BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 13/09/2024
Phía Nam
Kết nối để phát triển thương mại, du lịch khu vực ĐBSCL
Thứ Hai, 30/05/2016 03:28
Kết nối để phát triển thương mại, du lịch khu vực ĐBSCL

(Chinhphu.vn) - Chiều 26/5, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với Hà Nội và một số tỉnh phía bắc.

ĐBSCL là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước. Khu vực này có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển đa dạng về nông nghiệp, thủy sản và du lịch.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, nơi đây vẫn bị coi là khu vực phát triển kinh tế chưa năng động. Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư xã hội của khu vực này năm 2015 chỉ chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của ĐBSCL tính đến hết tháng 4/2016 chỉ chiếm 5,7% về số dự án và 6,2% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước.

Các thế mạnh về xuất khẩu, thương mại du lịch của nơi đây chưa được phát huy tương xứng với tiềm năng và đặc biệt là chưa kết nối được với các khu vực phát triển kinh tế năng động khác trên cả nước.

Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và thúc đẩy xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch cho vùng ĐBSCL, việc liên kết phát triển trong lĩnh vực thương mại, du lịch giữa khu vực này với các địa phương khác là hết sức cần thiết. Đây cũng chính là nội dung chủ đạo của Hội nghị.

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, Hội nghị nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của ĐBSCL với TP. Hà Nội và một số tỉnh phía bắc. Qua đó tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư xúc tiến thương mại, du lịch giữa doanh nghiệp, chính quyền 13 tỉnh ĐBSCL với các địa phương, doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh phía bắc.

Tại đây, các tỉnh ĐBSCL sẽ giới thiệu, cung cấp thông tin về cơ chế chính sách ưu đãi, các dự án thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch của các địa phương với doanh nghiệp, từ đó kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch.

Hội nghị cũng đưa ra danh sách 6 dự án lớn của vùng Tây Nam Bộ nhằm mời gọi các nhà đầu tư gồm: Cảng biển Hòn Khoai; Khu kinh tế cửa khẩu Long An (quốc tế); Tuyến nối Quốc lộ 91 với đường nam sông Hậu; Mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thuận Yên; Chế biến gạo xuất khẩu gắn với vùng lúa chất lượng cao.

Ngoài ra, 13 tỉnh ĐBSCL cũng đưa ra danh mục dự án của mỗi tỉnh để kêu gọi đầu tư. Ngoài mục đích xiết chặt liên kết giữa ĐBSCL với Hà Nội, một số tỉnh phía bắc như Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang… để hỗ trợ liên kết phát triển thương mại du lịch, Hội nghị cũng nhằm vận động các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tài trợ kinh phí thực hiện an sinh xã hội, đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh đang chịu hậu quả thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.


Số lượt đọc: 2992
Thông báo