước ta. Điều đó đã không trở thành hiện thực.

Như vậy là thời cơ đã được tạo ra do các sự kiện lớn về hội nhập quốc tế vào tháng 7 năm 1995 và thách thức do cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực có thể biến thành cơ hội đã bị bỏ lỡ rất đáng tiếc.

Hiện nay nước ta đang đứng trước làn sóng thứ hai FDI vào Việt Nam, thì bài học đắt giá về việc bỏ lỡ thời cơ vào cuối thập niên trước cảnh tỉnh chúng ta rằng, thời cơ mới chỉ tồn tại vài ba năm, nếu không biết tranh thủ thì khó mà biến thành thế và lực mới.

 

2. Bài học về lợi ích

    FDI hình thành mối quan hệ giữa các lợi ích cơ bản: lợi ích đất nước với lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài; lợi ích Bên Việt Nam với lợi ích Bên nước ngoài; lợi ích người sử dụng lao động với lợi ích người lao động.

 Quan hệ giữa lợi ích đất nước với lợi ích nhà đầu tư nước ngoài 

   Nước ta thu hút FDI nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của các chiến lược phát triển; còn nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu nhằm mục đích lợi nhuận. Do vậy, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cạnh tranh thu hút FDI khá gay gắt đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng thể chế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để hài hòa được lợi ích đất nước với lợi ích nhà đầu tư thì mới có thể thu hút được nhiều FDI.

    Lợi ích đất nước đòi hỏi lợi ích ngành, địa phương, doanh nghiệp phải phục vụ mà không được đối lập với nó. Đáng tiếc là trong thực tế đã có nhận thức và hành động tác động tiêu cực đến lợi ích dân tộc, như không chịu mở cữa thị trường, muốn kéo dài tình trạng độc quyền, đề ra những điều kiện trái với luật pháp. Có thể dẫn ra một số ví dụ điển hình. Tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động kinh tế và dân sinh, nhưng do giữ thế độc quyền nên Tập đoàn điện lực không muốn thực hiện BOT đối với FDI các dự án điện năng, mặc dù đó là phương thức đươc nhiều nước áp dụng. Ngành bưu chính viễn thông chủ trương không liên doanh và đầu tư 100% vốn nước ngoài trong dịch vụ viễn thông, nên đã hạn chế việc đáp ứng nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng đối với dịch vụ này. Một số địa phương đề ra chủ trương ưu đãi thuế, tiền thuê đất cao hơn khung pháp lý. Nhiều doanh nghiệp gây sức ép và bằng một số kênh liên hệ để Chính phủ kéo dài chủ trương bảo hộ mậu dịch. Tình trạng đó vừa trái với luật pháp của Nhà nước, không phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta, vừa làm chậm quá trình chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

      Chính sách, luật pháp của Nhà nước phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Ngành và địa phương có thể vận dụng chính sách, luật pháp phù hợp với đặc điểm của mình, nhưng không thể vượt ra ngoài khung khổ mà Nhà nước đã quy định.

      Cần lưu ý rằng, nước ta có quyền ban hành chính sách và luật pháp thì các nhà đầu tư có quyền lựa chọn quốc gia mà họ thực hiện dự án. Trong trường hợp lợi ích của họ hài hòa với lợi ích nước ta thì họ sẽ triển khai dự án; ngược lại, nếu chính sách, luật pháp không tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn thì họ không đầu tư, thậm chí chuyển nhà máy đang được vận hành sang nước khác.

      Cũng cần nhận biết giới hạn đáp ứng lợi ích nhà đầu tư trong khi hình thành chính sách và luật pháp, để không làm tổn hại lợi ích dân tộc. Giá bán ô tô ở nước ta là một điển hình về việc các nhà đầu tư đã được hưởng lợi quá nhiều và quá dài do chính cách bảo hộ mậu dịch của Nhà nước, gây tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng và lợi ích đất nước.

 

v Quan hệ giữa lợi ích Bên Việt Nam với lợi ích Bên nước ngoài

   Trong doanh nghiệp liên doanh giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài hình thành quan hệ lợi ích giữa hai bên. Hoạt động cuả doanh nghiệp liên doanh phụ thuộc rất lớn đến việc chia sẻ lợi ích giữa Bên nước ngoài với Bên Việt Nam; nếu hài hòa lợi ích thì thuận lợi, ngược lại khi có xung đột lợi ích thì gặp khó khăn.

