BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Phía Nam
Cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp tại Cần Thơ
Thứ Năm, 29/10/2015 03:29
Cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp tại Cần Thơ

Có vị trí đầu mối giao thông quan trọng cả về đường sông, đường bộ, đường biển và đường hàng không, thông thương với cả vùng, TP. Cần Thơ được xem là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cải thiện mạnh cơ sở hạ tầng

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp (KCX-KCN) Cần Thơ, tính đến nay, các KCN Cần Thơ có 220 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,957 tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện là 866,156 triệu USD, chiếm 44,25% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong đó, có 198 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1,737 tỷ USD.  Số còn lại là cacác dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tổng vốn đăng ký 198,338 triệu USD.

Trong 8 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN Cần Thơ là 1,034 tỷ USD. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 824,6 triệu USD, dịch vụ- thương mại đạt 209,7 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 384,9 triệu USD.

Cũng có khoảng 30.711 lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Trong thời gian gần đây, kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong các KCN Cần Thơ đã được tăng cường hoàn thiện, nhằm phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN trên địa bàn.

Mới đây, vào ngày 8/8/2015, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đón chuyến tàu đầu tiên vào cảng Tân Cảng - Thốt Nốt (KCN Thốt Nốt). Có qui mô 70 m cầu cảng, tiếp nhận tàu 2.000 tấn và 1 bến sà lan 1.000 tấn, bãi chứa hàng container- hàng tổng hợp có diện tích 1,1 ha, cảng Tân  Cảng - Thốt Nốt  đảm nhiệm vai trò thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa, xếp đỡ container hàng xuất nhập khẩu, trọng tâm là ngành hàng gạo, thủy sản, thức ăn gia súc của TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận như An Giang, Đồng Tháp. Cảng Tân Cảng - Thốt Nốt đi vào hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp thông qua việc gia tăng sản lượng hàng hóa, container thông qua các cảng, giảm thiểu chi phí logistics, giảm thiểu thời gian vận chuyển hàng hóa, đảm bảo chất lượng dịch vụ…

Cũng trong đầu tháng 8 vừa qua, Nhà máy xử lý nước thải KCN Trà Nóc giai đoạn 1, công suất 6.000 m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động tại KCN Trà Nóc 2. Nhà máy có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải cho KCN Trà Nóc 1 và KCN Trà Nóc 2, với tổng vốn đầu tư là 141 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư. Trước đó, Nhà máy xử lý nước thải KCN Thốt Nốt giai đoạn 1, công suất 2.500 m3/ngày đêm cũng đã vận hành vào tháng 1/2014.

Để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn thành phố, bên cạnh việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Ban quản lý các KCX - KCN Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, chuẩn bị quỹ “đất sạch” sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư.

Lợi thế “tiền sông, hậu lộ”

Là thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng, giữ vị trí đầu mối giao thông quan trọng cả về đường sông, đường bộ, đường biển và đường hàng không, thông thương cả vùng ĐBSCL và trong nước. Đây cũng là thành phố giàu tiềm năng, giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng, là động lực phát triển của vùng ĐBSCL.

TP. Cần Thơ đang tập trung xây dựng và phát triển để trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y  tế và văn hóa. Trong thời gian qua, TP. Cần Thơ đã được tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong vùng ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông - vận tải.

Những công trình trọng điểm quốc gia đã và đang được đầu tư trên địa bàn như sân bay quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, tuyến đường Nam sông Hậu, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn… đang tạo động lực cho nơi đây phát triển, trở thành trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL, mở ra cơ hội lớn trong thu hút đầu tư.

Thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, những năm qua TP. Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, thành phố đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch.

Hiện TP. Cần Thơ có 8 KCN  tập trung gồm Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B, Thốt Nốt, Ô Môn và Bắc Ô Môn được quy hoạch xây dựng bám theo tuyến sông Hậu, nằm ven trục quốc lộ 91 và tuyến đường Nam sông Hậu thuộc địa bàn các quận: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt, với tổng diện tích trên 2.296 ha. Các KCN này được xem là có vị trị “đắc địa” trong vùng ĐBSCL với lợi thế “tiền sông, hậu lộ”, tiếp giáp hai mặt tiền giao thông thủy và bộ, nằm ở trung tâm vùng nguyên liệu nông thủy sản, lại dễ dàng tiếp cận hệ thống cảng sông, cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng ĐBSCL.

KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 tọa lạc tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy và phường Phước Thới, quận Ô Môn, có tổng diện tích 300 ha tới nay đã cơ bản được lấp đầy.

KCN Hưng Phú 1 (262 ha), KCN Hưng Phú 2A (134 ha) và Hưng Phú 2B (67 ha), tọa lạc tại địa bàn quận Cái Răng, cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 4 km về phía Đông Nam. Các KCN này có khu cảng biển Cái Cui và kho chứa hàng, tiếp nhận được tàu từ 10.000- 20.000 tấn, được trang bị đầy đủ các hệ thống thiệt bị bóc dỡ và dịch vụ cảng hiện đại. Đường giao thông nội bộ đồng bộ, hiện tại có lộ giới 20 - 35m, tải trọng lớn, nối trực tiếp tuyến đường Nam sông Hậu, cách quốc lộ 1A chưa đầy 2 km. Tại đây đã sẵn sàng cơ sở hạ tầng điện, nước sạch, viễn thông nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của doanh nghiệp.

KCN Thốt Nốt có diện tích 600 ha, thuộc địa bàn phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, cách trung tâm TP. Cần Thơ 60 km, nằm cạnh quốc lộ 91 ở phía Nam, phía Bắc cặp sông Hậu, thuận tiện về giao thông thủy bộ. Là nơi tiếp giáp giữa các địa phương sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP. Cần Thơ nên KCN Thốt Nốt nằm trên vùng trồng nguyên liệu nông thủy sản dồi dào, nhất là lúa gạo, cá tra, basa. Các ngành nghề thu hút đầu tư chủ yếu: chế biến nông, thủy sản, xay xát và các ngành cơ khí chế tạo phục vụ nông nghiệp nông thôn gắn với phát triển đô thị.

KCN Ô Môn có diện tích 600 ha, nằm trên địa bàn phường Phước Thới, quận Ô Môn, hiện đang lập quy hoạch tỷ lệ 1/ 2.000 KCN Bắc Ô Môn có diện tích 400 ha, ở quận Ô Môn, cũng đang xin chủ trương quy hoạch lại theo địa điểm mới do điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Cần Thơ.

Hoàng Nghị
Số lượt đọc: 3796
Thông báo