BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Chính sách đầu tư vào
Đối thoại chính sách lần thứ nhất giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN)
Thứ Ba, 25/03/2014 03:51
Đối thoại chính sách lần thứ nhất giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN)

Ngày 25/7/2013, Đối thoại chính sách lần thứ nhất giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của KEIDANREN, ông Takahashi Kyohei và ông Nakamura Kuniharu.

Đây là kết quả của hai bên trên cơ sở sáng kiến chung giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chủ tịch KEIDANREN. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và KEIDANREN sẽ thiết lập một kênh đối thoại chính sách trực tiếp nhằm thảo luận những biện pháp chính sách hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và công nghiệp hóa của Việt Nam, góp phần thúc đẩy đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam; Trao đổi về triển vọng và thách thức trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, bao gồm cả hợp tác trong khu vực Đông Á; Góp ý và đề xuất định hướng chính sách; Trao đổi về xu hướng của các doanh nghiệp Nhật thành viên của Keidanren; Về các phương thức đầu tư đặc thù trong khuôn khổ pháp luật; Thảo luận các dự án cụ thể mà hai bên cùng quan tâm. 

KEIDANREN là tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản bao gồm đại diện của 1.300 công ty, 121 hiệp hội công nghiệp trong nước và 47 tổ chức kinh tế tầm khu vực. KEIDANREN đại diện cho giới kinh tế và công nghiệp Nhật đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong suốt thời gian qua. Việc thiết lập kênh đối thoại giữa KEIDANREN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho việc đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Tham dự cuộc đối thoại, phía Việt Nam có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan đến việc triển khai thực thi Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01/7/2013. Về phía Nhật Bản, gồm 34 doanh nghiệp chủ yếu là lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã triển khai các dự án tại Việt Nam cũng như đang tìm hiểu khả năng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Với chủ đề “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam và quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản”, cuộc đối thoại là cơ hội thuận lợi để hai bên cùng trao đổi, thảo luận sâu về những giải pháp nhằm hiện thực hóa Chiến lược công nghiệp của Việt Nam, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, từ đó tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối tháng 6 năm 2013, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 1.990 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 32,7 tỷ USD. Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên nhiều ngành, lĩnh vực nhưng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 83,6%, 6 tháng đầu năm 2013 là 89,2%. Đây là những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh và đang tăng cường tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Trong Chiến lược công nghiệp hóa, Việt Nam đã lựa chọn ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp, đó là: Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản và Đóng tàu. Các ngành này sẽ giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất lao động và tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế; phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ. Trên cơ sở Chiến lược này, hiện nay, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đang tích cực phối hợp với phía Nhật Bản để xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động cụ thể và khả thi cho từng ngành, tập trung vào một số phân ngành, sản phẩm chiến lược.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mong muốn KEIDANREN, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình sẽ góp ý cụ thể, thẳng thắn cho việc triển khai nhằm hiện thực hóa Chiến lược, đồng thời hỗ trợ trong việc tìm kiếm và xúc tiến các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư vào 6 ngành nêu trên.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Takahashi Kyohei và ông Nakamura Kuniharu đều tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của cả 2 bên, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Nhật Bản sẽ có những bước tiến mới; đồng thời mong muốn với tư cách là cơ quan trực tiếp quản lý về đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản sang khảo sát thực tế, tìm kiếm cơ hội và hợp tác đầu tư hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.

Tiếp đó, hai bên đã tiến hành phiên đối thoại theo chủ đề. Mở đầu phần đối thoại, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã trình bày về Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nhấn mạnh một số giải pháp để thực hiện tốt Chiến lược, trong đó tập trung vào các giải pháp xây dựng kế hoạch hành động phát triển cho từng ngành; thu hút sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản vào quá trình này; Hoàn thiện đồng bộ khung khổ pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển các ngành đã chọn; Đẩy mạnh cải cách đồng bộ thủ tục hành chính; Phát triển một vài vùng, địa phương thành những vùng động lực của Chiến lược Công nghiệp hóa để phát triển các ngành được lựa chọn, ưu tiên phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực tại các vùng đó. Tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động một cách nhất quán, thống nhất trên nguyên tắc hai bên Việt Nam và Nhật Bản cùng hợp tác trao đổi; Nhật Bản hỗ trợ tích cực quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược. 