     Trong thực tế đã xảy ra tình trạng giải thể trước thời hạn một số doanh nghiệp liên doanh mà Bên Việt Nam là tư nhân, nguyên nhân chủ yếu là mâu thuẩn về lợi ích do thiếu sự tin cậy lẫn nhau, thiếu thiện chí trong giải quyết tranh chấp.

    Trong các liên doanh mà Bên Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước thì tình trạng phổ biến là đại diện Bên Việt Nam không đủ năng lực, thiếu đấu tranh bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp mình; thường phó mặc cho người nước ngoài điều hành kinh doanh, miễn là hàng tháng lĩnh những khoản tiền lương hậu hĩnh. Đây là vấn đề cần phải được giải quyết, nếu không muốn biến các liên doanh thành nơi chỉ để làm giàu cho một vài cá nhân.

 

Quan hệ giữa lợi ích người sử dụng lao động với lợi ích người lao động

Các doanh nghiệp FDI phần lớn là của tư nhân, một số liên doanh là hỗn hợp giữa tư nhân và nhà nước; do vậy quan hệ lao động chủ yếu là quan hệ chủ- thợ thường nảy sinh mâu thuẩn lợi ích; chủ doanh nghiêp muốn tăng thời gian lao động, trả lương vừa phải để thu lợi nhuận nhiều; người lao động đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù luật lao động đã quy định quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, việc giải quyết mâu thuẩn giữa chủ và thợ, kể cả đình công, bãi công, nhưng trên thực tế tồn tại hai vấn đề cần được lưu ý: 1) Người lao động thiếu hiểu biết luật pháp, chưa được tổ chức công đoàn hướng dẫn việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ, đồng thời  thực hiện nghĩa vụ lao động đối với doanh nghiệp; 2) Chủ doanh nghiệp thiếu tôn trọng luật pháp, chưa ứng xử phù hợp với văn hóa và tập quán người Việt Nam; không thực hiện đúng quy định của Chính phủ về tiền lương, thời gian lao động và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp đối với người lao động.

      Các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra công luận việc xâm phạm lợi ích của người lao động; nhưng cũng tránh từ những vụ việc cá biệt quy thành vấn đề chính trị hay quan hệ giữa nước ta với các nước khác.

 

3. Bài học về lợi thế so sánh

    Mỗi nước đều tìm cách khai thác tối đa lợi thế so sánh cuả đất nước để thu hút nhiều FDI. Trong thế giới hiện đại, lợi thế so sánh đã biến đổi. Tài nguyên thiên nhiên là một lợi thế, nhưng không còn đóng vai trò trọng yếu như thời kỳ phát triển công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên và vốn. Địa- chính trị vẩn là yếu tố quan trọng, nhưng cũng giảm bớt ảnh hưởng do cuộc cách mạng về viễn thông và giao thông vận tải đang làm cho thế giới “ thu nhỏ lại”. Sau sự kiện khủng bố quốc tế 11/9/2001, vấn đề an ninh kinh tế, an toàn xã hội, ổn định chính trị nổi lên như là yếu tố hàng đầu. Chi phí lao động vẩn được các nhà đầu tư quan tâm, nhất là trong các dự án sử dụng nhiều lao động; nhưng năng suất lao động mới là yếu tố quan trọng gắn với trình độ lành nghề, năng lực tiếp cận công nghệ hiện đại của đội ngũ lao động được đào tạo có chất lượng với cơ cấu hợp lý.

 

10 nhân tố hàng đầu thường được nhà đầu tư tính

đến khi lựa chọn địa bàn đầu tư

(mức độ quan trọng)

1) Tiếp cận khách hàng                                         77%

2) Môi trường chính trị và xã hội ổn định            64%

3) Điều kiện kinh doanh dễ dàng                          54%

4) Độ tin cậy và chất lượng cơ sở hạ tầng            50%

5) Khả năng thuê chuyên viên có trình độ cao     39%

6) Khả năng thuê nhân viên quản lý                     38%

7) Mức độ tham nhũng                                         36%

8) Chi phí lao động                                               33%

9) Tội phạm                                                          33%

10) Khả năng thuê lao động kỷ thuật                    32%

( Nguồn: MYGA, Điều tra đầu tư trực tiếp nước ngoài, tháng 1/2002 )

Nước ta có tài nguyên đa dạng, trừ bốc xít thuộc loại giàu cuả thế giới, các khoáng sản khác có trử lượng không nhiều; hiện nay chỉ có dầu thô mỗi năm khai thác để xuất khẩu 15- 16 triệu tấn, đưa lại nguồn thu ngoại tệ 6-7 tỷ USD, nhưng khó có thể tăng thêm, các tài nguyên khác chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, do vậy không có lợi thế về tài nguyên.      

