Một số vấn đề quan trọng liên quan tới Luật Doanh nghiệp và Đầu tư
Nhóm Công tác chúng tôi đã có hai cuộc họp mang tính xây dựng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và rất nhiều cơ quan hữu quan về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư vào ngày 23/9/2012.
Theo tổ công tác, mặc dù hai luật này không được dự kiến sửa đổi cho đến cuối năm 2013, nhưng cũng cần lưu ý tới một số vấn đề hàng đầu là:
- Sắp xếp lại các thủ tục đăng ký và chấp thuận cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để giảm sự phân biệt đối xử và nâng cao hiệu quả tổng thể. Một trong những ý tưởng là loại bỏ sự phân biệt của việc chỉ sử dụng Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cấp cho tất cả mọi người một mẫu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thống nhất;
- Định nghĩa “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” (cho các mục đích hạn chế tiếp cận thị trường) và nhà đầu tư nước ngoài "Trực tiếp" so với "Gián tiếp";
- Sự tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các quy tắc điều chỉnh chào bán riêng lẻ, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và các nhà đầu tư quản lý danh mục đầu tư.
- Cần có các thủ tục mới để giải quyết các tình huống phổ biến mà buộc phải đình chỉ và chấm dứt các dự án đầu tư;
- Chế độ ưu đãi đầu tư cần phải được cập nhật cho phù hợp với tình hình quốc tế đối với các ngành công nghiệp chẳng hạn như các dự án điện tử và năng lượng thay thế có giá trị gia tăng cao, các dự án nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực, trong số những dự án khác.
- Dịch chuyển từ hệ thống "danh sách tích cực" (đèn đỏ trừ khi có một đèn xanh) sang hệ thống "danh sách tiêu cực" (tất cả đều là đèn xanh trừ khi có một đèn đỏ) như nêu trong Luật Đầu tư năm 2005 (tất cả các lĩnh vực đều mở ngoại trừ những lĩnh vực bị cấm, hạn chế hoặc có điều kiện theo các quy định cụ thể của pháp luật).
- Các cam kết WTO nên được xem là "sàn, chứ không phải là trần".
Ngoài ra, cũng có một số những kiến nghị thực tế đối với việc cập nhật các quy định hướng dẫn thi hành để phản ánh kinh nghiệm trong 7 năm qua. Bao gồm: (1) Sự cần thiết phải làm rõ và hài hòa các yêu cầu sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đặc biệt là liên quan đến việc nêu tên các thành viên/cổ đông mới; (2) Hiện đại hóa các quy định về con dấu công ty để phản ánh thực tế kinh doanh và thương mại điện tử hiện đại; (3) Mở rộng tự do hơn nữa trong việc cho phép các công ty thiết kế và in hóa đơn Thuế giá trị gia tăng của riêng mình; (4) Kiến nghị luật cho phép công ty có nhiều hơn một "đại diện theo pháp luật" để xử lý công việc, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng; (5) Các khái niệm như "nghĩa vụ trung tín" của các giám đốc và cán bộ cần phải được thực thi nghiêm chỉnh hơn.
Trong môi trường kinh tế thách thức như hiện nay, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ chuyên môn từ các dịch vụ hành chính của nhà nước. Trong số những vấn đề khác, họ cần được cấp các giấy phép và xin được các chấp thuận để thực hiện hoạt động kinh doanh theo cách thức kịp thời và hợp pháp.
“Sự chậm trễ đang giết dần các doanh nghiệp có những khoản nợ phải trả nhưng không thể thực hiện các dự án của họ kịp thời do những thủ tục hành chính trì trệ”, báo cáo của nhóm công tác nhấn mạnh.
Thông thường, một thủ tục mới được ban hành vì lợi ích an toàn và sức khỏe cộng đồng kết cục lại trở thành một "trạm thu phí" khác cho một cơ quan nào đó mà chưa có nguồn kinh phí nào khác. Ví dụ, quy định mới đây chỉ cho phép chủ sở hữu đăng ký phương tiện mới được sử dụng phương tiện đó có vẻ như hoàn toàn xa rời thực tế khiến người ta phải tự hỏi làm thế nào mà quy định đó lại có thể được thông qua.
Một số kiến nghị khác
Thứ nhất, về thị trường lao động: Hướng đến việc Việt Nam có khả năng gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam thực sự đã dựng lên một rào cản cho chính mình; Bộ luật Lao Động gần đây đã khiến việc đó càng trở nên khó khăn hơn cho Việt Nam vì nguyên tắc của TTP là mỗi thành viên phải thực thi và tôn trọng pháp luật về lao động của chính quốc gia mình, bên cạnh một số các tiêu chuẩn quốc tế.
Giờ đây Việt Nam đã đặt ra các tiêu chuẩn mà trong nhiều trường hợp cao hơn các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như hạn mức làm thêm giờ, thời gian nghỉ thai sản là sáu tháng... “Việt Nam đã tự đặt ra thử thách gần như không khả thi trong việc tuân thủ pháp luật cho nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn để tồn tại”, nhóm công tác quan ngại.
Việc làm giảm tác động này bằng các nghị định hướng dẫn thi hành và tránh việc làm giảm thêm nữa giá trị thị trường lao động cạnh tranh của Việt Nam bằng "Luật Việc làm" đang được đề xuất là điều sống còn đối với kế sinh nhai của hàng triệu người trong những năm tới đây.