Trong phần về lĩnh vực Ô tô và phụ tùng ô tô, để chuẩn bị cho việc hội nhập hoàn toàn với ASEAN vào năm 2018, phía Nhật Bản khuyến nghị Việt Nam cần có các ưu đãi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Ngoài ra, cũng cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất dòng xe chiến lược cũng như ưu đãi cho người mua xe. Cần định nghĩa cụ thể về nội địa hóa trước khi đưa ra mục tiêu 40% vào năm 2020 để có chính sách ưu đãi phù hợp nhằm khuyến khích phát triển nội địa hóa. 

Về lĩnh vực Môi trường và tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng và dân số gia tăng nhanh, phát sinh nhiều rác thải gây ra ô nhiễm môi trường, việc xử lý và tái chế rác thải là rất cần thiết. Việt Nam cần có ưu đãi về thuế, vốn vay cho các dự án xử lý rác thông thường, ưu đãi đặc biệt cho năng lượng tái sinh. Rút ngắn thời gian cấp phép đối với các dự án xử lý rác thải.

Đối với lĩnh vực Công nghiệp điện tử, ngành công nghiệp hỗ trợ vừa thiếu vừa yếu. Phần lớn nguyên liệu, thiết bị, máy móc phải nhập khẩu. Dịch vụ kỹ thuật, cơ khí cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt trong ngành khuôn đúc. Có các biện pháp xúc tiến đầu tư nhằm chuyển giao những công nghệ quan trọng từ các doanh nghiệp nước ngoài như: Miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, khấu trừ thuế cho chuyển giao công nghệ; Miễn thuế cho các lĩnh vực đầu tư sử dụng nhiều vốn; Đẩy mạnh hợp tác phát triển đấu thầu hàng hóa tại địa phương. Khuyến khích người Việt Nam, các công ty Việt Nam tham gia kinh doanh công nghệ thông qua trợ cấp đối với các công ty công nghệ cao của Việt Nam; đào tạo quản lý chất lượng cao; Phát triển nghiên cứu, đào tạo ở nước ngoài…

Trong lĩnh vực Chế biến nông sản và chế tạo máy móc nông nghiệp, trước thực trạng thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động nông nghiệp, máy nông nghiệp chất lượng thấp và không an toàn được nhập khẩu và bán tại thị trường Việt Nam, giá nông sản trong nước và xuất khẩu thấp… Việt Nam cần tăng cường cơ giới hóa nông nghiệp. Nâng cao trình độ đào tạo kỹ thuật trong các trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tăng cường tin học hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp. Tích cực sử dụng nguồn năng lượng sinh học trong nông nghiệp.

Đối với ngành công nghiệp đóng tàu, trong bối cảnh ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc đang phát triển mạnh, Việt Nam cần nhanh chóng tái cơ cấu Vinashin, hoàn thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư với các ưu đãi về thuế. Đảm bảo nguồn nhân lực đủ kỹ năng cần thiết.

Ngoài ra, đại diện của phía Nhật Bản cũng giới thiệu những hợp tác nhằm thúc đẩy hiện thực hóa các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam như dự án sân bay quốc tế Long Thành thông qua hình thức PPP, cho phép sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Về khả năng hợp tác trong lĩnh vực bảo hiệm, xây dựng cầu Nhật Tân. Kết hợp chặt chẽ giữa ODA với các hoạt động đầu tư tư nhân của các nhà đầu tư Nhật Bản. 

Kết luận cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam. Để triển khai thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa, các Bộ, ngành sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trên cơ sở sự hỗ trợ của phía Nhật Bản. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị KEIDANREN cử thêm chuyên gia để giúp Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và KEIDANREN sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư vào 6 lĩnh vực ưu tiên. Cuộc đối thoại chính sách lần này sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho việc hợp tác lâu dài giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và KEIDANREN nói riêng và giữa Việt Nam với Nhật Bản nói chung./.

Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 271
Thông báo