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, nước ta được đánh giá có lợi thế về lao động dồi dào, chi phí thấp; nhưng hiện nay lại là nhược điểm lớn do trình độ tay nghề thấp, cơ cấu lao động không hợp lý, ở những địa phương thu hút được nhiều FDI như Đồng Nai, Bình Dương thì thiếu lao động có kỷ năng cao, khi có dự án lớn trong ngành công nghệ thông tin thì thiếu hàng ngàn kỷ sư lành nghề.

Hạ tầng kỷ thuật và kinh tế như đường giao thông, vận tải hàng không, hàng hải, đường bộ, chất lượng cung ứng điện, cấp thoát nước, mạng lưới thông tin và viễn thông, dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, công nghiệp phụ trợ…không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cũng là nhược điểm lớn.

Lợi thế nổi trội của nước ta hiện nay là sự ổn định về chính trị gắn với thể chế kinh tế, an ninh và an toàn xã hội được bảo đảm so với nhiều nước trong khu vực; tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập của người dân tăng lên nhanh chóng sắp vượt qua ngưỡng của nước có thu nhập thấp, dung lượng thị trường ngày càng lớn của hơn 80 triệu người trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Để làn sóng FDI đang diễn ra hiện nay đưa lại những kết quả lớn hơn, nước ta cần phát huy lợi thế về ổn định chính trị, an toàn xã hội, thị trường tiềm năng; đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để hình thành đội ngũ công nhân lành nghề, cán bộ kỷ thuật, chuyên viên kinh tế, nhà quản lý có trình độ cao, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỷ thuật và kinh tế đủ sức tiếp nhận nhiều dự án FDI có quy mô lớn, phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa đất nước.

 

4.      Bài học về chính sách FDI

Chính phủ nhiều nước đang theo đuổi chính sách khuyến khích mạnh mẽ FDI; trong đó có nước vừa quan tâm đến gia tăng vốn đầu tư và chất lượng FDI; có nước chỉ chú trọng chất lượng, thể hiện giá trị gia tăng sản phẩm và tính lan tỏa của FDI đối với kinh tế trong nước.

Các Chính phủ đều coi FDI là một thành phần kinh tế, nhưng lại hướng hoạt động FDI theo các hướng khác nhau, hoặc nhằm thu hút nhiều hơn FDI, hoặc nâng cấp FDI và khuyến khích mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

Việc hình thành thể chế kinh tế trước hết cần hướng vào việc tự do hóa thương mại và thị trường vốn để khơi các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, vốn đầu tư; kích thích mở rộng thị trường trong nước và giao lưu quốc tế, đồng thời bảo đảm sự bảo hộ hợp lý đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh, bao gồm FDI.

Việc theo đuổi chính sách khuyến khích FDI, đồng thời coi trọng chất lượng FDI là hai mặt có quan hệ hữu cơ của thể chế và chính sách của Việt Nam. Gia tăng về số lượng dự án và vốn FDI trong các ngành và lĩnh vực, trừ một số ngành, lĩnh vực có điều kiện hoặc cấm là nhiệm vụ có tính chiến lược, đồng thời bảo đảm chất lượng của FDI. Trong điều kiện hoạt động đầu tư trong nước đang gia tăng nhanh chóng, thì việc lựa chọn dự án FDI cần bảo đảm hiệu quả kinh tế- xã hội trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực.

Các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các Tập đoàn kinh tế lớn đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải có những cam kết rõ ràng như công khai và minh bách về luật pháp, thực hiện quy định của WTO về đầu tư có liên quan đến thương mại, về xử lý tranh chấp…và bảo đảm các cam kết đó được thực hiện trong cả quá trình đầu tư và kinh doanh của họ.

Từ khi Chính phủ phân cấp cho Chính quyền tỉnh, thành phố quyền hạn lớn hơn đối với FDI, bên cạnh mặt tích cực, đã xảy ra tình trạng mà các nhà kinh tế thế giới gọi là “ cuộc chiến chào mời khuyến khích đầu tư”, tác động tiêu cực đến phúc lợi xã hội của địa phương tiếp nhận FDI do những ưu đãi không cần thiết, chỉ vì để cạnh tranh với địa phương lân cận.

