Nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn FDI
Thứ Ba, 25/03/2014 04:26
Một bản đề án về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được Bộ Kế hoạch-Đầu tư khẩn trương xem xét để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Đề án được lãnh đạo Bộ kỳ vọng là sẽ tạo bước đột phá trong việc giải ngân vốn FDI đang có xu hướng tăng chậm lại, trong khi số dự án và vốn đăng ký lại tăng nhanh, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng cho biết giải pháp cơ bản được nêu trong đề án là tiến hành rà soát thực trạng của các dự án trên từng địa bàn để phân loại và có chính sách hỗ trợ phù hợp. Các dự án trọng điểm, có tác động đến địa phương và khu vực sẽ được ưu tiên hỗ trợ trước.
Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, trong giai đoạn 1988-2007, vốn FDI thực hiện đạt 43 tỷ USD, chiếm 52,2% tổng vốn đăng ký, song đến năm 2007, con số này chỉ đạt 23-25%.
Về lý do khiến các dự án FDI chậm được triển khai hoặc giải ngân không đúng tiến độ, người đứng đầu của Cục Đầu tư nước ngoài thẳng thắn thừa nhận “nguyên nhân chính là ở phía chúng ta, nhất là trong vấn đề đất đai, đền bù và giải phóng mặt bằng”.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện vốn đầu tư ở 140 doanh nghiệp FDI, có 20% doanh nghiệp cho là do phía Việt nam thay đổi chính sách, 17% cho là khó khăn về giải quyết thủ tục đầu tư, 15% cho là do những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của công ty mẹ và 17% cho là do môi trường đầu tư không thuận lợi như dự đoán ban đầu.
Hy vọng các giải pháp trên sẽ giúp cải thiện tình hình giải ngân vốn FDI, Cục trưởng Phan Hữu Thắng cho biết năm nay Việt Nam phấn đấu giải ngân được trên 7 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm ngoái.
Trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo giới hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm nay là đẩy nhanh tiến độ giải ngân và lựa chọn các dự án đầu tư sao cho có lợi nhất cho việc phát triển kinh tế. Chính vì lẽ đó, năm nay, Bộ chỉ đặt mục tiêu thu hút 15 tỷ USD vốn FDI, giảm 5 tỷ USD so với năm ngoái.
Về triển vọng thu hút vốn FDI trong năm nay, Cục trưởng Phan Hữu Thắng khẳng định cộng đồng quốc tế vẫn luôn dành sự quan tâm đến Việt nam, thể hiện qua việc các dự án đầu tư có quy mô lớn được phía nước ngoài đưa ra ngày càng nhiều.
Ba tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI vào Việt Nam ước đạt 4,8 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 1,6 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái./.
Hà Nội (TTXVN)