BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Chính sách đầu tư vào
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong ngành “Dịch vụ du lịch”
Thứ Bảy, 16/10/2021 03:24
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong ngành “Dịch vụ du lịch”

Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực “Dịch vụ du lịch” thì cần phải đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường như sau:

Điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường:

I. Dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch (CPC 7471)

1. Quy định tại các Hiệp định:

Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ dưới hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam mà không bị hạn chế phần vốn góp của phía nước ngoài.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam (inbound) và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam như là một phần của dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam.

Hướng dẫn viên du lịch trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải là công dân Việt Nam.

2. Pháp luật Việt Nam

2.1. Điều kiện về phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2.2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm: (i) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; (ii) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng[1]; (iii) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

2.3. Điều kiện đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành: (i) Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn với đối tác Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (ii) Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại các Điều 31, 33, 34, 35 và 36 Luật Du lịch năm 2017; (iii) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Du lịch năm 2017.

2.4. Điều kiện thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài: (i) Việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại. (ii) Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

II. Dịch vụ hướng dẫn viên du lịch

AFAS và VKFTA mở cửa không hạn chế đối với Dịch vụ hướng dẫn viên du lịch (là một phân ngành của Dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch - CPC 7471)

Theo CPTPP, Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến dịch vụ hướng dẫn viên du lịch.



[1] Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng.

Số lượt đọc: 2474
Tin khác
Thông báo