BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Chính sách đầu tư vào
Nâng điều kiện cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
Thứ Ba, 25/03/2014 04:18
Nâng điều kiện cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài quy định chỉ có khách sạn 5 sao trở lên, đáp ứng đầy đủ các điều kiện an ninh, trật tự và năng lực tài chính mới được xét, cấp giấy phép kinh doanh.

Trong khi đó, theo quy định cũ thì cơ sở lưu trú được Bộ VH-TT-DL công nhận là 3 sao trở lên ở địa phương và 4 sao trở lên ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh được cấp phép kinh doanh loại hình này.

Chiều 8/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị định của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng đã được Chính phủ cho phép thí điểm kể từ năm 1992 nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí cho người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh và du lịch tại Việt Nam.

Đến nay đã có một số dự án được cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài theo Luật Đầu tư. Bình quân mỗi năm (tính từ năm 1992 đến nay), doanh thu của lĩnh vực này đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động ở các địa phương (thông thường mỗi điểm trò chơi có thưởng thu hút khoảng từ 40-1.000 lao động trực tiếp) và trung bình từ năm 1992 đến nay, đã đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, số lượng cấp phép nhiều nhưng quy mô đầu tư nhỏ và phân tán dẫn đến hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực này không cao, không thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.

Do đó, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tạm dừng cấp phép đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho đến khi khung pháp lý mới được ban hành.

Tại phiên thảo luận, trả lời câu hỏi của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc dự thảo Nghị định không quy định cả lĩnh vực kinh doanh casino (sòng bạc) cho người nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng trong thời gian tới cần có một luật để quy định chung các hình thức này.

Đề nghị giảm thời hạn hoạt động trên giấy phép

Với dự thảo Nghị định mới này, Bộ Tài chính đề nghị nâng các điều kiện cấp phép theo đó chỉ có cơ sở lưu trú được Bộ VH-TT-DL xếp hạng từ 5 sao trở lên, đáp ứng đủ các điều kiện an ninh, trật tự và năng lực tài chính mới được xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Đồng tình với quy định này nhưng cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và một số ý kiến đại biểu cho rằng một số quy định trong dự thảo Nghị định còn thiếu cụ thể, mang tính định tính, như chưa làm rõ về điều kiện chuyên môn, lý lịch của người quản lý, điều hành; điều kiện về năng lực tài chính; về phương án kinh doanh hiệu quả,... Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung các tiêu chí, điều kiện cụ thể, tránh tình trạng lợi dụng để cấp phép cho các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh.

Vẫn theo hướng quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh nhạy cảm này, cơ quan thẩm tra đề nghị Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chỉ có thời hạn 5 năm thay vì 10 năm theo đề nghị của Chính phủ.

Về số lượng máy điện tử tại mỗi cơ sở được cấp phép, dự thảo Nghị định quy định: Số lượng máy trò chơi điện tử có thưởng được quy định căn cứ vào tổng số buồng lưu trú tại cơ sở lưu trú với tỷ lệ 5 buồng lưu trú thì được phép kinh doanh tối đa 1 máy trò chơi điện tử có thưởng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc quy định trên theo hướng mở rộng tỷ lệ này hoặc quy định số lượng máy tối đa đặt tại mỗi điểm chơi.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, cơ quan thẩm tra đề nghị cần thiết phải có cơ quan giữ vai trò đầu mối trong quản lý, chứ không nên quy định như dự thảo là Chính phủ quản lý chung.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối trong quản lý nhà nước (xây dựng quy hoạch, ban hành cơ chế, chính sách, quản lý, giám sát, xử lý vi phạm, tổng hợp, báo cáo hoạt động...); còn các Bộ, ngành liên quan thực hiện theo chức năng đã được Chính phủ giao.

Một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Nghị định cần mở rộng thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh loại hình này đối với UBND các cấp, thay vì chỉ có Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.

Nguồn: Chinhphu.vn

Số lượt đọc: 367
Thông báo