BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Chính sách đầu tư vào
Tháo gỡ khó khăn cho chuỗi cung ứng của một số doanh nghiệp dệt may tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương
Thứ Ba, 12/10/2021 04:28
Tháo gỡ khó khăn cho chuỗi cung ứng của một số doanh nghiệp dệt may tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương

Sáng ngày 05/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi làm việc trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và một số doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh

Tham dự buổi làm việc có đại diện Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai và đại diện tập đoàn, các nhà máy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da…

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện cho 10 nhà máy nêu ra 03 nhóm vấn đề chung gồm: quy trình phê duyệt mở cửa các nhà máy, lưu thông hàng hóa, lao động nội dùng và liên tỉnh, các điều kiện, quy định tổ chức sản xuất. Đồng thời, đề xuất một số nội dung cụ thể tại các địa phương như hạn chế vùng, nơi lưu trú cho lao động, tiêm vaccine, tần suất xét nghiệm, việc di chuyển của lao động…, cụ thể:

- Đồng Nai: (i) điều chỉnh quy định hạn chế về vùng theo hướng chỉ hạn chế đối với lao động sống tại vùng đỏ, các khu vực khác (xanh, vàng, cam) chỉ cần đảm bảo đã tiêm mũi 1 trong vòng 14 ngày thì có thể đi làm bằng phương tiện cá nhân; (ii) bỏ quy định về Giấy đi đường do ấp/phường cấp; (iii) thống nhất với tỉnh Bình Thuận về phương án di chuyển và tiêm vaccine cho 7000 lao động sống tại tỉnh Bình Thuận và làm việc tại tỉnh Đồng Nai.

- Bình Dương: (i) giảm tần suất xét nghiệm với người lao động phù hợp với hướng dẫn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 của Bộ Y tế; (ii) gỡ bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải bố trí nơi ở xanh cho lao động.

Đại diện doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nhà máy sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng có tới 40% lao động sống tại Bình Dương, do các quy định hạn chế đi lại giữa các địa phương khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc duy trì nguồn cung lao động, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất. Do đó, đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh sớm thông tin về kế hoạch khuyến khích lao động trở lại thành phố làm việc, bảo đảm nguồn cung ứng lao động.

Đại diện doanh nghiệp tại Đồng Nai đề nghị với chính quyền địa phương 03 nội dung gồm: (1) điều chỉnh quy định hạn chế về vùng theo hướng chỉ hạn chế đối với lao động sống tại vùng đỏ, các khu vực khác (xanh, vàng, cam) chỉ cần đảm bảo đã tiêm mũi 1 trong vòng 14 ngày thì có thể đi làm bằng phương tiện cá nhân; (2) bỏ quy định về Giấy đi đường do ấp/phường cấp; (3) thống nhất với tỉnh Bình Thuận về phương án di chuyển và tiêm vaccine cho 7000 lao động sống tại tỉnh Bình Thuận và làm việc tại tỉnh Đồng Nai.

Đại diện doanh nghiệp đến từ tại Bình Dương kiến nghị các địa phương xem xét giảm tần suất xét nghiệm với người lao động phù hợp với hướng dẫn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 của Bộ Y tế; đồng thời, gỡ bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải bố trí nơi ở xanh cho lao động.

Tại buổi làm việc, đại diện Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội và chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan liên quan điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, nới lỏng giãn cách xã hội và tái khởi động các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giải đáp một số kiến nghị của doanh nghiệp, tỉnh Đồng Nai cho biết đã thí điểm bỏ quy định giấy đi đường, cho công nhân đi bằng phương tiện cá nhân, bỏ giấy đi đường đối với lao động đi về hàng ngày và sẽ dần nới lỏng các quy định về an toàn phòng, chống dịch trên cơ sở tỷ lệ bao phủ vaccine tại địa phương, theo hướng trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, đăng ký lao động và tự chịu trách nhiệm quản lý, đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ để người lao động quay trở lại làm việc, bảo đảm có đủ nguồn lao động để phục hồi kinh tế, cụ thể: (1) đẩy nhanh việc tiêm 02 mũi vaccine cho toàn bộ lao động trên địa bàn trước ngày 15/10/2021; (2) triển khai gói hỗ trợ lao động đợt 3 với tổng kinh phí trên 7.300 tỷ đồng; (3) xây dựng phương án đi lại an toàn, đưa lao động trở lại làm việc.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng  đang phối hợp chặt chẽ với 05 địa phương giáp ranh gồm các tỉnh Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh để thành lập Tổ điều phối liên vùng, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc vận chuyển lao động, hàng hóa, nguyên vật liệu giữa các địa phương.

Tỉnh Bình Dương cho biết hiện đang áp dụng mô hình “03 xanh”, “3 tại chỗ linh hoạt” với một số quy định về hạn chế vùng và đối tượng được tham gia lưu thông giữa các địa bàn. Tuy nhiên, tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, báo cáo Lãnh đạo để khẩn trương có điều chỉnh các hướng dẫn hiện hành theo hướng tạo điều kiện cho người lao động tham gia sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh.

 

Tại buổi làm việc, Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá cao các địa phương đã triển khai linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương, chủ động điều chỉnh những quy định chồng chéo, chưa phù hợp với hướng dẫn của Chính phủ; đồng thời, nghiên cứu, thí điểm các cách tiếp cận mới, mô hình mới nhằm thích ứng an toàn với dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng sản xuất, lao động.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là mở cửa có lộ trình, từng bước kiểm soát, liên tục điều chỉnh để phục hồi, duy trì sản xuất và thích ứng an toàn với tình hình thực tiễn. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế chính sách để doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất./.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 2133
Thông báo