Thứ hai, về hải quan điện tử: Lĩnh vực sản xuất vẫn còn chịu đựng những thủ tục lỗi thời, nguy cơ bị chậm trễ và trì trệ, cách giải thích không thống nhất về phân loại Mã số HS, các quy định về nhập khẩu luôn thay đổi, quy trình khiếu nại chậm chạp, và các đòi hỏi chi trả không chính thức. Thậm chí ngay tại nhiều khu công nghiệp, mức độ chuyên nghiệp của hải quan cần phải cải thiện một cách rõ rệt.
Một sự cải thiện thiết thực và quan trọng mà có thể triển khai ngay lập tức sẽ là hải quan điện tử. Một hệ thống Hải quan điện tử thực tế đã được triển khai thí điểm tại nhà máy của Intel trong Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh và theo những thông tin thu thập được, có vẻ như điều đó đã thành công trong việc đẩy nhanh quy trình hải quan.
Mở rộng hệ thống này sang các doanh nghiệp khác và theo đó là toàn bộ các khu sẽ là bước thứ nhất hợp lý trong việc phổ cập hệ thống Hải quan điện tử hiện đại, hiệu quả và minh bạch. Chúng tôi thấy rằng không có lý do gì để đợi đến nhăm 2015, theo như Tổng cục Hải quan đề xuất, để thực hiện một bước đi rõ ràng đúng hướng như vậy.
Thứ ba, về dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Theo các doanh nghiệp điều hành phòng khám và bệnh viện nước ngoài, các tiêu chí cấp phép áp dụng đối với họ rắc rối hơn nhiều so với các tiêu chí cấp phép áp dụng cho các phòng khám trong nước.
Trong hầu hết các trường hợp, có vẻ có sự phân biệt đối xử không chính thức (thực tế chứ không phải theo luật định, ví dụ (1) trường hợp cần phải có giấy chứng nhận hoàn công đối với phòng khám do nước ngoài đầu tư để hoạt động trong tòa nhà nơi một phòng khám trong nước đầu tư đã và đang hoạt động trong nhiều năm rồi mà không cần phải có giấy chứng nhận hoàn công;
(2) các chậm trễ trong quy trình của Bộ Y tế về cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ, cả Việt Nam lẫn nước ngoài, có vẻ như kéo dài hơn đối với phòng khám nước ngoài so với các phòng khám trong nước và các quy định về giấy phép làm công việc chuyên môn được thực hiện nghiêm ngặt hơn...).
Bộ Y tế đã không cấp phép cho bất kỳ phòng khám mới nào trong hơn một năm, trong khi vốn của nhà đầu tư bị lãng phí trên các cơ sở mới xây có tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, các thanh tra đột xuất liên tục cản trở các hoạt động đối với phần hoạt động mà đã được cấp phép.
Giấy phép lao động có thể mất nhiều tháng khi cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác không thực hiện vai trò của họ, và thật là không hợp lý khi mà chỉ vì những thủ tục hành chính này mà lãng phí thời gian của các chuyên gia được đào tạo phải chờ đợi tháng này qua tháng nọ hưởng lương công ty.
“Những chậm trễ này còn tệ hơn cả thuế - ít nhất thuế còn tạo ra nguồn thu cho Nhà nước sử dụng để cấp kinh phí cho hệ thống”, nhóm công tác thẳng thắn đánh giá.
Thứ tư, cần xem xét lại việc phê duyệt trước khi đưa ra quảng cáo về thực phẩm: Luật Quảng cáo mới được thông qua gần đây sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/ 2013. Trong số những nội dung khác, có nội dung cho phép thành lập một Hội đồng Thẩm định Sản phẩm Quảng cáo và Tổ chức Nghề nghiệp về Quảng cáo. Cộng đồng ngành quảng cáo đã sẵn sàng áp dụng các quy tắc thực hành trong ngành (sẽ được cơ quan hữu quan phê duyệt) để giúp bảo vệ người tiêu dùng đối với các quảng cáo sai lệch nhằm tuân thủ Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng hiện hành, v.v. Tóm lại, những tiến triển này tạo thành một bước tiến lớn theo hướng khuyến khích việc tự điều chỉnh của ngành một cách có trách nhiệm.
Tuy nhiên, mặc dù có những tiến triển này, Bộ Y tế đã đề xuất những quy định mới mà thực sự sẽ dẫn đến yêu cầu phải có sự phê duyệt trước của Bộ Y tế đối với tất cả các quảng cáo liên quan đến thực phẩm và đồ uống, thuốc và mỹ phẩm… Thay vì xây dựng các hướng dẫn chi tiết cho quảng cáo và đặt trách nhiệm đối với các nhà sản xuất theo quy tắc thực hành được chính phủ phê duyệt, thì đề xuất của Bộ Y tế sẽ là một bước giật lùi khi mỗi một quảng cáo lại cần phải thông qua thêm một "cửa thu phí" nữa.
“Điều này không những ít mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, mà còn làm tăng chi phí cho chuỗi cung ứng mà cuối cùng người tiêu dùng vẫn là người gánh chịu”, nhóm công tác cảnh báo.