Trong điều kiện nước ta đã là thành viên WTO, thì Chính phủ cần hướng vào chính sách nâng cấp FDI; trong khi vẩn khuyến khích các nhà đầu tư vừa và nhỏ, cần khai thác thế mạnh của những Tập đoàn kinh tế nằm trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới; trong khi vẩn quan tâm đến đầu tư từ các nước Châu Á, cần có giải pháp để gia tăng nhanh chóng FDI từ các nước OECD, nhất là Mỹ, nước có FDI đứng đầu thế giới và các nước lớn trong EU như Đức, Pháp, Anh.

Kinh nghiệm thực tế cũng đã chỉ ra rằng, ốn định chính sách FDI là đòi hỏi chính đáng của nhà đầu tư. Trong trường hợp Chính phủ thay đổi chính sách thì cần tạo thuận lợi cho họ; hết sức tránh gây ra tâm lý phản kháng vì làm thiệt hại lợi ích của nhà đầu tư như đã xảy ra trong lần sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài năm 1996. Trong trường hợp bất khả kháng, khi Chính phủ áp dụng chính sách không có lợi cho họ thì cần thực hiện nguyên tắc “ không hồi tố”, hoặc bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do chính sách mới gây ra.

 

5.      Bài học về quản lý nhà nước

Vai trò Nhà nước trong kinh tế thị trường luôn là vấn đề thời sự, gây ra nhiều cuộc tranh luận trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, quan điểm được nhiều đồng tình là đã qua rồi thời kỳ “ Nhà nước cai trị”, “Nhà nước quản lý đơn thuần bằng mệnh lệnh hành chính”; cũng không thể có “Nhà nước yếu và thị trường mạnh” được; ngày nay Nhà nước đóng vai trò tạo lập môi trường thể chế và cơ sở hạ tầng thuận lợi, hấp dẫn để mọi ý tưởng mới, sáng tạo của cá nhân và tổ chức trong hoạt động đầu tư và kinh doanh được thực hiện có hiệu quả.

Trong những năm đầu thực hiện Luật đầu tư nước ngoài, từ 1988 đến 1993, do nước ta bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường, FDI là một hoạt động kinh tế đối ngoại còn khá mới mẻ, nên nhìn chung môi trường đầu tư khá hấp dẫn nhờ có Luật đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, các cơ quan nhà nước từ địa phương đến trung ương “ trải chiếu hoa” đón nhà đầu tư. Từ 1994 về sau, nhiều Bộ đã ban hành thông tư quy định thủ tục hành chính theo hướng “ tăng cường quản lý nhà nước”, đẻ ra không biết bao nhiêu là “ giấy phép con” kèm theo hồ sơ xin phép và lệ phí, gây ra phiền hà cho nhà đầu tư, tác động tiêu cực đến tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh ở nước ta. Đây là một bài học liên quan đến nhận thức và quan điểm về Nhà nước trong kinh tế thị trường, mà cho đến nay, mặc dù đã có nhiều nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ về việc cải cách nền hành chính quốc gia nhưng xem ra vẩn là một vấn đề thời sự, mà nếu không được giải quyết một cách cơ bản sẽ ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế- xã hội, trong đó có FDI.

Thực tế của nước ta cũng đã chỉ ra rằng, để xây dựng được Nhà nước có hiệu năng trên cơ sở quan điểm đúng về Nhà nước trong thị trường hiện đại, cần tiến hành đồng bộ đổi mới bộ máy, cơ chế và đội ngũ công chức.

Cần phải làm cho mọi công chức trong bộ máy nhà nước có được nhận thức đúng về một nhà nước hiện đại trong nền kinh tế thị trường đang chuyển biến nhanh chóng ở nước ta, trong một thế giới đang bước vào giai đoạn mà cuộc ganh đua giữa các dân tộc trước hết tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế. Bộ máy nhà nước từ chổ làm “ từ A đến Z”, làm thay công việc của người dân và doanh nghiệp phải chuyển sang làm đúng chức năng “ Nhà nước dịch vụ’ đối với đầu tư và kinh doanh, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng, công khai và minh bạch, hướng dẫn và tạo điều kiện để nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện dự án; xây dựng quy trình, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc về xây dựng, môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ; trên cơ sở đó giám sát và kiểm tra thường xuyên, xử lý kịp thời mọi vi phạm pháp luật.

