BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Chính sách đầu tư vào
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với 10 địa phương và đại diện một số doanh nghiệp dệt may, da giày tại Việt Nam
Thứ Ba, 12/10/2021 04:14
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với 10 địa phương và đại diện một số doanh nghiệp dệt may, da giày tại Việt Nam

Chiều ngày 30/9/2021, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có buổi làm việc trực tuyến với đại diện một số doanh nghiệp dệt may, da giày tại Việt Nam và 10 địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và cập nhật tình hình xử lý tại các địa phương

Tham dự buổi làm việc có đại diện Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long và Bến Tre và đại diện tập đoàn, các nhà máy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da như Công ty Hwaseung Vina, Công ty TNHH Din Sen Việt Nam, Công ty TNHH TMI Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện phía các doanh nghiệp dệt may, da dày mong muốn, doanh nghiệp được tái khởi động sản xuất trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các nhà máy được mở cửa hoạt động trở lại với tối thiểu 30% người lao động đi làm, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch an toàn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin phủ rộng cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp để số người lao động đủ điều kiện đi làm đạt 50-70% và dần trở lại hoạt động bình thường, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xét nghiệm và xử lý nhanh chóng khi phát hiện F0.

Theo đại diện một số doanh nghiệp tại buổi làm việc, việc đảm bảo quy trình khép kín phục vụ phương án "3 tại chỗ" hiện đang là rất khó khăn. Đại diện của Công ty Hwaseung Vina chia sẻ, tỉ lệ đi làm tại Công ty chỉ đạt khoảng 5% số lượng người lao động làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất, vận hành nhà máy. Đồng thời kiến nghị, sau khi trở về trạng thái “bình thường mới”, các bộ, ngành, địa phương cần sớm có lộ trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cụ thể để nhà máy được hoạt động trở lại và có kế hoạch khôi phục hoạt động rõ ràng. Hỗ trợ cho phép công ty thực hiện các biện pháp kiểm tra, test nhanh COVID-19 để tiết kiệm tối đa chi phí xét nghiệm, đảm bảo môi trường sản xuất an toàn, tập trung bảo đảm an sinh xã hội.

Đại diện đến từ Công ty TNHH Din Sen Việt Nam kiến nghị, các địa phương xem xét biện pháp hỗ trợ cho người lao động đã có thẻ xanh COVID-19 thuận tiện đi lại giữa các tỉnh lân cận nhằm đảm bảo quá trình làm việc tại nhà máy, vì kéo dài thời gian thực hiện phương án "3 tại chỗ" sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp do chi phí duy trì tốn kém, không thuận lợi. Tại các địa bàn "vùng đỏ", việc sắp xếp các nhà trọ để doanh nghiệp thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 địa điểm" còn gặp khó khăn do các nhà trọ trên địa bàn thành phố đan xen với các doanh nghiệp. Tại các địa bàn "vùng xanh" thực hiện mô hình "3 xanh" tại các doanh nghiệp phải triển khai việc test PCR cũng tốn kém nhiều chi phí.

 

Đại diện Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long và Bến Tre đánh giá cao các phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh và cảm ơn sự chia sẻ sâu sắc của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam. Đồng thời cho biết, các địa phương sẽ ban hành kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trong giai đoạn sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”. Ví dụ như tại Thành phố Hồ Chí Minh, 95% người dân đã được tiêm mũi 1 và 45% người dân đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc-xin. Vì vậy, Thành phố đã có cuộc họp về vấn đề xem xét cho phép người lao động có thể di chuyển giữa các địa phương, các chuyên gia của doanh nghiệp FDI thuận lợi hơn trong hoạt động làm việc. Tỉnh Bình Dương cũng giao Ban quản lý các KCN kết hợp với các địa phương tập trung phát triển mô hình "3 tại chỗ", "3 xanh", "1 cung đường, 2 địa điểm" tại các doanh nghiệp, phục hồi số lượng người lao động đi làm trở lại.

Đối với những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, các địa phương sẽ tiếp tục trao đổi về phương án tái hoạt động trở lại và tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất, bảo đảo an toàn phòng, chống dịch. Chính phủ luôn nỗ lực trong việc huy động tối đa nguồn vắc-xin về Việt Nam, đảm bảo người lao động làm việc tại các KCN và KKT là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà máy cần phối hợp chặt chẽ và làm việc với chính quyền địa phương để có lộ trình sản xuất, kinh doanh phù hợp./.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 1666
Thông báo