Trong hai năm, các Trung tâm xúc tiến trong khu vực đã tổ chức và tham gia khoảng 30 Hội nghị kết nối, khoảng 40 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề thuế, hải quan, lao động, giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, vv.....; tổ chức và cử cán bộ tham dự 106 khoá tập huấn liên quan đến kỹ năng trong kinh doanh, tiếp thị, kỹ năng xúc tiến đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư....; tổ chức và phối hợp tổ chức 75 Diễn đàn/Hội nghị về thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng, những thông tin mới về yêu cầu của thị trường quốc tế. Các Diễn đàn / Hội Nghị mang tầm vóc khu vực như Diễn đàn xuất khẩu, Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nhật, Diễn đàn xúc tiến đầu tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ....
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, các Trung tâm đã tổ chức thực hiện 317 chương trình xúc tiến nội địa như: 163 Phiên chợ hàng Việt về các khu chế xuất – khu công nghiệp và vùng ngoại thành, nông thôn, hơn 150 Chuyến hàng về nông thôn, Tuần hàng Việt, và nhiều đợt Bán hàng Bình ổn thị trường phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho công nhân, bà con nông dân ở cả khu vực vùng sâu, vùng xa…Kết quả hoạt động thiết thực trên đã hỗ trợ rất nhiều cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sản xuất, tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong thời gian qua, chương trình hợp tác xúc tiến thương mại- đầu tư của các địa phương trong vùng chưa thật sự đi vào chiều sâu, các địa phương chưa hiểu biết nhiều về nhau. Vì thế công tác xúc tiến rất rời rạc, mạnh ai nấy làm mà chưa có sự phối hợp.
Ví như, khi đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, các vị Đại Sứ, Thám tán thương mại than thở về việc, có khi trong tháng phải bố trí, tổ chức đến 15 cuộc xúc tiến thượng mại-đầu tư cho nhiều địa phương trong nước. Các vị này cho biết, không phải họ nề hà mà vì tổ chức dày đặc, chồng chéo như thế thì không thể mời được quan chức hay doanh nghiệp sở tại tham dự, các cuộc xúc tiến sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trước những hạn chế đó, ông Khoa đề nghị 21 tỉnh thành không chỉ liên kết với nhau qua website mà còn phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung theo hướng giới thiệu tiềm năng thế mạnh đặc thù của mình, trên cơ sở đó cùng quảng bá lẫn nhau. Trong xúc tiến nước ngoài các địa phương cũng cần có sự phối hợp, có thể kết hợp cùng thực hiện các cuộc xúc tiến, vừa giảm bớt chi phí, vừa thu hút được đối tác tham gia.