Cần đặt trọng tâm công tác quản lý nhà nước FDI vào hoạt động xúc tiến đầu tư, bởi vì đây là công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất để các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án ở Việt Nam. Tuy Bộ KH&ĐT đã lập ba Trung tâm xúc tiến đầu tư; nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn vận động, tổ chức hội thảo đầu tư ở trong và ngoài nước; nhưng tình trạng phổ biến là kém hiệu quả.

Hoạt động xúc tiến đầu tư phải đáp ứng được đòi hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài, không phải chỉ là giải thích môi trường, luật pháp như trong thời kỳ đầu, mà là các tư liệu cụ thể, chính xác tiềm năng kinh tế, nguồn nhân lực, dự án phát triển, các quy định về đất đai, ưu đãi thuế, tình trạng giao thông, nguồn điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, mặt bằng, điều kiện cư trú, đi lại, địa chỉ liên hệ khi cần thiết.

    

Nhiều cơ quan và địa phương đã lập Website về FDI, nhưng đáng tiếc là thiếu những thông tin mà nhà đầu tư cần biết và thiếu cập nhật. Đó là nhược điểm lớn cần được khắc phục bằng việc thành lập nhóm chuyên viên về Website, quảng bá rộng rãi trên mạng Internet và tìm đến địa chỉ các nhà đầu tư đầy tiềm năng để giữ mối liên hệ thường xuyên.

Cần cải tiến công tác thẩm định và cấp phép đầu tư; coi đây là thủ tục hành chính đầu tiên đối với dự án FDI, các cơ quan nhà nước cần làm đúng chức năng của mình là hướng dẫn, hổ trợ nhà đầu tư để dự án được cấp phép nhanh chóng. Nhà đầu tư là người bỏ vốn, biết tính toán hiệu quả kinh tế; các cơ quan Nhà nước không nên và không thể làm thay họ được. Hơn nữa trong kinh tế thị trường, một dự án được cấp giấy phép chậm có thể không còn đủ điều kiện thực hiện, nên việc dành công sức quá nhiều cho công tác thẩm định sẽ trở nên vô ích.

Chính quyền địa phương cần tập trung vào công tác chuẩn bị trước dự án đầu tư bao gồm mặt bằng đất đai đã được đền bù, giải tỏa, cung ứng điện nước, đường giao thông, mạng thông tin, cổng Internet, nguồn nhân lực, khả năng phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán; đó là những điều kiện bảo đảm thành công khi triển khai thực hiện dự án FDI.

Các cơ quan chuyên trách của chính quyền địa phương cần ban hành những chỉ dẫn chi tiết đối với các thủ tục hành chính như xây dựng, môi trường, phòng chống cháy, vệ sinh thực phẩm, đăng ký kinh doanh để hướng dân các nhà đầu tư thực hiện; họ không gặp trở ngại vì thiếu công khai, minh bạch. Tốt nhất là mỗi tỉnh, thành phố ban hành “Cẩm nang đầu tư nước ngoài” để nhà đầu tư có được những thông tin cần thiết khi đến giao dịch với các cơ quan chính quyền địa phương.

Cần nhanh chóng thực hiện “ Chính phủ điện tử” trong quản lý nhà nước FDI. Cục đầu tư nước ngoài, Sở KH&ĐT và Ban quản lý KCN đã có đủ điều kiện xây dựng Trung tâm thông tin để thu thập và xử lý thông tin liên quan đến FDI,  được nối mạng với các doanh nghiệp FDI và các cơ quan nhà nước, cập nhật luật pháp mới, các quy định của địa phương, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và các thông tin kinh tế- xã hội khác; từ đó các cơ quan nhà nước kịp thời nắm được thông tin để ra các quyết định về chủ trương, giải pháp xử lý vấn đề, tình huống có hiệu quả.

Làn sóng FDI thứ hai đang diễn ra ở nước ta với khối lương lớn hơn và chất lượng cao hơn so với làn sóng đầu tiên vào giữa thập kỷ 90. Thời cơ là to lớn, nhưng nếu không biết chớp lấy thời cơ thì nó sẽ qua đi và thách thức trở nên gay cấn hơn.

   Kỷ niệm 20 năm Quốc hội ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam  là dịp để từ những bài học kinh nghiệm trên đây đề ra các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả hơn theo hướng tiếp cận những chuẩn mực quốc tế tốt nhất, biến làn sóng FDI mới thành nguồn lực quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đưa nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020./.

Số lượt đọc: 1766
Thông báo